Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Để được hãnh diện là người Việt Nam

Khách [*]
Tâm trạng của một công dân của nước CHXHCN VN khi đọc bài "Hãnh diện là người Việt Nam" do blogger Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu.
Chia sẻ bài viết này
Làm người Việt Nam, nhất là, người Việt Nam của cái quốc gia CHXHCN ở đầu thế kỷ XXI này, chán nản đủ điều, đau đớn đủ điều, tủi nhục đủ điều. Tôi không có kinh nghiệm làm công dân các xứ khác nên không dám phán thánh phán tướng rằng xứ mình là chán nhất, đau nhất, nhục nhất. Nhưng, đúng là chán lắm, đau lắm, nhục lắm. Năm thì mười họa, có chút vui, chút thỏa, chút sướng… thì cũng như là ngụm trà đá cầm hơi trên sa mạc, hay vài giọt dầu cho đĩa đèn sắp cạn, kéo chút sinh khí đâng lụn dần.
Vừa rồi, thấy Dân Luận đăng lên một bài viết được blogger Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu có cái tựa đề khá gai góc: “Hãnh diện là người Việt Nam?”, cũng giật mình. Giật mình vì vết thương còn mưng mủ bị va chạm bất ngờ, chứ không phải giật mình vì ngạc nhiên. Tôi nhớ là có một lần trên mạng cũng ầm ĩ về chuyện nhục nhã hay hãnh diện khi cầm cái giấy thông hành của CHXHCNVN. Thiên hạ tranh cãi khốc liệt xoay quanh câu nói của Linh mục Ngô Quang Kiệt trước giới chức sắc của thành phố Hà Nội. Mọi chuyện rồi cũng qua, mạnh ai nấy giữ quan niệm của mình. Tôi nghi nghi là chả có ai thuyết phục được ai đâu, cùng lắm là một chút đồng cảm, hoặc nhỏ nhoi hơn, là thông cảm với người khác.
Cũng dễ hiểu thôi, hãnh diện hay nhục nhã, nó nằm lấn sang phạm trù cảm xúc nhiều lắm, lý trí chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong ấy. Thường thì, hãnh diện hay nhục nhã, là thứ cảm xúc nó lấn dần từng chút, theo thời gian ăn vào tới xương tới tủy lúc nào không hay. Lý trí chỉ làm cái nhiệm vụ rất ư là đơn giản, giải thích cho chúng ta biết tại sao thế này, tại sao thế nọ. Nghĩa là lý trí chỉ đến sau đó, giải quyết cái hậu quả sờ sờ. Lý trí cho phép ta có cớ để trả lời cho ai đó thắc mắc kiểu Sao mày thấy nhục hay Hãnh diện cái chỗ nào, mày nói tao nghe.
Xã hội Việt Nam hiện giờ lổn nhổn như một nồi lẩu nguội ngắt. Nhìn sơ qua thôi, chả cần hít hít đánh hơi hay thò tay dùng đôi đũa mà chọc vào mới biết nồng độ tanh tưởi của nồi lẩu ấy. Không cần phải có thời giờ ra quán cóc tán gẫu, chả cần phải dỏng tai nghe trên chuyến xe buýt, chả cần phải tham gia bà tám với đám đồng nghiệp rỗi hơi…chỉ cần liếc sơ qua báo chí, cả báo giấy lẫn báo mạng, đã có thể thấu hiểu được tình cảnh hỗn loạn đến mức hết thuốc chữa.
Theo kinh nghiệm của ông bà xưa, phán đoán nhận định một cái gì đấy phải vô cùng cẩn trọng. Dưới lớp vỏ xù xì có thể ẩn chưa một cái bên trong nuột nà xinh đẹp, hoặc ngược lại. Với một niềm hy vọng le lói nhưng mạnh mẽ, tôi từng nhiều lần hít hơi thật dài, cắm đầu cắm cổ lặn cho thật sâu, hầu tìm ra những nét đẹp bị giấu kín. Chắc cũng như một số du khách ngoại quốc, đâm ra tò mò, hy vọng có thể tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn như cái slogan của Du lịch Việt Nam rêu rao mấy năm nay.
Hay là, như thuở mồ ma ông Trịnh Công Sơn, lúc cùng cực quá, ông phải tự lên gân mình bằng bài hát Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui để tiếp tục sống còn. Tôi chắc mẩm một điều, sự gởi gấm của ông trong bài hát đó, không đủ để ông vui 365 lần trong một năm nếu không có những buổi bù khú với bạn bè bia bọt của ông trong thời kỳ này. Kệ ông có học được bao nhiêu lòng bao dung nơi trời đất, bao nhiêu sự nhẫn nhục nơi đường đi của kiến, bao nhiêu sự yên bình của sông, của suối…hẳn là ông vẫn thê thảm lắm trong cuộc sống này đủ để chốt hạ một bài nghe mà nẫu cả ruột: Tiến Thoái Lưỡng Nan!
Mới hôm qua thôi, đọc được cái tin xé lòng. Một thanh niên 21 tuổi tràn đầy sức sống, chạy xe lớ huớ thế nào không tránh kịp, để va phải đứa bé lên ba từ vỉa hè chạy vọt ra đường. Cậu trai đã nhanh chóng chở đứa bé và bà mẹ đến bệnh viện gần đó (Bv Triều An ở quận Bình Tân, TpHCM) cấp cứu. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán đứa bé chỉ bị trầy xước bên ngoài, sức khỏe ổn định. Câu chuyện tưởng chừng như tiền hung hậu cát, bỗng xoay chuyển một cách tàn bạo đến phi lý. Sáu thanh niên người nhà của cháu bé xuất hiện tại bệnh viện, hành hung cậu thanh niên này đến tử vong (gãy cổ) trước mặt bao nhiêu người, trong đó có cả bảo vệ mặc sắc phục của bệnh viện. Là sao? Tôi không thể hiểu nổi.
Cướp, hiếp, giết (bao gồm cả đánh, đâm, chém, bắn, nổ…), mại dâm nữ, mại dâm nam, mại dâm đồng giới…tràn ngập trên trang nhất của hầu hết mọi tờ báo với những co chữ lớn khủng…bố. Từ thành đến quê, từ cao nguyên chí đồng bằng, xó xỉnh nào cũng xảy ra. Nhiều nơi xảy ra với mật độ dày đặc lẫn cường độ bạo liệt. Có một số nhà nghiên cứu lao vào tìm tòi nguyên nhân của hiện tượng này. Tất nhiên, báo chí chính thống không dám đá động gì, hoặc chỉ phơn phớt bên ngoài, để tránh chỉ mặt đặt tên cho những lãnh đạo cao cấp nhất của quốc gia. Còn, giới blogger trên mạng, nhất là những blogger ở nước ngoài, tha hồ bôi tro trát trấu vào những gương mặt khả kính nhất.
Tôi thì nhất định không phải là nhà nghiên cứu khỉ gió gì, chỉ là một thường dân bình thường nhất, trình độ lè tè chưa vượt qua được cả ngọn cỏ dàu dàu nửa vàng nửa xanh của cô Thúy Kiều. Tôi chả dám đổ cho ai cái trách nhiệm xem ra nặng nề khủng khiếp ấy. Tôi chỉ có thể kể ra đây những cảm xúc rối bời của mình khi đối diện mỗi ngày với tình trạng hỗn loạn nhất từ thuở chạm mặt cuộc đời.
Rồi, tôi chợt nghĩ, hay là…nên bắt chước ông Trịnh, cố công mà tìm để rị mọ nuôi dưỡng cái tinh thần ham sống bản năng mà tồn tại. Nhân câu hỏi trong tựa bài của ông Nguyễn Văn Tuấn, tôi đang lom lom hai con mắt đã lòe nhòe của mình, giương thẳng vào xã hội chung quanh để tìm cho bằng được những lý do dù là nhỏ nhặt nhất để có thể làm người Việt Nam.
Còn nhớ, bản năng sống còn là mãnh liệt tới chừng nào trong câu chuyện của Dostoievski (?) kể lại tâm trạng của người tử tù (hình như là kinh nghiệm cá nhân) sắn sàng đứng một chân trên một cái cọc cắm giữa muôn trùng đại dương. Học hỏi từ đó, tôi cũng sẽ cố để moi cho kỳ được năng lực mỏng manh nhất để nếm chút cảm xúc hãnh diện được là người Việt Nam.
[*] Đơn giản thế thôi. Xin tha cho phần các thông tin liên quan... Chỉ là một khách thường xuyên đọc Dân Luận và thỉnh thoảng gồng mình comment với các bài viết được Dân Luận đăng lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét