Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Vàng và Tự do kinh tế


Bài viết được in trong thư ngỏ “Chủ nghĩa khách quan” của Ayn Rand vào năm 1966 và được tái bản trong tác phẩm Capitalism: The Unknown Ideal của bà vào năm 1967.
Dù có những quan điểm khác nhau, nhưng tất cả những người ủng hộ vai trò của nhà nước trong một nền kinh tế (statist [1]) đều có một đặc điểm chung, đặc điểm này đã đoàn kết họ lại, đó là sự cự tuyệt bản vị vàng [2] tới mức cuồng tín. Dường như họ đã nhận ra – thậm chí là rõ rệt và tinh vi hơn so với nhóm bảo vệ chủ thuyết thị trường tự do (laissez-faire [1]) – rằng vàng và tự do kinh tế là hai phạm trù không thể tách rời, rằng vàng là công cụ bổ trợ cho thị trường tự do, cái này mặc nhiên dẫn đến cái kia và cả hai đều là điều kiện cần phải có của nhau.
Để hiểu nguồn gốc của sự cự tuyệt trên, trước hết chúng ta cần làm rõ vai trò đặc biệt của vàng trong một xã hội tự do.
Tiền tệ là mẫu số chung của mọi giao dịch kinh tế. Chính nhờ vai trò là hàng hóa trao đổi trung gian trong giao dịch, tiền được chấp nhận là một công cụ thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ bởi tất cả chủ thể tham gia vào nền kinh tế trao đổi, nên do đó có thể được sử dụng làm tiêu chuẩn xác định giá trị thị trường cũng như công cụ dự trữ của cải (ví dụ tiền là phương thức để tiết kiệm).
Sự hiện diện của loại hàng hóa đặc biệt trên là điều kiện cần thiết để hình thành một nền kinh tế có sự phân chia lao động. Nếu không có một loại hàng hóa mang giá trị khách quan được chấp nhận rộng rãi như tiền tệ, con người sẽ phải phụ thuộc vào phương thức trao đổi hàng-đổi-hàng, hoặc buộc phải tự cung tự cấp bằng tư liệu sản xuất cá nhân và chấp nhận mất đi lợi thế không thể tính toán được của chuyên môn hóa. Nếu con người không có một phương thức để dự trữ của cải (như gửi tiết kiệm chẳng hạn), hoạt động trao đổi và lên kế hoạch lâu dài sẽ là bất khả thi.
Phương tiện trao đổi nào sẽ được tất cả các chủ thể tham gia vào nền kinh tế chấp nhận không phải được xác định một cách tùy tiện. Trước hết, phương tiện trao đổi phải có độ bền cao. Trong thời kỳ sơ khai khi xã hội còn khan hiếm của cải, lúa mì có thể được xem là phương tiện trao đổi tồn tại đủ lâu cho quá trình trao đổi, do quá trình đó chỉ diễn ra trong và ngay sau vụ gặt, và cũng không có giá trị thặng dư để dự trữ. Tuy nhiên ở các xã hội giàu có, văn minh hơn – nơi việc dữ trữ của cải đóng vai trò quan trọng – phương tiện trao đổi phải là vật có độ bền cao. Thông thường sẽ là kim loại, bởi chúng có tính đồng đều và có thể phân chia được: mỗi đơn vị đều giống hệt nhau và có thể kết hợp lẫn tạo ra bất kỳ số lượng nào mong muốn. Ngược lại, đá quý lại không có tính chất đồng đều và phân chia được. Quan trọng hơn, vật được chọn làm phương tiện thanh toán phải có giá trị cao. Khao khát của con người đối với các vật xa xỉ là không có giới hạn, do đó, hàng hóa xa xỉ luôn được xã hội chấp nhận rộng rãi và có nhu cầu cao. Nếu như các xã hội thiếu thốn lương thực xem lúa mì là hàng hóa xa xỉ thì nó lại không có nhiều giá trị trong các xã hội thịnh vượng. Bình thường thuốc lá không được xem là tiền, nhưng trong thời kỳ hậu thế chiến thứ Hai ở châu Âu, nó là một loại hàng hóa xa xỉ. Cụm từ “hàng hóa xa xỉ” ám chỉ sự khan hiếm và giá trị đơn vị cao. Chính nhờ giá trị đơn vị cao, hàng hóa đó với số lượng ít nhưng có giá trị lớn nên dễ dàng di chuyển. Ví dụ: một ounce vàng tương đương đến nửa tấn gang đúc thổi.
Trong các giai đoạn đầu của nền kinh tế tiền tệ, có khá nhiều phương tiện trao đổi được sử dụng bởi khi đó không ít các vật liệu có thể đáp ứng điều kiện về phương tiện trao đổi đã nói ở trên. Tuy nhiên, theo thời gian, một trong số các loại vật liệu đó sẽ thay thế dần các loại còn lại khi được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Lựa chọn về công cụ dự trữ giá trị cũng sẽ hướng đến loại phương tiện trao đổi đang được chấp nhận rộng rãi nhất, và theo đó càng làm phương tiện đó càng trở nên phổ biến. Xu hướng dịch chuyển tiếp tục diễn ra cho đến khi chỉ còn tồn tại một phương tiện trao đổi duy nhất. Việc sử dụng duy nhất một phương tiện trao đổi cũng có lý do tương đương vì sao nền kinh tế tiền tệ ưu việt hơn nền kinh tế trao đổi hàng-đổi-hàng: giúp cho hoạt động giao dịch khả thi trên quy mô rộng lớn hơn rất nhiều.
Tùy thuộc vào bối cảnh và mức độ phát triển của một nền kinh tế, phương tiện trao đổi duy nhất đó có thể là vàng, bạc, vỏ sò, gia súc hay thuốc lá. Trên thực tế, tất cả đối tượng nêu trên đều đã được xem là phương tiện trao đổi trong quá khứ. Thậm chí ở thế kỷ hiện tại, hai trong số loại hàng hóa trung gian trao đổi lớn nhất, vàng và bạc đã được sử dụng làm phương tiện trao đổi quốc tế - với vàng là phương tiện chiếm áp đảo. Vàng, sở hữu giá trị sử dụng lẫn tính thẩm mỹ cao, đồng thời là một kim loại tương đối hiếm, nhìn chung chiếm ưu thế hơn hẳn so với các phương tiện trao đổi còn lại. Từ đầu thế chiến thứ nhất cho đến nay, vàng gần như được xem là phương tiện trao đổi tiêu chuẩn duy nhất của thế giới. Tuy nhiên, nếu toàn bộ hàng hóa và dịch vụ được chi trả bằng vàng, các phi vụ thanh toán có giá trị lớn sẽ rất khó để thực hiện, đồng thời điều này có thể hạn chế mức độ phân công lao động và chuyên môn hóa của xã hội. Do đó, một giải pháp hợp lý cho mặt bất cập của phương tiện trao đổi này là hình thành một hệ thống ngân hàng và công cụ tín dụng (giấy bạc ngân hàng và hạn mức giữ vàng) có vai trò thay thế nhưng đồng thời cũng có thể chuyển đổi thành vàng.
Một hệ thống ngân hàng tự do dựa trên vàng sẽ có khả năng mở rộng tín dụng, và qua đó phát hành giấy bạc ngân hàng (tiền tệ) và dự trữ vàng, dựa trên nhu cầu sản xuất của nền kinh tế. Các cá nhân sở hữu vàng trong xã hội được khuyến khích, thông qua lãi suất được ngân hàng chi trả, gửi vàng vào ngân hàng (và ký séc dựa trên số vàng gửi giữ). Vì khả năng tất cả người gửi giữ đồng loạt rút vàng của họ ra khỏi ngân hàng vào cùng một thời điểm là rất hiếm, ngân hàng chỉ cần giữ lại một phần trong tổng số vàng ký gửi của khách hàng làm mức dự trữ bắt buộc. Điều này cho phép ngân hàng cho vay vượt mức dự trữ vàng của mình (như vậy có nghĩa ngân hàng đang nắm quyền sở hữu đối với vàng nhiều hơn là ý nghĩa vàng giữ vai trò đảm bảo an toàn cho mức dự trữ). Dẫu vậy, mức cho vay của ngân hàng cũng không thể tùy tiện: ngân hàng phải cân nhắc mức này trong mối liên hệ với lượng vàng dự trữ và “sức khỏe” các dự án đầu tư của nó.
Khi ngân hàng cấp tín dụng cho các hoạt động kinh doanh hiệu quả và mang lại lợi nhuận, ngân hàng sẽ nhanh chóng thu hồi lại các khoản cho vay của mình, nhờ vậy tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng trưởng và luôn có sẵn ở mức an toàn. Nhưng khi hoạt động kinh doanh không hiệu quả, ít lợi nhuận và chậm thanh toán các khoản vay, một thời gian không lâu sau ngân hàng nhận thấy dư nợ vượt hơn lượng vàng dự trữ. Lúc này, ngân hàng bắt đầu điều chỉnh lại hoạt động cho vay của nó – thông thường bằng cách tăng lãi suất cho vay. Kết quả là nguồn vốn dành cho các hoạt động kinh doanh sẽ thu hẹp lại, đồng thời các con nợ hiện tại buộc phải cải thiện hiệu quả kinh doanh trước khi có thể tiếp cận thêm nguồn vốn trong tương lai. Do đó, dưới cơ chế bản vị vàng, hệ thống các ngân hàng tự do sẽ đóng vai trò là người bảo đảm cho sự ổn định và phát triển cân bằng của nền kinh tế. Một khi vàng được công nhận là phương tiện trao đổi ở hầu hết hay toàn bộ các quốc gia trên thế giới, một hệ thống tiêu chuẩn tự do và không bị can thiệp của vàng có tác dụng hỗ trợ quá trình phân công lao động trên toàn cầu và mở rộng thông thương quốc tế. Mặc dù đơn vị trao đổi (đô-la Mỹ, bảng Anh, đồng franc Pháp, v.v…) thay đổi ở mỗi nước, trong điều kiện tất cả đều được xác định bởi vàng, nền kinh tế của mọi quốc gia đều vận hành như nhau – miễn là không có rào cản nào đối với thương mại hay sự tách nghẽn dòng lưu thông vốn. Tín dụng, lãi suất, và giá cả có xu hướng giống nhau ở tất cả các quốc gia. Ví dụ, nếu ngân hàng của một nước có chính sách tín dụng quá lỏng lẻo, lãi suất ở quốc gia đó sẽ hạ, qua đó khiến người sở hữu vàng sẽ chuyển sang ngân hàng ở quốc gia có mức lãi suất cao hơn để gửi giữ vàng. Sự chuyển dịch này sẽ nhanh chóng dẫn đến một tình trạng thiếu hụt vàng dự trữ ở quốc gia có chính sách tín dụng lỏng lẻo, lúc này buộc nó phải thắt chặt tín dụng để có thể lấy lại mức lãi suất cao có khả năng cạnh tranh với quốc gia khác.
Thế giới vẫn chưa thành lập được một hệ thống ngân hàng tự do đầy đủ và một cơ chế bản vị vàng ổn định. Tuy nhiên, trước Thế chiến thứ nhất, hệ thống ngân hàng ở Mỹ (và ở hầu hết các nơi khác trên thế giới) đều dựa trên vàng; và mặc dù thỉnh thoảng vẫn có sự can thiệp của nhà nước, nhìn chung ngành ngân hàng vẫn tự do nhiều hơn là bị kiểm soát. Sau một thời gian nhất định, do tăng trưởng tín dụng quá nhanh, dư nợ chạm mốc giới hạn của mức dự trữ vàng, các ngân hàng buộc phải đẩy lãi suất cho vay lên cao, tín dụng bị cắt giảm, và hệ quả là nền kinh tế bước vào một giai đoạn khủng hoảng sâu tạm thời (so với cuộc khủng hoảng năm 1920 và 1932, tình trạng suy thoái trước Thế chiến thứ nhất ít nghiêm trọng hơn hẳn). Chính nhờ mức giới hạn của lượng vàng dự trữ mà các hoạt động mở rộng kinh doanh mất cân đối đã được kìm hãm lại trước khi chúng trở nên trầm trọng hơn và có thể dẫn đến một thảm họa như hậu Thế chiến thứ nhất. Giai đoạn để các ngân hàng điều chỉnh lại hoạt động tín dụng của chúng tương đối ngắn, do đó nền kinh tế nhanh chóng khôi phục lại một nền tảng ổn định để tiếp tục phát
Tuy nhiên, “bài thuốc” chữa trị cũng sai như chính cách căn bệnh được chẩn đoán: nếu sự thiếu hụt lượng vàng dự trữ ở ngân hàng là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế - theo lập luận của các học giả kinh tế thuộc chủ thuyết can thiệp (economic interventionists) – vậy tại sao không tìm cách nâng mức dự trữ ở các ngân hàng lên để không còn xảy ra tình trạng thiếu hụt? Họ cho rằng nếu các ngân hàng có thể cấp tín dụng không giới hạn, khi đó hoạt động kinh doanh sẽ không bao giờ trì trệ. Và thế là Hệ thống Dự trữ Liên bang đã ra đời vào năm 1913. Hệ thống này được tạo nên bởi 12 ngân hàng Dự trữ Liên bang vùng, trên danh nghĩa thuộc sở hữu tư nhân nhưng thực tế do nhà nước cấp vốn, kiểm soát và hỗ trợ. Hoạt động cung cấp tín dụng ở các ngân hàng này trên thực tế (tuy không được quy định bằng văn bản pháp lý) có nguồn cung ứng từ tiền thuế của nhà nước liên bang. Về cơ bản, chúng ta vẫn sử dụng bản vị vàng; cá nhân vẫn có thể tự do sở hữu vàng, đồng thời vàng vẫn tiếp tục được dùng làm công cụ dự trữ tại các ngân hàng. Nhưng mặt khác, giờ đây song song với vàng, tín dụng do nhóm ngân hàng Dự trữ Liên bang cung cấp (“dự trữ bằng giấy tờ có giá” – “paper reserves” ) đã trở thành nguồn thanh toán hợp pháp cho các khách hàng gửi giữ vàng.
Khi hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ thu hẹp nhẹ trong năm 1927, Cục Dự trữ Liên bang đã tạo ra phương thức dự trữ bằng giấy tờ có giá với hi vọng có thể tránh được một tình trạng thiếu hụt dự trữ có thể xảy ra cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn, Cục Dự trữ Liên bang còn trợ giúp Anh Quốc – nước vào thời điểm đó đang để mất vàng về tay chúng ta vì Ngân hàng nước Anh nhất quyết không tăng lãi suất theo đúng quy luật thị trường (vì điều này không có lợi về mặt chính trị). Lập luận của những người đứng đầu như sau: nếu Cục Dự trữ Liên bang bơm một lượng lớn dự trữ giấy tờ có giá vào các ngân hàng ở Mỹ, lãi suất trong nước sẽ hạ xuống một mức tương thích với mức lãi suất ở Anh; điều này sẽ giúp nước Anh không để mất vàng nữa, đồng thời tránh được một phen bẽ mặt chính trị vì phải nâng mức lãi suất lên cao. Và “Cục” đã thành công; nước Anh không còn mất vàng, nhưng ngược lại nền kinh tế của cả thế giới đã gần như bị hủy hoại. Lượng tín dụng thừa thãi mà Cục Dự trữ bơm vào nền kinh tế bắt đầu tràn qua thị trường chứng khoán, để rồi tạo ra tâm lý đầu cơ khắp nơi. Một cách muộn màng, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang cố gắng giảm đi lượng dự trữ dư thừa, cuối cùng họ cũng thành công trong việc kìm hãm làn sóng nở rộ của hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên mọi chuyện đã quá trễ: đến năm 1929, bất ổn do hoạt động đầu cơ gây ra là quá lớn đến nỗi động thái kiểm soát lượng dự trữ như trên của Cục chỉ làm trầm trọng thêm xu hướng cắt giảm chi tiêu và hệ quả kéo theo là niềm tin đối với hoạt động kinh doanh bốc hơi. Kết cục, nền kinh tế Mỹ sụp đổ hoàn toàn. Tình hình ở Anh còn nghiêm trọng hơn nữa. Thay vì chấp nhận khắc phục hậu quả của những sai sót trước kia, nước này bãi bỏ hoàn toàn cơ chế bản vị vàng vào năm 1931- một quyết định đã xé tan tành những hi vọng còn sót lại và gây nên sự đổ vỡ dây chuyền của các hệ thống ngân hàng toàn cầu. Kinh tế thế giới rơi vào cuộc Đoại Suy thoái trong suốt những năm 1930.
Bằng một lập luận tương tư với thế hệ trước đó, một nhà nghiên cứu tin rằng bản vị vàng chính là nguyên nhân chính gây ra bê bối tín dụng để rồi đến lượt nó dẫn đến cuộc Đại Suy thoái. Họ cho rằng nếu bản vị vàng không tồn tại, khi Anh Quốc bãi bỏ việc thanh toán bằng vàng vào năm 1931, hệ thống ngân hàng của cả thế giới đã không bị sụp đổ như vậy (Điều mỉa mai là, kể từ năm 1913 cho đến nay, thứ chúng ta sử dụng không chỉ có mỗi bản vị vàng, mà đó là sự pha trộn bản vị vàng với các tiêu chuẩn khác; thế nhưng chỉ có vàng mới đáng bị lên án mà thôi.)
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ hình thức nào, sự cự tuyệt đối với vàng từ số lượng các tiếng nói đang ngày một lớn dần ủng hộ nhà nước phúc lợi đều xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa khó nhìn thấy hơn: đó là việc họ đã nhận ra bản vị vàng và thâm hụt ngân sách (dấu hiệu đặc trưng của nhà nước phúc lợi) là hai phạm trù không thể đi đôi với nhau. Bỏ qua hết các thuật ngữ bác học, một nhà nước phúc lợi về bản chất không khác gì một cơ chế mà chính phủ sử dụng nhằm tịch thu của cải do các thành viên có ích của xã hội làm ra để cung ứng cho các chương trình phúc lợi. Một số lượng lớn của cải tịch thu đến từ việc đánh thuế. Nhưng những người ủng hộ nhà nước phúc lợi cũng nhanh chóng nhận ra rằng nếu muốn duy trì quyền lực chính trị, các sắc thuế buộc phải hạn chế và do đó, lúc này chính phủ buộc phải chi tiêu thâm hụt ngân sách lớn, như vay tiền thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ để có thể tài trợ cho các chương trình phúc lợi trên quy mô lớn.
Dưới sự điều chỉnh của bản vị vàng, lượng tín dụng mà một nền kinh tế có thể cung cấp được quyết định bởi các tài sản hữu hình của nền kinh tế đó, vì mọi công cụ tín dụng xét cho cùng đều là tuyên bố nắm giữ tài sản hữu hình. Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ không được xác định bởi tài sản hữu hình mà chúng chỉ là lời hứa sẽ chi trả cho người nắm giữ trái phiếu bằng tiền thuế của chính phủ, đồng thời chúng cũng không được thị trường tài chính dễ dàng đón nhận. Chính phủ chỉ có thể bán trái phiếu với số lượng lớn ra công chúng trong điều kiện lãi suất của trái phiếu phải cao hơn lãi suất ngân hàng. Do đó, khi bản vị vàng hiện diện, tình trạng thâm hụt ngân sách được hạn chế xuống mức rất thấp. Ngược lại, việc bãi bỏ bản vị vàng sẽ tạo điều kiện cho phía ủng hộ nhà nước phúc lợi thông qua hệ thống ngân hàng mở rộng tín dụng không giới hạn. Để thực hiện mục tiêu trên, họ đã tạo ra công cụ dự trữ bằng giấy tờ có giá, mà cụ thể là trái phiếu chính phủ. Qua nhiều thủ tục phức tạp, các ngân hàng sẽ chấp nhận loại giấy tờ này như một tài sản gửi giữ thay thế cho vàng.
Những người nắm giữ trái phiếu chính phủ hoặc tài khoản gửi giữ (bank deposit) được tạo ra bởi công cụ dự trữ bằng giấy tờ có giá tin rằng họ đang có quyền sở hữu đối với một tài sản thực tế. Tuy nhiên, sự thật là lúc này số lượng giấy tờ chứng minh quyền sở hữu lại vượt hơn rất nhiều so với tài sản thực tế. Con người không thể thao túng quy luật tự nhiên của cung và cầu. Khi nguồn cung vốn (từ các giấy tờ sở hữu) tăng lên tương đối so với nguồn cung các tài sản hữu hình trong nền kinh tế, giá cả cuối cùng sẽ đội lên, khiến cho thu nhập của các thành viên làm ra của cải trong xã hội sụt giảm giá trị so với hàng hóa. Sau khi nền kinh tế đã cân bằng trở lại, người ta nhận thấy rằng giá trị đã mất lúc này nằm ở lượng hàng hóa được chính phủ mua lại thông qua chương trình phúc lợi hoặc một số chương trình khác bằng tiền lãi thu được từ các khoản cho vay của nhóm ngân hàng được tài trợ bởi trái phiếu chính phủ.
Khi không có sự điều chỉnh của bản vị vàng, sẽ không có cách nào bảo vệ thu nhập của xã hội khỏi tình trạng tịch thu của cải từ chính phủ trong thời kỳ lạm phát, cũng như sẽ không có một công cụ dự trữ giá trị an toàn. Giả sử nếu có, chính phủ rồi sẽ buộc phải bãi bỏ nó như đã làm với vàng. Đặt trường hợp nếu tất cả mọi người quyết định chuyển đổi tài khoản gửi giữ của mình thành bạc, đồng đỏ hay một loại hàng hóa nào khác và sau đó từ chối chấp nhận séc thanh toán cho hàng hóa, khi ấy tài khoản gửi giữ sẽ mất đi khả năng thanh toán, còn tín dụng ngân hàng do chính phủ tạo ra sẽ không còn giá trị đối với hàng hóa. Chính sách tài khóa của một nhà nước phúc lợi luôn đi đôi với tình trạng thiếu biện pháp tự bảo vệ của các chủ sở hữu của cải trong xã hội.
Đây chính là bí mật xấu xí của phe ủng hộ nhà nước phúc lợi và cự tuyệt vàng. Nói một cách đơn giản, chính sách chi tiêu thâm hụt ngân sách là một cơ chế tịch thu của cải xã hội. Vàng chính là vật cản ngăn chặn quá trình ngấm ngầm này, đồng thời nó cũng đóng vai trò bảo vệ cho quyền sở hữu. Nếu hiểu được điều này, sẽ không khó để một người nhìn ra nguyên nhân vì sao nhà nước phúc lợi lại nhất quyết “không đội trời chung” với vàng đến thế.

Alan Greenspan
Alex Truong chuyển ngữ, Nguyễn Công Huân hiệu đính

________________________

Ghi chú của nhóm dịch giả

[1] "Statist" là những người theo chủ nghĩa nhà nước (statism). Những người này ủng hộ vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, và họ cho rằng nhà nước phải kiểm soát và có những kế hoạch đối với nền kinh tế. Ngược lại với chủ nghĩa nhà nước là những chủ nghĩa thị trường tự do (laissez-faire), những người theo chủ nghĩa thị trường tự do ủng hộ một thị trường tự điều chỉnh mà không có sự can thiệp của nhà nước.
[2] Bản vị vàng (gold standard) là hệ thống tiền tệ sử dụng vàng làm đơn vị tiền tệ gốc, tiêu chuẩn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét