Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Cô Thơm ở làng

cothamvelang
Sài Gòn Cô Nương

Cô Thắm đã lên tỉnh từ lâu. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tả cảnh ngày cô về làng: Mặt hoa da phấn thêm mắt đa tình. Mày cong môi thắm nhung gấm quanh mình. Tay dù xoay, chân giày tây…

Ngày nay, các cô Thắm đua nhau lấy chồng ngoại quốc, hết lấy Đài Loan, Đại Hàn sang lấy Trung Quốc, Mã Lai... hoặc lên tỉnh làm nghề “bán quán”, khi về quê đều son phấn lụa là một kiểu như thế. Cô Thắm rửa phèn mau lẹ. Từ một cô gái chân chất, chỉ lên thành thị vài năm, cô thay đổi tới mức xóm làng lé mắt nhìn không ra. Nhất là “bán quán”, một nghề “bí hiểm” vì được cho là nhàn hạ không nắng nôi cực nhọc dãi dầu, chỉ phụ việc bưng nước sơ sơ trong quán mát mẻ mà đều đều gửi tiền về cho cha mẹ trả nợ, xây nhà, mua xe và tha hồ đỏ đen.
Thật ra, không phải mọi cô gái đi xa khi quay về đều hóa thân thành cô Thắm cả. Nhà không có một mảnh đất chọi chim. Dưới quê không ruộng đất thì làm gì để kiếm ăn, không vốn để mở hàng tạp hóa, đại lý xăng... Chút nhan sắc để câu chồng ngoại quốc cũng không nốt. Xuống giá tới mức hàng mười mấy cô, hàng mấy chục cô xếp hàng ra mắt cho một ông Hàn hay ông Tàu chọn lựa.
Cho nên cô The theo chị em lên thành phố, lên Bình Dương tìm đến các khu chế xuất, khu công nghiệp để làm công nhân. Lương tháng khoảng ba triệu đồng. Làm một thời gian, cô kéo cả cha mẹ cùng vào hãng xưởng, thuê một phòng trọ nhỏ quây quần cả gia đình. Sống tiện tặn thì cuối năm cũng dư được một số tiền. Dư cất đó phòng thân chứ cũng không biết làm ăn gì với số vốn nhỏ nhoi. Tuy thường đắp vào nhưng vẫn mất giá, vẫn hao hụt như bị mất cắp do lạm phát phi mã.
Các cô rủ nhau đi rất nhiều nhưng vẫn sót cô Thơm ở làng.
Lúc này phong trào lấy Đại Hàn, Mã Lai... có phần hơi xuống. Mấy cô lấy chồng ngoại cùng lắm yên thân chứ không gởi tiền về nhiều cho cha mẹ rủng rỉnh được nên cô Thơm tính kế khác.
Bao hy vọng từ kế hoạch đi nước ngoài theo diện HO của ông bà ngoại tan thành mây khói vì ông ngoại học tập chưa đủ ngày tháng.
Đã học đến tháng cuối cùng của lớp 12 nhưng ngại lỡ thi tốt nghiệp mà rớt thì quê nên cô Thơm nại cớ hằng ngày chạy xe từ nhà trong ấp ra huyện học xa quá. Tấm bằng trung học cũng chẳng nên cơm cháo gì. Học làm chi mất công vì đâu thể cầm tấm bằng đó đi xin việc bất cứ nơi nào được. Vì thế, cô nghỉ ngang để dành thì giờ phụ bán quán cà phê cho cha mẹ.
Miền quê ruộng đồng nắng cháy nhưng cô được nước da trắng trẻo do bôi kem tắm trắng thường xuyên, coi cũng “ngộ”. Đó là chữ mấy bà già hay dùng để khen cô gái xinh xắn. Lại thêm cô biết ăn diện. Quần áo bây giờ giá rẻ mạt, đâu có mua hàng hiệu mà mắc nên mỗi ngày cô thay một bộ khác nhau. Ngày quần jeans, áo nhún bèo, bữa khác quần leggings, áo không tay, cổ chữ U nhìn thật bắt mắt. Ngày nay, về quê tìm đỏ mắt không ra một cô thôn nữ mặc áo bà ba, đi guốc mộc. Chắc chỉ bà già hay phụ nữ trung niên mới mặc thôi. Họa chăng tìm hình ảnh đó trên sân khấu hay trên tranh ảnh, trên lịch của các cô người mẫu trình diễn mà thôi..
Nhờ cô Thơm bưng ly nước đi qua đi lại mà quán thu hút đám thanh niên rảnh việc đến ngồi đồng cả buổi. Mẹ cô rút xuống nhà sau lo chuyện bếp núc.
Vì “ngộ” như vậy nên cũng có nhiều đám ngấp nghé. Tuy nhiên không đám nào thành cả. Có đám chê nhà cô nghèo không môn đăng hộ đối. Quần áo rẻ tiền tuy xanh xanh đỏ đỏ sương sa hột lựu lấp lánh nhưng không có đất đai ruộng rẫy, cơ sở làm ăn. Nhìn biết ngay rõ ràng bọng ruột! Đám khác đồng ý cưới nhưng cả cha mẹ và ông bà ngoại của cô lại không bằng lòng vì đằng trai không khá hoặc không chịu “nhả” ra. Trong nhà chẳng còn thứ gì đáng giá ngoại trừ con gái như một thứ của cải. Họ muốn gả con gái lấy chồng phải thách ít nhiều tiền bạc bõ công nuôi nấng bấy nhiêu năm. Trước mắt cuốn lại nền nhà đã quá cũ, làm lại mái nhà dột, bức tường ván hở... chứ chưa nói gì đến xây nhà đúc, mua thêm mảnh ruộng hay đeo vàng đỏ tay cho hàng xóm nể!
Xem chừng không trông nhờ phía ngoại quốc và Việt Nam nổi nên gia đình cô Thơm chuyển hướng qua Việt kiều.
Tia hy vọng le lói nằm ở dượng Ba về Việt Nam chơi ba tuần.
Hồi đó gia đình này thất học, nghèo rớt mồng tơi. Dì Ba chằm lá thuê, dượng Ba vác lúa mướn, một chữ bẻ đôi không biết. Được cha vợ là HO bảo lãnh giấy tờ mất mười năm thì đi được. Nay về thăm quê, mỗi bước đi tiền bạc rơi vãi, quà cáp phủ phê toàn sô cô la, xà bông, dầu gió... thơm phức!
Bà ngoại nói thẳng đầy hăm dọa:
- Ở dưới mình 15, 16 đã có đám nói. Con Thơm đợi tới năm nay 19 là muốn ế lắm rồi. Bây giờ dượng phải kiếm mối Việt kiều gấp. Nếu không, dưới này gả phứt nó cho Mã Lai thì dượng chịu trách nhiệm. Con chị chưa đi con em đã lớn. Hai em gái của nó 12, 14 tuổi rồi kia.
Dượng Ba tái mặt. Chữ Việt còn không rành. Qua bển, dượng không biết tiếng Anh, không biết lái xe, tháng này qua năm khác chỉ tối mắt tối mũi quanh quẩn phụ bếp cho một nhà hàng Việt thì làm sao quen biết để giới thiệu anh Việt kiều đàng hoàng, tin cậy. Dượng suy nghĩ hồi lâu rồi giải thích:
- Khó lắm. Ở bển, thanh niên mới lớn, có học, quen nếp sống Tây phương thì không hạp gái quê Việt Nam. Cỡ lớn lớn thì một là có vợ rồi muốn về quê kiếm bà nhỏ, cỡ ly dị phải chia lương nuôi con. Thành ra tưởng lấy Việt kiều mà không khá đâu, bao nhiêu tiền mắc nuôi con nó hết. Người không tiền thì không bảo lãnh được. Người có tiền thì sợ lấy vợ trẻ qua có thẻ xanh rồi bỏ…
Dì Ba phân bua thêm:
- Hai đứa con gái của tôi lăn lưng ra trần ai. Con lớn may lắm mới xin một chân công nhân trong thời buổi kinh tế khó khăn, chủ hãng chỉ muốn nhận dân da trắng. Con nhỏ vừa đi học vừa đi làm. Nhà nghèo và học giỏi nên xin được học bổng. Hai vợ chồng tôi đi làm miệt mài cuối tuần mới nhìn thấy mặt nhau. Ở Việt Nam, con gái lấy chồng được nuôi cả nhà thật sướng.
Cả nhà cô Thơm xụ mặt thất vọng vì mới nhờ vả đã nghe kể khổ thoái thác. Dù sao, con dì Ba cũng tìm cách giải quyết vấn đề lẹ làng bằng cách giúp đăng tin Tìm bạn bốn phương trên báo Net và cả báo giấy. Mấy tấm hình cô Thơm trang điểm kỹ càng chụp ở tiệm trên thị xã, cái duyên dáng nghiêng đầu bên bình bông, cái mơ màng ngồi dựa xích đu được cấp kỳ phóng lên mạng.
Quả nhiên có mấy thư gửi tới làm quen ngay. Ngặt nỗi cô Thơm không có máy vi tính, không biết dùng vi tính. Cô cũng không muốn ra tiệm Net ngoài chợ để ngồi giữa đám thanh niên, con nít chơi game cãi cọ ồn ào. Cô chỉ muốn nói chuyện trực tiếp bằng điện thoại thôi.
Thư tình tới lui phải qua tay con em họ thật bất tiện, làm sao tâm sự mặn mòi riêng tư. Cô Thơm hỏi xin một cái máy vi tính để công cuộc tìm bạn đời thuận tiện hơn. Nếu cô không kiếm được tấm chồng ở ngoại quốc thì nhà dì Ba chẳng yên thân đâu nên dì đành bấm bụng gởi về một cái laptop cầm tay.
Thời nay nhiều cạm bẫy lừa gạt lắm nên cả gia đình cô Thơm xúm đầu vào bàn tán, gạn lọc kỹ càng. Cuối cùng chọn ra được hai anh, mặc dù một anh gởi về mấy tấm hình toàn đeo kính đen không rõ mặt và một anh chắc phải nặng tới tạ rưỡi.
Sau nhiều hẹn hò thì anh kính đen, tự giới thiệu tên Don, xuống tận dưới quê coi mặt cô Thơm. Tuy anh lớn hơn mẹ Thơm ba tuổi nhưng dân sống xứ ôn đới, nước da hồng hào mịn màng, râu ria nhẵn nhụi, mặc vest, đi giày tây, coi lịch sự và trẻ hơn tuổi nhiều lắm, không đen đúa, già cỗi như nông dân dầm mưa dãi nắng.
Anh mấy lần nhờ cô Thơm làm hướng dẫn du lịch đưa ra thị xã, vào ruộng vườn cho anh ngắm nghía cảnh quê hương. Với tinh thần đề phòng cao độ, mọi người không cho cô Thơm đi chơi một mình với anh mà mỗi ngày trong suốt tuần, tổ chức nhậu tại nhà với đầy đủ tôm, cá, lươn, ếch, rắn... mà trên thành phố phải vào nhà hàng đặc sản mới thưởng thức được. Sau đó mướn xuồng đi chơi trong kênh rạch, ra sông cái thăm viếng mọi cảnh đẹp để anh thấy nếu lấy một cô vợ ở đây, anh sẽ có cơ hội quay lại vùng đất vô cùng hấp dẫn này.
Anh Don rất hài lòng chuyến du ngoạn miệt vườn hết sức đặc sắc. Trước khi chia tay, anh đưa tặng cô Thơm một tờ bạc kỷ niệm làm cả nhà vui sướng, tràn trề hy vọng. Dân Việt Nam thích nhau, hợp nhau cách mấy, giàu cách mấy, không ai mau mắn tặng tiền ngày ra mắt một cách hào phóng như Việt kiều cả! Một trăm đô chứ không phải hai triệu mốt đâu nghen! Để tỏ ra bên mình là người chuộng tình chứ không phải tham tiền, bà ngoại cô Thơm ra lệnh mua loại hảo hạng để tặng anh mang về làm quà các sản vật đặc biệt địa phương là tôm khô, khô rắn, khô cá lóc đồng chứ không phải thứ cá nuôi rẻ rề, bánh tráng, bánh pía sầu riêng…
Phút chia tay đầy bịn rịn. Chưa chi mà cô Thơm thấy giống như mình chia tay người chồng sắp cưới. Chẳng lẽ đầu tư tiếp đãi tới mức đó mà anh Don không xao lòng thì cũng lạ.
Tờ đô của anh Don tặng mang ra tiệm vàng đổi được hai triệu mốt năm chục. Nhà bù thêm tiền, ra chợ huyện mua một cái ti vi đời mới mỏng dính mang về kê giữa nhà. Cô Thơm mặc áo thun in hình trái tim đứng chụp hình cạnh cái ti vi coi như món quà tình cảm của anh Don, nhìn ti vi như thấy người.
Xem chừng anh Don cũng cảm động lắm, anh nói sang năm sẽ dẫn bạn về chơi nữa. Trời, chẳng lẽ hỏi bạn trai hay gái. Cầu bạn trai, khỏi cần xấu đẹp già trẻ, miễn ưng, bốc luôn em cô Thơm là mừng hơn trúng số.
Mừng ghê lắm vì rốt cuộc anh Don cũng đã mở miệng cầu hôn. Anh nói đang ráng cày để kiếm đủ tiền thì khoảng bốn năm nữa bảo lãnh cô Thơm qua bển. Diện vợ chồng nhanh lắm, chỉ trong vòng sáu tháng là giấy tờ xong xuôi.
Cô Thơm yên tâm, khỏi phấp phỏng vì mải mê tính toán chuyện xuất ngoại mà thành ế ẩm ở làng quê. Từ nay cô chỉ lo trau chuốt nhan sắc đợi đúng bốn năm sáu tháng nữa, bước chân lên máy bay đến một vùng đất hứa. Đó là nơi cô chỉ cần khua tay hái tiền giấy trên cây và lượm tiền đồng rơi vãi dưới đất, là đủ gởi về báo hiếu cha mẹ, nở mặt nở mày với họ hàng, chòm xóm.
Cô lâng lâng như đi trên mây…

Sài Gòn Cô Nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét