Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Một góc nhìn về hoạt động dân sự trong tình hình hiện nay

Kính Hòa, phóng viên RFA
Chia sẻ bài viết này

Nhóm Cùng Em Vững Bước trong một chuyến từ thiện ở Thượng Nung trước đây. Courtesy FB Cùng Em Vững Bước
Ông Nguyễn Quang Thạch là người khởi xướng một hoạt động dân sự gọi là Sách hóa nông thôn, và đã bước đầu thành công. Trong cuộc nói chuyện sau đây với Kính Hòa, ông trình bày quan điểm của mình về hoạt động dân sự trong tình hình hiện nay.

Xã hội dân sự đã và đang tồn tại

Mở đầu ông cho biết ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội đối với hoạt động dân sự trong năm vừa qua:
Nguyễn Quang Thạch: Với tác động của Internet, Facebook, các trang mạng… mỗi lần người ta đi tham gia các hoạt động dân sự như hỗ trợ những người bị lụt bão, trẻ em miền núi, các nhóm hoạt động đã thông qua các trang mạng xã hội kêu gọi sự chung tay của cộng đồng cũng như là phô diễn các kết quả đã đạt được, để làm những cứ liệu minh bạch, làm cơ sở để kêu gọi sự chung tay nhiều hơn của cộng đồng… đó cũng là một thước đo để thấy hoạt động xã hội dân sự sôi động hơn.
Kính Hòa: Có những quan điểm khác nhau về sự xúc tiến xã hội dân sự phải không anh?
Các vấn đề xã hội như chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, buôn người… thì chính quyền rất ủng hộ, hỗ trợ, có xung đột gì lợi ích đâu. 
» Nguyễn Quang Thạch
Nguyễn Quang Thạch: Tôi là người thực hành. Truyền thông nhà nước là VTV1 đã ít nhất năm lần rằng chương trình sách hóa nông thôn đã làm hình thành mô hình thư viện dân sự. Khi truyền thông nhà nước họ nói đến mô hình thư viện dân sự một cách tự nhiên, một cách bình thường. Đó là một trong những biểu thị rằng hoạt động dân sự cũng được nhà nước hỗ trợ, thực chất là nó hoạt động rất là đương nhiên trong đời sống xã hội. Tôi là người thực hành và tôi thấy rằng tôi và những nhóm dân sự đi giải quyết những vấn đề, những nan đề của xã hội cùng với chính quyền một cách rất tích cực chứ không có như một số người bảo Việt Nam chưa có xã hội dân sự thì tôi không đồng tình đâu. Nhà nước có rất nhiều hội, các trung tâm, viện, mà người ta hay gọi là các tổ chức phi chính phủ, có hàng trăm tổ chức như thế. Cái điều rõ ràng là xã hội dân sự đã tồn tại và đang hoạt động.
Kính Hòa: Vừa rồi có một hoạt động phân phát những bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nhưng đã diễn ra không suông sẻ. Có vẻ như là có những xung đột giữa những nguwofi thực hiện và phía chính quyền. Anh thấy thế nào về chuyện ấy?
Nguyễn Quang Thạch: Tôi không có tham gia hoạt động này nên tôi chỉ nói như một người quan sát. Đúng hay sai chỉ là tương đối. Đối với tôi nếu tôi tham gia hoạt động này thì tôi sẽ cho in thật nhiều và đến nói với chính quyền cho tôi phân phát những tờ này, và thậm chí tôi phát luôn cho những người trong chính quyền, càng nhiều càng tốt. Họ thấy những tài liệu ấy là phù hợp với luật pháp thì người ta ủng hộ thôi. Tôi đã từng đi soạn những tài liệu về phòng chống nạn buôn người thì cũng có những vấn đề nhân quyền trong đó, và được chính quyền ủng hộ. Cách tiếp cận và cách làm thì chúng ta nên nhìn xem phương pháp làm của mình là thế nào.
Kính Hòa: Có một câu hỏi đặt ra thế này: khi các hoạt động dân sự đụng chạm tới các nhóm quyền lực, các nhóm lợi ích câu kết với nhau, thì liệu sự hợp tác của chính quyền với các nhóm dân sự ấy có khả thi không?
Nguyễn Quang Thạch: Rất khó định danh cái lợi ích trong chỗ dân sự này. Các vấn đề xã hội như chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, buôn người… thì chính quyền rất ủng hộ, hỗ trợ, có xung đột gì lợi ích đâu. Còn những khái niệm lợi ích như anh nói thì không phải là cái mảng tôi quan tâm, cho nên tôi không dám nói. Việc tôi đưa sách về nông thôn với giá rất thấp, người dân cùng với nhà trường và chính quyền mua giá rất thấp, vậy thì về mặt nào đó nó có ảnh hưởng đến lợi ích của người trong hệ thống. Tôi vẫn thực hiện bình thường, không đụng gì tới nhóm phân phối sách của Bộ giáo dục cả. Còn những việc khác tôi không làm nên tôi không có tư cách để nói về nó.

Chỉ nên tập trung vào thực tế

Kính Hòa: Với tư cách người thực hiện thành công hoạt động dân sự trong mấy năm qua, anh đoán thế nào về sự phát triển của những hoạt động dân sự tong năm 2014? Có cần sự cố gắng nào, đổi mới nào từ phía các thiết chế của nhà nước để tạo điều kiện cho sự phát triển hơn nữa của các hoạt động dân sự?
Nguyễn Quang Thạch: Trong vấn đề quản trị quốc gia thì bàn tay hữu hình của nhà nước không thể làm hết tất cả. Nhiều nan đề xã hội đang nảy sinh cần sự chung tay của nhiều người chứ một mình nhà nươc không thể giải quyết hết. Sự hình thành các nhóm dân sự để cùng nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội là đương nhiên, không ai ngăn trở được nó. Mà tôi nghĩ chính quyền cũng không ngăn trở nó. Nhà nước bây giờ có rất nhiều hội, muốn các hội ấy tham gia các hoạt động xã hội như là một tổ chức dân sự, chúng ta cần nâng cao năng lực của họ, làm rõ trách nhiệm của họ.
Vấn đề là yếu tố con người thôi, chứ còn chúng ta cứ kêu gào phải có xã hội dân sự, phải cho lập hội, nhưng hội lập ra rồi, có qui chế rồi mà con người không làm thì cũng thế thôi. 
» Nguyễn Quang Thạch
Kính Hòa: Trở lại vấn đề các hội của nhà nước, thì phải chăng là nên làm cho họ độc lập với nhà nước thì họ sẽ có sáng kiến hơn không?
Nguyễn Quang Thạch: Nhà nước chỉ quản lý về mặt hành chính, về mặt con người thôi, thậm chí về tài chính bằng luật của mình.
Kính Hòa: Xin anh câu hỏi cuối: nhân anh đề cập tới luật và tư cách pháp nhân của các hội, thì anh có nghĩ rằng trong tương lai khi luật về hội của Việt nam ra đời, thì nó sẽ góp phần vào việc thúc đẩy hơn các hoạt động dân sự không?
Nguyễn Quang Thạch: Việc có luật rồi lập các hội là việc dễ. Bây giờ nhà nước cho lập các trung tâm, gọi là phi chính phủ đấy, kêu gọi tiền của nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội. Nhưng tôi thấy rằng chỉ lập ra để cán bộ hưởng lương, còn cộng đồng thực sự, những người nghèo khổ, những người ở thôn quê thì không nhận được là bao đâu. Vấn đề là ở con người anh ạ. Xin tiền của Hà Lan, của châu Âu, rồi các bạn ấy hưởng lương năm bảy trăm đô, nghìn đô, nhà các bạn ấy thì to lên nhưng cộng đồng chẳng hưởng lợi là bao.
Kính Hòa: Mình bỏ qua chuyện xin tiền nước ngoài, ý của tôi muốn nói đến những người tận tâm, bằng sức lực của người ta, của trong nước, bỏ sức ra để làm, thì cái luật về hội có làm cho họ thuận tiện hơn không?
Nguyễn Quang Thạch: Không cần luật lập hội thì nhà nước đã có Liên hiệp các hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đấy. Vấn đề là yếu tố con người thôi, chứ còn chúng ta cứ kêu gào phải có xã hội dân sự, phải cho lập hội, nhưng hội lập ra rồi, có qui chế rồi mà con người không làm thì cũng thế thôi. Chúng ta chỉ là những kẻ kêu gào mà chẳng làm gì được cho cộng đồng cả.
Tôi chỉ tập trung vào một chuyện thực tế thôi. Đối với tôi, với cơ chế hiện tại thì tôi đã làm được những việc cụ thể như thế.
Kính Hòa: Xin cám ơn anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét