Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Nhân Văn Giai Phẩm Phần XIV:Phùng Cung: Mộ phách - Mồ chôn văn hóa

Chương 2: Mộ phách - Mồ chôn văn hóa

Phùng Cung và bìa tác phẩm "Truyện và Thơ"
Phùng Cung và bìa tác phẩm "Truyện và Thơ"
Nguyễn Đình Toán

Thụy Khuê
Truyện ngắn Mộ phách là tiếng khóc tiễn đưa thi ca, âm nhạc về bên kia thế giới trong một thời mà nghệ thuật đích thực bị xử lý như một phạm nhân. Với Mộ phách, Phùng Cung đã để lại những âm giai bất tử về sự bức tử một cây đàn và sự tuẫn tiết của một cỗ phách, qua đó là sự tàn phá nền văn hoá cổ dân gian, thời Cách mạng tháng Tám. Mười năm sau, khi mộ phách đã xanh cỏ, diễn ra sự triệt hạ Nhân Văn Giai Phẩm. Và mười chín năm sau là sự triệt hạ Văn học miền Nam. Chính sách chôn vùi văn hoá đã kéo dài trong nhiều thập kỷ từ 1945 đến ngày nay

Tác phẩm của Phùng Cung chia làm hai phần: Văn xuôi và Thơ
Phần văn xuôi đả phá chính sách văn hóa của chính quyền cộng sản, đi từ gốc của vấn đề: Phùng Cung đề cập đến sự thủ tiêu văn hoá từ những ngày đầu cách mạng: việc tiêu diệt tuồng, chèo, ca trù... trên đất tổ Hùng Vương. Mộ phách (mồ chôn phách) là tác phẩm tiêu biểu. Chính sách văn hóa này, sau Mộ phách, sẽ tiếp diễn với sự chôn vùi các văn nghệ sĩ và trí thức tinh hoa của dân tộc trong phong trào NVGP, thiêu hủy Văn học miền Nam sau 1975, và vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, qua các việc tịch thu sách, cách chức tổng biên tập, chia đất, bán rừng, coi nhẹ di sản văn hoá của tiền nhân... Một cái nhìn rộng và xa như vậy về thời toàn trị, phải được khởi viết từ đất Tổ: Phùng Cung, người Sơn Tây- nước Văn Lang.

Đất Sơn Tây - nước Văn Lang

Sơn Tây phát sinh hai tài năng lớn trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm: Quang Dũng và Phùng Cung.
Quang Dũng sinh năm 1921, tại xã Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây, thuộc Hà Nội). Hình ảnh vùng đất tổ khắc trong lòng người Việt qua những câu thơ Quang Dũng:
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì" 
Quang Dũng đi vào lòng người miền Nam, không qua ngả Tây tiến mà qua Đôi mắt người Sơn Tây do Phạm Đình Chương phổ nhạc. Đại gia đình Thăng Long (Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc) có một người anh chết ở Sơn Tây trong kháng chiến. Có lẽ vì vậy mà Phạm Đình Chương đã phổ thơ Quang Dũng bằng những nét nhạc tuyệt vời, với một tâm hồn đồng điệu. Nhờ bản nhạc Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương mà nước "sông Đáy chậm buồn qua phủ Quốc" thấm vào hồn người nghe, dù họ chưa hề đặt chân lên đất tổ bao giờ. Những nghệ sĩ đích thực luôn luôn có khả năng truyền cảm vượt tuyến, nối tình đất và tình người trong khoảng khắc câu thơ, tiếng nhạc.
*
Còn Phùng Cung? Là người thông bác lịch sử, gắn bó với đất đai và văn hóa lâu đời của dân tộc, Phùng Cung, đã dùng ngôn ngữ quật khởi, "rừng rú" của Đường Lâm để bảo tồn nền văn hoá Việt một cách quyết liệt và toàn diện, trong thời kỳ toàn trị.
Bài của Nguyễn Hữu Hiệu có một thông tin về nguồn gốc họ Phùng: "Quê tổ của Phùng Cung ở Đường Lâm, Sơn Tây, vốn dòng dõi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng". Chỉ Phùng Cung mới có thể cung cấp cho Nguyễn Hữu Hiệu thông tin này. Bởi lẽ: Đường Lâm là một tên xưa, đã biến mất từ thời Lê, chỉ người gốc ở Đường Lâm mới biết, và khi Nguyễn Hữu Hiệu viết câu này năm 1996, Đường Lâm chắc chưa được "khôi phục" lại với khu "di tích lịch sử- văn hoá Đường Lâm", như ngày nay (không rõ việc khôi phục này có do các nhà khảo cổ giám định, hay chỉ là sự bài trí màu mè để lôi kéo du khách). Vậy việc Phùng Cung dòng dõi Phùng Hưng là điều khả thể. Nhưng không phải cứ dòng dõi Phùng Hưng thì trở thành anh hùng. Dòng dõi và đất sinh có thể giải thích sự can trường và lòng bất khuất ở một con người như Phùng Cung. Sinh trưởng trong nôi lịch sử Sơn Tây, từ một dòng họ chống ngoại xâm lâu đời nhất, Phùng Cung tự hun đúc và tạo nên cái khí phách ấy. Bởi sự kiên cường ấy, không thể giải thích cách nào khác, ngoài đất đai, sông núi và lịch sử.
Nhưng trước hết, tại sao lại Sơn Tây?
Đất Sơn Tây có gì đáng nói?
Miền Bắc có bốn vùng đất cổ có kinh đô xưa:
- Sơn Tây là nước Văn Lang, có kinh đô của Hùng Vương, Trưng Vương, Phùng Vương và Ngô Vương.
- Ninh Bình, có kinh đô Hoa Lư của nhà Đinh, Tiền Lê, và những năm đầu nhà Lý.
- Hà Nội là kinh đô Thăng Long của nhà Lý, Trần và Hậu Lê.
- Thanh Hoá có Lam kinh còn gọi là Tây kinh (kinh đô đầu tiên của nhà hậu Lê, do Lê Thái Tổ dựng lên ở phía đông núi Lam Sơn), có cung điện nhà Lê ở phủ Yên Trường và Vạn Lại, có gò Phật Hoàng (mộ tổ nhà Lê), có Thành nhà Hồ (thành Tây đô), có Ly cung của nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc)...

Trong bốn vùng lịch sử có kinh đô xưa, Sơn Tây lâu đời nhất.
Sơn Tây là vùng rộng lớn, tới cuối thế kỷ XIX, bao trùm nhiều tỉnh và thị trấn ngày nay: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây và một phần các tỉnh Hoà Bình và Tuyên Quang.
Sơn Tây có hai huyện quan trọng: Huyện Phúc Thọ và huyện Bạch Hạc:
Huyện Bạch Hạc (Việt Trì) (thuộc phủ Vĩnh Tường), trung tâm Sơn Tây, là đất Phong châu, kinh đô nước Văn Lang. Sông Lô và Sông Thao gặp nhau ở Ngã ba Bạch Hạc.
Huyện Phúc Thọ (thuộc phủ Quảng Oai), đời Hán là đất Mê Linh, nơi Hai Bà sinh trưởng và đóng đô. Có Hát giang (tức sông Đáy). Có xã Cam Lâm thuộc quận Đường Lâm là nơi sinh của Phùng Hưng và Ngô Quyền. Có đền Phùng Vương và Ngô Vương ở xã Cam Lâm. Có miếu Hai Bà ở xã Hát Môn.
Hai huyện Tùng Thiên và Bất Bạt có núi Ba Vì (truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh), ba ngọn rất cao, hình tròn như cái tán, lớn nhất đất Bắc
Theo Ngô Thì Sĩ và Phan Huy Chú, Đường Lâm là đất hai huyện Hoài An [nay là huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây] và Mỹ Lương [nay là đất các huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây và Lương Sơn, Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình].
Vì những lẽ trên mà trải các triều Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn, các vua, dù có gọi làlộ, là trấn, là thành, là xứ, không vua nào đụng đến "bờ cõi" Sơn Tây, bởi đó là "bờ cõi" nước Văn Lang do vua Hùng dựng nên. Với những bia, miếu, đền... những địa danh lịch sử như Phong Châu, Mê Linh, sông Hát... Sơn Tây còn là trung tâm của nước Việt cổ, một địa điểm chiến lược và tâm lý. Vì vậy, khi dàn trận thu đông 1947Phápđã chiếm Tông và Sơn Tây trước, để làm bàn đạp đánh lên Việt Bắc, cũng là một đòn tâm lý đánh vào não trạng người Việt.

Sự sát nhập Sơn Tây vào Hà Nội 

Năm 1965, chính quyền miền Bắc sát nhập Sơn Tây vào Hà Đông. Từ 1975 đến 1978, Sơn Tây bị nhập vào Hà Sơn Bình. Từ 1978 đến 1991, Sơn Tây bị nhập vào Hà Nội. Từ 1991, Sơn Tây bị nhập vào Hà Tây. Đến tháng 8/2007, Thị xã Sơn Tây, (gồm hai huyện Phúc Thọ và Minh Nghiã, thuộc phủ Quảng Oai) được nâng cấp lên thành phố Sơn Tây và năm 2009, toàn bộ tỉnh Hà Tây bị sát nhập vào thủ đô Hà Nội. Đường Lâm, như vậy, ngày nay đã thuộc vào tỉnh Hà Nội.
Những "sát nhập" này, luôn luôn thay đổi, tùy tiện và lúng túng, dường như không do một chính sách địa lý, chính trị và văn hoá có nghiên cứu khoa học và lịch sử làm hậu thuẫn:
 - Sự "sát nhập" toàn bộ thành phố Hà Tây (trong có thị trấn Sơn Tây) năm 2009 vào Hà Nội [cũng như việc ủi nền cổ thành Đại La để tổ chức lễ hội ngàn năm Thăng Long, bất chấp ý kiến của các chuyên viên khảo cổ mới đây] có thể hiểu như thế nào?
- Rằng để kịp thời phục vụ "lễ hội ngàn năm Thăng Long", nên cần làm đẹp Hà Nội và  "bành trướng" Hà Nội về phía đất tổ Hùng Vương chăng?
- Rằng để cho nhà, đất lên giá theo đúng đơn đặt hàng của các nhà đầu cơ bất động sản?
- Rằng để xác định sự chính thống của nhà nước Việt nam, tự xưng thời đại toàn trị như một triều đại "mở nước", ngang với triều Lý, với tổ Hùng Vương?
 Những thông tin mới nhất về việc nhà nước định "rời đô" về chân núi Ba Vì, bất chấp ý kiến các chuyên gia, lại càng làm cho các giả thuyết trên đây, đặc biệt giả thuyết sau cùng, thêm vững chắc.
Sự phá vỡ bờ cõi nước Văn Lang, cũng không đi ra ngoài quỹ đạo truyện ngắn của Phùng Cung. Truyện của ông xoáy vào toàn bộ chính sách văn hoá của đảng cộng sản: từ việc loại trừ phần văn hóa dân gian, như chèo, tuồng, ca trù, thời kháng chiến, đến sự phá vỡ vùng đất tổ Hùng Vương hiện nay chỉ là hậu quả của chính sách phi văn hoá do Trường Chinh đề xướng từ 1943.

Người và Chó

Trong các truyện ngắn của Phùng Cung, xã hội Việt Nam được trình diện như một xã hội phân chia giai cấp theo cái nhìn của tác giả: Chó và Người.
Giai cấp mà ông gọi là chó thuộc thành phần những kẻ "úp mặt hôn mê liếm lộc", những kẻ "cưỡng bức ngữ ngôn", những kẻ "tình nguyện trọn kiếp bút nô", những kẻ "ngợi ca tội ác"... Và trong bối cảnh, chó đô hộ người, các công tác dò thám, hãm hại, thủ tiêu, đạt đỉnh điểm. Sự triệt tiêu văn hoá trở thành quốc sách.
 Chưa một ngòi bút nào đi xa đến thế trong việc mô tả xã hội toàn trị.
 Tư tưởng chủ đạo này chi phối toàn bộ tác phẩm của Phùng Cung và mỗi truyện có nhiệm vụ biểu trưng một vấn đề mà nhà văn đưa ra. Cách nhìn xã hội chó-người này, sẽ sống lại trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, với những chiều hướng khác, sau này.

Con ngựa già của chúa Trịnh, là tác phẩm duy nhất của Phùng Cung in trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, ám chỉ đám quần thần, như những con ngựa già, suốt đời quen nhắm mắt bịt tai, cúi đầu phục vụ thế quyền.
Ngay từ Con ngựa già của chúa Trịnh, đất Sơn Tây đã làm nền cho tác phẩm: từ vùng đất tổ, phát xuất giống ngựa nòi, sau này sẽ bị thế quyền làm mai một, mất giống. Lão Nông là hình ảnh đầu tiên về người nông dân chân chính của vùng đất tổ.
Con ngựa già của chúa Trịnh viết về con thần mã Kim Bông của lão Nông ở Sơn Tây, có sức vượt nghìn dặm với cái thế "cao đầu phóng vĩ" của nòi ngựa chiến. Bất cứ cuộc đua nào, Kim Bông cũng đứng đầu. Tin đồn đến tai chúa Trịnh, nhà chúa bèn cử người đến mua con ngựa quý. Dù luyến tiếc vô cùng, lão Nông bắt buộc phải giao ngựa về kinh. "Kim Bông phi như gió, trả lại đằng sau những đồi núi, cây cỏ hỗn độn của vùng Sơn Tây. Chỉ trong nửa ngày đã về đến Thăng Long". Về kinh, Kim Bông trở thành con vật sủng ái, được kéo xe hầu chúa. Sống trong nhung lụa, thần mã được ngự tại mã đài ngày ngày chỉ ăn và tắm. Chúa ban áo mão cân đai, đặc biệt cái mũ cánh chuồn, như hai chiếc lá đa che tai, che mắt, chỉ để lộ mỗi con ngươi nhìn thẳng về phía trước. Rồi đến lúc can qua, chúa cần con ngựa chiến dũng mãnh ngày xưa, nhưng than ôi, con thần mã đã quen thói cung đình, bao nhiêu năm bị che tai, bịt mắt, khi tháo mũ áo ra, nó hoa mắt, đầu choáng váng, chân không phóng được nữa. Thần mã cố sức bình sinh, dốc hết tàn lực rồi ngã vật xuống đất, đứt ruột mà chết.
 Kim Bông tượng trưng cho những tài năng lớn, khi đã mũ ni che tai, quỳ gối, úp mặt, phục vụ thế quyền, để tìm bổng lộc thì đều trở thành những con ngựa già, vô dụng. Kim Bông là "nhân vật" đầu tiên, từ "thần mã" xuống "chó" mà Phùng Cung mô tả.
 Là một trong những truyện ngắn hay nhất thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, cùng với Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh mang tính chất ẩn dụ tế nhị, kín đáo và sâu sắc, khó có thể đưa ra để kết tội công khai tác giả.

Dạ ký là một bút ký tưởng tượng hài hước về những nhân vật chính trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, bên nguyên cũng như bên bị, mập mờ những chân dung: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Tô Hoài..., cả người thầy học cũ của tác giả cũng có mặt... đến Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Tử Phác, Lê Đạt... Không chỉ tứ trụ triều đình được phác họa dưới những nét châm biếm, mà cả những bạn đồng hành cũng không thoát khỏi... tất cả đều bị cuốn theo cơn lốc, dưới chân một ngọn tháp, "trên đỉnh tháp là một tàn vàng chóe loé, hơi giống mặt trời chiều lúc gần xuống núi; có phần sáng hơn mặt trời. Bên cạnh tàn vàng là một lá cờ đại, xung quanh lá cờ đại là hàng ngàn cờ nhỏ - đều màu đỏ rực. Từ cờ đại đến cờ nhỏ đều quay tròn. Diềm cờ không dính tua kim tuyến mà là lưỡi câu thép ngoại. Cờ tạo gió, gió nhân thành bão, thì ra cờ bay mà tiếng gầm rú hãi hùng như vậy. Tôi lạnh cả người, cầm sẵn trong tay một cái chết móc hàm" (Phùng Cung truyện và thơchưa hề xuất bản Văn Nghệ, 2003, trang 312).
Dạ Ký biếm họa cả một thời đại cuồng điên, mà con người người người lớp lớp phục xuống, trước một ngọn tháp vĩ đại, "chạy vòng quanh tháp-như đèn kéo quân"; "hàng ngàn cờ nhỏ - đều màu đỏ rực", "một rừng cờ" có "lưỡi câu thép ngoại"; "cờ bay mà tiếng gầm rú hãi hùng"...Chưa có tác giả miền Bắc nào dám viết về bác Hồ, về cờ búa liềm và ngày 19/8 như thế. Dạ kýlà bức tranh châm biếm hãi hùng về sự tung hoành của lá "cờ có lưỡi câu thép ngoại", là điềm báo hiệu 12 năm tù không án của Phùng Cung.

Nhưng "tội" của Phùng Cung, không chỉ là đã nặn ra một "con ngựa già", và vài trang "dạ ký" phạm thượng, mà còn ở những truyện ngắn sâu xa khác, tất cả viết trong khoảng 1957 đến 1960, thời kỳ NVGP bị đàn áp sôi sục nhất. Chính những tác phẩm này mới đưa đến 11 năm biệt giam. Chúng bày ra những cảnh trường bi đát của một thời đại u tối mà ngày nay chúng ta đang muốn và đang cần tìm hiểu.
 Ðó là số phận Mạt kiếp của những người như lão Thiều, suốt đời sống trong đói nhục, cuối cùng, lão đục đáy cót ngô để ăn cắp, bị ngô tưới xuống đè chết. Truyện Mạt kiếp là một trong những truyện ngắn thê thảm nhất về cái đói, gián tiếp mô tả xã hội chó-người.
Vẫn trong bối cảnh Sơn Tây, Ba Vì, vẫn trên nền đất tổ. Ngay từ dòng đầu, không khí bạo lực bốc lên qua giọng văn mạnh, phũ, như một bức họa phổ nhạc, với những âm thanh loang lổ, màu sắc hoắc loạn: "Chiều xuống chới với trên đầu làng Chu Trần. Một con chó vàng nhạt, hơi gầy đứng trên bờ đê nghến phía tây nam nơi mặt trời như một chậu máu, loang vãi từ đỉnh Ba Vì hắt lại. (...)
Thình lình tiếng tù và rúc ba hồi dữ dằn từ cầu Ðạc Ba -điếm tuần của làng- gió tiếp âm, gom tiếng dữ trình làng. Mấy nhà gần điếm còn nghe được cả tiếng "hự hự" của kẻ phạm pháp đang chịu đòn bằng đấm đá, lên gối vào ngực, vào bụng. Nghe đủ tiếng động, đàn chó làng cất tiếng tập thể tru lên một lúc rồi im bặt, quý hồ đủ tư cách chó, bởi dẫu có mỏi mõm cũng chẳng ăn nhằm gì." (Mạt kiếp, trang 27).
Ðó là khúc chó tru dạo đầu cho thân phận lão Thiều. Thiều không phải tên của lão, lão tên là Vị, Thiều là tên đứa cháu ngoại. Lão có một quá khứ tù mù, có thể trước lão đã có thời chân đi giày săng đá, đầu đội mũ chào mào khố xanh, khố đỏ, nhưng bây giờ thân tàn ma dại, không biết vợ bỏ hay vợ chết, lão ở nhờ nhà con rể cả chục năm rồi. Ăn uống phải tự túc, gặp lúc nhà ai có việc gọi đến, lão còn được miếng no. Nhiều ngày chẳng ai đoái hoài, lão đói rã họng, đành thậm thọt vụng trộm củ khoai, bắp ngô của làng. Bị tuần bắt được trói gô vào cột đình, đánh, lão chày mặt ra chửi đổng. Lão nghĩ bụng "no nên bụt, đói ra ma""ngũ cốc còn ghê hơn thuốc phiện, chưa rã họng chưa biết!", "trên đời này ông sợ nhất cái đói, ông khinh nhất cái đói, ông căm thù nhất cái đói" (trang 31).
Ăn nói kiểu Chí Phèo, Chúa, Phật, chả coi ra gì, bất kỳ quỷ ma thần thánh gì lão cũng theo tuốt miễn có cái bỏ vào mồm, lão làm tất tần tật: đánh thần trùng, bốc mả, nhảy xuống ao cứu trẻ chết đuối, không từ một việc nào. Vì cứu trẻ ở xóm đạo, lão đã được mang tên thánh Phê Đô Vị, rồi xóm đạo hết việc, lão mon men đến chùa, giúp bà vãi đốn tre, cạp rổ cạp rá... Lão đã trải hết các "thời", vậy mà lão vẫn sống.
Cho tới cái năm ấy. Lão cố nhớ lại: "Năm ấy là năm gì nhỉ? Nước sông Hồng vua Thủy dâng to hơn mọi năm nhiều. Nước tràn lên đánh úp bờ bãi, cướp trắng hoa màu chưa đến tuổi thu hoạch, đe dọa đê điều đe dọa cả một vùng đói kém!" (trang 56).
Chẳng biết lão Thiều có ý nói kháy cái năm thần thánh ấy, cái năm quái gở trùng hợp đói, lụt và biến cố lịch sử vĩ đại nào không. Dám lắm, đến nước này, lão còn nể gì. Lão đổ tội cho cái năm thổ tả ấy, vì nó mà lụt lội tràn lan khắp nơi. Đói quá, lão Thiều chẳng còn nể nang gì nữa, lão chửi cái đói "Mày đang tâm biến người thành chó, chó thành người!" (trang 67). Lời chửi đổng của lão cũng mập mờ đầy ý nghiã, chẳng biết lão chửi cái đói, chửi thần thánh, hay thoá mạ cách mạng. Đường cùng, lão tính nước cờ chót: liều chết, lội lụt vào tận đáy cót ngô của nhà Tư Tâm, đục cót cho ngô chảy xuống, lão hứng bằng hai ống quần, nhưng không ngờ, ngô chảy mạnh quá. "Ðói, lạnh, nặng, cả ba lực giáp công, lão không sao ngóc đầu lên được. Chỉ trong chớp mắt lão nghỉm hẳn".
 Mạt kiếp được viết với bút pháp lạnh lùng gần như châm biếm, vô cảm hóa nghịch cảnh, và đó chính là nghệ thuật trình bày cái bi đát trong thân phận con người sâu sắc nhất: Từ cái năm ấy, Lão Thiều bị nghiền nát nhân phẩm, lão cố ngóc đầu lên để được sống làm người, sống như người, nhưng cuối cùng lão bị quật ngã, bị tiêu diệt.

Biệt tích là truyện phó Lâm, người thợ không hội nhập được với "đời sống mới"'. Người thợ mộc đầy lương tâm và nhân cách này không thể chấp nhận lối "ăn thật làm dối" của ủy ban nhân dân. "Với phó Lâm, tua, mộng là tuyệt kỹ, khi vào mộng, không tháo ra, chêm lại làm đau gỗ!" (trang 155), nhưng bây giờ ủy ban lại bắt Phó Lâm phải làm nhanh, bắt đóng bàn không cần tua, mộng gì cả, cứ ghép lại bằng đinh năm phân, chặt bỏ mũ, đóng ngậm là đủ. Ông chủ tịch xã còn ra lệnh:
"- Cứ mẫu ấy mà đóng! 
Phó Lâm lo âu xoa hai bàn tay vào nhau:
- Dạ! Thưa ủy ban không làm được ạ!"
Phó Lâm lẩm bẩm trả lời bằng những dạ thưa, không làm được ạ, dạ thưa, khó quá ạ.... cho tới lúc bị đuổi về. Ít lâu sau, phó Lâm đi đâu biệt tích...
Có người đồn thấy phó Phó Lâm vai vác rìu, tay sách hòn đục ngược dòng sông lên núi Tản Viên, bước trên nước như đi đường vậy. Bà Lâm được tin lạnh cả người! Ở đây không ai còn lạ gì chuyện đức Thánh trên đỉnh núi Tản cứ ba năm lại một lần xuống núi tìm thợ giỏi lên sửa điện đài trên ấy. Bà Lâm chờ chồng ba năm, sáu năm, rồi chín năm... không thấy về, bà chọn tháng bẩy ngày rằm xá tội vong nhân làm giỗ.
Biệt tích phác những nét mơ hồ nhưng vô cùng xác thực về một thời mà những cái chết bí ẩn, những sự mất tích, biệt tích của con người khá thường xuyên. Thời mà những giá trị đạo đức nghề nghiệp không còn chỗ đứng. Thời mà dốt nát, cẩu thả, lên ngôi. Phó Lâm, kẻ muốn bảo tồn đạo đức nghề nghiệp, đã bị gọi về trời. Phó về trời, như bị mất tích, như bị thủ tiêu, như tự thăng cùng thần núi Tản, để giữ mãi cái chân chất của nghề tổ, giữ trọn phong cách của một nghệ nhân chân chính.
Chủ trương của đại hội văn nghệ 1950 ở Việt Bắc: chôn sống tuồng chèo, cải lương và dân ca, được thể hiện lại trong hai tác phẩm: Giải thoát và Mộ phách. "Từ nay cái nghề ca trù càn rỡ dông dài phải tự tay đào sâu, chôn chặt, không để nấm mồ, không luyến tiếc" (Mộ phách, trang 204).
Nếu Biệt tích ghi lại sự thủ tiêu nghề thợ mộc, thì Giải thoát, viết về sự phá sản của nghề hát chèo ở làng Ô. Cái thế "cao đầu phóng vĩ" của con Kim Bông, loài ngựa chúa, được thể hiện lại trong nhân vật Cả Miêng, hay Trùm Nhất ở làng Ô, kẻ được coi là "Bố cái đại vương" của làng Vân Ô, nơi ngự trị của thần tổ nghề hát chèo, trên "một giải đất cao, thế đất chim Phượng",cạnh dòng sông Hát (sông Đáy). Giọng văn Phùng Cung luôn luôn có cái uy của đất tổ, cái đẹp của nghề tổ, cái trách nhiệm của bố cái (cha mẹ) trong nhiệm vụ bảo tồn văn hoá và lịch sử.
Ở thế "cao đầu phóng vĩ" như thế, Phùng Cung một mình một ngựa, cầm cương chống lại giai cấp mà ông gọi là "chó" của bọn tàn phá văn hoá dân tộc, tàn phá những nghề tổ: nghề mộc, nghề chèo, nghề ca trù... nuôi sống con người. Bỏ nghề đi, là cắt đứt cuộc sống, là tiêu diệt nghệ thuật cùng miếng cơm, manh áo.

 Mộ phách

Đặc sắc nhất trong mười truyện, viết về thời kỳ cấm ca trù, đập đàn đáy, chôn phách. Bi kịch của vợ chồng kép Tư Chản và Ðào Khuê trong Mộ Phách cả đời gắn bó với cây đàn tiếng hát, không khỏi gợi nhớ đến Cô Tơ và Chánh Thú trong Chùa đàn của Nguyễn Tuân. Tư Chản có hai con, một trai một gái, chỉ mong sao cho chúng sau này lớn lên nối tiếp nghề tổ để được no ấm một đời "Thằng Thuyên, con trai độc nhất, khi nó mới biết lẫy, ông đã nắn ngắm bàn tay của nó và lấy làm mãn nguyện. Ngón tay dài, ắt hẳn dài hơn tay bố, mai ngày nhẹ nhàng nhấn, vuốt dây tơ..." (trang 205).

Ngoài thằng con, Tư Chản chỉ còn cây đàn là quý: "Ðàn này của cụ Kép thân sinh của Tư Chản để lại", "cụ Kép chọn gỗ, thuê thợ Kim Sa đóng cây đàn này lúc Tư Chản mới tám tuổi. Ðáy đàn bằng gỗ dâu vàng, cần đàn bằng gỗ xâng chun, trục vặn bằng gỗ sứa. Phần trên của đáy đàn, hai khoáy gỗ đối nhau như hai con mắt. Cây đàn lên tiếng ngân vang gần một nửa thế kỷ. (...) Ba ngôi âm thanh của đàn đáy "Tiếng tòng! Tiếng dụng! Tiếng dênh!" Hợp thành đựng trong bầu đáy; nhà nghề gọi là "hồn đàn bất tử!" (trang 207)

Được hưởng một gia tài như thế, Tư Chản, coi đàn như một người cha, một ông tổ, đàn là nguồn nghệ thuật và nguồn sống: "Tư Chản quan tâm đến cây đàn nằm đây như nâng giấc một người cha ốm. Trên bàn thờ sát vách bên trái, -cố để khuất mắt người lạ- cây đàn được nằm trong tư thế, dày, trục nghiêm trang. Trên đáy phủ tấm khăn the màu hoàng yến, nay đã ngả màu lõi mít che bụi và che tất cả.
Ngày nào ông cũng hai lần nâng tấm khăn, nhìn kỹ toàn cây đàn. Sóc, vọng hai lần mỗi tháng; vào buổi tối, ông đều lau bụi, và bàn tay lại chạm khẽ lên dây tơ, lặng nghe tiếng xa xưa vọng lại. Ông đứng ngẩn ngơ, quên, nhớ, mông lung. Trước khi quay lưng ông không quên chắp tay thành kính vái cây đàn đủ bốn vái." (Mộ Phách, trang 207-208).

Thế rồi thời thế thay đổi, thằng Thuyên lớn lên đi bộ đội cầm súng thay đàn... Vợ chồng Tư Chản không còn được tự do đàn hát kiếm sống như trước nữa, nhưng trong lòng vẫn "nhớ dồn thương góp", âm thầm lấy đêm 17 tháng 8 cúng tổ tiễn thu. (Ngày 17/8 có một ý nghiã chính trị). Họ chờ lúc trăng khuya, cổng đóng then cài, tìm lại nghề cũ, tiếng đàn chen tiếng phách, nổi chìm giọng ngâm tha thiết của những đêm xưa... "Khúc "Cung bắc" đang chơi vơi như đò chưa cập bến. Bỗng tiếng chó sủa rộ từ phía nhà thím Vượng hắt sang. Ðàn phách im bặt. Hai linh hồn đang rong ruổi quá khứ vụt trở về thực tại. Chó vẫn sủa dai dẳng. Ngờ đâu tiếng tơ, tiếng phách đã leo rào, lọt đến tai người, va vào miệng chó" (trang 210).

 Từ đêm đàn ca vụng trộm đó, hai vợ chồng nơm nớp lo sợ, sợ người và sợ chó, sợ cả chó người.
Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Thuyên, đứa con trai duy nhất, đang đợi được kết nạp vào Ðảng, dưới sự chỉ đạo của Đáng, đã ra tay xử lý cây đàn. Thuyên khẳng định: cây đàn đáy chính là "đồn địch". Và như một chiến sĩ can trường, Thuyên xông vào tóm lấy cổ "địch": "Thuyên hăng hái nhảy tới bên cạnh bàn thờ, tóm lấy cây đàn đáy - Cây đàn va vào vách "Cang!" một tiếng từ đàn đáy vọng ra như tiếng kêu cứu thất thanh của một tội nhân đến giờ hành quyết" (trang 233).

Kêu cứu cũng vô ích, cây đàn không thoát khỏi định mệnh oan trái của mình. Sau khi bị đập tan tành, xác đàn bị hoá kiếp lần nữa: trở thành mớ củi nấu nước tắm cho cậu quý tử: "Lửa cháy vù vù dưới thùng nước tắm. Ông Chản đang loạn bước ngoài ngõ, ngoài vườn, xéo nát cả luống rau mới cấy. Tai ông nghe lửa réo và ngửi thấy mùi đàn cháy khen khét như một vật có xương có thịt. Ông thảng thốt nghe rõ tiếng đàn từ trong cháy phi ra. [...] Ông hỏi vợ có nghe tiếng gì không? (trang 234).

 Từ đấy, Tư Chản cứ trầm trầm đi tìm lại tiếng đàn, mấy tháng sau ông mất. Đào Khuê chọn ngày cúng chồng rồi tìm miếng lụa liệm cỗ phách của mình, nó tên là Kim phách. Kim phách cũng có một sử thi lẫy lừng không kém cây đàn đáy của Tư Chản. Đào Khuê mai táng Kim phách trong ngôi mộ chôn cạnh bờ ao.
Mộ phách ngân lên như tiếng khóc tiễn đưa thi ca, âm nhạc về bên kia thế giới trong một thời mà nghệ thuật đích thực bị xử lý như một phạm nhân. Với Mộ phách, Phùng Cung đã để lại những âm giai bất tử về sự bức tử một cây đàn và sự tuẫn tiết của một cỗ phách. Và qua đó là sự tàn phá nền văn hoá cổ Văn Lang.

 Từ bà Huyện Thanh Quan đến Phùng Cung 

Sau khi thống nhất nước Nam, Nhà Nguyễn gỡ cung điện Thăng Long đem về Huế. Năm 1831, vua Minh Mạng lấy Hà Nội (tên một tỉnh nhỏ phía bắc nước Tàu) đặt cho Thăng Long. Việc gỡ cung điện vua Lê và đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, của nhà Nguyễn nhằm xoá tinh thần phò Lê trong lòng người dân đất Bắc, không qua mắt được nhà thơ: Bà Huyện Thanh Quan, thày dạy con gái vua Minh Mạng, sáng tác Thăng long thành hoài cổ như một kiệt tác hoài Lê, một sự phản kháng âm thầm của kẻ sĩ Bắc hà "nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia", tuy Gia Long không hề đốt sách, và Minh Mạng không dám lấy tên Gia Long đặt cho Bắc thành.

175 năm sau, khi thống nhất Nam-Bắc, chính quyền miền Bắc đổi tên Sài gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, sách lược học lại của nhà Nguyễn, kèm thêm chương trình học tập cải tạo và sự tiêu diệt gần như toàn bộ văn học miền Nam. Kết quả: 35 năm sau, cái tên "mới" của thủ đô miền Nam vẫn chưa hề thu phục được lòng người, mà đối với người dân miền Nam, nó vẫn chỉ là vết tích tủi nhục của sự bại trận, của sự "mất nước" như tình cảm bà Huyện Thanh Quan đã dành cho nhà Nguyễn.

Ở thời đại nào, chính sách văn hoá vẫn luôn luôn là cốt tuỷ. Đối xử một cách văn hoá với người bại trận là có thể chiếm được lòng người. Bởi văn hoá ở trên chính trị. Đối với văn hoá, không thể áp dụng chính sách tiêu diệt địch thủ như trong chiến tranh. Không phải cứ loại được Tự lực văn đoàn ra ngoài, thì văn học xã hội chủ nghiã sẽ trở thành lãnh đạo. Không phải cứ loại đượcNhân Văn Giai Phẩm ra ngoài, thì những ngôi sao Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi... sẽ ngời sáng mãi mãi trên nền trời văn học Việt Nam. Không phải cứ loại được Văn học miền Nam ra ngoài, thì Văn học miền Bắc sẽ trở thành độc nhất vô nhị.

 Bởi đất văn học không phải là một vùng chiến địa, để một còn một mất, mà là đất hoà bình, sống chung, càng nhiều tác phẩm hay, nền văn học của một nước càng thêm sáng giá. Việc loại trừ những giá trị, những tác giả lớn của văn học Việt nam trong thế kỷ XX ra ngoài vì lý do chính trị, đã thu nhỏ nền văn học Việt Nam trong một bàn tay. Và bàn tay này đã cắt hết ngón, là những tinh tuý của dân tộc, chỉ còn lại những tác giả công thần, tự bịt tai, bịt mắt như nhữngCon ngựa già của chú Trịnh mà Phùng Cung mô tả.
Đó là tiếng kêu tha thiết nhất mà Phùng Cung để lại trong tác phẩm, tiếng chim báo bão về nền văn hoá Việt đang bị thu gọn và tự hủy, kể từ việc bảo tồn đất tổ Hùng Vương đến giá trị tinh thần của một nền văn học nghệ thuật toàn diện của dân tộc.

(Xem tiếp Chương 3: Thơ Phùng Cung: Đường lâm thi xã, một nền thơ chống chiến tranh và tù ngục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét