Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Độc tài của đám đông


– Nguyễn đạt Thịnh
Sau vô vàn khó khăn trong một cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày – bắt đầu ngày 25 tháng 01, và thành công ngày 11 tháng Hai 2011 – người Ai Cập mới vật ngã được nhà độc tài Hosni Mubarak, với cái giá khiếp đảm là 846 người biểu tình bị giết và 6,000 người bị thương.
Hàng triệu người thuộc mọi giới, mọi nghề, mọi tôn giáo đã chung sức, đã chấp nhận hy sinh để tạo ra cái kỳ công chính trị này. Họ say sưa với thành quả cuộc cách mạng dân tộc mà họ đổ rất nhiều máu, tốn rất nhiều công sức mới tạo ra được.

Bị hạ bệ, ông Mubarak còn bị truy tố về tội không ra lệnh chấm dứt cuộc tàn sát người biểu tình bất bạo động, và lãnh bản án chung thân tù giam. Bản án chung thân này sẽ không còn kéo dài bao lâu nữa, vì ông đã 85 tuổi, và đang bệnh nặng.
Dân tộc Ai Cập thoải mái trong bầu không khí chính trị tự do sau 30 năm sống dưới ách độc tài; họ nô nức kéo nhau đi bầu quốc hội lập hiến, không nghĩ đến thành quả đương nhiên của cuộc bầu cử này là một quốc hội với tuyệt đại đa số nghị sĩ, dân biểu, theo Hồi Giáo và thuộc đảng Huynh Đệ Hồi Giáo.
Hồi Giáo là quốc giáo của Ai Cập cũng như của nhiều nước Ả Rập khác, nhưng người Ai Cập lại không muốn một chính phủ nặng tính tôn giáo điều hành việc nước, căn cứ vào một bản hiến pháp quá gần với đạo pháp.
Toàn bộ dân biểu không theo đạo Hồi trong quốc hội lập hiến đứng dậy, bỏ họp để phản đối những người bạn đồng viện của họ bác bỏ những khoản hiến pháp bảo vệ quyền tự do cá nhân của công dân Ai Cập mà họ viết ra.
Nhưng con số những dân biểu tín đồ Hồi Giáo quá đông, nên túc số vẫn thừa để thông qua bản Hiến Pháp nặng tính đạo pháp. Bản hiến pháp này đang tạo tác dụng xé đôi dân tộc Ai Cập – một bên là những tín đồ Hồi Giáo thỏa mãn coi bản hiến pháp vừa soạn thảo là thành quả đương nhiên của 18 ngày họ đấu tranh tại công trường Tahrir; bên kia là những người Ai Cập không theo Hồi Giáo, bất mãn lên án tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi và các chính khách Hồi Giáo đã cướp công của họ.
Đạo sĩ Sheik Yasser Borhami, người nổi tiếng tích cực bênh vực thuyết “Hồi Giáo cầm quyền”, tuyên bố: “Tân hiến pháp không tạo ra một chính phủ dân chủ cực đoan với quyền hạn cấm đoán những điều Thượng Đế cho phép, và cho phép những điều Thượng Đế cấm đoán”.
Nói cách khác, Ai Cập sẽ sống trong luật pháp tôn giáo – quan niệm thoái hóa đã bị loại bỏ từ năm 1642 sau triều đại của Hồng Y Richelieu cai trị nước Pháp.
Chưa đầy 2 năm sau ngày cách mạng thành công, người Ai Cập lại kéo nhau ra công trường Tahrir đối diện với sức đàn áp của tân chính phủ Hồi Giáo của Tổng thống Morsi; trong những khẩu hiệu họ trương cao, có nhiều khẩu hiệu viết: “Morsi, cạo râu đi ông sẽ giống Mubarak”.
Công trường Tahrir, cái nôi cách mạng Ai Cập
Ngày 22 tháng 11, Tổng thống Morsi ký ban hành sắc lệnh tự cho mình quyền hạn tuyệt đối khiến Hội Đồng Tư Pháp (một tổ chức tương đương với Tối Cao Pháp Viện của Hoa Kỳ) không còn quyền phán đoán về hành động của ông nữa.
Ngày 30/11, quốc hội Hồi Giáo cấp tốc hoàn thành bản dự thảo hiến phán; ngày 01/12 Tổng thống Morsi quyết định đem bản dự thảo này ra trưng cầu dân ý và sau khi được đa số quần chúng chấp nhận bản dự thảo sẽ được chính thức coi là hiến pháp mới của Ai Cập.
Ngày 02/12, Hội Đồng Tư Pháp tuyên bố họ tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý đó; ngày 05/12 người biểu tình chống chính phủ đụng độ với người biểu tình ủng hộ chính phủ ngay trước dinh tổng thống.
Ngày 08/12 Morsi tuyên bố hủy bỏ sắc lệnh tự ban cho mình quyền hạn tuyệt đối; và ngày 10/12 ông cho lực lượng quân đội có quyền bắt giam thường dân.
Ngày 11/12, nhiều người bịt mặt xả súng bắn vào những lều trại căng trên công trường Tahrir gây thương tích cho 9 người biểu tình. Bất chấp biến cố này, người Ai Cập vẫn ồ ạt đổ về thủ đô Cairo biểu tình đòi Tổng thống Morsi hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý cho đến ngày bản dự thảo hiến pháp được tu chính.
Những lãnh tụ chống đối tên tuổi như khoa học gia Mohamed ElBaradei và Amr Moussa kêu gọi mọi người tham gia biểu tình đòi bản hiến pháp phải phản ánh quyền sống của toàn bộ công dân Ai Cập chứ không chỉ bảo vệ quyền lợi và quan điểm của khối đa số.
Khẩu hiệu biểu tình đòi hỏi hiến pháp phải là sản phẩm của WE, THE PEOPLE (Chúng tôi, Toàn dân) chứ không chấp nhận đó là sản phẩm WE, THE MAJORITY (Chúng tôi, Khối đa số).
Một số luật gia thế giới khuyến cáo người Ai Cập nên tạm chấp nhận bản hiến pháp vừa được dự thảo, để việc tu chính lại cho những quốc hội kế tiếp.
Nội dung dự thảo có 5 điểm chính:
1. Giới hạn tổng thống chỉ được tại chức 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm.
2. Bảo vệ công dân chống lại những cuộc bắt bớ, giam giữ thiếu bằng cớ; và chống lại việc tra tấn.
3. Sharia – luật Hồi Giáo – được coi là căn bản của luật pháp.
4. Tự do tôn giáo giới hạn vào Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo.
5. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Lật đổ nhà độc tài Mubarak là việc người Ai Cập có thể làm trong 18 ngày, sau khi 846 người biểu tình chấp nhận hy sinh mạng sống, nhưng lật đổ chính phủ Trung Cộng là việc người Trung Hoa đã thất bại, mặc dù hàng ngàn sinh viên cũng chấp nhận hy sinh tính mạng cho Dân Chủ.
Cuộc đấu tranh chống độc tài của đám đông tại Ai Cập là việc làm có thể hiểu vì đám đông tín đồ Hồi Giáo tại đó quả có đông thật.
Nhưng hai chế độ độc tài tại Trung Quốc và Việt Nam không dựa vào đám đông mà dựa vào sức mạnh có tổ chức và được võ trang của thiểu số đảng viên Cộng Sản – thiểu số so với tổng số dân chúng.
Người Tàu và người Ai Cập đem đấu tranh dân chủ ra công viên thực hiện, người Việt Nam chúng ta, kể cả khối người Việt hải ngoại không trực tiếp bị kềm kẹp, cho đến giờ này vẫn chưa tập họp được thành một khối có thực lực để thúc đẩy cuộc đấu tranh tiến xa hơn những nỗ lực cá nhân của từng vị anh hùng Dân Chủ, vô cùng can đảm, nhưng đơn lẻ.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét