Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Chuyện Công tử Bạc Liêu... và con của Công tử Bạc Liêu (Kỳ I)


doandu18041
I. Công tử Bạc Liêu
Tại sao có danh từ “Công tử Bạc Liêu”?
Nếu bây giờ các nhà giàu hay các gia đình có quyền thế – tức “tư bản đỏ” – thi nhau cho con du học bên Mỹ, thì ngày trước, thời Pháp thuộc, các điền chủ và đại điền chủ thi nhau cho con du học bên Pháp, hay ít nhất cũng lên học trên Sài Gòn. Hầu hết các điền chủ và đại điền chủ ở Bạc Liêu đều mua một vài căn nhà ở Sài Gòn để cho con cái lên đấy ở hoặc đi học. Lớp con cái của họ sinh ra đã sống trên nhung lụa, tiền bạc tiêu xài không hết nên họ không biết quý đồng tiền. Họ đua nhau ăn chơi, ném tiền qua cửa sổ cho mọi người phải nể. Huỳnh Văn Phước – tên tiếng Tiều (Triều Châu) quen gọi là Dù Hột, con ông chủ Chá, một trong các đại điền chủ khác tại Bạc Liêu (Phước có người chị ruột cất ngôi chùa hiện nay gọi là Chùa Cô Hai Ngó). Phước hay mặc bộ đồ bà ba trắng, đi giày Tàu, đội nón Hồng Kông (thứ nón bằng nhựa cứng kiểu Anh, chế tạo tại Singapore), cầm cây can Nhựt bổn, hút thuốc xì gà Ma-ní (Philippines). Mỗi lần vị công tử này ngủ ở khách sạn Sài Gòn, sáng bước xuống đường là đám xe kéo lại xúm đến, giành nhau chở vì Phước trả tiền không cần thối lại. Phước thấy khó xử nên bảo: “Thôi được, đi hết!”. Vậy là một xe chở Phước, một xe chở chiếc nón, một xe chở cây can..., còn các xe khác không chở gì hết nhưng cũng đi theo và cũng sẽ được trả tiền. Đoàn xe đi vòng vòng chợ Sài Gòn, người ta bu đông đứng coi, có người nói: “Thằng cha đó điên” nhưng cũng có người nói: “Công tử Bạc Liêu đấy!”. Thế là từ đó tiếng đồn công tử Bạc Liêu tiêu xài rộng rãi được nhiều người kể cho nhau nghe. Sau này người ta gán giai thoại đó cho Trần Trinh Huy là không đúng sự thật, và họ đã biến những chiếc xe kéo có hai càng dài, người phu chạy phía đằng trước, thành xe xích lô mặc dầu lúc ấy ở Bạc Liêu tất nhiên cũng chưa có xe lích lô.
Những cậu ấm Bạc Liêu nổi đình đám hay lên sống trên Sài Gòn lúc bấy giờ là Dù Hột, Hai Lũy, Hai Đinh, Ba Cân v.v... và thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” ra đời. Sự thật, dân Sài Gòn và các tỉnh miền Tây dùng những tiếng này để chỉ cả nhóm công tử Bạc Liêu chứ không phải chỉ một mình Công tử Bạc Liêu như bây giờ.
Tuy nhiên, những tên tuổi nói trên lập tức bị lu mờ khi Trần Trinh Huy du học bên Pháp về. Lối sống phong lưu, phóng túng của Trần Trinh Huy đã làm nên những giai thoại như đốt giấy bạc 100 đồng để soi chiếc nhẫn hột xoàn của cô Bảy Phùng Há rơi dưới gầm bàn, trong khi Bạch công tử “giựt le” với người đẹp, đốt tờ giấy bạc 5 đồng. Rồi chuyện thi đốt tiền nấu chè do người ta đồn v.v..., cậu Ba Huy trở thành tay chơi “ngon” nhất Nam bộ. Hễ ai nói tới Công tử Bạc Liêu là mọi người nghĩ ngay đó là “công tử” Trần Trinh Huy. Vậy Công tử Bạc Liêu là ai mà “danh bất hư truyền” như vậy ?

Công tử Bạc Liêu
Ông Trần Trinh Trạch một vợ một chồng cho đến hết đời, có 7 người con lần lượt là: “cậu Hai” Trần Trinh Đinh (sinh năm 1896); “cậu Ba” Trần Trinh Huy (sinh năm 1900); rồi đến 4 người con gái: cô Tư Trần Thị Huệ (sinh năm 1902), cô Năm Trần Thị Thu (1904), cô Sáu Trần Thị Đông (1906), cô Bảy Trần Thị Dày (1911); cuối cùng, người thứ 7 là cậu “Tám bò” Trần Trinh Khương. Gọi như vậy bởi vì lúc còn nhỏ cậu chỉ thích bò chứ không thích tập đi như các trẻ em khác. Nếu người coi không để ý, cậu có thể bò từ dưới sân lên các bậc thềm bên trên hay từ các bậc thềm bên trên xuống bên dưới mà không bị té. Ông Lớn Trạch bảo: “Kệ nó, té thì nó ráng chịu”.
doandu180421
“Cậu Hai” Trần Trinh Đinh cũng là tay ăn chơi có hạng không kém gì các “công tử” khác. Người ta kể rằng có lần ngồi trên chiếc xe do một người Khmer trước đã từng làm tài xế cho ông hoàng Sihanouk (1922-2012, sau này là vua Sihanouk, mới mất tháng 10 năm ngoái) lái. Thấy vợ của người tài xế quá đẹp, cậu Hai mê mẩn, vốn tính ba trợn không biết nể nang ai, cậu bèn hỏi thẳng: “Mày bán vợ mày cho tao được không? Muốn bao nhiêu tiền tao cũng trả!”. Người tài xế tức, trả lời cho bõ ghét: “Bán đấy. Tui bán 20,000 đồng, ông mua nổi không?”. Lúc ấy giá lúa có 1.2 đồng một giạ (40 lít), vậy mà Hai Đinh mua thật. Vợ người tài xế ăn ở với Hai Đinh cho đến hết đời. Từ đấy Hai Đinh có thói quen ở trần, mặc xà-rông theo kiểu người Khmer (Campuchia).
Bốn người con gái thì không ăn chơi và không có gì đặc biệt. Riêng cô Sáu Đông (người mặc áo trắng, đeo bóp, đứng thứ ba trong hình từ bên trái sang) thì có mối tình hơi lạ như sau: Phan Kim Cân (cha của Phan Kim Khánh hiện nay còn sống) là cháu nội của ông Phan Hộ Biết cha vợ của ông Trần Trinh Trạch. Bà Phan Thị Muồi là vợ ông Trần Trinh Trạch, sinh ra cô Sáu Đông, như vậy cô Sáu Đông là em con cô con cậu ruột với Phan Kim Cân. Nhưng “công tử” Phan Kim Cân thương cô Sáu Đông, hai bên nhất định lấy nhau, sinh ra Phan Kim Sơn, Phan Kim Khánh và mấy người con khác. Gia đình ông Trần Trinh Trạch cho là “loạn luân” nên không bằng lòng, nhưng cuối cùng rồi cũng huề. Năm 1945, Phan Kim Cân đi theo Việt Minh, làm chức Trưởng ban Kinh tề-Tài chánh tỉnh Bạc Liêu. Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy bị bắt cóc đem vô nhốt trong một căn chòi trong đồng, suýt bị xử tử về tội “bóc lột tá điền”. Nhưng Phan Kim Cân bảo đảm cho Trần Trinh Huy (tức anh vợ và cũng là anh em con cô con cậu) được thả, về đem một số tiền cực lớn cộng với thuốc tây vào nạp cho kháng chiến. Từ đấy “Công tử Bạc Liêu” sợ, bỏ lên ở biệt trên Sài Gòn không dám về Bạc Liêu nữa khi còn Việt Minh. Năm 1954, Phan Kim Cân đem người con trai lớn là Phan Kim Sơn tập kết ra Bắc, đến 1975 mới trở về thăm gia đình thì cũng đã ngoài 70 tuổi rồi.

Chân dung Công tử Bạc Liêu
Trần Trinh Huy sinh ngày 22-6-1900 tại làng Vĩnh Hưng, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; mất năm 1973 tại Sài Gòn, táng tại Cái Dầy gần mộ ông Trần Trinh Trạch, cách “Nhà lớn” Bạc Liêu khoảng 5 cây số.
Thân hình cậu cao lớn, đầy sinh lực với nước da ngăm ngăm đen, đôi lông mày rậm, nên được gọi là Hắc công tử để phân biệt đối nghịch với Bạch công tử George Lê Văn Phước con của ông đốc phủ sứ Lê Văn Sảng ở Mỹ Tho (bây giờ là tỉnh Tiền Giang).
Tính nết Hắc công tử khoáng đạt, coi tiền bạc như rác, không có mưu đồ gì. Thời đó, các công tử hay chủ điền khi giao dịch với người Pháp thường khúm núm, bợ đỡ, kêu là “chơi thế” (nhường nhịn để lợi dụng khi có thể), còn “cậu Ba” thì không, đã đi học bên Pháp về mà nhà lại giàu nhất miền Nam nên cậu chơi ngang hàng với họ, cứ “toa toa, moa moa” (“bạn bạn, tôi tôi”) chẳng thèm “chơi thế” gì hết. Còn về phía người Pháp, họ cũng có phần nể cậu vì cậu học trường Tây từ nhỏ, nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, có vợ đầm, có bằng lái xe và bằng lái máy bay, gia đình lại thuê người Pháp (ông Henry) rất có trình độ làm quản lý gần như suốt đời.
Ba Huy sinh hoạt cực kỳ sang trọng. Ra đường là đóng bộ đồ vest bằng thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen mà Ba Huy thích là sáng ăn bánh mì với bơ, uống cà phê sữa. Trưa ăn súp vi cá. Chiều ăn cơm với cà-ri nấu bằng hai loại cá: cá chim và cá chẽm, nhưng thường là ăn ở tiệm hơn ăn ở nhà do bà người làm nấu.
Cậu chẳng có công việc gì cả. Buổi sáng ở nhà đọc báo hoặc giao du với bạn bè Sài Gòn cùng giới với mình. Buổi chiều, tài xế đánh xe chở “cậu” đi nhà hàng chơi bời đến khuya. Chủ nhật thì “cậu” đi Cấp (Vũng Tàu), đi Đà Lạt hay về Cần Thơ nghỉ cuối tuần. Tính cậu hay xê dịch, ít khi ở chỗ nào được quá một tuần lễ và cực kỳ ham vui, hễ chỗ nào “vui” như các sòng bạc, tiệm nhảy là cậu luôn luôn có mặt. Riêng về thói mê gái thì cậu hết sẩy! Không ai biết trong đời cậu đã quen bao nhiêu phụ nữ, đã “yêu” bao nhiêu phụ nữ và đã tốn bao nhiêu tiền cho phụ nữ. Con rơi con rớt của cậu cũng không ai đoán được là bao nhiêu. Ở trong đồng, các sở điền lớn dưới quyền của cậu đều có các ngôi nhà lầu của ông Trần Trinh Trạch để làm việc và chứa lúa khi đến mùa thu lúa ruộng. Cậu đi “kinh lý”, thấy con gái tá điền có cô nào đẹp thì sai tằng khạo bảo với ông già của cổ buổi tối đưa cổ lên “giúp việc” cho cậu ít bữa, vậy là xong thôi, chẳng ai dám trái lời. Từ nhà cửa cho đến ruộng đất cày cấy, cả gia đình họ đều sống nhờ vào đất đai dưới quyền của cậu, nếu không “hy sinh” đứa con gái, cậu giận, sai tằng khạo đuổi thì sẽ sống ra sao mặc dầu tánh cậu hiền, chưa đuổi ai bao giờ cả. Làm tá điền cho bất cứ ông chủ nào thì cũng không bằng làm cho gia đình cậu, vì vậy họ phải “hy sinh”. Được cái, ăn ở với con cái tá điền một vài ngày xong, cậu đều “bồi thường” rất hậu. Có khi, cô gái có bầu, sanh con, đứa trẻ đã lớn, “ông ngoại” của nó vì nghèo quá nên dắt nó ra trình cậu, cậu ngớ người, không nhớ gì hết mà cũng chẳng biết nó có phải con của mình hay không nhưng cũng cho ông già tiền để về nuôi nó, cho nó đi học.
 doandu18043
Những người vợ của Công tử Bạc Liêu
Ba Huy được ông Trần Trinh Trạch cưới cho người vợ chính thức và là người duy nhất có lễ hỏi lễ cưới đàng hoàng là cô Ngô Thị Đen (xin xem hình), con của ông Bá hộ Mín, em gái của ông Hội đồng Điều, điền chủ, cũng rất nổi tiếng tại Bạc Liêu. (Nhà của ông Hội đồng Điều sau 1975 bị tịch thu, hiện nay dùng làm Sở Nông nghiệp và Ngân hàng Phát triển Nông thôn Bạc Liêu).

Bà Ngô Thị Đen được thừa kế một số tài sản của cha lớn đến nỗi dưới thời VNCH, theo Sắc luật Người cày có ruộng của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, điền sản của các điền chủ bị truất hữu chia cho dân cày nhưng được bồi thường và gọi là tiền truất hữu. Những người làm trong Ngân khố Bạc Liêu trước năm 75 kể rằng, cứ cách một tuần lễ lại có hai trái phiếu về tiền truất hữu từ Sài Gòn gởi xuống, với số lượng tiền lớn nhứt cả tỉnh, đó là trái phiếu mang tên ông Trần Trinh Trạch và trái phiếu mang tên bà Ngô Thị Đen.
Bà Đen ăn ở với Công tử Bạc Liêu được một người con gái tên là Trần Thị Lưỡng, mặc dầu cô còn nhỏ nhưng mọi người đều gọi là cô Hai Lưỡng. Sau này lớn lên, cô Hai Lưỡng trở thành một luật sư ở bên Pháp, lấy ông Nguyễn Duy Quang là chánh văn phòng của vua Bảo Đại lúc ngài là Quốc trưởng đang sống tại Pháp.
Ở với người chồng bay bướm như Công tử Bạc Liêu, bà Ngô Thị Đen không có hạnh phúc nên chán nản, đem con gái theo gia đình mình sang Pháp. Được ít lâu, bà bị bệnh bướu não phải chở qua Thuỵ Sĩ giải phẫu rồi qua đời vào năm 1972. Sau khi bà mất, gia đình bà và người con trai mà Trần Trinh Huy có với người vợ đầm tại Pháp mua một chiếc hòm tráng thủy khâm liệm bà để chở về Việt Nam. Đám tang của bà cũng được dân Bạc Liêu truyền tụng như một giai thoại, rằng: quan tài của bà quàn tại Nhà lớn, dân chúng ùn ùn tới xem như đi trẩy hội. Họ đến không phải để dự đám tang mà là để xem chiếc quan tài. Nghe nói chiếc hòm được mua tới 10 triệu đồng (vào thời điểm năm 1972). Nó bằng kẽm, bên trong tráng thủy, bên ngoài mạ vàng, mỗi bên có 4 quai xách. Trên nắp hòm có một ô cửa nhỏ, hễ dùng chìa khóa mở là nắp bật ra, để lộ một ô kính, nhìn vào thấy mặt người chết như đang nằm ngủ.
Ngoài người vợ chính thức do cha mẹ cưới cho nói trên, “cậu Ba” còn có nhiều vợ do cậu tự ý chọn lấy, không có cưới hỏi, có thể kể như sau: Bà thứ hai có 2 con trai tên Nhơn và Đức (chúng ta sẽ nói nhiều về người con này). Bà thứ ba có bốn người con, 2 trai, 2 gái, lần lượt tên là Hoàn, Toàn, Trinh, và Nữ. Ấy là chưa kể người vợ đầm ở bên Pháp có một con trai, và một cô ở Sài Gòn còn rất trẻ với câu chuyện như sau:
Vào khoảng đầu thập niên 60, tức lúc ấy Công tử Bạc Liêu đã ngoài 60 tuổi. Một hôm, cậu đứng trên ban công ngôi biệt thự của mình ở đường Nguyễn Du, Sài Gòn, nhìn xuống đường thì thấy một cô gái khoảng chừng 17-18 tuổi gánh nước đi ngang qua. Cậu giật mình, cực kỳ ngạc nhiên: con gái nhà ai đẹp quá cỡ thế này mà mình không biết? – Cậu hỏi người nhà và được biết đó là cô gái gánh nước mướn, con thứ ba của ông già sửa xe đạp ở đầu đường.
Một bữa, Ba Huy đến gặp ông già và hỏi thẳng:
- Tôi là Công tử Bạc Liêu. Con gái ông đẹp lắm, ông gả cho tôi được không? Nếu ông gả, tôi sẽ cho ông một căn phố lầu ngoài mặt đường để buôn bán và hằng tháng sẽ cấp một số tiền để ông sanh sống...
Ông già rất khó nghĩ. Ở khu này ông đã nghe nói chủ ngôi biệt thự là Công tử Bạc Liêu, một người nổi tiếng giàu có bậc nhất miền Tây, nhưng cậu lớn tuổi rồi, ít nhứt cũng ngoài 60, trong khi con mình mới 17 tuổi. Không gả thì cũng hơi uổng. Ông hứa sẽ về hỏi con gái ông xem sao, tùy con gái ông quyết định.
Khi ông già về hỏi con gái thì cô lộ vẻ suy nghĩ, nét mặt rất buồn và trả lời: “Nhà mình nghèo quá, con gánh nước mướn tối ngày mệt lắm, nhìn tới nhìn lui không thấy một chút tương lai. Thôi thì lấy ổng đi, cả nhà được sống trong căn phố lầu, lại có cơm ăn, tía không phải đi sửa xe nữa...”.
Vậy là ông già đồng ý. Công tử Bạc Liêu bèn kêu người làm giấy tờ sang tên cho ông một căn phố lầu và hằng tháng chu cấp tiền bạc như lời đã hứa.
Chưa đầy 10 năm sau, năm 1973, Công tử Bạc Liêu qua đời tại ngôi biệt thự đường Nguyễn Du thì cô gái sống với ông đã được hai con, một trai, một gái (có sách nói bốn con, 2 trai, 2 gái) và chưa tới 27 tuổi. Cô để tang, tiễn linh cữu chồng về Bạc Liêu xong, trở về nhà bàn với cha bán căn phố lầu, đem tiền ra Vũng Tàu mua một căn nhà nho nhỏ làm chỗ buôn bán, nuôi hai con ăn học và ở vậy cho đến bây giờ. Hiện nay bà chưa tới 70 tuổi, vẫn sống ở Vũng Tàu, đã có cháu nội cháu ngoại. Hai con của bà có lẽ là những người thành đạt nhất trong số các con của Công tử Bạc Liêu sống tại Việt Nam.
Trong số các bà vợ không chính thức của Công tử Bạc Liêu, có một bà vốn là vợ của một nhà bác vật (kỹ sư). Ông này đã từng là bạn thân với Công tử Bạc Liêu, cùng du học bên Pháp và giao hảo với nhau nhiều năm. Nhưng Công tử Bạc Liêu “chài” vợ bạn. Nhà bác vật biết, bèn kêu Công tử Bạc Liêu tới giao vợ. Hai bên thành vợ thành chồng, muối mặt sống với nhau, vì vậy dân chúng Bạc Liêu chê trách cậu Ba Huy không để đâu cho hết...
(còn tiếp)

Đoàn Dự ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét