Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Sức mạnh của nỗi buồn

TS Nguyễn Thị Từ Huy
Tia Sáng


Bảo Ninh, trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, đã nhìn nhận nỗi buồn như một cảm giác người căn bản nhất. Nỗi buồn chính là sức mạnh giúp con người chiến đấu và chiến thắng cả sự tàn khốc của chiến tranh lẫn sự phi nhân trong đời sống hòa bình. Với tác phẩm, nỗi buồn quy định cơ chế vận hành của văn bản. Với nhân vật chính, Kiên, nỗi buồn vừa có tính di truyền, vừa là sức mạnh kích hoạt hành động viết và duy trì khát vọng sống...


Nỗi buồn đã có lúc bị xem là cảm giác tiêu cực. Trong giai đoạn chiến tranh, nó bị cho là đáng sợ đến mức mà đã có những chủ trương cấm không được ủy mị, không được buồn. Hậu quả của những chủ trương đó, các nhà thơ như Hữu Loan, Quang Dũng phải gánh chịu1. Nhưng nỗi buồn là một cảm giác người, một cảm giác mà thiếu nó, con người sẽ không là con người. Các nhà văn nhà thơ Việt Nam thấu hiểu điều đó nên đã dùng nỗi buồn để đối lập lại sự phi nhân của chiến tranh. Chiến tranh có thể hủy diệt mọi thứ, nhưng nó không ngăn được người ta cảm thấy buồn, cảm thấy đau khổ. Chiến tranh có thể giết chết người, nhưng không thể giết chết được tính người. Nỗi buồn bị cấm đoán, người ta sợ nó làm mất dũng khí. Nhưng thực ra chính nỗi buồn làm nên sức mạnh cho những người lính chiến đấu và chiến thắng. Không phải sự thù hận, mà là nỗi buồn. Yêu nước trước hết là đau buồn vì đất nước bị xâm lăng, bị nô lệ. Nỗi đau buồn đó là một trong những cảm xúc khởi thủy của những trạng thái cảm xúc khác trong chiến tranh, là sức mạnh nguồn cội từ đó hình thành nên mọi sức mạnh khác mà người Việt Nam đã có trong chiến tranh.

Thế nên, bất chấp mọi cấm đoán, những câu thơ như "Đôi mắt người Sơn Tây/ u uẩn chiều lưu lạc / buồn viễn xứ khôn khuây", những bài thơ như Màu tím hoa sim trong thời chiến vẫn được lưu truyền rộng rãi dù là không công khai và chúng gìn giữ phẩm chất người cho cả một dân tộc. Không một sự cấm đoán nào có thể khiến con người nơi đây từ bỏ phẩm tính người. Họ đã gìn giữ những câu thơ, những tác phẩm diễn tả tâm hồn, diễn tả đời sống tinh thần của họ. Những câu thơ như vậy, hay nỗi buồn chiến tranh là những dấu hiệu cho thấy dân tộc này là dân tộc của những con người chứ không phải là những cỗ máy chỉ biết phục vụ chiến tranh hay phục vụ thể chế một cách vô điều kiện. Gìn giữ và truyền bá những tác phẩm văn chương nghệ thuật thể hiện nỗi buồn trong một hoàn cảnh như vậy chứng tỏ cộng đồng này đã tìm cách bảo vệ quyền tự do làm người, bảo vệ nhân tính của mình.

Chính trong tinh thần này mà cần đọc lại tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Ngay từ trang đầu tiên ta đã nghe thấy giọng của nỗi buồn cất lên. Chính nó, dù tác giả chưa gọi tên. Chưa gọi tên nhưng đã cấp cho nó một diện mạo. Nỗi buồn tạc dáng vẻ của nó vào không gian, khắc sự hiện diện của nó vào thời tiết, triệu về kẻ đồng hành chết chóc của nó: chiến tranh. Nỗi buồn chảy ra từ mưa, bốc lên từ những gói hài cốt, nỗi buồn phả ra từ không khí ướt át.2

Âm hưởng của nỗi buồn lan tỏa suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết. Nó là âm thanh chủ đạo. Âm thanh của nỗi buồn vượt lên trên mọi âm thanh khác ở thời chiến. Nó trở thành một thứ âm thanh cứu rỗi. Chính nỗi buồn giữ cho con người vẫn còn là con người trong cái cỗ máy xay thịt của chiến tranh; nó khiến con người, dù bị hủy diệt bởi bom đạn sắt thép, vẫn đứng cao hơn bom đạn, sắt thép. Vì nỗi buồn không phải là âm thanh gào rú của máy bay, không phải là tiếng gầm của bom, tiếng nổ của pháo, tiếng rít của đạn. Nỗi buồn là âm thanh "của tâm hồn con người trong cuộc xung đột với chính nó, điều duy nhất có thể tạo ra tác phẩm hay, bởi đấy là điều duy nhất đáng để viết, đáng để thống khổ và nhọc nhằn"3. Tôi trích ý của Faulkner trong diễn từ nhận giải Nobel để nói như vậy. Gìn giữ nỗi buồn trong cảnh tàn sát và chém giết diễn ra hằng ngày của chiến tranh cũng có nghĩa là chống lại sự tàn lụi của tính người, chống lại sự hủy diệt con người. Faulkner còn nói rõ ông từ chối điều gì: "Tôi từ chối chấp nhận sự tàn lụi của con người. […] Tôi tin tưởng rằng, con người sẽ chiến thắng. Nó bất tử không phải vì giữa muôn loài nó có một tiếng nói không mệt mỏi, mà là vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng trắc ẩn, hy sinh và nhẫn nại. Bổn phận của nhà thơ và nhà văn là viết về những điều ấy. Đó là đặc quyền của hắn để giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn mình, bằng cách nhắc nhở con người về sự can đảm, danh dự, hy vọng, kiêu hãnh, trắc ẩn, tình thương và sự hy sinh, những gì đã từng là vinh quang trong quá khứ của họ."4 Faulkner được biết đến như một nhà cách tân quan trọng của tiểu thuyết thế kỷ XX, và như ta thấy, trong diễn từ nhận giải Nobel này, ông đã không nói về kỹ thuật văn chương. Đối với ông, sáng tạo kỹ thuật là gì? Là "sáng tạo ra từ những chất liệu của tinh thần con người một cái gì trước đây chưa từng có". Và nếu văn chương quan trọng thì bởi vì nó "là những điểm tựa, những trụ cột giúp con người chịu đựng và chiến thắng"5. Bảo Ninh đã viết trong tinh thần này, ông cho chúng ta thấy rằng nỗi buồn chính là một chất liệu của tinh thần con người, là điểm tựa nhân tính giúp con người chịu đựng và chiến thắng.
Cái đẹp được bảo tồn trong nỗi buồn. Nỗi buồn là hiện thân của cái đẹp. Nỗi buồn nâng cao tâm hồn con người. Do vậy, nỗi buồn ở đây không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, ủy mị, mà trái lại chính là sức mạnh của nhân tính, sức mạnh của cái đẹp.
Nỗi buồn giúp con người tồn tại trong chiến tranh với tư cách là con người, nó giúp con người ra khỏi chiến tranh mà vẫn còn là người. Ở cuốn tiểu thuyết này, mọi cảm giác tiêu cực: sợ hãi, bất lực, cảm giác nhục nhã, tàn bạo, cảm giác chiến bại, tuyệt vọng, niềm vui sống sót mang tính phi nhân (niềm vui không cưỡng lại được khi người khác chết mà mình thì còn may mắn được sống), cảm giác căm thù… tất cả đều được thanh lọc trong nỗi buồn, tất cả đều được thanh tẩy trong ánh sáng của nỗi buồn. "Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát." (90) Các hồi ức thời hậu chiến cũng được kết thúc trong sự cứu rỗi của nỗi buồn: "Tuy nhiên bao nhiêu sợ hãi và đau đớn, uất giận và căm hờn, những trạng thái tinh thần bạo liệt đã co giật và giằng xé trong lòng anh khi ấy trước tình cảnh kinh khủng quá sức chịu đựng ấy, không còn có thể trỗi dậy cùng với hồi tưởng. Bây giờ đây chỉ có nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn - nỗi buồn được sống sót, nỗi buồn chiến tranh - tràn phủ tâm hồn anh" (206)

Tranh: Lê Thiết Cương

Cũng vậy, sẽ rất sai lầm trong việc tiếp nhận tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh "con quỷ" trong Chí Phèo, nếu chỉ nhấn mạnh khía cạnh nạn nhân của nhân vật, mà không thấy hết giá trị cái chết của Chí. Đó là một cái chết có ý nghĩa7. Cái chết của một con người có khả năng từ chối sự tồn tại vật lý để bảo vệ các giá trị người của mình, để bảo vệ các giá trị tinh thần của mình. Chí Phèo thực ra ý thức rất rõ về hành động cuối cùng, về lựa chọn cuối cùng, dù nhà văn đã cố tình "đánh lừa" độc giả bằng cách đặt Chí vào tình trạng say. Trước khi đi tìm giết Bá Kiến, Chí Phèo đã uống rất nhiều . Nhưng "càng uống càng tỉnh. Tỉnh ra, chao ơi buồn". Buồn đến mức "hắn ôm mặt khóc rưng rức". Chí Phèo đã hành động, đã chết với một ý thức hoàn toàn tỉnh táo, với sự "kiêu ngạo" và "dõng dạc" cất tiếng đòi làm người lương thiện. Điều đáng nói ở đây là : cái cảm giác mà Chí có trước khi chết là cảm giác buồn. Và cảm giác mà Chí có sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng hạnh phúc đầu tiên cũng là cảm giác buồn. Tính người trong Chí hồi sinh cùng với quá trình trỗi dậy càng ngày càng mãnh liệt của cảm giác buồn: từ "mơ hồ buồn", đến "chao ôi là buồn", rồi "hắn nôn nao buồn", "trong quan niệm của nhiều nhà văn Việt Nam, nỗi buồn chính là cảm giác người căn bản nhất. Nỗi buồn là phần sâu thẳm của đời sống tinh thần. Chí nói rõ với Bá Kiến: "Chỉ còn một cách... biết không ?" Chỉ còn một cách là chết đi để có thể làm người. Chí phải chết để bảo vệ phần người đã phục sinh trong Chí. Nam Cao cũng nói chính điều đó: con người có thể chết nhưng nhân tính không thể bị hủy diệt. Chí Phèo là một con người chân chính, con người đã dám lựa chọn cái chết để bảo tồn tính người thay vì kéo lê một sự tồn tại có tính thú vật. Nam Cao cũng diễn đạt cái điều mà Faulkner tin tưởng: "con người sẽ chiến thắng". Cái chết của Chí Phèo chính là sự chiến thắng của con người.


Mọi trạng thái kinh khủng, tàn bạo, chết chóc của chiến tranh cũng được hòa vào trong nỗi buồn. Chiến tranh để lại, trên những vùng đất mà nó tàn sát, không chỉ là sự hủy diệt, mà còn là cái nỗi buồn đã trở thành đặc trưng của mọi sự tồn tại trên mảnh đất đó: "đi đêm ở vùng này có thể nghe thấy chim chóc khóc than như người", "các loại măng lại nhuốm một màu đỏ dễ sợ đến vậy, đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu". Có thể nhìn nhận những miêu tả này như là dấu hiệu của phong cách kinh dị, ma quái. Nhưng cũng có thể nhìn thấy ở đó sự hiện diện của nỗi buồn, những đau đớn của chiến tranh vẫn còn tiếp diễn nơi những sinh vật sống.

Tại sao nỗi buồn có khả năng cứu rỗi? Vì nỗi buồn chính là tâm hồn, là một phương diện của tâm hồn con người. TÂM HỒN. Từ này vang lên nhiều lần trong tác phẩm. ["Giấc mơ lay thức tâm hồn Kiên" (29), "Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy" (43), "ở ngoài tầm với của tâm hồn anh" (47), "theo dần năm tháng tâm hồn anh càng ngày càng chín muồi hơn cái khát vọng thể hiện thiên chức thiêng liêng của đời mình" (49), "cũng như Kiên, hầu hết anh em ở đội hài cốt đã ra khỏi chiến tranh với một tâm hồn tràn ngập bóng tối tang thương" (88). "Dường như bóng tối của giời đất khẳng định bóng tối trong tâm hồn anh" (115), "mặc cảm về sự què quặt hiển nhiên của tâm hồn mình" (123); "Tâm hồn anh trong đau khổ dường như đã biến hình" (183)…] Song hành với từ "tâm hồn" là một từ khác: TRÁI TIM. ["trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính chiến không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy" (28), "và trái tim tôi run rẩy nhói đau" (44)…] Nghịch lý của chiến tranh là như vậy, giữa bạo lực tàn khốc, giữa sự hủy hoại mù quáng, giữa một thế giới phi nhân thì những gì sâu sắc nhất thuộc về nhân tính, tâm hồn, trái tim, lại hiện ra một cách lồng lộng. Kiên hoàn toàn chắc chắn là anh có một tâm hồn. Anh dùng từ đó, "tâm hồn tôi", một cách tự nhiên, anh biết rất rõ nó tồn tại, anh biết rõ nó là gì.

Nỗi buồn không chỉ đưa con người siêu vượt guồng máy chiến tranh. Nhờ nó Kiên mới có thể tồn tại trong hòa bình. Không có nỗi buồn, có lẽ cuộc sống sẽ chỉ còn là một sự chịu đựng dai dẳng. Nhờ nỗi buồn mà Kiên vẫn thực sự sống. Nhờ nó mà Kiên biết thế nào là cái đẹp và giá trị. Nỗi buồn đã giúp Kiên hồi sinh trong hành động viết. Nỗi buồn là sức mạnh kích hoạt hành động viết. Với Kiên thời hậu chiến, sống có nghĩa là viết, hành động có nghĩa là viết. Và viết là để tìm lại nỗi buồn chiến tranh, tìm lại cội nguồn của nhân tính. Thật nghịch lý, đối với Kiên, chiến tranh mang lại sức mạnh cho tâm hồn con người, còn những tấn thảm kịch của đời sống thường nhật đã làm tàn lụi những sức mạnh đó, đã hủy diệt tâm hồn. Bảo Ninh, vào thời điểm viết cuốn tiểu thuyết, đã nhận thấy điều này: tâm hồn dường như trở thành một thứ xa xỉ phẩm trong đời sống hiện tại. Đời sống không chiến tranh này đã hủy hoại nhân tính với một tốc độ mà ta không lường trước được. Nỗi buồn chiến tranh, đó chính là cái đẹp mà đời sống thời bình đã đánh mất. Đối với Kiên, nỗi buồn đó gắn với hai thứ đẹp nhất: tình yêu và tự do. Hai thứ đó phải chăng giờ đây đã là quá khứ ? Đấy là lý do vì sao Kiên cứ đuổi theo mãi những hồi ức về thời đã qua: "Từ chân trời dĩ vãng ngọn gió buồn vô hạn của tình yêu và tự do như là niềm tiếc nuối không nguôi cứ mãi thổi hoài qua thành phố, qua làng mạc, và trong đời tôi…" (46).

Hồi ức khiến quá khứ trở thành hiện tại. Hồi ức khiến hiện tại bị xâm chiếm, bị thay thế bởi quá khứ. Thế nên, Kiên suốt đời phải sống trong cuộc chiến đó. "Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia thử hỏi đã bao năm ròng?" (44). "Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng. Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi. […] những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay" (45). Quá khứ chiến tranh, oái ăm thay, lại là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, lại là nguồn sức mạnh tinh thần, lại là thứ mà Kiên không muốn quên, không thể quên khi đối diện với tấn trò đời của thời bình. Kiên nhiều lần nhấn mạnh điều này : "Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của hồi tưởng" (45). Hồi ức về chiến tranh có sức mạnh cứu rỗi, có khả năng duy trì niềm tin. Hồi ức đó gắn liền với nỗi buồn và tình người. Máu, sự chết chóc được hóa giải trong nỗi buồn đó. Trong chiến tranh người ta ý thức được mình là một con người, người ta biết hành động như thế nào cho ra con người. Đó là ý nghĩa của sự hy sinh, của lòng can đảm, vị tha… khi đối diện với toàn bộ tính phi nhân của cuộc chiến. Còn đời sống thời hậu chiến diễn ra theo chiều hướng nào? Người ta không còn dám đối mặt với sự phi nhân được ngụy trang nhân danh tồn tại. Và nhân tính dần dần bị đánh mất nhân danh quyền được sống. Cuốn sách do vậy không chỉ có giá trị phản chiến, nó còn có ý nghĩa cảnh tỉnh, nó cảnh báo về sự hủy diệt nhân phẩm của những thảm kịch xã hội trong đời sống không chiến tranh.

Xã hội hòa bình mà trong đó Kiên đang sống là một xã hội như thế nào để đến nỗi một người cựu chiến binh phải đi tìm niềm tin và sức mạnh trong hồi ức về cuộc chiến tranh mà anh đã vui mừng thoát khỏi nó? Cách đặt vấn đề này của tác phẩm khiến ta có thể xếp Bảo Ninh không chỉ vào hàng ngũ của các nhà văn viết về chiến tranh, mà còn có thể xếp ông vào hàng ngũ những nhà văn viết để cảnh tỉnh và bảo vệ các giá trị người theo nghĩa phổ quát. Tác phẩm của Bảo Ninh là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi nó được viết ra trong mục đích tìm kiếm, bảo vệ, và duy trì cái đẹp. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh khía cạnh này: cái đẹp được bảo tồn trong nỗi buồn. Nỗi buồn là hiện thân của cái đẹp. Nỗi buồn nâng cao tâm hồn con người. Do vậy, nỗi buồn ở đây không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, ủy mị, mà trái lại, chính là sức mạnh của nhân tính, sức mạnh của cái đẹp. Xã hội có thể bất công, có thể thối nát, có thể tàn bạo, nhưng nếu các cá nhân trong xã hội đó còn nỗ lực đi sâu giải mã nội tâm, tìm hiểu về sự thật của chính mình, còn theo đuổi, tìm kiếm, gìn giữ phẩm giá người, gìn giữ cái đẹp, thì vẫn còn hy vọng, vẫn còn có khả năng thay đổi.
***

Ở Kiên, sống đồng nghĩa với viết, và viết đồng nghĩa với hồi tưởng. Hồi ức trả lại cho Kiên sức mạnh. Hồi ức đòi được hiện hữu, đòi có một hình hài, đòi được vật chất hóa, nghĩa là đòi Kiên phải ghi lại, phải viết. Tác phẩm của Kiên được phát động từ một sức mạnh buồn bã. Nhờ nó mà Kiên có thể sống sót. Nhờ nó mà Kiên hồi sinh. Kiên hồi sinh vào quá khứ, chứ không phải là hồi sinh từ quá khứ6. Ngòi bút của anh chỉ có một con đường: lần trở lại dĩ vãng, làm sống lại sức mạnh được hun đúc từ dĩ vãng, được cất giấu trong quá khứ. Sứ mệnh của Kiên là phải trở thành nhà tiên tri của thời quá khứ. "Ánh sáng của nỗi buồn soi về quá khứ, ấy cũng là ánh sáng thức tỉnh, ánh sáng cứu rỗi của đời anh. Bằng sự trầm mình sâu xa trong hồi tưởng, trong nỗi đau buồn chiến tranh không bao giờ nguôi mà anh sẽ tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy sinh, là nhà tiên tri những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ" (208). Tại sao lại báo trước thời quá khứ? Thật kỳ lạ. Cứ như thể tương lai sẽ được làm bằng quá khứ, hay quá khứ chính là nội dung của tương lai. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy sự sâu sắc của ngòi bút Bảo Ninh khi xây dựng nên nhân vật - người tiên báo quá khứ - này. Đến một ngày người ta sẽ phải quay lại để nhìn nhận cái quá khứ chiến tranh ấy như nó vốn tồn tại trong thực tế, với tất cả mọi sự thật của nó; chứ không phải chỉ trình bày nó ở những khía cạnh người ta muốn trình bày, chỉ nhìn nó ở những khía cạnh mà người ta muốn nhìn. Chừng nào các sự thật về cuộc chiến còn chưa được hiển lộ, chừng nào quá khứ còn chưa hiện diện trong toàn bộ tính chân thực của nó, chừng đó vẫn còn chưa có ký ức lịch sử (hoặc chỉ có một thứ ký ức lịch sử giả mạo) và chừng đó quá khứ vẫn chưa phải là quá khứ. Trong ý nghĩa này Kiên là nhà tiên tri của những năm tháng đã qua.
TS. Nguyễn Thị Từ Huy

Xã hội có thể bất công, có thể thối nát, có thể tàn bạo, nhưng nếu các cá nhân trong xã hội đó còn nỗ lực đi sâu giải mã nội tâm, tìm hiểu về sự thật của chính mình, còn theo đuổi, tìm kiếm, gìn giữ phẩm giá người, gìn giữ cái đẹp, thì vẫn còn hy vọng, vẫn còn có khả năng thay đổi.
Có hai dòng hồi ức chính: hồi ức về chiến tranh và về tình yêu. Bắt đầu bởi hồi ức về chiến tranh và kết thúc bởi hồi ức về tình yêu, ở đoạn khốc liệt nhất, đau đớn nhất, chết chóc nhất của mối tình không tàn phai ấy.

Cuốn sách đề cập đến những chủ đề lớn: chiến tranh, hòa bình, cái chết, cuộc sống và tình yêu. Nó đặt câu hỏi: sống là gì? và đâu là khả năng tồn tại của tình yêu ? Có những lúc Kiên thực sự phân vân giữa cuộc chiến và Phương, giữa lý tưởng và tình yêu. Kiên đã có ý nghĩ ở lại bên Phương, vĩnh viễn, nhưng rồi "chiến tranh tình yêu của tôi" (189). Kiên đã lựa chọn như nhân vật Le Cid của Corneil. Đúng hơn Kiên đã lựa chọn điều mà các thanh niên Việt Nam đã lựa chọn vào thời điểm đó, nói cách khác là Kiên không có lựa chọn. Cuộc chiến đó là ý nghĩa của cuộc sống, là giá trị làm người. Rồi Phương bị cưỡng hiếp trên con tàu đưa Kiên vào chiến trận, bị cưỡng hiếp bởi những kẻ cùng chiến tuyến với Kiên. Thú tính. Vậy ra thú tính không chỉ trỗi dậy khi người ta buộc phải bắn giết, khi người ta bị buộc phải đứng về những phe đối lập nhau. Nó có thể hiện diện khắp nơi, có thể trỗi dậy khắp nơi. Mối tình bất thành của Kiên là nạn nhân của thú tính nơi con người, một thứ thú tính ở tầm phổ quát, chứ không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, khi mà thú tính trở thành một phản ứng có điều kiện.

Mối tình của Kiên và Phương không bao giờ tàn phai, nhưng bất thành. Đây là lời giải thích đau đớn của Phương về việc tại sao hai người sống cạnh nhau trong cùng một hành lang mà không thể đến được với nhau, không thể trọn vẹn thuộc về nhau : "Ký ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn. - Phương nói với anh khi bỏ ra đi - Không phải là hạt sạn mà là một quả núi. Lẽ ra lần ấy em nên chết đi… Như thế thì chí ít em vẫn là cái gì tốt đẹp trong trắng đối với anh. Còn bây giờ em sống, sống cạnh anh nhưng em là vực thẳm xấu xa và đen tối của đời anh. Phải không Kiên?" (80) Kiên đã làm Phương cảm thấy nhơ bẩn bằng những phản ứng tức thời trên con tàu khi biết rằng Phương bị làm nhục, khi bỏ đi không một lời từ biệt để Phương phải tìm kiếm một cách tuyệt vọng ở thị xã Thanh Hóa. Kiên tiếp tục khiến cho Phương cảm thấy mình nhơ bẩn khi trở về sau chiến tranh, khi hai người đã thử cùng chung sống. Kết cục là Phương phải thốt lên: "Đôi khi em cảm thấy mình như một con vật" (146). Phương ra đi cùng người họa sĩ già, như một giải pháp duy nhất để giải thoát cho cả hai người, để cô còn có thể cảm thấy mình là một con người. Kiên đã không biết làm thế nào để giúp Phương thoát khỏi ám ảnh về sự nhơ bẩn, nhục nhã. Kiên không biết làm cách nào để vượt qua cái hạt sạn đã trở thành quả núi ấy, không còn biết hành động như một người bình thường, không còn biết yêu, biết quên như một người bình thường. Kiên không bằng cả người đàn ông trong câu ca dao: "Giữa đường nhặt cánh hoa rơi / Hai tay nâng lấy cũ người mới ta". Kiên không bằng cả cái anh chàng nho sinh họ Thúc, người đã biết nâng niu giá trị của một cô gái lầu xanh như Kiều. Chiến tranh đóng vai trò gì trong việc tình yêu của anh bị hủy hoại như vậy bởi chính anh? Chính ở sự bất lực này của Kiên, sự yếu đuối này của Kiên mà cuốn tiểu thuyết giúp ta nhận thấy toàn bộ tính chất phức tạp của tâm hồn con người. Kiên đau buồn mắc kẹt trong tấn bi kịch mà không ai ngoài anh có thể hóa giải nổi. Cả cái bi kịch này nữa cũng tắm trong ánh sáng của nỗi buồn, một thứ ánh sáng lạnh, sâu, nhức nhối, sưởi ấm cuộc đấu tranh nội tâm của con người.

Không phải ngẫu nhiên mà Kiên có biệt hiệu là "Thần Sầu". Kiên là hiện thân của nỗi buồn. Kiên mang trong mình một nỗi buồn truyền kiếp, được cha anh trao lại trong lời trối cuối cùng của ông: "không còn những bất hạnh lớn lao nữa… Nhưng nỗi buồn thì không nguôi… vẫn sẽ còn lại nỗi buồn… nỗi buồn truyền kiếp. Cha chẳng để lại gì được cho con ngoài nó, nỗi buồn ấy." (126) Hẳn ông biết rằng đó là một gia tài quý giá mà không một tài sản vật chất nào có thể so sánh nổi. Cuộc đời Kiên là một nỗi buồn dài dằng dặc; mọi nỗi buồn đều biến thái từ nỗi buồn nguyên thủy ấy. Nó giúp anh không chỉ nâng cao tâm hồn mà còn kết nối anh với những người khác. "Chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh."(257-258). Nhờ nỗi buồn mà Kiên chống lại sự tàn lụi của tâm hồn, chống lại sự suy tàn của con người. Nỗi buồn cũng là tài sản duy nhất mà anh để lại trên mớ giấy tờ lộn xộn và trên những dòng chữ rối loạn. Kiên bỏ đi, có thể là đã chết. Nhưng nỗi buồn của Kiên tiếp tục sống cùng với người đàn bà câm, và tiếp tục sống với tất cả mọi người khi bản thảo của anh được công bố. Cùng với nỗi buồn mà anh sẽ tiếp tục tồn tại.

Sẽ như thế nào nếu nỗi buồn chết đi mà con người vẫn sống ?

--------------
1
 Vấn đề này cần được đào sâu và xem xét trong toàn bộ lịch sử của nó thì mới có thể cắt nghĩa được hiện tượng: buồn từng là điệu hồn của các nhà thơ mới rồi sau đó bị coi là tiêu cực, bị cấm đoán (rất nên nghiên cứu về sự cấm đoán cảm giác người này để hiểu thêm những chuyện khác) trong một thời gian dài, thậm chí kể cả sau khi chiến tranh kết thúc, cảm giác buồn vẫn cứ bị cấm đoán, cứ như thể nó là tội lỗi. Bằng chứng là cuốn sách của Bảo Ninh phải đổi nhan đề ở lần xuất bản đầu tiên: "Nỗi buồn chiến tranh" bị biến thành "Thân phận tình yêu".
2 "Nửa đêm mưa xuống. Một màn mờ mỏng, dịu như sương, êm lặng rơi hầu như không thành tiếng. Tấm bạt xe cũ nát lấm tấm dột. Nước mưa rỉ xuống thong thả rỏ giọt lên những bọc ni lông gói hài cốt tử sĩ xếp lát trên sàn xe. Không khí ẩm sánh lại, quánh ướt, từ từ lùa những ngón tay dài ngoằng lạnh toát vào bên trong bọc võng. Chảy rào rào buồn buồn, miên man như là dòng thời gian trôi thành tiếng, nghe nửa tỉnh nửa mơ. Cả trong lẫn ngoài giấc ngủ đều một đêm tối như bưng và mịt mùng hơi ẩm. Gió ướt rượi thở dài. Tự nhiên có cảm giác tuồng như chiếc xe bỗng dưng rời chỗ, im lìm lăn bánh, chạy êm ru, không cần động cơ, không người cầm lái, một mình mộng du trên con đường rừng cô quạnh. Và âm thầm lẫn trong tiếng suối là tiếng thở dài của rừng sâu nghe vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo như là âm vang vọng lại từ một thời nào đó, như là tiếng của lán lá vàng rơi trên thảm cỏ từ lâu lắm rồi." (Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học, bản in năm 2009, tr. 5-6. Kể từ đây các trích đoạn của tác phẩm sẽ được chú thích số trang đặt trong ngoặc đơn).
3 Diễn từ nhận giải Nobel Văn học của William Faulkner, năm 1950. Trích theo bản dịch của Phan Đan và Phan Linh trong cuốn Âm thanh và cuồng nộ, NXB Hội Nhà văn, 1992, tr. 391.
4 Âm thanh và cuồng nộ, sđd, tr. 392.
5 Âm thanh và cuồng nộ, sđd, tr. 392.
6 "Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện. Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh" (83).
7 Dù rằng từ một góc độ khác, cái chết đó bộc lộ sự yếu đuối của con người cá nhân bị khuất phục trước ý thức cộng đồng. Chúng tôi đã phân tích điều này trong bài viết "Ý thức cộng động và số phận cá nhân".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét