Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Nghe nhạc Nguyễn Văn Đông - Trần Thiện Thanh


T rong hàng tá nhạc sĩ mà tôi thích nghe. Nhiều lúc thống kê thích nghe nhạc ai nhất thật là khó. Từ Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Nguyên Vũ, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Giác... chắc mình chỉ chọn ra hai người đó là Trần Thiện Thanh và Nguyễn Văn Đông. Hai nhạc sĩ viết về đời lính rất nhiều.
Trần Thiện Thanh làm tôi yêu nhất vì những bài hát về những người lính đã tử trận. Đời người ta phù thịnh, mấy ai phù suy. Những nhạc sĩ bên kia chiến tuyến thi nhau tôn vinh những người đang sống thì phía bên này với tấm lòng nặng trĩu nỗi đau , đồng cảm với thân nhân người tử trận. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vắt những nỗi đau, niềm nhớ tạo thành những nốt nhạc bi hùng để chia sẻ với chiến hữu và thân nhân người tử trận. Dòng nhạc tiễn biệt người đi không bao giờ trở lại là dấu ấn đặc biệt nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Phải có một tấm lòng tinh tế để thấu hiểu nỗi đau của người khác lắm, phải có sự rung cảm từ đáy lòng lắm mới có những lời ca như lời ai điếu sâu sắc như vậy.
Ngày anh đi
anh đi từ tổ ấm
Anh ơi
Địa danh nào thiếu dấu chân anh.
Đợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ
Tấm khăn sô
Bơ vơ, người goá phụ cầu được sống trong mơ.
Giữa cuộc chiến tranh khốc liệt, dằng dai. Lúc mà chỉ có người chiến thắng, người lập chiến công hiển hách được tôn thờ, ca ngợi. Trần Thiện Thanh lặng lẽ đi vào khoảng sau lưng người lính đã ngã. Tổ ấm, đứa bé thơ, người goá phụ. Những hình ảnh mà khó bao giờ chúng ta thấy ở những nơi mà không có tự do sáng tác, nơi mà mọi tình cảm con người đều được định hướng như một phép toán học.
Anh không chết đâu anh
Anh chỉ về với mẹ mong con.
Có lời an ủi nào cho người lính đã chết thống thiết và nhân văn hơn những lời giản dị ấy. Anh chỉ về với mẹ mong con. Chỉ một câu ngắn vài từ mà Trần Thiện Thanh đã vẽ được cả một cuộc tử ly, chua xót và đau đớn của cả một thế hệ, một dân tộc mà đọc qua tưởng rất nhẹ nhàng.
Xin trăm năm như vì sao sáng đó
Hỡi người định mệnh là vì sao lẻ
......
Một áo quan đóng vội
Một chuyến cuối phiêu du.
Rất cố gắng để tìm kiếm ngôn từ, để mỗi người lính ngã xuống trong nhạc phẩm của mình được chia sẻ khác nhau, không trùng lặp. Trần Thiện Thanh trân trọng những người đã khuất với cách cẩn trọng tìm tòi ngôn từ để mỗi người được một bài ai điếu khác nhau, không rập khuân chung chung. Cách làm ấy chỉ có một tấm lòng tha thiết, nhân văn cực sâu thẳm mới kiên nhẫn làm được. Nhưng trong mỗi số phận riêng, lời ca riêng ấy đều có một điểm chung là lời an ủi rất nhẹ nhàng mà thắm thiết đến ngàn đời sau.
Người lính của Nguyễn Văn Đông thường là những người lính phảng phất bóng dáng của người tráng sĩ trong truyện kiếm hiệp. Đầy vẻ oai hùng, bi tráng của những cuộc chia ly. Người đi biên giới xa xăm gió bụi, người ở lại chốn khuê phòng nhung nhớ dõi theo. Hàng loạt tác phẩm của mình như Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lời Giã Biệt, Chiều Mưa Biên Giới, Anh, Xin Đừng Trách Anh...luôn có vẻ lãng mạn của người thư sinh vì non nước binh đao phải băng mình vào chiến tuyến xa xôi, khói lửa. Lời ca của Nguyễn Văn Đông đẹp như câu chuyện. Nếu câu chuyện của Trần Thiện Thanh là lời ai điếu không ai có thể nặng ân tình hơn thì câu chuyện của Nguyễn Văn Đông cũng là lời giã biệt, lời chia tay không ai có thể viết buồn lắng đọng và thấm thía hơn.
Người đi giúp núi sông
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Người người quyết giữ câu thề
Dành lấy quê hương
Hỡi người anh thương
Chưa trọn thề ước
Nhưng tình đất nước
Ôi lớn lao sao đành...
Người lính của Nguyễn Văn Đông có tình yêu sâu nặng, nhưng ý thức trách nhiệm với đất nước vô cùng. Ý thức được nghĩa vụ làm người trai đất nước lúc tổ quốc lâm nguy, gói hạnh phúc riêng làm hành trang đi vào cuộc chiến. Chia ly đi vào hòn tên, mũi đạn thập phần sinh tử mà luôn ước mơ ngày về giản dị, nhẹ nhàng.
Hẹn một ngày mai đàn thay tay súng
Người lính thất hứa và hay quên
Mang chiếc áo cưới nhờ thêu thêm
Một câu hứa "anh đền"
Không cần chiến công vang dội, không cần chiến thắng huy hoàng. Không có lời hứa hẹn giết thật nhiều giặc. Cái cao cả và nhân văn của Nguyễn Văn Đông hơn người ở chỗ đó. Người lính của Nguyễn Văn Đông chỉ mong mỏi cuộc chiến qua nhanh để trở về với ước mơ giản dị, khiêm nhường như thế, chẳng cần huân huy chương, chẳng cần cờ hoa vẫy gọi. Vì sao vậy, vì Nguyễn Văn Đông hiểu rằng đằng sau những chiến công là xác chết, dù người chết có là kẻ thù đi nữa thì cũng là điều mà người nhạc sĩ nhân ái khó lòng ca ngợi. Nhất là những người lính hai bên chiến tuyến cùng chung dòng máu, dân tộc.
Bao ước mơ
Giữa khung trời phiêu lãng
Chờ mùa xuân tươi sáng
Nhưng mùa thắm chưa sang.
Thế thôi, chẳng phải lên gân, cao giọng đầy tính chiến đấu của cái gọi là đấu tranh giai cấp. Tất cả chỉ gói lại là một mùa xuân tươi sáng cho đất nước chung, để niềm hạnh phúc riêng được hoà trong đó. Chỉ là khắc khoải rất nhân bản của một ước mơ rất tình người, không phải chiến công lẫy lừng để về khoe mẽ với người yêu. Người lính của Nguyễn Văn Đông đi vào cuộc chiến với tâm trạng rất buồn, dường như họ hiểu đây là một cuộc tương tàn giữa anh em, chả phải là hào hùng gì để mà tìm kiếm chiến công, huân chương, thành tích. Thậm chí Nguyễn Văn Đông còn tỏ ý khinh thường những thứ phù phiếm đó trong nhạc phẩm bất hủ Chiều Mưa Biên Giới. Như một lời cảnh báo, nhắc nhở cho những ai coi chiến tranh là cơ hội để tìm kiếm công danh.
Lòng trần còn tơ vương khanh tước
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều... anh... ơi.
Nhưng yêu mến hơn cả ở hai người nhạc sĩ tài hoa này, là những người phụ nữ, những người hậu phương của họ đều có tấm lòng son sắt, cảm thông và thương yêu, chia sẻ với những người lính đi vào cuộc chiến tương tàn, khốc liệt. Nhất là ngày nay, trong một xã hội điên loạn với những cuộc tình sặc mùi tiền, nhục dục. Một xã hội mà khó tìm đâu thấy những tình yêu đến với nhau vì lý tưởng, vì tấm lòng, vì suy tư trong mỗi con người. Chúng ta thử nhìn quanh và hỏi, còn đâu hòn Vọng Phu trong cuộc đời này nữa. Mọi điều chỉ có trong sách xa xưa như cổ tích. Những cuộc tình chóng vánh sớm tan tành để hối hả đi kiếm tìm bạn tình khác. Người ta sợ cô đơn, người ta muốn sống gấp. Người ta muốn được chăm sóc, được đưa đón...
Tất nhiên sẽ còn nhiều người phụ nữ chờ chồng, nhiều cô gái chờ người yêu đi xa.
Nhưng chờ người yêu là chàng trai bị kết án tù thì quả là một điều không dễ. Chờ chàng du học, chờ chàng đi làm ăn hứa hẹn tương lai tươi sáng thì có thể thấy. Nhưng chờ người yêu đang bị kết án tù, bị báo chí của chính quyền xỉ nhục. Chờ chàng trai nghèo không còn bố mẹ, gia sản chỉ là căn nhà nát ở quê, tương lai là bản án tù khắc nghiệt vì "thu thập tin tức của dân oan để tuyền truyền nói xấu chính quyền". Tương lai của chàng trai lúc ra tù còn là những chế tài kiềm kẹp và những cái thâm hiểm không nằm trong luật mà ở trong lệ.

Hôm nay tôi thấy đời thật đẹp. Đẹp vì hôm nay tôi cảm nhận được ý nghĩa, cái tình của những nhạc sĩ đầy lòng trắc ẩn với tha nhân. Đẹp vì tôi gặp được người con gái tốt nghiệp đại học văn khoa, giã từ phố phường hoa lệ với công việc nhàn nhã thu nhập cao ,trở về mảnh ruộng, miếng vườn quê sống cuộc đời thanh bạch chờ đợi người yêu sẽ về từ ngục tối.
Cô gái đeo kinh trắng đứng bên trái là người yêu của Lê Văn Sơn. Sơn chính là người mới hôm qua báo công an miêu tả là một kẻ ngoan cố không chịu nhận tội trong vụ án mười mấy thanh niên Công Giáo bị bắt hồi năm ngoái.
Cả gia đình cô từ bố mẹ, anh chị đều hiểu việc làm của người yêu cô. Ông bố cô nói với tôi chắc nịch.
Thằng Sơn là người tốt.
Một người tù mà có người yêu và gia đình người yêu nghĩ về mình như thế. Ngàn lần không thể là người xấu. Một người sắp bị kết án tù mà vẫn có người yêu đợi chờ mình như thế, không phải là người đáng trân trọng hay sao.
Tôi không muốn đập lại bài báo thay toà kết tội trước, những loại bài chứa đựng sự hiểm ác, hằn học đó hãy kệ chúng chết đi bởi tính vô nhân mà chúng đội nặng trên đầu. Tôi chỉ muốn đưa lời ca nhân ái của những nhạc sĩ tài hoa, đưa hình ảnh người con gái trung trinh chờ đợi người yêu trong một xã hội điên đảo như bây giờ. Để mọi người phán xét.
Chẳng ai muốn mình vào tù, nhưng nếu biết rằng mình phải chịu cảnh tù đầy. Mà có người con gái yêu thương mình đến thế, ai mà chả ước mơ phải không.
Nhưng chắc chắn để có được điều đó, bạn phải là người không tầm thường, nhất là về mặt tâm hồn bạn phải đẹp, cao thượng, dũng cảm, nhân ái.
Xin cho tình yêu của đôi bạn trẻ này sớm qua những ngày ly biệt. Xin cho một mùa xuân tươi sáng đến nhanh trên đất nước đầy rẫy những người đi lớp lớp vì non sông, đất nước để mong mang về một mùa thắm trên quê hương.



Người Buôn Gió


Vài dòng nghĩ vội khi nhận được tin Paulus Lê Sơn, thằng em trong tù

Vài dòng nghĩ vội khi nhận được tin Paulus Lê Sơn, thằng em trong tù

Nếu cứ “có quan hệ mật thiết” với những người nhà nước không ưa thì bị bắt vào tù, vậy tôi báo với Báo công an Hồ Chí Minh rằng cần bắt ngay Nông Đức Mạnh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, thậm chí truy tố luôn Võ Văn Kiệt… và một số nhân vật cộng sản đã “có quan hệ mật thiết” với Cù Huy Hà Vũ – một tù nhân đang thụ án tại Trại giam Số 5 – Thanh Hóa.
Cái lối cứ nhét tội vào mồm người khác, gán ghép tội rồi kết tội một cách tự nhiên không cần tòa án, vẫn là cách làm xưa nay của báo chí cộng sản chỉ nhằm mục đích tuyên truyền bịp bợm.
Nhưng cách làm đó đã là quá khứ,đã quá lạc hậu với thời cuộc khi thông tin đa chiều ngày càng rộng mở.


Hơn một năm, kể từ ngày 3/8/2011, Sơn gọi điện thoại cho tôi bị đứt quãng giữa chừng vì bị bắt và đưa đi biệt tích. Thế rồi sau đó biết em đi tù mà không có tin tức gì về em. Mẹ em chết, tôi vào viếng cũng không thấy em được về. Ông ngoại, cậu gì và mọi người đỏ mắt nức nở chờ em về nhìn mặt mẹ lần cuối cũng không được.
Thế rồi hôm nay chính thức nhận được tin thằng em qua một bài viết “tuyệt vời” – theo nghĩa đảo ngược vừa ngu vừa bịa đặt của báo Công an Hồ Chí Minh.
Bài báo trên tờ Công an Tp Hồ Chí Minh
Phải công nhận trình độ hài hước của tờ báo này có hạng, Xuân Hinh chưa là cái gì nhé. Coi chừng cả Vua hề Sác lơ cũng chuẩn bị về vườn với lũ này. Thậm chí về trình độ cùn thì Chí Phèo cùng phải gọi tờ báo này bằng cụ nội.
Bài báo trên viết: “Lê Văn Sơn, quê Thanh Hóa là đối tượng có quan hệ mật thiết với nhóm đối tượng chống đối nhà nước như Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân và một số tu sĩ cực đoan. Vì thế, Sơn thường xuyên thu thập tin tức về khiếu kiện, việc đấu tranh của cơ quan công an với các đối tượng chống đối, các vấn đề bức xúc, nhạy cảm để phục vụ hoạt động tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam. Trở thành thành viên nhóm “doanh nhân trí thức cộng hòa” do Quân phụ trách, Sơn đã tham gia 2 lớp huấn luyện về kỹ năng truyền thông công giáo. Từ ngày 12 đến 13-7-2011, Sơn sang Thái Lan tham gia khóa huấn luyện “Quang Trung 711”. Khi bị bắt, Sơn tỏ ra ngoan cố, liên tục quanh co, chối tội.”
Đọc đến đây, thấy cách kết tội của tờ báo này thật nực cười. Đọc đi đọc lại mãi tôi vẫn không rõ Lê Văn Sơn có tội gì trong Nhà nước Pháp quyền XHCN có nền dân chủ “gấp vạn lần dân chủ tư sản” này.
Thử phân tích vài dòng đúng theo quan điểm pháp luật của nhà nước CHXHCN Việt Nam hẳn hoi xem nhé: “Lê Văn Sơn thu thập các tin tức về khiếu kiện, việc đấu tranh của cơ quan công an với các đối tượng chống đối, các vấn đề bức xúc, nhạy cảm để phục vụ hoạt động tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam”.

Mẹ Paulus Lê Sơn chết sau khi mòn mỏi trông chờ đứa con duy nhất trong tù
Đọc đến đây, không thể không đặt ra một loạt câu hỏi: Kể cả là trường hợp Lê Văn Sơn có thu thập thông tin như tờ báo kia nói lên đi chăng nữa, thì Sơn có tội gì?Trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, đã có văn bản nào của nhà nước cấm thu thập các thông tin loại nào và loại nào được thu thập chưa? Thế nào là nhạy cảm? Văn bản nào quy định cái gì là nhạy cảm? Những cô người mẫu, hoa hậu bán dâm, hàng mấy trăm tờ báo đưa tin những vụ việc về sex, về giới tính, về các hoạt động tình ái từ tuổi học trò đến cụ già hiếp dâm cháu nhỏ, từ thầy giáo mua dâm đến Chủ tịch Tỉnh, bí thư đảng mua dâm có gọi là “nhạy cảm” không? Những hình ảnh hở hang đùi vú, cảnh hôn hít, giường chiếu và tội phạm nhan nhản trên mặt báo nhà nước có phải là “nhạy cảm” không? Những cô gái mới nứt mắt đã làm chuyện người lớn quay rồi quay phim lại, bị tung lên mạng được Đài THVN đưa lên khóc lóc than thở “em không có tội” có là nhạy cảm?
Việc đấu tranh của các cơ quan công an với các đối tượng có phải là điều cấm thu thập thông tin hay không? Vì lý do gì? Có phải cấm thu thập thông tin chỉ vì có quá nhiều công dân tự nhiên đang khỏe mạnh yêu đời lại thích vào đồn công an để tự tử?.
Nếu không, thì Lê Văn Sơn không thể bị kết tội vì thu thập thông tin.
Tờ báo cho rằng việc thu thập thôngtin là “để phục vụ hoạt động tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam”. Một tờ báo của ngành công an, mà đã nhầm lẫn giữa “tuyên truyền” với “phục vụ tuyên truyền” thì đây là sự nhầm lẫn hay cố ý? Vì đó là hai nội dung hoàn toàn khác nhau.

Những người đàn ông này rất có thể bị bắt vì rất dễ bị phát hiện có thu thập và mang theo “dụng cụ phục vụ mục đích hiếp dâm”. Hình minh họa
Giả sử công an bắt được một người đàn ông nào đó, có cái “Tự do” (dương vật – hiểu theo nghĩa của Trung tá Vũ Văn Hiến, CAHCM) hẳn hoi, liệu có thể kết tội người đó là “đã thu thập, mang theo dụng cụ phục vụ mục đích hiếp dâm” hay không?
Việc thu thập thông tin là quyền của mỗi người, chỉ khốn nạn cho mấy anh nhà báo công an không chịu “thu thập thông tin” mà cứ ngồi nghe chỉ thị rồi bịa đặt viết bừa thôi. Còn thu thập thông tin không thể là có tội. Pháp luật đảm bảo cho công dân được quyền tự do thông tin.
Một điểm khác, bài báo viết rằng Lê Văn Sơn“có quan hệ mật thiết với nhóm đối tượng chống đối nhà nước như Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân và một số tu sĩ cực đoan”.
Vậy thì: Giả sử có các tu sĩ cực đoan, giả sử Lê Quốc Quân có tội thì ở Việt Nam cứ có quan hệ mật thiết là có tội hay sao? Pháp luật có văn bản, điều luật nào cấm công dân có quan hệ mật thiết với nhau hay không? Tại sao pháp luật quy định tội ai làm người đó chịu?
Nếu cứ “có quan hệ mật thiết” với những người nhà nước không ưa thì bị bắt vào tù, vậy tôi báo với Báo công an Hồ Chí Minh rằng cần bắt ngay Nông Đức Mạnh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, thậm chí truy tố luôn Võ Văn Kiệt… và một số nhân vật cộng sản đã “có quan hệ mật thiết” với Cù Huy Hà Vũ – một tù nhân đang thụ án tại Trại giam Số 5 – Thanh Hóa.

Một cảnh Paulus Lê Sơn bị bắt vô lý
Đấy là chưa kể tờ báo này công khai kết tội, vu cáo người khác là “đối tượng chống đối nhà nước” hoặc “tu sĩ cực đoan” hết sức vô căn cứ khi các công dân Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân vẫn tự do ở nhà mình, vẫn là công dân nước CHXNCNVN. Sao nhà nước này hiền lành đến thế nhỉ? Chống đối nhà nước mà vẫn cứ như không? Trong khi chẳng ai lạ gì cái gọi là pháp luật trong nhà nước cộng sản sẽ đối xử với những người được chụp cho cái mũ “chống đối nhà nước” như thế nào.

Còn tu sĩ cực đoan là những ông nào mà không bắt bỏ tù, các tu sĩ cực đoan này đã ném mìn, ném cứt vào nhà người khác cả đêm chưa? Đã bao vây tu viện nhà thờ đòi giết người hoặc xông vào nhà thờ phá phách chưa, đã cho côn đồ chém thằng nào chưa?
Nếu nói đến tu sĩ cực đoan, phải là các ông linh mục, tu sĩ, nhà sư đã từng theo chân cộng sản, biến nhà thờ thành chỗ chế bom xăng như linh mục Phan Khắc Từ hoặc ông nhà sư Thích Quảng Đức tẩm xăng tự thiêu mới là cực đoan chứ? Tiếc thay, những tu sĩ cực đoan này nhà nước ta lại tỏ ra rất ưu ái và rất trọng dụng, vì đã “đúng ý đảng, lòng nhà nước”.
Tiếp theo, bài báo viết rằng Lê Văn Sơn đã “Trở thành thành viên nhóm “doanh nhân trí thức cộng hòa” do Quân phụ trách, Sơn đã tham gia 2 lớp huấn luyện về kỹ năng truyền thông công giáo”.
Khốn nạn, đọc đến đây không thể kìm được lời chửi tục. Cái nhóm “doanh nhân trí thức cộng hòa” do Quân phụ trách là cái nhóm nào vậy ta? Tôi thì chỉ biết Lê Quốc Quân trước đây tham gia nhóm “Doanh nhân Trí thức Công giáo” mà thôi. Lưu ý báo Công an Hồ Chí Minh nhé: CÔNG GIÁO khác với CỘNG HÒA nhé. Bịa đặt, xuyên tạc hay cố tình giả vờ ngu? Hay đây là kết quả nhãn tiền việc không chịu “thu thập thông tin” của báo CAHCM?
Việc tham gia lớp kỹ năng truyền thông Công giáo ai coi là có tội? Căn cứ pháp luật nào để kết tội việc tham gia? Giả sử Sơn có tham gia chế bom, nổ mìn, bắn súng, bắt cóc giết người bất chấp luật pháp như các chiến sĩ biệt động thành ngày xưa thì sợ chứ tham gia lớp kỹ năng về Truyền thông công giáo thì có tội gì?
Hay chỉ vì Truyền thông công giáo không đúng định hướng là dạy người ta bịa đặt, bóp méo vu cáo, xuyên tạc như báo công an nên tham gia là có tội?
Trong tất cả thông tin, tôi đọc và yên tâm được một điều được viết trên tờ báo này: “Khi bị bắt, Sơn tỏ ra ngoan cố, liên tục quanh co, chối tội.”Như vậy, đọc những lời này thì cần phải hiểu rằng thằng cu này thế mà được, kiên cường. Không có tội lấy gì mà nhận, mà chẳng được phong cho là “chối tội”?Thật không hổ danh khi nó vẫn khẳng định và tự hào rằng, nó là con cháu Thánh tử đạo Paulus Lê Bảo Tịnh.
Cái lối cứ nhét tội vào mồm người khác, gán ghép tội rồi kết tội một cách tự nhiên không cần tòa án, vẫn là cách làm xưa nay của báo chí cộng sản chỉ nhằm mục đích tuyên truyền bịp bợm.
Nhưng cách làm đó đã là quá khứ,đã quá lạc hậu với thời cuộc khi thông tin đa chiều ngày càng rộng mở.
Và cái rộng mở hơn là đầu óc người dân đã không còn u mê như những ngày xưa, khi mà cứ chụp lên bức màn sắt thì có thể hò hét “Trăng Trung Quốc tròn hơn Trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên xô tốt hơn Đồng hồ Thụy sĩ” là mọi người cứ thế tin theo.
Càng đọc những bài báo dạng này, càng thấy một điều là não trạng của những nhà báo cộng sản vẫn thế, vẫn nói lấy được, vẫn leo lẻo “nhà nước pháp quyền, pháp luật” nhưng nhổ xong lại liếm là điều bình thường. Tiếc cho họ rằng thời buổi đã khác.
Muộn mất rồi và lạc hậu mất rồi mấy ông làm báo Công an Hồ Chí Minh ơi.
Hà Nội, ngày 15/10/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: nuvuongcongly.net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét