Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Anh Ba Sàm: Cánh tay nối dài của đảng CSVN trong truyền thông lề trái?


Kami 

ABS (ngồi giữa) chủ tọa phiên hội thảo

Chuyện này tôi đã định viết từ lâu, từ sau khi có Hội thảo “Tác động của Truyền thông Xã hội lên tác nghiệp Báo chí” diễn ra tại Hà nội cuối tháng 12.2012. Khi ấy hình như sự ngờ vực của tôi bấy lâu nay càng được khẳng định rõ ràng hơn. Khi đó, tôi đã từng trao đổi với một người quen, chủ một trang website báo chí lề trái khá lớn. Nhưng anh bạn nói nó là vấn đề tế nhị nên tôi đành cất đi. Hôm nay, ngày cuối năm, nhưng cây đang lặng mà gió chẳng đừng. Họ lại "chơi" mình rồi, thôi đành giở ra viết tiếp để chuyện vớ vẩn khỏi ám ảnh mình khi sang năm mới vậy.

Tự do báo chí hay tự do thông tin là một trong những quyền căn bản nhất của con người, được hầu hết các quốc gia công nhận bằng văn bản luật, thậm chí Hiến pháp của từng quốc gia cũng đề cập tới. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền cũng đề cập và công nhận quyền tự do này của mỗi công dân. Ở Việt nam cũng vậy, quyền Tự do báo chí hay tự do thông tin được ghi nhận tại điều 69 Hiến pháp và Việt nam cũng là thành viên tham gia ký Công ước quốc tế về quyền con người từ năm 1986. Như vậy về mặt pháp lý, Tự do báo chí hay tự do thông tin của công dân ở Việt nam được ghi nhận như một thứ quyền con người. Song trên thực tế điều đó có được thực hiện một cách đầy đủ theo Hiến pháp - pháp luật lớn nhất hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này tưởng rất dễ, nhiều người sẽ sẵn sàng kết luận rằng quyền Tự do báo chí hay tự do thông tin của công dân ở Việt nam bị vi phạm nghiêm trọng một cách không chần chừ. Cụ thể, ví dụ người đứng đầu cơ quan hành pháp, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu công khai một ý kiến bị cho là vi phạm Hiến pháp "Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức; không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng.". Đó cũng là nội dung cơ bản Chỉ thị 37 hồi năm 2006, để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí.

Cũng có người sẽ dẫn ra báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới khẳng định Việt Nam không có truyền thông độc lập. Hay Việt Nam xếp hạng gần cuối trong bảng xếp hạng về chỉ số tự do báo chí. Báo chí, truyền hình và radio đều nằm dưới sự điều khiển của chính quyền. Với dẫn chứng bốn cơ quan chính là Thông tấn xã Việt Nam Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân đều được phối hợp để thi hành tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam. Hay theo tổ chức Freedom House công bố ngày 1 tháng 5, 2012 thì Việt Nam đứng hạng thứ 182 trên 197 quốc gia thế giới, đồng hạng với Ả Rập Saudi, Bahrain, Lào và Somalia. So với các nước khác ở Đông Á thì Việt Nam chỉ hơn Bắc Hàn (đội sổ), Miến Điện và Trung quốc. Với dẫn chứng, hiện khoảng 10 nhà báo và nhà bất đồng chính kiến mạng đang bị ở tù "vì những phát biểu của họ". V.v...

Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng những nhận định trên là chưa hoàn toàn đúng, có lẽ chỉ mới đúng một nửa vì trên thực tế hiện nay thì sự tự do báo chí hay tự do thông tin ở Việt nam vẫn tồn tại mà chỉ là sự thiên lệch có chủ ý và không công bằng. Nói đến đây sẽ có không ít người giãy nảy lên và cho rằng tôi là đặc công đỏ, là Phạm Xuân Ẩn hay gián điệp dân chủ...etc đang ca ngợi cho thứ dân chủ của cộng sản. Tôi ca ngợi hay không ca ngợi cho sự dân chủ kiểu của cộng sản hay không, xin xem tiếp sẽ biết tôi nói đúng hay sai?

Những ai ưa thích tìm hiểu thông tin thời sự, đặc biệt là tin tức thế sự về chính trị xã hội không thể không biết đến Nhật báo BA SÀM (ABS), một trang thông tin đa chiều với slogan "Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ". Đây là một trang thông tin, bên cạnh các thông tin khác do thành viên của ABS viết, dịch hoặc đánh máy lại các thông tin từ bản tin của TTX Việt nam và những bài của các tác giả khác mà họ cảm thấy tâm đắc. Đặc biệt không thể không nhắc đến mục Điểm tin hàng ngày, là tổng hợp các đường links từ các trang mạng, blog khác bằng tiếng Việt trên toàn cầu. Cho dù có người cho rằng ABS chẳng qua là một cái kệ gỗ, nhưng cá nhân tôi cũng không hẳn đồng tình với nhận xét đó, mà hàng ngày tôi vẫn đọc trang ABS để lấy tin để đăng cho trang Tin tức hàng ngày của chúng tôi. Tôi là người thực tế, lấy hiệu quả công việc làm trọng, thay vì đi tìm kiếm tin tức từ các blog khác thì trang ABS cũng như trang Dân luận, X-cafe, Dân làm báo, Đàn chim Việt, DCV online, Viet-studies... là những trang tôi theo dõi hàng ngày. Mục đích cũng chỉ là đọc để biết và đưa tin cho bạn đọc. Tôi ủng hộ sự tồn tại của trang ABS, vì ít nhất nó cũng là một chỗ phát tán và đưa thông tin đến bạn đọc.


d7d2667e 547e 4b1d 81ce 8d5a11a5301d Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí
Ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý báo chí TW (Cục Báo chí- Bộ Thông tin và Truyền thông) (đứng phát biểu), ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang ABS (ngồi giữa) và PGS-TS Đoàn Thế Hanh, Ủy viên BBT Tạp chí Cộng sản (ngồi bên trái ông Vinh)
Quan hệ của tôi với ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang ABS trước đây là quan hệ giữa một blogger với blogger, cũng đôi lần thư đi thư lại. Trang ABS đã từng đăng các bài viết của tôi, đưa trang Tin tức Hàng ngày và blog Kami vào danh sách các trang web-blog đỉnh và cũng hay điểm tin từ các trang website và blog của tôi. Và kể từ khi tôi có các bài viết không phù hợp với tư tưởng hay suy nghĩ của ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang ABS thì trang Tin tức Hàng ngày và blog Kami bị loại bỏ khỏi danh sách. Đó là chuyện bình thường, quyền của họ không có gì đáng nói. Chỉ đến khi tôi viết bài "Về phong trào "Con đường Việt Nam" bày tỏ sự không đồng tình với nhận định của ABS khi vội vã kết luận rằng "Phong trào Con đường Việt Nam” của ông Lê Thăng Long là "cạm bẫy, đó là chim mồi hay là kịch bản của chính quyền dựng lên để bắt những người bất đồng chính kiến nếu tham gia" và đưa ra các bằng chứng thể hiện rằng trang ABS tồn tại được trên sự thỏa hiệp với chính quyền trong việc đưa tin tức. Cụ thể như lời giải thích như ABS hay là nick name của ông Nguyễn Hữu Vinh cựu sĩ quan an ninh, đã thừa nhận trong mục Điểm tin ngày 17/6rằng “Phải nói rõ ra như vậy, bởi vì BS luôn xác định cho mình và các cộng sự là cần có sự trao đổi, cảm thông nhất định giữa những người cầm quyền và dân chúng nói chung, giữa cư dân mạng và cơ quan chức năng nói riêng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cũng chính vì vậy mà sau khi đưa đường link mấy chục trang web mang tên các vị lãnh đạo, rồi đọc bài viết trên Quân đội ND ám chỉ đó là các trang mạo danh, BS đã gỡ bỏ. Trước đó, theo đề nghị trực tiếp của cơ quan chức năng, BS cũng đã bỏ đường link tới một trang blog (xin không nêu tên ở đây)”. (Xem ở đây)

Việc một blogger thỏa hiệp với chính quyền để tồn tại là quyền của họ, nó cũng có thể gọi là sự khéo léo để tồn tại, nếu phía ta (xu hướng cổ vũ cho dân chủ tự do) vẫn có lợi. Nhưng có lẽ trang ABS được cho phép tồn tại để đổi lại làm cái việc nuôi quân ba năm để đánh một trận. Mà Phong trào Con đường Việt Nam” của ông Lê Thăng Long là một nạn nhân. Sở dĩ nói Phong trào Con đường Việt Nam” của ông Lê Thăng Long là một nạn nhân vì họ bị mang tai tiếng là cánh tay nối dài của đảng CSVN trong một thời gian quá dài. Đến nay thì ai cũng rõ, chắc chắn Phong trào Con đường Việt Nam” của ông Lê Thăng Long không phải là cánh tay nối dài của đảng CSVN. Mà hình như ABS đã và đang tự biến mình làm cái nhiệm vụ của cánh tay nối dài của đảng CSVN thì phải?

Tôi là một người thẳng thắn, với quan niệm của cá nhân tôi trong việc viết bài là bảo vệ lẽ phải, cổ vũ cái đúng, phê phán cái xấu. Bất kể là ai, thuộc phe chính kiến nào. Dân chủ mà sai tôi cũng phê phán, cộng sản mà đúng tôi cũng khen và ngược lại. Vì tôi quan niệm có như thế thì dân trí xã hội mới tiến bộ được, khi dân trí tiến bộ thì mới có thể bàn đến những chuyện khác lớn hơn. Cái suy nghĩ ấy của tôi nó khác với suy nghĩ của số đông người Việt mà họ hay nói với tôi rằng "nó không có lợi cho phong trào". Và lập tức họ sẽ chụp cho tôi cái mũ là đặc công đỏ, là Phạm Xuân Ẩn hay gián điệp dân chủ...etc như một số người chưa có đủ nhận thức về quyền tự do dân chủ khi bị động chạm đến. Như Quan làm báo, Lê Nguyên Hồng... ra sức bịa đặt, vu khống hay kể cả lấy ảnh hay tên của người khác để vu khống cho tôi. Và cánh tay nối dài của đảng - ABS cũng tiếp tay cho họ và lợi dụng để bôi nhọ cá nhân tôi. Đó chính là vì sao blogger Nguyễn Đại, một cây viết cho Dân luận trong bài "Nguyễn Đại - Quan Làm Báo và tôi, chị Từ Huy và anh Đông La" cho rằng "Cái câu chuyện quá vô lý. Nó vô lý đến độ như một tiểu phẩm hài. Để cười chứ không phải để tranh luận" và "Có một chút buồn là trang tôi ưa thích - anhbasam - cũng đăng bài này.". Một bài nực cười như trẻ con của Lê Nguyên Hồng khi cho rằng Kami là Nguyễn Đại, phải chăng đây là hệ quả của một việc làm có chủ ý của người không ngay thẳng?

Sẽ có người cho rằng nói ABS là cánh tay nối dài của đảng thì có quá và có bằng chứng gì không? Tôi đã nói bất cứ cái gì thì phải có đủ bằng chứng thì tôi mới nói. Muốn hiểu thế nào là cánh tay nối dài của đảng thì hãy tìm hiểu về chế độ toàn trị của đảng CSVN để thấy hết được sự nguy hiểm. Nghĩa là mọi tổ chức xã hội đều phải chịu sự lãnh đạo của đảng CSVN, kể cả tổ chức tôn giáo trước đây và truyền thông mạng lề trái bây giờ cũng không loại trừ. Đây là một âm mưu hết sức thâm độc của đảng CSVN, chính vì lẽ đó mà nhiều người cả trong lẫn ngoài nước vẫn nghĩ rằng ở Việt nam người ta vẫn có quyền tự do, hầu như trong mọi lĩnh vực. Kể cả lập hội nuôi chim cá cảnh và sự tự do báo chí, còn có cả Thông tấn xã vỉa hè của ABS ngang nhiên đưa cả các tin tức chống đối, tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam. Mà chủ blog ABS vẫn ngang nhiên tồn tại dưới danh nghĩa Giám đốc của Công ty TNHH  VPI - Công ty cung cấp dịch vụ Điều tra tư - THÁM TỬ TƯ đầu tiên tại Việt Nam có văn phòng tại  Số 5-ngách 2-ngõ 4D-phố Đặng Văn Ngữ-quận Đống Đa- Hà Nội.

Đây chính là lý do cá nhân tôi khẳng định  quyền Tự do báo chí hay tự do thông tin của công dân ở Việt nam bị vi phạm nghiêm trọng chưa hoàn toàn đúng, có lẽ chỉ mới đúng một nửa vì trên thực tế hiện nay thì sự tự do báo chí hay tự do thông tin ở Việt nam vẫn tồn tại. Sự tồn tại này sẽ được chấp nhận nếu đảng và chính quyền có lợi là chắc chắn. Hay nói một các khác, thẳng thắn là đảng CSVN đã thông qua Nhật báo BA SÀM "Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ" để luồn bàn tay lông lá của họ để định hướng và thao túng truyền thông lề trái. Đơn giản, chỉ một người có hành vi phát tán và tuyên truyền các thông tin chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam như đăng tải hàng ngày trên trang ABS thì chỗ đến chắc chắn không ngoài nhà tù. Con ông cháu cha cỡ TS. Luật Cù Huy Hà Vũ mà rồi kết cục thế nào chắc không cấn nhắc lại. Vậy vì sao trang ABS đăng tải các thông tin từ các blogs "phản động", trái với tinh thần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra xử lý các trang mạng được cho là đăng tải nội dung chống đảng và Nhà nước, trong đó nêu đích danh các trang "Dân làm báo", "Quan làm báo" và "Biển Đông" theo tinh thần Công văn số 7169 /VPCP-NC. Tại sao lại có chuyện ngược đời như thế? Đã đành chính quyền cũng tiến hành chặn tường lửa đối với trang ABS, nhưng đó chỉ là trò con nít. Giờ đây chặn hay không chặn thì kết quả cũng y như nhau, vì mọi người đều có thể vượt được dễ dàng mà không có bất kỳ trở ngại gì.

Nói có sách, mách có chứng. Đó là ngày 24/12/2012, tại Trụ sở Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam ( Số 53 Nguyễn Du – Hà Nội ), đã diễn ra Hội thảo “Tác động của Truyền thông Xã hội lên tác nghiệp Báo chí”. Đại biểu tham dự là các chuyên gia, các nhà báo, đại diện các cơ quan ban ngành quan tâm đến truyền thông, có những kinh nghiệm, quan điểm về chủ đề liên quan. Được biết, đây là hoạt động được Bộ Ngoại giao Anh hỗ trợ thông qua Đại Sứ quán Anh tại Hà Nội. Và điều đặc biệt theo như trong ảnh minh họa, trên bàn chủ trì hội nghị này, người ta thấy ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý báo chí TW (Cục Báo chí- Bộ Thông tin và Truyền thông) (đứng phát biểu), ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang ABS (ngồi giữa) và PGS-TS Đoàn Thế Hanh, Ủy viên BBT Tạp chí Cộng sản (ngồi bên trái ông Vinh). Được biết, hội nghị này ngoài những người được mời tham dự, thì những cá nhân khác ai đến dự cũng được. Nhưng muốn phát biểu thì phải đăng ký và thời gian cũng hết sức sít sao như tuyên bố của chủ tọa hội nghị. Thì việc ngồi ghế giữa của các vị chủ tọa chủ trì hội nghị của ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang ABS chắc chắn là không phải là chuyện tình cờ!. Từ vị trí của ông ngồi người ta sẽ có quyền đặt câu hỏi "Không hiểu ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang ABS đến dự với tư cách gì và đang giữ vai trò gì trong hội nghị này? Phản động chống đối hay người trong ngành?". Ai bảo Việt nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, thì cứ từ cái này để tự hiểu xem có hay không?. Đấy, oách chưa, họ bắn một mũi tên được mấy mục đích?

Trên mạng họ hay bảo có chuyện chính quyền hay mở các trang web để hòng tìm IP và cài mã độc nhằm đánh cắp thông tin của những người bất đồng chính kiến thì tôi không tin. Nhà nước sao bắt cho xuể, bây giờ dân chửi thẳng vào mặt công an họ còn không sợ, ai bây giờ còn sợ không dám chửi nhà nước? Nhưng chuyện đảng và chính quyền để cho phép những trang phản động, tuyên truyền và phát tán các thông tin chống đảng và nhà nước như trang ABS tồn tại một cách ngang nhiên là vì sao? Nếu hiểu thực chất là một chiêu khổ nhục kế nhằm mục đích để luồn bàn tay lông lá của họ để định hướng và thao túng truyền thông lề trái thì sẽ dễ hiểu. Nhưng có cái là chính quyền họ không tham, được cái nọ phải mất cái kia. Ngoài việc định hướng thông tin lề trái mà ABS phải cố gắng tận dụng,  thì cái quan trọng là chờ đợi. Chờ ba năm làm một cú to như tung tin để phá "Phong trào Con đường Việt Nam” của ông Lê Thăng Long là một ví dụ điển hình, bài học nhớ đời. Tương tự, trang ABS cũng hay đưa và bình luận các thông tin không tốt về tôi khi có cơ hội cũng thế. Phải chăng là anh ta sợ tôi?. Sợ tôi biết hơi bị nhiều, kể cả chuyện ABS đang làm gì, nhận nhiệm vụ từ ai với mục đích gì?  Như anh Phạm X. B, hiện là trưởng một phòng nghiệp vụ ở (...) Thành phố, con trai một cán bộ cao cấp trong ngành công an đã nghỉ hưu, sáng hôm rồi ngồi cafe khi nói chuyện xung quanh ván đề ABS là ai, làm cho ai thì anh có bảo vui tôi "mày chỉ cần nói tên anh là nó biết mày biết rõ thông tin về nó".

Mình biết cũng chẳng muốn nói ra chuyện này, đó chuyện riêng của họ. Nói ra, để hạ uy tín của người khác bắng những chuyện vô căn cứ thì cũng chứng tỏ mình cũng chẳng ra gì. Vả lại hơn ai hết, cánh tay nối dài ABS phải biết nếu tôi là chim mồi của đảng CSVN thì nghiễm nhiên tôi và anh ta phải đứng chung chiến tuyến. Vậy mà ABS đang cổ súy cho chủ trương của đảng và chính quyền là vận động cho nhân dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, để khẳng định tính chính danh hợp pháp của chính quyền. Thì có lý gì tôi lại tẩy chay (boycott), quay lưng lại với trò lừa bịp ấy? Nói như thế nghĩa là tôi và ABS không hề chung chiến tuyến.

Nói ra để muốn các anh nên trật tự, đừng suy diễn đặt điều, như hôm nay trong mục Điểm tin ngày 9.2.2012, ABS có bảo tôi là chim mồi (!?). Không biết anh muốn tôi mồi ai và mồi cho ai? Việc khi tôi viết bài "Vì sao tôi không góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp?" thể hiện quan điểm của cá nhân tôi. Hay việc được GS. Trần Hữu Dũng chủ trang Viet-studies cho đăng, khen ngợi bài viết của tôi và cho rằng nhiều người sẽ tâm đắc về bài viết này là quan điểm của GS và đó là quyền tự do ngôn luận và đa nguyên tư tưởng. Sao ABS phải sợ điều đó và chỉ trích GS Trần Hữu Dũng khi cho rằng "Thế nhưng, có lẽ nhiều trí thức trong, ngoài nước là bạn hữu hoặc có thiện cảm với chủ trang Viet-Studies sẽ phải bất ngờ khi ở đó chỉ cung cấp bản tải xuống (download) của “Kiến nghị 72” và Dự thảo Hiến pháp 2013 đi kèm, mà không cho đăng “trang trọng” như bài này: Vì sao tôi không góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp? (RFA Blog Kami 5-2-13), thậm chí có thể còn “lạ” hơn khi đọc lời bình ngắn theo kiểu Lòng vả cũng như lòng sung của chủ trang cùng việc trích dẫn một đoạn “quan trọng”:  “Nhiều người sẽ rất tâm đắc với bài này. (Tác giả huỵch tẹt: “..việc đi bầu, cũng như việc góp ý hay ký kiến nghị cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vô tình chúng ta tiếp tay cho họ nói dối và lừa bịp công luận quốc tế”)"? Cho dù điều đó nó có đi ngược lại với yêu cầu của đảng, của cấp trên ABS thì là việc của các anh. Hay anh sợ và bảo tôi định mồi cho nhiều người khác tẩy chay việc góp ý và ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 - trò hề bịp bợm của đảng CSVN, mà những người có chút lương tri không thể chấp nhận và tiếp tay cho hành động dối trá, bịp bợm ấy.

Có lẽ không phải nói nhiều, chỉ riêng chuyện ABS phê phán tôi vì không đồng tình ủng hộ chính quyền trong việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 như anh ấy cũng thừa đủ biết rằng anh ta ủng hộ ai hay đứng về phía nào? Nếu vì nhiệm vụ thì thôi khỏi nói. :D

Người Việt có câu "Chân mình thì lấm mê mê/ Lại cầm bó đuốc mà rê chân người" trong trường hợp này đối với ABS quả là không sai? Rành rành ông ta là đã và đang làm cái nhiệm vụ của cánh tay nối dài của đảng CSVN nhằm mục đích thao túng và định hướng truyền thông lề trái. Biết thế thì nên kín đáo, âm thầm để làm. Vậy mà ông ta không biết thân mà còn đi làm cái nhiệm vụ bôi nhọ tổ chức hay các cá nhân khác để nhằm mục đích gì? Sai lầm nhất là ông ta chỉ trích và cho rằng GS. Trần Hữu Dũng cũng "Lòng vả cũng như lòng sung" với Kami, một kẻ chim mồi hay gián điệp dân chủ? Vây là sao, có phải vì ông ta không thao túng và định hướng GS. Trần Hữu Dũng không được thì cho rằng GS là kẻ xấu?
.
Vậy tôi sẽ xung phong là kẻ xấu theo cách nghĩ của ABS, để chứng minh cho dư luận thấy ai là gián điệp dân chủ, ai là chim mồi theo cách gọi của ABS và ai là cánh tay nối dài của đảng CSVN trong hệ thống truyền thông lề trái! Chỉ muốn ABS - ông Nguyễn Hữu Vinh nên xem lại, ông lấy tư cách gì để "lên lớp" cho GS. Trần Hữu Dũng và tôi (Kami)? Nếu không phải là đang ông tranh phần việc của báo Quân đội Nhân dân?

Giáp giao thừa 29 Tết, ngày 09 tháng 2 năm 2013

© Kami - RFA Blog's

Bài của tác giả gửi tới TTHN

Xem thêm : Anh Ba Sàm là ai

ANH BA SÀM LÀ AI

Hôm 7-9-2011 vừa rùi là sinh nhật lần thứ 4 của anhbasam, mình vô cùng cảm phục và biết ơn anhbasam, chắc nhìu người như mình muốn bik đại ca Ba Sàm là ai, chắc rằng CA thừa bik đại ca là ai - không việc gì phải dấu, nhưng Anh Ba không mún làm hàng thui. Nên mình post lên các thông tin về Anh Ba như 1 cách NGƯỠNG MỘ anh cũng chẳng hại giề.


Blog Nguyễn Tường Thụy:
TẢN MẠN VỀ BASAM

<=Không biết có phải ảnh basam hồi bé không nhưng thấy anh từng dùng làm hình đại diện.

Mình đã định đặt cho bài này cái tít “Một nhà báo giàu tâm huyết” nhưng thôi. Những ngôn từ to tát, nghiêm trọng quá có khi gây phản cảm, thậm chí làm hại người mà mình yêu quí cũng nên.

Từ ngày biết đến basam, mình đọc báo nhàn hẳn. Mở mắt, vô trang điểm báo của gã xem, lựa những bài có vẻ hợp gu mình để đọc, chỉ cần một cái nhấp chuột. Sướng quá. Tất nhiên là không hoàn toàn trông chờ vào đấy, nhưng tìm ra những bài cần đọc mà không thấy gã nhắc đến cũng là điều hiếm.

Nhiều lúc mình tự hỏi: “Quái, cái tay này lấy đâu ra thời gian và ai trả lương cho gã để gã vui vẻ làm cái việc đi hầu hạ người đọc thế này.

Không như cánh bloger, rảnh thì viết, mải chơi thì thôi. Ngày nào gã cũng bắt đầu công việc của mình từ 2, 3 giờ tới 8 h 30 sáng rồi bổ sung thêm 3, 4 lần trong ngày đến tận tối nữa. Chả biết gã ăn ngủ, chim gái vào lúc nào. Hi hi.

Mà gã đâu có phải nhởn nhơ cưỡi ngựa xem hoa. Bài nào gã đã điểm thì y như rằng đó là bài đáng đọc. Gã còn trích dẫn ra những câu toát lên cái thần thái của bài viết nữa.

Những thứ gã lôi ra cho mọi người xem thì nhiều lắm, từ chính trị – pháp luật, kinh tế, văn hóa – thể thao, giáo dục – khoa học, xã hội – môi trường, tin quốc tế, tin tivi, cả lề trái, lề phải, thôi thì đủ thứ.

Hôm nay, mình thấy vui vui. Chả là mấy ngày rồi, mải tán tỉnh mấy cô “em kết nghĩa” không viết được gì, mình mới post lên blog bài thơ Tổ quốc. Thông thường, có mấy khi gã điểm thơ. Mà mình thì thuộc loại vô danh tiểu tốt. Ấy vậy mà gã cũng tìm ra. Mình biết bài ấy, xét về thơ thì thường, nhưng chắc gã lọc lấy cái ý, lại còn trích ra đúng vào bốn câu máu thịt nhất của mình. Vậy mà mụ vợ nhà mình chẳng bao giờ thèm đọc những gì mình viết. Đã thế, suốt ngày thị đe nẹt nhắc nhở mình không được làm phản động. Mới biết, gã đọc bài rất kỹ chứ không hề hời hợt.

Có lần vì quá bức xúc với một bài viết của một đồng nghiệp, gã phê phán thẳng tay. Thế rồi, các còm sĩ chia làm hai phe, phe nào cũng bảo vệ thủ lĩnh của mình nhưng phe bên kia hăng hơn. Có còm sĩ còn kích đểu rằng, vì gã không biết viết bài nên mới xoay sang nghề điểm báo. Hic hic. Mình thì đoán có lẽ gã giấu bớt những những phản hồi quá khích bên gã vì bạn đọc của gã đông lắm. Sau đó thấy gã vẫn giới thiệu bài viết của đồng nghiệp kia, mình nghĩ: tay này như thế là đàng hoàng.

Gã còn điểm cả báo tiếng Tây. Kinh quá. Báo loại này thì mình chịu nhưng chắc gã muốn hầu thêm các vị uyên bác, tiếng Anh làu làu như bão cấp 13. Cao hứng, gã còn dịch hộ người đọc một đoạn mới siêu chứ.

Ngày xưa, ông Hoài Thanh làm “Thi nhân Việt Nam” phải mất 10 năm, đọc một vạn bài thơ, trừ đi non vạn bài dở mới chọn ra được 44 tác giả. Vậy mà ngày nào, gã cũng đưa ra trình bạn đọc trên trăm bài, như hôm nay (29/7) con số ấy chừng 130, không biết gã phải đọc bao nhiêu bài trong một ngày. Rồi ngày nào gã cũng lựa bằng được một vài bài tiêu biểu đăng lên nữa. Trong “Thi nhân Việt Nam” người ta khoái đọc thơ đã đành mà đọc những lời bình của Hoài Thanh cũng thú vị không kém. Đọc basam cũng vậy, khi điểm bài, gã hay chen vào vài lời bình vui vui, dí dỏm mà sắc sảo làm trang báo sinh động hẳn.

Người đọc tìm đến nhà gã ngày càng đông. Vào lúc này, 7h05 phút tối, thời điểm mà ít người có thể ngồi trước máy tính, có 261 người đang cùng đọc với mình. Số khách ghé thăm nhà gã từ 19/6/2011 là 2499191, có nghĩa là ngót 2 triệu trong 1 tháng. Có ngày tới 133000 lượt người vô xem. Tờ báo tư nhân của gã còn được xếp thứ hạng cao hơn cả tờ Quân đội nhân dân, kể ra thế cũng đáng nể thật.

Mình đã từng làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước nên hình dung được khối lượng công việc như thế nào thì cần bao nhiêu người. Vì thế, mình mới so sánh, để duy trì được cái trang basam có lẽ người ta phải cần thành lập hẳn một phòng nghiệp vụ, tốn chừng vài chục triệu tiền lương/tháng. Vậy mà ở đây gã chỉ có một mình. Hay là gã thuê người? Nhưng gã lấy tiền đâu mà thuê cơ chứ. Tất nhiên, chẳng có khoản ngân sách nào để trả lương cho gã. Không biết có ai thương tình mà thỉnh thoảng rủ gã đi an ủi vài cốc bia hơi không.

Thoạt đầu, thấy gã điểm nhiều bài bài có vẻ “phản động” mà lời bình của gã thì khá táo tợn, mình cứ nghĩ gã ở tận bên Mỹ, có ai ghét cũng ứ làm gì được. Nhưng vừa qua đọc tin tức biểu tình thấy người ta nói gã cũng có mặt. Thì ra gã ở ngay Hà Nội, bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Hi hi. Mình cũng hai hãi, lo cho gã. Nói dại, nếu gã mải hầu người đọc quá lăn ra ốm, hoặc là hớ hênh mà để người ta khép tội gã vào điều gỉ điều gì của Bộ luật hình sự như trốn thuế hay đánh nhau gây thương tích chẳng hạn thì không hiểu cảm giác hụt hẫng của bao nhiêu người nghiện gã sẽ ra sao đây.
29/7/2011
Nguyễn Tường Thụy


 Đôi lời với bạn đọc

Nhân dịp có bài viết về Ba Sàm, chủ Blog tôi có đôi điều thông tin về anh. 


Có lẽ giới Blogger Việt Nam không ai không biết đến Ba Sàm; khác với mọi người về nghề viết, chủ Blog tôi mới biết đến Blog từ tháng 3/2010 đến nay; tức là khoảng hơn một năm; nhưng khác với bác Tường Thụy, tôi đã gặp Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh); dẫu thế, mãi đến hôm nay tôi mới hiểu thêm về anh qua bài viết từ báo Tuổi trẻ mà trong phần comment trong Blog Nguyễn Tường Thụy, có một đọc giả cho biết bài báo này nói về anh.

Hôm gặp nhau ở Hà Nội, nghe loáng thoáng anh hơn tôi 2 tuổi, nhưng hôm nay mới biết anh sinh năm 1956, vậy là hơn tôi trên 3 tuổi. 

Tôi nhớ hôm đó, anh trả lời với GS Nguyễn Huệ Chi thì phải, rằng anh không có số xuất ngoại, mặc dù bố anh là cụ Nguyễn Hữu Khiếu, là đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, thời mà tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đang làm Đại sứ tại Trung cộng.

Trong một bài viết trước về tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (trên Blog cũ đã bị hacker phá sập), tôi có nói về anh, rằng đây là người rất thông minh, thông minh đến hiếm gặp; hàng ngày các bạn đọc phần mà anh bình luận khi điểm bài, hẳn các bạn cũng đoán được điều đó; chẳng thế mà GS Nguyễn Huệ Chi đặt cho anh là người "nói ngắn tình dài" trong một bài viết đăng trên Bauxite Việt Nam.

Hôm nay mới biết, ngoài tốt nghiệp Đại học an ninh, Ba Sàm còn học Đại học luật và Đại học Ngoại ngữ, thảo nào anh có bài dịch ra tiếng Anh trên Blog Nhật báo Ba Sàm của anh và những đoạn dịch từ điểm báo bằng Tiếng Anh.

Theo tôi, Nhật báo Ba Sàm là một tờ báo "độc nhất vô nhị" trên thế giới; năm ngoái 2010, trong một bài viết nào đó đã nói rằng, hãng CNN là một trong các hãng truyền thông hàng đầu thế giới, tờ báo điện tử của họ hàng ngày có 18.000-20.000 lượt người truy cập; nếu như vậy, thì mới chỉ bằng 20%-30% của Ba Sàm.

Sắp tới đây, khi đất nước chuyển sang nền dân chủ, thì một trong những tờ báo và người có công hàng đầu sẽ thuộc về Nhật báo Ba Sàm và cá nhân Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh).

Chúng ta hãy chúc cho anh nhiều điều may mắn và tốt đẹp!

Sau đây là vài hình ảnh tại cuộc gặp mặt ngày 23/02/2011 tại nhà hàng 35 Điện Biên Phủ - Hà Nội.


Bác Trần Nhương đang giới thiệu lý do có buổi gặp mặt hôm 25/02/2011. Từ trái qua: chị Nguyên Bình (con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh), tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Huệ Chi, NHQ, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Ba Sàm, Nguyễn Xuân Diện (đang chụp ảnh), và NSND Trần Văn Thủy



Trái qua: Nguyễn Hữu Quí, Nguyễn Trọng Tạo, Ba Sàm, Nguyễn Xuân Diện, NSND Trần Văn Thủy


Trái qua: Nhà văn Hoàng Minh Tường (có tác phẩm nổi tiếng - Thời của Thánh thần), Nguyễn Trọng Tạo, Dương Danh Dy, Trần Nhương và Ba Sàm


Ba Sàm đang cười tí toét


Trái qua: Nguyễn Vĩnh, Dương Danh Dy, Trần Nhương, Nguyễn Hữu Quí, chị Nguyên Bình và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Trâm Anh - Gặp "ông trùm"

TT - Anh là cựu sĩ quan an ninh, là chàng thám tử tư đầu tiên của nước CHXHCN VN, là giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh loại dịch vụ độc nhất VN... nhưng hình như cả ba mẫu người này đều không ăn nhập với bề ngoài của Nguyễn Hữu Vinh, giám đốc Công ty Điều tra & bảo vệ-V.

Đó là người đàn ông tầm thước, nhỏ nhẹ và giản dị trong trang phục, cử chỉ. Anh nói hình thức tuy không hợp; tuổi đời, suy nghĩ và cảm nhận có đổi khác nhưng máu thám tử trong mình lúc nào cũng hừng hực như thời niên thiếu.

Giấc mơ thời niên thiếu

Sinh năm 1956 tại Hà Nội trong một gia đình cán bộ công chức, những ngày đầu làm quen với sách, truyện, với anh, sau văn học là những tác phẩm trinh thám. Chất lãng mạn, kiêu bạc của họ làm anh ngưỡng mộ.

Ám ảnh đó theo Nguyễn Hữu Vinh đến tuổi trưởng thành. Cậu học sinh lớp chọn Trường cấp III Chu Văn An ngày đó đã nộp hồ sơ thi vào Trường Công an trung ương (nay là Đại học An ninh), mặc dù đủ điểm đi nước ngoài. Ra trường, Vinh trở thành một sĩ quan an ninh. Sau những lăn lộn thực tế, điều tra, hỏi cung những tên tội phạm, Vinh tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng đấu tranh, khai thác.

Số phận đưa đẩy, Vinh chuyển sang công tác tại Ban Việt kiều. Và gần đến tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, Vinh nhận thấy rằng mỗi môi trường sống hay làm việc, dù khó khăn hay thuận lợi cũng đều cho anh những kinh nghiệm, bài học quí báu. Vấn đề là anh phải nhìn ra nó. Thời gian công tác ở Ban Việt kiều đã cho Vinh những trăn trở mà trong cương vị một công chức anh không thỏa mãn được.

Đó là những Việt kiều bao năm lưu lạc nay muốn về quê tìm lại những người máu mủ của mình nhưng không biết làm cách nào. Nhiều người phiêu bạt xứ người nay có chút lưng vốn muốn về nơi chôn nhau cắt rốn để lập nghiệp nhưng không biết lựa chọn đối tác tin cậy.

Những năm tháng trong ngành an ninh đã giúp Vinh tin rằng nếu yêu nghề thì không cần một đặc quyền nào anh cũng có thể bảo vệ được sự thật. Anh nuôi khát vọng sẽ tự mình làm điều đó. Anh muốn tìm rõ những bí ẩn luôn che mờ mỗi số phận, mỗi con người. Anh quyết định xin nghỉ việc, theo học luật, ngoại ngữ để chuẩn bị dấn thân vào khát vọng của riêng mình.

Khi thám tử vào đời

Năm 1999, qua tâm sự với người bạn từ nước ngoài về, Vinh có ý tưởng mình sẽ làm thám tử tư. Thời thế tạo anh hùng, đúng thời điểm đó Luật doanh nghiệp ra đời. Các công dân VN có thể kinh doanh bất cứ thứ gì nếu pháp luật không cấm. Với đời sống hiện nay, thị trường của thám tử không hạn hẹp. Nghề này không đòi hỏi vốn lớn...Vinh quyết định thành lập công ty thám tử tư.
Để chắc chắn, Vinh đến một luật sư khá nổi tiếng thuê đăng ký kinh doanh. Luật sư đồng ý và hẹn 10 ngày sau nhận giấy phép. Sau đó, luật sư cho biết Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội đang nghiên cứu vì ngành nghề này chưa từng có mặt ở VN. Vinh tìm đến Sở Kế hoạch - Đầu tư và được biết không chỉ có một hồ sơ xin thành lập công ty thám tử tư mà là hai. Hồ sơ kia là của chính ông luật sư Vinh thuê.

Cán bộ sở nói theo quy định, sau hai tuần nhận hồ sơ chúng tôi phải trả lời. Nhưng thám tử tư là nghề chưa có trong danh mục nghề nghiệp ở VN. Sở có công văn xin ý kiến bộ. Bộ nói nên tham khảo Bộ Công an. Đó là lý do chậm trễ... Với tình hình này, Vinh biết sự ra đời của công ty sẽ còn nhiều trắc trở. Hình như cảm nhận được khát vọng và lòng chân thành của Vinh hay là trong số có quí nhân phù trợ, hay trong rủi có may mà ông trưởng phòng đăng ký kinh doanh đã tư vấn cho Vinh.

Ông nói: “Tôi thấy trong danh mục nghề có loại dịch vụ điều tra và bảo vệ. Anh đăng ký chỉ hoạt động trong lĩnh vực dân sự và kinh tế thì tương đồng với loại nghề này. Anh nên đổi tên doanh nghiệp thì thuận lợi hơn...”. Mừng như bắt được vàng, Vinh chấp nhận ngay. Làm lại hồ sơ lấy tên công ty điều tra & bảo vệ.
Vinh thêm gạch ngang và chữ V, “đa nghĩa” - anh cười bảo khi có người thắc mắc. Bảy ngày phấp phỏng đợi mong, cuối cùng trời cũng chiều người. Còn bộ hồ sơ công ty thám tử tư của ông luật sư nọ thì không biết đang nằm ở đâu.

Vinh quyết định không đi thuê trụ sở mà đặt công ty tại nhà. Vừa rộng và không tốn kém, vừa kín đáo. Về bộ máy ban đầu một mình Vinh phải sắm các vai giám đốc, kế toán, nhân viên... Nhiều đêm khách hàng gọi đến, Vinh vùng dậy cố lấy giọng tỉnh táo như nhân viên trực ban để trả lời, rồi tư vấn... Tuyển nhân viên khác thì dễ nhưng nguồn thám tử ở đâu? Tiêu chí nào? Những đơn hàng ban đầu Vinh cân nhắc rất kỹ mới nhận. Anh kêu gọi bạn bè hỗ trợ.

Vụ thì hợp tác cùng công ty luật, vụ thì với công ty sở hữu trí tuệ, vụ thì cùng một số anh em xưa cùng học ngành công an nay làm trong những ngành nghề khác... Mỗi vụ việc lại có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn sẽ có cộng tác viên riêng. Qua đó, từng bước Vinh tìm nhân viên cho mình...

Sang phần đối ngoại. Công việc ban đầu là giám đốc đi làm nhân viên tiếp thị. Dịp ấy cứ ai mời đám cưới, hội nghị, sinh nhật... dù bận mấy Vinh cũng đến. Gặp bạn bè, họ hàng, người quen, quan khách... Vinh đều gửi tờ rơi tự in (vì chưa có tiền thuê in), danh thiếp giới thiệu mình là thám tử tư. Ai có nhu cầu cứ đến thám tử. Mặt khác Vinh đăng ký dịch vụ giải đáp qua bưu điện, hợp tác với các trung tâm tư vấn gia đình, tư vấn pháp lý và anh em báo chí... để tất cả các đầu mối này đều thông với mình.

Thế là ngay từ cái tên đã hấp dẫn, nhu cầu xã hội lại cao, cộng với những thành công liên tiếp, uy tín của công ty thám tử cứ thế vang xa. Chưa đầy một năm sau gần như ngày nào công ty cũng có khách hàng.

Tâm nguyện thám tử

Nguyên tắc thám tử của Vinh là tuyệt đối giữ bí mật cho khách hàng, không bao giờ chống lại khách hàng và chỉ nhận những việc thuộc quan hệ dân sự, kinh tế. Là người thiên về tư duy logic nhưng Vinh thừa nhận hình như cuộc sống cũng có sự sắp đặt bí ẩn của nó. Đó là câu chuyện về đơn hàng đầu tiên, khách hàng đầu tiên trong đời thám tử của Vinh.

Chiều đông, chiếc xe hơi sang trọng đưa đến công ty một người đàn ông áo choàng, cặp da lớn. Ông nói: “Tôi là giám đốc khách sạn H ở quận Ba Đình, muốn thuê anh tìm đứa cháu đích tôn chín tháng tuổi đã bị mẹ nó đưa đi sáu tháng nay không tin tức. Không cần ký hợp đồng mà tôi đem theo camera và máy ghi âm lưu lại cuộc làm việc này. Ta cùng niêm phong, xong việc cả hai cùng hủy...”.

Ông ta trình bày: con trai ông là gã phong tình, quyết kết hôn cùng cô tiếp viên tỉnh lẻ trong quán hát. Mâu thuẫn ngay sau ngày cưới, chúng xô xát, vợ nó ôm thằng con trai sáu tháng tuổi đi mất tích để moi tiền gia đình ông... Ông nhấn mạnh việc quan trọng không kém chuyện tìm cháu là phải có được chứng cứ con dâu ông hành nghề mại dâm để sau này tòa xử ly hôn sẽ giành quyền nuôi con cho gia đình ông. “100 triệu vụ này. OK?”.

Vinh nghĩ: tìm một cô gái quán hát lại có con nhỏ rất đơn giản. Tìm chứng cớ một ca ve hành nghề còn đơn giản hơn. Nhưng câu chuyện có những vấn đề không rõ ràng. Thứ nhất, cô gái ôm con đi nhằm gây sức ép moi tiền nhà chồng là lý do không thỏa đáng vì theo ông khách, từ khi đi đến giờ cô không liên lạc, không để lại bất cứ thông tin gì để móc nối với gia đình ông.

Thứ hai, việc không ký hợp đồng, xóa sạch cam kết và yêu cầu phải có chứng cứ để nêu trước tòa kèm theo một khoản tiền kếch sù mà một doanh nhân tinh ranh như ông bỏ ra có nghĩa là thám tử phải làm một việc xứng đáng. Đó là dàn dựng cảnh mua dâm đưa đối tượng vào bẫy quay phim, ghi âm. Việc đầu tiên là phải tìm sự thật.

Tìm một cộng tác viên vào vai khách làng chơi đến quán hát xưa cô gái thường lui tới. Sau vài ngày, Vinh biết cô gái đang thuê nhà ở Láng Trung và làm tiếp viên ở một quán hát trên đường Bưởi. Tiếp cận, khai thác. Kết quả: gia đình nhà chồng đối xử tàn tệ, lăng nhục, không xin việc và không đưa tiền. Chồng nghiện hút và nặng thói trăng hoa. Cô quyết lìa bỏ địa ngục đó...

Thám tử Vinh báo lại tình hình cho thân chủ (trừ địa chỉ) và nói: “Chúng tôi chỉ nhận việc tìm cháu nhỏ. Việc tìm chứng cớ mẹ cháu thì không thể”. Cuộc thương lượng của hai bên lập tức kết thúc. Vinh mất ba triệu đồng và nhiều ngày tìm hiểu, bỏ qua 100 triệu của ông bố chồng nhiều quỉ kế.

Vinh nói anh đã không thể bịt tai với tiếng khóc xé lòng của đứa bé xa mẹ khi chưa biết nói; không thể dập vùi, chà đạp lên chút lành lặn cuối cùng của một thân phận đã ở đáy cùng xã hội.
Nghề thám tử luôn bị đặt giữa ranh giới của tình người và tiền. Chỉ một cái tặc lưỡi, một phút vô tâm bạn sẽ có một khoản tiền lớn mà vẫn hợp pháp, không ai trách cứ được bạn, trừ tấm lòng. Vụ việc đầu tiên đó đã trở thành câu chuyện truyền kỳ cho anh em công ty và cũng là nguyên tắc bất biến của các thám tử. Một nguyên tắc chỉ có lương tâm mới kiểm soát được.

Còn rất nhiều người chưa tin rằng VN có thám tử tư. Khi gặp Vinh, người ta ngỡ rằng anh là ông tổ của nghề này ở VN. Vinh cười và bảo: “Máu thám tử của dân mình đã có từ xưa. Tôi chỉ là người nối gót”. Anh đã cho chúng tôi địa chỉ của một trong những thám tử tư đầu tiên ở VN đã có mặt cách đây gần nửa thế kỷ. Đó là ông Lê Văn Lương, quê tại thôn Kim Thượng, xã Kim Bình, Kim Bảng (Hà Nam).

TRÂM ANH

1 nhận xét:

  1. Trong bất cứ xả hội chính trị nào, chế độ nào thì những kẻ có bản chất gió chiều nào theo chiều đó, "hai mang", có năng khiếu làm gián điệp nhị trùng đều sống được có cuộc sống vật chất tạm thoải mái, nếu không nói là khá giả, đôi khi lại là quan to chức lớn, bên nào là "bên thắng cuộc" thì họ cũng vẫn tung tăng (ví dụ gián điệp nằm vùng Phạm Xuân Ẩn, trước 1975, sống trong lòng "địch" ông cũng vẫn có cuộc sống đầy đủ, ra vào nước ngoài thương xuyên...). Phải chăng vì thế cho nên dù biết nguy hiểm, đáng khinh chê mà cũng lắm kẻ lao vào nghề.

    Trả lờiXóa