Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

NGHĨ VỀ CHO VÀ NHẬN TRONG MÙA GIÁNG SINH



giangsinh-meryTrong đời sống hằng ngày, cho để nhận là một chuyện rất bình thường trong mọi sự trao đổi lẫn nhau. Tôi trả tiền, tôi nhận món hàng.
Vậy, cho để nhận là một quy luật tự nhiên hay còn là một nguyên tắc đạo đức?
Và là một hành động tự nguyện, bất vụ lợi, xuất phát từ lòng thương người?

Một nguyên tắc tư bản: cho để nhận
“Anh hay chị hãy cho tôi những gì tôi cần và anh hay chị sẽ nhận được những gì anh hay chị cần”. Ðó là nguyên tắc cho để nhận (give-and-take hay donnant-donnant)của xã hội tư bản.
Cho cũng có nghĩa là bán cho. Vô tiệm ăn mình thường gọi: “cho tôi một ly cà phê sữa đá”.
Và tôi đưa cho anh 3$, tôi nhận một ly cà phê sửa đá: tiền trao cháo múc!
Nghĩ rộng ra, nguyên tắc trên cũng có thể đem áp dụng vào cho cá nhân mỗi người.
Người mẹ cho con bú để nó sống và dạy dỗ con khi nó lớn khôn, đó là món quà của tình mẫu tử, bên cho bên nhận… Và hạnh phúc của con cũng chính là hạnh phúc của mẹ, bên cho bên nhận (cycle du don).
Trong mối tương quan thực tế giữa con người với nhau, tiền bạc là biểu tượng để mọi người có thể trao đổi hàng hoá và dịch vụ lẫn nhau.

Cho hay đổi chác và tặng
Cho để nhận, là nguyên tắc của mọi sự đổi chác.
Trong xã hội ngày nay, muốn sống với người khác thì cần phải có sự đổi chác qua lại.
Ðôi khi cho cũng có thể là một hành động bất vụ lợi phát sinh từ lòng bác ái thương người.
Tặng, đúng nghĩa ra là cho mà không đòi hỏi phải có sự đền đáp hay trả ơn gì cả.

Cho để nhận, một nguyên tắc trong mối giao tiếp xã-hội
Phong tục Việt Nam có câu “bánh ích đi bánh quy lại” nghĩa là có qua có lại, bữa nay tôi cho anh chị thì mai anh hay chị cho tôi lại, vậy mới toại lòng đôi bên…
Ðó là phép xử thế lịch sự trong xã hội hiện đại để mọi người đều được vui vẻ với nhau!
Cho tiền bạc hay của cải vật chất, cho công sức hay sự ân cần săn sóc cũng có thể với dụng ý lợi dụng để tạo cảm tình hay để củng cố chức vụ địa vị hay việc làm lâu dài hoặc để tìm ân huệ sau nầy, vân vân và vân vân.
Có khi cho ít mà lại nhận được nhiều.
Người đời thường ví von là “thả con tép bắt con tôm”!
Có người cho hay còn gọi là bố thí, có chủ tâm mong cầu được phước báo cho người thân hoặc cho chính bản thân mình để khi chết được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc…
Nhưng cho mà không mong cầu gì cả, có thể bị người ta lợi dụng chăng?
Và con người rất là phức tạp, cho một món quà không mấy đáng giá đôi khi còn có thể bị hiểu lầm nầy nọ, vân vân.
Có người làm ăn lươn lẹo, chôm chỉa nhiều quá, cho bớt đi để được nhẹ tội với lương tâm và cũng để chứng tỏ mình là người hào phóng (?).
Có người cho hầu để được giảm thuế cuối năm…
Có người cho để lấy tiếng…
Có người cho vì bị ép buộc hay sợ người ta trù ẻo làm khó dễ hoặc sợ người ta trách mình keo kiệt, vân vân.
Tuy nhiên, cũng có người cho thực sự chỉ vì lòng vị tha bác ái và thương người nghèo khó, khốn khổ… Họ không mong đợi sự đền đáp, nhưng chắc chắn là họ nhận được niềm vui trong tinh thần rất nhiều.
Theo nhà nhân chủng học Marcel Mauss, chúng ta bắt buộc phải trả lễ lại mỗi khi chúng ta nhận được một món quà hay một sự giúp đỡ từ một người nào đó.
Nghiên cứu về phong tục tập quán của các bộ lạc thiểu số bán khai ở quần đảo Nam Dương và Tân Tây Lan, qua tản văn Essai sur le don (1923), giáo sư Marcel Mass cho biết tập tụcPotlatch (tập tục hệ thống quà biếu) được xem là vô cùng quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày hay trong những dịp lễ hội giữa các bộ lạc với nhau.
Mỗi khi một cá nhân hay một bộ lạc nhận được quà biếu thì họ bắt buộc phải trả lễ lại bằng một món quà khác có giá trị tương đương hay cao hơn món quà mà họ đã nhận được.
Món quà trả lễ có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: dụng cụ nhà bếp, bàn ghế, tiệc tùng ăn nhậu, nhảy múa, thậm chí có thể là phụ nữ và trẻ em, v.v.
Potlatch biểu tượng của sự hài hòa trong xã hội, cũng như quyền quy và sức mạnh của bộ lạc.
Người cho quyết định giá trị món quà mà họ đem biếu.
Phải chăng potlatch cũng là một nguyên tắc và là một nền tảng trong xã hội ngày nay của chúng ta?
Cũng như người ta chào mình, vì phép lịch sự bắt buộc mình phải chào lại họ dù không quen biết!
Theo cách suy nghĩ của nhiều người thì của biếu là của lo, của cho là của nợ!
Ðó là potlatch!
Hôm nay người ta đi đám cưới con mình, sang năm thì mình có bổn phận phải đi dự đám cưới của con họ để trả lễ lại!

Các tôn giáo nghĩ gì?
*/ Theo Thiên Chúa Giáo
Ðức Chúa Trời là đấng toàn năng, tạo ra mọi sự vật trên trời và dưới thế.
Chúa cho chúng ta sự sống đời đời.
Từ thiện được xây dựng từ lòng thương yêu bất vụ lợi không màng đến sự báo đáp hay nhận lại bất cứ điều gì cả. Cho xuất phát từ lòng thương yêu không giới hạn.
Kinh Thánh có nói “Cho sẽ mang đến cho ta nhiều hạnh phúc hơn nhận”
Act.20.35 Luc 14.12-14. « Il y a plus de bonheur à donner qu’à recevoir »
Công Giáo khuyên bảo tín đồ phải có trách nhiệm giúp đỡ người khốn khổ, kém may mắn.
«Giáo hội đã nhiều lần dạy bảo con cái mình rằng: giúp đỡ người nghèo và người kém may mắn là một trách nhiệm đặc biệt của người công giáo bởi vì họ là chi thể của Thân Thể Chúa Kitô. “Vì chính trong Thân Thể này chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa” như tông đồ Gioan cho chúng ta biết: đó là Ðức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được”(1 Jn 3: 16-17 cf. Mater et Magistra, # 159)» (ngưng trích-Br. Huynhquảng.Công Giáo Việt Nam)
Nghiên cứu tâm lý xã hội học gần đây cũng chứng minh lời nói trên của Kinh Thánh thì cho mang đến nhiều hạnh phúc hơn là nhận.
Người cho tiền của hay giúp đỡ người khác, thường cảm thấy mình được sung sướng và hạnh phúc hơn những người nhận tiền của hay nhận sự giúp đỡ.
Tuy vậy cũng có người còn nghi ngờ điều trên…Theo họ, sự khác biệt giữa người hảo tâm và người không có lòng hảo tâm được xuất phát từ lòng tin và thái độ của họ.
Có bốn động lực rõ rệt đã ảnh hưởng và nung đúc đến lòng hảo tâm của con người:
- đức tin vào tôn giáo;
- lòng bi quan không tin chánh phủ về mặt kinh tế;
- gia đình vững mạnh;
- đầu óc kinh doanh cá nhân.
The difference between givers and nongivers is found in their beliefs and behaviors. Four distinct forces emerge from the evidence that appear primarily responsible for making people charitable. These forces are religionskepticism about the government in economic lifestrong families, and personal entrepreneuris” (Arthur C.Brooks,Professor of public administration at Syracuse University’s Maxwell School of Citizenship and Public Affairs)

*Theo Phật Giáo
Cho hay còn gọi là bố thí, là một hạnh trong Phật Giáo.
Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát.
Sau đây tác giả xin tóm lược các điểm chánh trong bài Bố thí có mấy loại (Kinh Ðiển Phật Pháp) và Bố Thí Ba La Mật (Thích Trí Siêu).
Có 3 loại bố thí:
1-tài thí: bố thí tiền
2-pháp thí: bố thí pháp
3-vô úy thí: bố thí sự không sợ hãi
Ba loại bố thí vừa nêu trên được gọi chung là vật thí.
Khi nói đến bố thí, thì chúng ta phải nhận ra ba yếu tố tạo ra nó: người cho (năng thí), món đồ (vật thí) và người nhận (sở thí).
Ba yếu tố nầy rất quan trọng.
Nếu thiếu một trong ba yếu tố kể trên thì sẽ không có sự bố thí.
Có người cầm trong tay một món đồ muốn cho mà không có ai nhận thì không có sự bố thí.
Có món đồ mà không có người cho và người nhận thì cũng không có sự bố thí.
Có người sẵn sàng nhận đồ mà không có ai cho thì cũng không có sự bố thí.
Một sự bố thí được xem là trong sạch và đem lại phước báo vô lượng vô biên cần phải có ba yếu tố sau đây:
- người bố thí phải có tâm trong sạch;
- vật được thí phải chân chính;
- và người nhận phải được kính trọng tối đa.

Xin tri ân vòng tay nhân ái của thế giới tự do: cho-và-nhận
Người gõ xin mượn lời suy tư của nhà văn Phạm Tín An Ninh (định cư tại Na Uy) đã nói lên lòng biết ơn sâu xa của người thuyền nhân Việt Nam đối với thế giới tự do:“Họ là những kẻ xa lạ, không cùng màu da, màu tóc, không cùng ngôn ngữ, mà lòng thông cảm yêu thương họ đã dành cho chúng tôi lớn lao biết đến dường nào. Trong lúc những “người anh em” cùng một nhà thì lại hành hạ đuổi xô chúng tôi đến bước đường cùng để phải đành lòng bỏ nước mà đi” (ngưng trích-Cô con gái quá giang đêm mồng một Tết-Phạm Tín An Ninh)
Nhà thờ Công Giáo St Mary’s Parish & Nhà thờ Tin Lành Hillcrest United Church/PEI/Canada bảo trợ gia đình tác giả năm đầu tiên khi đặt chân đến Canada.
Và hình ảnh trên là hình ảnh kỷ niệm được ghi lại đêm Giáng Sinh đầu tiên của gia đình tác giả trên miền đất lạnh tình nồng nầy dưới sự tham dự của những người…không cùng màu da không cùng ngôn ngữ.
+Vượt thoát

+Bước chân Việt Nam

Gia đình tác giả theo đạo Phật nên từ trước tới giờ chưa bao giờ đi nhà thờ hay tổ chức lễ Giáng Sinh tại nhà…Trước 75, đêm Giáng Sinh thì chỉ biết đi vòng vòng khu nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn để xem thiên hạ đón mừng lễ Noel mà thôi.
Và đã 32 mùa Giáng Sinh trôi qua rồi!
Canada đã thật sự mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận và giúp đỡ tất cả mọi người dân tị nạn và những di dân khốn khổ, vân vân để họ có thể làm lại cuộc đời trong tự do, bình đẳng và nhứt là được quyền sống thật sự như một con người.
Cũng như tất cả các bậc cha mẹ di dân thuộc thế hệ thứ nhứt, người gõ rất sung sướng và rất tự hào là đầu cầu vững chắc cho những thế hệ con cháu nối tiếp tiến lên.
Và nay, thế hệ thứ ba cũng đang bắt đầu chập chững tiếp nối thế hệ ông, cha trong niềm lạc quan  và hy vọng tràn đầy.
Mong rằng chúng sẽ không bao giờ quên ơn Canada, quê hương thứ hai đã cưu mang, tận tình giúp đỡ cũng như đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng sống, ăn học và phát triển tài năng để trở thành những công dân hữu dụng trong một đất nước thật sự bình đẳng, tự do và dân chủ.
Ðó cũng là:cho-và-nhận!
Và sau cùng hy vọng rằng con cháu mình cũng sẽ vẫn không bao giờ quên cội nguồn của chúng là người Việt Nam!
Chanh Nguyen Thuong se fait communicateur auprès de la communauté vietnamienne
Par Rhonda Wilson, Affaires publiques, ACIA

Kết luận
Cho để làm gì?
Quả thật đây là một vấn đề rất phức tạp và khó giải nghĩa cho thỏa đáng được.
Tùy theo nguời, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo sự hiểu biết và đức tin tôn giáo mà có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau…
Tác giả xin mượn lời của thầy Thích Trí Siêu để nói lên sự phức tạp của ngôn-ngữ Việt Nam:
“…Tiếng Việt của ta rắc rối lắm, không phải dễ dàng đâu! Nếu không chú ý cẩn thận một chút là ta có thể gây phiền phức cho chính mình và cả người khác nữa.
Như ta đã thấy Bố thí gồm có nhiều nghĩa: cho, tặng, biếu, cúng dường, bố thí… ta tạm gọi tất cả những cái đó là Bố thí…” 
(ngưng trích-Thích Trí Siêu).
Tham khảo:
-Thích Trí Siêu. Bố Thí Ba La Mật

-Kinh Ðiển Phật Pháp. Bố thí có mấy loại

-Marcel Mauss (1923-1924). Essai sur le don. Forme et raison de l’échange dans les sociétésarchaïques

-James Randerson. The path to happiness:it is better to give than receive
-Thomas Fitzpatrick. It is better to give than to receice-No, really

-Br Huynh Quảng, Công Giáo Việt Nam. Nạn nghèo đói và lòng từ thiện.

Montreal, Giáng Sinh 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét