Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

12 cách hóa giải trò mị dân phiếu lấy ý kiến


Lê G. (Danlambao) - Trò đưa Phiếu lấy ý kiến nhân dân của ông Lê Thanh Hải gây nhiều tiếng cười sảng khoái trong dân. Ai ai cũng biết rõ đây là trò ép buộc thô bỉ của chính quyền đối với người dân để tham dự vào vở diễn có tên là Góp ý dự thảo... Hài hước nhất ở chỗ là quyền hành trên tay đảng CS, dù có phiếu hay không có phiếu thì Dự thảo cũng được thông qua. Như vậy, ý của đồng chí Hải là có phiếu này thì coi như có sự hậu thuẫn của nhân dân chứ gì?! Điều này dẫn đến màn hài thứ hai: ai cũng biết quyền ở trên tay các ông hết cả, vậy dù phiếu có đề không đồng ý hay sao nữa nhưng kết quả vẫn sẽ được trình báo một cách trân trọng trên đài, báo là 99,99% dân Sài thành ủng hộ dự thảo.

Màn hài này gay cấn ở chỗ là nó có tác dụng gậy ông đập lưng ông. Này nhé, ai cũng biết rồi thì mà là, nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh bản dự thảo, nào là thì mà bản dự thảo mang đến một luồng sinh khí dân chủ đậm đặc tính đảng, đầy tự tình dân tộc. Nói tóm lại cả đảng cả dân ai cũng biết là diễn rồi vậy bày đặt gì thêm trò phiếu pheo để mấy cái phiếu pheo này làm lộ hàng đảng hết vậy? Đã thế màn hai này còn một pha hành động vô cùng hấp dẫn, đầy kịch tính, đầy tính sáng tạo chỉ có Việt Nam dưới thời đảng trị mới có: ông Tư xem ôm, bà Hai nước mía, thím Tám trà đá phải ngày thì kiếm cơm, đêm về đọc bản Hiến pháp 92, sau đó đọc dự thảo xem thử như thế nào, sau đó trong ba ngày phải rút ra được những điều gì mà mình không có ưng ý, đồng thời góp ý sửa sao cho ưng ý. Trời ạ, thế có quá là điệp vụ Không thể của chàng Tom Cruse. Lần này không phải chỉ một vài em bé phát hiện vua ở truồng mà cả nước An Nam này cùng đánh òa lên một cái: lúc trước còn đoán già đoán non đảng ở truồng bây giờ thì đã thấy là đảng ở truồng. 

Cười thì cứ cười nhưng nhân dân ngẫm lại mà xem, một việc làm vô bổ vậy mà họ còn lấy tiền thuế của dân ra để in hàng triệu dự thảo, cái mà trước sau gì quốc hội cũng thông qua để rồi phát hành trên toàn nước chỉ chừng một nghìn quyển Hiến pháp là cùng. Làm gì mà xài sang thế, sao lại xa xỉ ở thời gạo châu củi quế này? 

Để tăng tính hấp dẫn của vở diễn đảng ở truồng này, chúng ta cần giúp đỡ nhân dân Sài Thành biết cách pha chế thêm gia vị để mang đến càng nhiều tiếng cười hơn nữa. Dưới đây là 12 cách pha chế, thực ra có sẵn trong dân gian, tôi chỉ góp nhặt và viết lại mà thôi. 

Cách 1: Nương nơi trí tuệ

Cách này được Linh Mục Lê Ngọc Thanh sáng tạo. 

Mục đầu viết: Không đồng ý. 

Mục sau viết: Tôi đồng ý với bản Kiến nghị 72 hay bản Góp ý của Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Những yêu cầu sửa đổi ở bản (hay các bản) văn trên cũng là những yêu cầu của tôi. 

Cách 2: Vì sao phải sửa? 

Mục đầu viết: Không đồng ý 

Mục sau viết Tôi không đồng ý tất cả những điều trong dự thảo bởi vì tôi không hiểu vì sao phải sửa. Tôi hoàn toàn chưa thấy được cái lợi cho Nhân Dân và Nhà nước nói chung lẫn cái lợi của một công dân như tôi nói riêng nếu có sửa đổi. 

Cách 3: Sửa sai, sai sửa 

Mục đầu viết: Không đồng ý 

Mục sau viết: Tại sao bản Hiến Pháp là luật mẹ mà cứ lâu lâu lại đem ra sửa? Từ năm 1945 đến nay chúng ta đã có đến 5 bản Hiến Pháp. Tôi không đồng ý sửa Hiến Pháp một cách tùy tiện như vậy. 

Cách 4: Bổn cũ soạn lại 

Mục đầu viết: Không đồng ý 

Mục sau viết: Tôi không đồng ý tất cả những điều trong dự thảo. Tôi đồng ý với tất cả các chương, điều ở Hiến Pháp 46, yêu cầu dựa theo đó mà sửa đổi. 

Cách 5: Đả đảo Bành trướng 

Mục đầu viết: Không đồng ý 

Mục sau viết: Tôi không đồng ý tất cả những điều trong dự thảo. Quân Trung Quốc đang lấn chiếm Biển Đông vì thế tôi đồng ý với tất cả các chương, điều ở Hiến Pháp 80, yêu cầu dựa theo đó mà sửa đổi lại. 

Cách 6: Thời gian tên bắn 

Mục đầu viết: Không có ý kiến 

Mục sau viết: Tôi không có ý kiến gì vì thời hạn để đọc hiểu, so sánh hai bản Hiến pháp 92 và Dự thảo sửa đổi quá ngắn. 

Cách 7: Hội đồng Lập Hiến 

Mục đầu viết: Không đồng ý 

Mục sau viết: Tôi không thể đồng ý tất cả những điều trong dự thảo. Tôi cho rằng tuy nhân dân có quyền lập hiến nhưng để lập hiến có được chặt chẽ, khúc chiết thì cần những anh tài toàn nước Việt thảo luận trao đổi, chứ không thể đại trà toàn dân như thế này. Tôi ủng hộ tổ chức một Hội đồng Lập Hiến gồm nhiều nhân vật ưu tú của nước Việt, trong đó có cả những khách mời là người Việt ở hải ngoại và chuyên viên pháp lý nước ngoài. Danh sách đề cử thành viên Hội đồng lập hiến của tôi là: GS Nguyễn Huệ Chi, Mai Thái Lĩnh, TS Nguyễn Thanh Giang, Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, Nhà báo Ngô Nhân Dụng (khách mời), Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa (khách mời)…(Tùy vào từng người mà đưa vào danh sách khác nhau) 

Cách 8: Chiếu theo quan Lý 

Mục đầu viết: Không có ý kiến 

Mục sau viết: Tôi không có ý kiến gì vì theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 thì quyền lập hiến là của Quốc Hội thì đây là trách nhiệm của các nghị viên. Tôi sẽ nói ý kiến của tôi cho ông Nghị viên đại diện khu vực tôi chứ không phải viết vào tờ phiếu này. Tôi cho rằng đây là việc làm không theo đúng qui định của Pháp luật. 

Cách 9: Phỏng theo cụ Hùng 

Mục đầu viết: Không có ý kiến 

Mục sau viết: Tôi không có ý kiến gì vì theo như tôi biết có một số Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp bị ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cho là lợi dụng chống Đảng. Do vậy, tôi không muốn ý kiến đóng góp của mình sẽ bị cho là chống Đảng và vi phạm pháp luật. 

Cách 10: Mật ngọt chết ruồi

Anh công an và bác tổ trưởng dân phố đến lấy chữ ký. 

-Vâng ạ, mời các bác vào nhà chơi. 

-Dạ ý kiến ạ, tôi đọc mãi mấy ngày nay mà không hiểu gì hết. 

-Thế bác đã ký chưa ạ? Bác ký đồng ý ạ. Tốt quá. Thế bác giúp em một tý. Vì sao nước Việt lấy tên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? 

(Tổ trưởng ấm ớ, công an lắc đầu) 

-Xã hội chủ nghĩa tại sao vẫn có thị trường, có tư thương? 

(Vì đang ở thời kỳ quá độ) 

-Vậy tại sao không gọi là Cộng hòa quá độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đúng. 

Nói chung là nhiều câu hỏi chết người nữa mà bất kỳ bác tổ trưởng, anh công an nào cũng cứng họng nếu họ nói là họ đã ký “đồng ý”. 

Cuối cùng là: 

-Vâng ạ, bác về. Em đọc tiếp có gì ngày mai bác lại. 

Kết thúc là bản dự thảo được xếp vào xó bếp. 

Cách 11: Cù cưa cút kít 

- Trời quơi là trời quơi. Tui có biết chi mô nà. Đọc hiểu được chết liền. Ông xã tui có thể hiểu mà ông đi làm rồi. Khi nào ổng về tui biểu ổng đọc. 

Hôm sau, các anh ấy lại đến. 

- Trời quơi là trời quơi. Hôm qua ổng dề khuya trật khuya lơ, lăn đùng ra ngủ có đọc đóm gì đâu mừ. 

(Thôi thì chị cứ ký đồng ý cho xong chuyện) 

- Đâu được mấy chú, Hiến pháp có phải chơi đâu mà ưng thì đồng ý, không ưng thì không đồng ý. Thôi để ông xã tôi đọc đã. 

Hôm nay, các anh ấy lại đến. 

-Trời quơi là trời quơi. Hôm qua ổng mang theo tài liệu để đọc bây giờ ổng vừa nói với tui là không biết để đâu. Các chú có bản xi cua không cho tui một bản đi. 

Nói chung, là cứ cù cưa cút kít cho các chú ấy thực hành tốt trách nhiệm của một viên chức mẫn cán mà mình. 

Cách 12. Đem ra mà dùng 

Cách này dễ làm nhất: vứt thẳng vào sọt rác hay nếu có nhu cầu thì hãy dùng kẻo phí. Xong đóng cửa không tiếp khách. 

Trên đây chỉ là 12 cách tiêu biểu, với trí tuệ trào phúng hiếm có của người Việt, tôi tin nhân dân Sài thành sẽ sáng tạo thêm nhiều cách trả lời độc đáo nữa. Đặc biệt, khi trả lời xong nhớ lưu giữ lại để đưa những hình ảnh đó lên mạng để nhân dân cả nước cùng chiêm ngưỡng và cùng mua vui với các bạn. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét