Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Luật Hiếu Tử

nguyendt01200713
Nguyễn đạt Thịnh

Hôm thứ Hai 08 tháng 07, Trung Cộng ban hành đạo luật Hiếu Tử để bảo vệ quyền của những bậc cao niên được con cái chăm sóc. Đạo luật này ấn định khi cha hoặc mẹ trên 60 tuổi, con cái phải có bổn phận thăm nom, cấp dưỡng cho các cụ; luật còn ấn định trong trường hợp làm việc xa nhà, công nhân có quyền hưởng 20 ngày nghỉ việc có lương mỗi năm để về quê thăm cha mẹ.

Nguyên văn một câu trong đạo luật viết, “nếu không sống chung với cha mẹ già, con cái nên thường xuyên thăm viếng hoặc gửi quà biếu các cụ”.
Chữ “nên” khiến nhiều nhà bình luận cho là đạo luật không có tính chất bắt buộc; hơn nữa luật “Hiếu Tử” cũng không ấn định hình thức trừng phạt kẻ phạm luật. Hình luật ấn định trộm cắp là tội tiểu hình, với mức án tối đa là một hai năm tù giam; cướp là tội đại hình, với mức án tối đa nặng hơn, và cướp có sử dụng hỏa khí là tội đại hình gia trọng, mức án tối đa càng nặng hơn nữa.
Nhưng tội bất hiếu, không cấp dưỡng, không thăm nom cha mẹ già lại không có mức án trừng phạt.
Mặc dù không ấn định mức án, nhưng luật ra ngày mùng 8 tháng Bảy, là ngay ngày hôm đó tòa đem vụ bà con gái bất hiếu của cụ Chu –một bà cụ 77 tuổi– ra xử. Phiên tòa nhóm tại huyện Wuxi tỉnh Jiangsu miền Đông Trung Quốc.
Thông Tấn Xã Xinhua tường thuật tòa xử bà bất hiếu nữ, con gái cụ Chu, mỗi 2 tháng phải đưa chồng về thăm mẹ một lần, và mỗi năm phải về chúc tết mẹ một lần và quà cáp thêm một lần nữa vào một dịp lễ hội khác.


Theo hồ sơ vụ án thì con gái cụ Chu đã không thăm nom mẹ từ tháng Chín năm ngoái, sau khi mẹ con có chuyện xích mích. Tính chất trình diễn của vụ án bảo vệ phụ mẫu quyền được xét xử chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi luật “Hiếu Tử” được ban hành tạo ra một số dư luận chỉ trích; ngoài việc nêu lên tính trình diễn, nhiều luật gia còn đào sâu vấn đề hơn và cho là luật “Hiếu Tử” là đoạn thứ nhì tất nhiên phải có của luật “Một Con”, đạo luật đang tạo ra cảnh cô đơn thiếu thốn của quý cụ cao niên.

Vài chục năm trước, bố mẹ chỉ có quyền có một đứa con, thì hậu quả phải đến là các cụ cũng chỉ có một đứa cháu duy nhất –cháu nội hoặc cháu ngoại. Nhiều vị cao niên Việt Kiều thường nói đùa về thằng hiếu tử Barack Obama thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của quý cụ, không bao giờ để quý cụ phải đói, phải lạnh, phải bệnh hoạn mà không được chăm sóc. Dĩ nhiên, quý cụ cao niên người Hoa đang sống tại Trung Quốc không có được đứa con hiếu đễ này.
Trong cuộc cách mạng kỹ nghệ ồ ạt cuốn hàng trăm triệu thanh niên ra khỏi công việc đồng áng ngày trước để đưa họ vào những xưởng máy thành lập tại các đô thị; ra tỉnh, giới trẻ đang bỏ trống đồng ruộng, khiến làng quê vắng vẻ hơn, mỗi mái nhà chỉ còn ấp ủ một cặp chim già mỏi cánh, run rẩy, yếu ớt không còn đủ sức sống tự lập nữa.
Nhiều nhà phê bình nghiêm khắc lên án đạo luật “Hiếu Tử” này là tìm cách căng lên màng lưới an sinh xã hội bằng biện pháp bắt con cái của quý cụ thay chính phủ lo việc an sinh cho giới cao niên.
Phản ứng của giới trung niên là than thở vì những trở lực không cho họ làm bổn phận của đứa con có hiếu với cha mẹ; trở lực đầu tiên là họ phải có 3 cái giấy phép nghỉ thường niên trong cùng một lúc, để vợ chồng ngưng công việc, con nghỉ học, cùng đi về quê thăm cha mẹ; khó khăn này gần như không khắc phục nổi vì những điều kiện làm việc và học hành của 3 thành viên trong cái gia đình nhỏ, muốn rời đô thị trở về làng thăm cha mẹ.
Trở lực thứ nhì là giả thuyết gia đình nhà chồng và gia đình nhà vợ ở cách xa nhau, thì 20 ngày nghỉ thường niên –nếu có được cái giấy phép nghỉ việc khó khăn này– không đủ để đi thăm cả hai bên nội ngoại, thì làm sao tạo thuận lợi thăm viếng cha mẹ già mỗi 2 tháng một lần.
Công nhân còn tố cáo quy chế 20 ngày nghỉ có lương thường niên là giả tưởng; trên thực tế họ còn lo mất job sau khi nghỉ phép trở về.

Luật “Hiếu Tử” là nỗ lực đem đạo Khổng ra giúp chính phủ Trung Cộng giải quyết cuộc sống thiếu an sinh của 14% tổng số 1 tỉ tư dân Tàu; con số này lên đến 182 triệu ông cụ, bà cụ trên 60. Tỉ lệ cao niên của người Tầu vào năm 2050 sẽ lên đến 30%.
Giáo sư Xia Xueluan của Viện đại học Bắc Kinh nói với phóng viên AP, “Luật ‘hiếu tử’ không phải là một đạo luật, ‘nó’ giống như một nỗ lực học ôn lại quyển ‘luân lý giáo khoa thư’ đã bỏ quên từ lâu”.
Trong số cổ thư Trung Hoa dạy về hiếu đạo có quyển “Nhị Thập Tứ Hiếu”, viết lại gương hiếu thảo của người Tàu.
Một trong 24 người Tàu có hiếu với cha mẹ được vinh danh trong sách là ông Quách Cự. Chuyện kể: “Quách Cự, người đời nhà Hán, thờ mẹ chí hiếu, nhân khi cửa nhà sa sút, thường bữa ông thấy mẹ không dám ăn no, cứ bớt phần cơm để đưa cho con của ông mới vừa lên 3 tuổi, ăn. Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc: Mẹ già không đủ ăn, mà vợ chồng ta còn sinh đẻ được, nếu để con mình chia sẻ ngọt bùi của mẹ là không phải đạo.
Thế rồi hai vợ chồng định đào hố chôn con đi. Khi hai vợ chồng đào hố xuống chừng được phân nữa, thì bỗng tìm thấy một hũ vàng, trên miệng có đề hàng chữ: Hiếu Tử Quách Cự, Hoàng Kim nhất hủ dung dĩ tứ nhữ. Nghĩa là: Người con hiếu thảo Quách Cự, một hũ vàng đầy để cho nhà ngươi. Nhờ đó mà hai vợ chồng khỏi phải chôn con và có đủ tiền phụng dưỡng mẹ già.


Việc dùng luật “Hiếu Tử” để đùn trách nhiệm “an sinh xã hội” cho thế hệ trung niên không giúp chính phủ Trung Cộng giải quyết cuộc sống thiếu thốn, đói khổ của 182 triệu người cao niên Trung Hoa; và việc tiến bộ kỹ nghệ cũng không giúp người Hoa có cuộc sống vật chất thoải mái hơn, là hai sự kiện đưa đến kết luận người Hoa cần bắt chước chính sách “dân vi quý” mà người Mỹ đang áp dụng, mặc dù Mạnh Tử – tác giả của thuyết này– không phải là người Mỹ, mà là một triết gia Tàu.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét