Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Trung Quốc dính đòn “hồi mã thương” của công nghiệp hóa


Ồ ạt mở các khu công nghiệp để chạy theo một thứ danh hiệu “hão” là trở thành “Công xưởng của thế giới” nhưng giờ đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng đổ vỡ hàng loạt của các chương trình công nghiệp và quá trình nông nghiệp hóa đã bắt đầu trở lại.
Theo tạp chí kinh tế Forbes (Mỹ), mới đây 6 thành phố lớn của tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc trong đó có cả những thành phố có mức độ công nghiệp hóa khá cao như Thẩm Dương, An Sơn đã phải thông báo chuyển đổi các khu công nghiệp trở lại thành đất nông nghiệp. Dongguan đang trên bờ vực phá sản khi hàng loạt các nhà máy, công xưởng phải tuyên bố giải thể để lại cho chính quyền địa phương những di chứng khá nặng nề.
Cách đây 2 năm, khi Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới, không một ai có thể nghĩ nước này dính phải đòn “hồi mã thương” của quá trình công nghiệp hóa sớm đến như vậy. Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với hàng thập niên công nghiệp hóa suy giảm và điều đáng nói là Bắc Kinh không thể nào ngăn chặn xu hướng này.
Trở lại lịch sử, hồi đầu những năm 1980, các nhà chế tạo của Hong Kong đã đổ xô về các thành phố duyên hải của Trung Quốc để mở nhà máy bởi họ bị hấp dẫn với nguồn nhân công giá rẻ, dồi dào và luật pháp dễ dãi. Hàng loạt nhà máy phụ trợ và lắp ráp đã mọc lên, trở thành mắt xích quan trọng cho hàng loạt các nhà chế tạo từ lớn đến nhỏ. Thành tựu thì ai cũng nhận thấy. Trung Quốc trở thành nơi xuất xưởng của hàng loạt mặt hàng từ đồ chơi trẻ em, đồ thể thao, giầy dép cho đến TV, điện thoại di động…
Tuy nhiên, người Trung Quốc có câu “cuộc vui nào cũng đến hồi tàn” và nước này đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn có thể khiến họ nhanh chóng đánh mất vị trí “công xưởng của thế giới”.
Các phân tích của Forbes đã chỉ ra 4 lý do chính:
Thứ nhất, chính quyền Trung Quốc đang bắt đầu siết chặt vấn đề môi trường và áp dụng những điều luật khá nghiêm khắc trong lĩnh vực này trước sức ép của người dân khi có quá nhiều kim loại, hóa chất độc hại trong nguồn nước và không khí của các thành phố hay khu công nghiệp.
Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra mất dần niềm tin khi mang công nghệ của mình tới Trung Quốc bởi tình trạng ăn cắp bản quyền, sao chép, nhái… diễn ra ngày một mạnh mẽ mà chính quyền Bắc Kinh dường như vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn nào hiệu quả.
Khi những tranh chấp về chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nổ ra, các doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc, Sự rủi ro về mặt chính trị đã trở thành vật cản khiến nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay lưng với thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, rủi ro chính trị, yếu tố trước đây được coi là không có hoặc có rất ít thì nay trở thành một vấn đề cần được xem xét nghiêm túc. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh bắt đầu tăng cường sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đạt được những mục tiêu địa chính trị và điều này đã gây chấn động mạnh tới các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Nhật Bản là những người thấu hiểu vấn đề này hơn ai hết. Khi các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gia tăng, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản trở thành nạn nhân của cuộc chơi “giận cá chém thớt” và sụt giảm sản xuất một cách trầm trọng.
Thứ 4, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc là yếu tố nguồn lao động đang ngày một bị hao mòn. Có một nghịch lý là quốc gia đông dân nhất thế giới này lại đang thiếu hụt lao động khá nặng nề. Trái ngược với trước kia, hiện nay nhiều người lao động ở nông thôn đã vô cùng do dự trước quyết định lên thành phố làm ăn do điều kiện ăn ở và làm việc quá khắc nghiệt. Thiếu hụt lao động khiến giá nhân công tăng nhanh hơn cả lạm phát và năng suất lao động. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp phải tính đến phương án dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines…
Khi các cuộc biểu tình của công nhân Trung Quốc ngày càng nhiều hơn, các tập đoàn lớn như Foxconn, doanh nghiệp trước kia đã sử dụng tới 1,2 triệu nhân công đã phải chuyển sang hình thức tự động hóa. Trong năm 2011, tập đoàn này đã đưa vào sử dụng 10.000 robot để thay thế công nhân. Tuy nhiên, sản xuất bằng robot có cái bất cập là chi phí sản xuất không rẻ hơn so với các nhà máy ở những nơi khác. Hệ quả là lợi thế cạnh tranh về sản xuất ở Trung Quốc đã không còn.
Tất nhiên, các cuộc khủng hoảng kinh tế hay suy thoái toàn cầu cũng có trách nhiệm một phần nhưng Trung Quốc không thể phủ nhận rằng nước này đang điêu đứng vì đòn “hồi mã thương” hiểm ác do chính quá trình công nghiệp hóa ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn dài hạn mà họ thực hiện trong 2 thập niên qua gây ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét