Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Rùng rợn chuyện giải phẫu thẩm mỹ ở Việt Nam,

doandu01122813
Đoàn Dự ghi chép
1. Quảng cáo tưng bừng
Có ít thì xít ra nhiều
Trung tâm nào, thẩm mỹ viện nào cũng tự nhận mình là nhất: “Nơi đầu tiên được chuyển giao công nghệ mới của Hàn Quốc”, “Nơi duy nhất tại Việt Nam hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước tiên tiến nhất trên thế giới”, “Thẩm mỹ viện hàng đầu Việt Nam, uy tín số 1 Việt Nam”, v.v…
Người nghe cứ như đang bị lạc giữa một mê hồn trận quảng cáo toàn mùi “làm đẹp”. Có những cơ sở còn dùng lời lẽ đao to búa lớn để thể hiện “tầm vóc” của mình: “Thẩm mỹ viện này là mô hình hợp tác thành công nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ trước đến nay”, “Đây là BỆNH VIỆN thẩm mỹ nhiều uy tín nhất Việt Nam”. Sự thật, cơ sở của họ nhỏ tí và giấy phép của Sở Y tế chỉ ghi là “phòng khám chuyên khoa về giải phẫu thẩm mỹ” chứ ở Việt Nam rất ít bệnh viện chuyên về thẩm mỹ!
Theo nhận xét của các phóng viên báo trong nước, đại đa số các dịch vụ như nâng ngực, nâng mũi, sửa mũi thành hình chữ S (S-line), cắt mắt, hút mỡ, kể cả gọt cằm thành hình chữ V (V-line)… tại các “phòng chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ” này chỉ có một hai nhân viên để ghi sổ sách, giao dịch với khách hàng chứ chẳng có bác sĩ nào cả. Khi làm mới có bác sĩ đến theo giờ hẹn. Lúc phóng viên làm bộ đề nghị được gặp bác sĩ để hỏi mọi thứ cho được yên tâm, cô nhân viên một thẩm mỹ viện ở Quận 10 từ chối: “Bác sĩ bận lắm, một ngày mổ biết bao nhiêu ca”.
Bất cần giấy phép
Tình trạng quảng cáo vượt quá phạm vi cho phép của Sở Y tế diễn ra tại rất nhiều trung tâm thẩm mỹ. Theo các phóng viên tìm hiểu, trong giấy phép hoạt động ghi rõ phòng khám chuyên khoa chỉ được thực hiện những dịch vụ về môi, mi mắt, mí mắt, tóc, lông mày, hút mụn, nâng gò má thấp, nâng sống mũi, không được làm các dịch vụ phẫu thuật có chảy máu.
Tuy nhiên, ở đây họ sẵn sàng lấy mỡ bụng và cắt da bụng, đặt túi mông, thu nhỏ đầu vú, độn cằm… và đặc biệt là nâng ngực. Trên website của một phòng khám, quảng cáo: “Ứng dụng phương pháp nâng ngực nội soi mới nhất từ Mỹ”. (Nâng ngực nội soi là họ cắt ngay sát phía dưới vú hay sát vú về phía nách để đưa túi silicon hay túi nước biển vô trong mô vú, đau khủng khiếp. Khi đã khỏi, nếu túi này bị rò rỉ hoặc bể trong vú là rất nguy hiểm).
Cô nhân viên của một thẩm mỹ viện ở Gò Vấp kể: “Thực tế, tôi thấy như trị nám chẳng hạn, chỉ hết được khoảng 20-30%. Chủ bảo giá 12 triệu, trong một tháng sẽ khỏi nám. Khách hàng đồng ý làm 12 triệu. Một tháng không hết, đi tới đi lui hoài cũng không khả quan, bắt đền, chủ không chịu bớt tiền lại, khách chán rồi cũng bỏ luôn. Các loại kem làm trắng da cũng vậy, đó là kem trôi nổi bán ngoài chợ trời, thường là của Trung Quốc, người hạp thì đẹp, người không hạp thì bị dị ứng làm hư da. Mà thật ra ngay cả đối với người hạp thì nó cũng chỉ làm sáng da chứ không trắng nõn được trong khi họ nói là sẽ trắng nõn”. Cô nói thêm: “Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chủ đưa bảo làm cho khách thì chúng tôi làm chứ chính chúng tôi cũng không rõ xuất xứ và có tác dụng như thế nào. Kem nở ngực thì có người nở, có người… không nở. Thật ra cũng ít người mua kem nở ngực bởi vì người ta không tin. Khách lỡ mua thường phàn nàn không nở bao nhiêu dù quảng cáo là sẽ nở 3-4cm trong vòng một tháng. Chúng tôi đọc giấy hướng dẫn và được người của công ty chỉ cách nói như thế nào thì nói theo vậy chứ không biết được hiệu quả thật sự”.
Tình trạng “phớt lờ giấy phép” rất dễ tìm thấy tại nhiều cơ sở làm đẹp. Ở một phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ tại Quận 10, dịch vụ gọt cằm, nâng ngực, làm trắng da,… không được phép nhưng thực tế khi nhà báo giả làm khách hàng đến tìm hiểu, họ vẫn giới thiệu rất nhiệt tình: “Gọt cằm V-line ở đây giá 5,000 USD, còn nâng ngực, nếu đặt túi 225cc mỗi bên, khi làm chúng tôi sẽ đưa sang Bệnh viện Phương Đông trên đường Thành Thái (Q.10)”. Chuyên viên này cũng cho biết mỗi ngày bên ấy có 2 – 3 ca đặt ngực, phổ biến nhất là đặt túi gel từ đường phía nách hay phía dưới vú.
2. Thẩm mỹ viện “ngoài luồng”” 
Tại Sài Gòn, nhiều phụ nữ vì thiếu hiểu biết và tin vào quảng cáo đã tới các thẩm mỹ viện “ngoài luồng” (không có giấy phép) để làm đẹp. Kết quả là tiền mất tật mang.
Nhiều độc giả đã đến các báo để khóc lóc, kể lại chuyện mình là nạn nhân của các thẩm mỹ viện không có phép nhưng bất chấp quy định để kiếm tiền. Khi xảy ra sự việc cho khách hàng, chủ các mỹ viện này tìm cách tránh mặt. Các “nạn nhân” đến với một nguyện vọng duy nhất là tòa báo hãy lên tiếng để cảnh giác cho mọi người biết mà “tránh xa cạm bẫy”.
Nhiễm trùng vì đi giảm mập
Bà N.T.M.T. (Quận 3, Sài Gòn) cho biết đầu tháng 6-2013, bà đến thẩm mỹ viện H (tại Quận 10, Sài Gòn) để làm tan mỡ bụng bằng loại máy siêu tốc có tác dụng giảm mỡ nhanh chóng nhất theo lời quảng cáo của thẩm mỹ viện này.
Sau khi họ thoa thuốc và chạy máy “chiếu tia” xong, bà T. cảm thấy nóng rát vùng bụng. Bà thắc mắc thì cô nhân viên ở đây nói đó chỉ là sức nóng của thuốc và tác dụng của máy tan mỡ, nên bà yên tâm đi về. Sau đó, bà phát hiện bị phỏng vùng bụng nên đã gọi điện thông báo cho thẩm mỹ viện. Nhân viên của cơ sở này trả lời phải chờ bà chủ đi nước ngoài về mới giải quyết được. Lúc đầu, bà định bỏ qua nhưng sau đó vết phỏng bắt đầu chảy nước vàng và bị nhiễm trùng kéo dài. Lo sợ, bà trở lại thẩm mỹ viện để gặp chủ cơ sở hỏi cho ra lẽ, nhưng chủ thẩm mỹ viện này vẫn tránh mặt, nhân viên tiếp tục nói là bà chủ đi nước ngoài chưa về.
Ngày 13-6-2013, bà T. phải đến Bệnh viện Da liễu Sài Gòn khám vết thương ở bụng và bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng da. Bứt rứt vì thẩm mỹ viện vô trách nhiệm khiến bà đã tốn kém tiền bạc lại còn mang thêm vết sẹo trên người, bà đã gửi thư phản ảnh đến cơ quan chức năng và khởi kiện thẩm mỹ viện nói trên ra tòa, đòi phải bồi thường.
Theo bà T., bà đã tốn rất nhiều tiền bạc cũng như thời gian đi lại để Bệnh viện Da liễu Sài Gòn “khắc phục” vết phỏng ở bụng do loại máy mà các thẩm mỹ viện đang quảng cáo là có tác dụng làm tan mỡ bụng và họ thu tiền rất cao nhưng không ai rõ nguồn gốc của máy thế nào. Bà mong muốn tai biến của bà là lời cảnh báo cho các chị em phụ nữ đang muốn làm đẹp có sự đề phòng các hiểm họa do “mát xa làm tan mỡ bụng bằng máy chạy tia” đang là phong trào hốt bạc tại các spa và thẩm mỹ viện.
doandu03122813
( Bụng bị hư)
Suy sụp vì tin lời bác sĩ
Hồi đầu tháng 11-2013, một nạn nhân là Việt kiều Mỹ, bà D. (55 tuổi) nghẹn ngào kể với báo TT: “Từ hồi căng da mặt, cắt mí xong, mắt tôi mờ hẳn, không sáng như xưa. Hai bên thái dương hay đau buốt. Giờ tôi không dám rửa mặt bằng khăn mà phải lấy bông gòn thấm nước thấm từ từ. Nửa mặt bên phải cứ sưng hoài. Đêm ngủ hễ nằm nghiêng là phía má bên đó đau không chịu nổi. Có lúc quên, tôi lỡ đưa tay đụng vô mặt là đau buốt”. Khi các nữ phóng viên sờ thử vào má bên phải của bà thì thấy có đầu cọng chỉ lòi ra, bà D. lại bật khóc. Gương mặt bà D. sau khi căng da mặt, vùng gò má có chỗ gồ lên nhưng có chỗ lại lõm sâu xuống.
Bà D. cho biết, ngày 30-9-2013, bà đã đến cắt mí mắt tại thẩm mỹ viện T. ở Quận 11. Nghe lời bác sĩ N. chủ thẩm mỹ viện tư vấn, bà đồng ý làm thêm dịch vụ căng da mặt. Hai tuần sau khi căng da, mặt bà vẫn không hết sưng và xuất hiện những triệu chứng nói trên. Bà D. kể: “Khi tôi đến mỹ viện phản ảnh, bác sĩ N. không chịu gặp mà cho nhân viên tiếp. Mãi sau mới chịu gặp. Bác sĩ bảo muốn làm đẹp thì phải có thời gian. Nghe bác sĩ nói vậy, lúc đó tôi chịu không nổi vì tức quá. Tôi thất vọng vì bác sĩ N. lấy tiền của khách hàng xong là bỏ thí người ta, không quan tâm nữa”. Bà D. nói bà về Việt Nam chơi nhưng cả tháng rưỡi nay bà không dám đi đâu.
Khi tòa báo liên hệ để nói chuyện với bác sĩ N. thì ngay lập tức ông gọi điện thoại cho bà D., hẹn gặp để thương lượng. Ngày 12-11, phóng viên đến chứng kiến cuộc thương lượng giữa ông N. với bà D. về việc ông đã cắt mí trên, mí dưới và căng da mặt cho bà làm bà hư mặt. Lúc đầu, ông N. chỉ đồng ý trả một nửa số tiền căng da mặt là 700 USD, nhưng khi biết người đi cùng bà D. là phóng viên báo TT, ông thỏa thuận trả lại cho bà D. 1,000 USD. Khi phóng viên hỏi giấy phép hoạt động của thẩm mỹ viện, ông từ chối và chống chế: “Tôi đi làm cả ngày rất mệt. Sau này cô còn gặp tôi nhiều”. “Cô còn gặp tôi nhiều” nghĩa là sao?” – Cô phóng viên này đặt câu hỏi không hiểu ông bác sĩ muốn hối lộ hay muốn “trám miệng” cô bằng những việc “cắt mí mắt hoặc căng da mặt miễn phí?”
Không chỉ bà T. và bà D. bị tiền mất tật mang, mà còn nhiều nạn nhân khác của những thẩm mỹ viện ngoài luồng, của các bác sĩ hành nghề không giấy phép. Ví dụ: bà L.T.H. (đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.7, Sài Gòn) sau khi nâng mũi đã bị chẻ đôi đầu mũi, mũi bị biến dạng; như chị N.T.T.T. (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) nâng ngực bị hư, sửa hai lần vẫn không đạt.
doandu04122813
(Mũi bị chẻ đôi)
Phạt tiền vẫn không chừa
Sau khi bà T. (người bị máy chạy tia của thẩm mỹ viện H. làm phỏng bụng phải đến chữa tại Bệnh viện Da liễu) gửi đơn phản ảnh, chánh quyền Phường 11, Quận 10, Sài Gòn đã phối hợp với thanh tra y tế Quận 10 tới kiểm tra thẩm mỹ viện H. vào ngày 25-6-2013. Thẩm mỹ viện này có giấy phép do Quận 10 cấp năm 2009 với ngành nghề kinh doanh là “dịch vụ trang điểm, săn sóc da mặt bằng tay, mua bán mỹ phẩm”. Tuy nhiên, khi kiểm tra, cơ sở này lại có nhiều thiết bị máy móc như máy matxa mặt, máy xông hơi, máy matxa bụng v.v…, chất lượng vệ sinh kém, chưa bảo đảm tiệt trùng; hoạt động không đúng chức năng như trong giấy phép đã cấp. Đoàn kiểm tra lập biên bản đưa lên Sở Y tế thành phố. Sau đó (ngày 9-9-2013), thanh tra Sở Y tế thành phố ra quyết định xử phạt thẩm mỹ viện H. số tiền 3.2 triệu đồng, nhưng sau khi nộp phạt xong, việc đâu hoàn đấy, họ vẫn tiếp tục làm. Hơn 3 triệu đồng tiền phạt đối với họ không phài là lớn.
Thẩm mỹ viện của bác sĩ N. (nơi căng da mặt cho bà D. Việt kiều) đã từng bị ban thanh tra Sở Y tế thành phố xử phạt 25 triệu đồng hồi tháng 7-2013 về hai tội: không có giấy phép hoạt động và quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng quy định, nhưng bác sĩ N. vẫn tiếp tục làm.
doandu05122813

(Trên người toàn sẹo, đến cái “nỗ dốn” cũng thay đổi)
3. Nếu biết đau đớn thế này tôi đã không đi nâng ngực
Không phải chỉ có các thẩm mỹ viện “chui”, “ngoài luồng” mới nguy hiểm. Cả bệnh viện quốc tế và y sĩ giải phẫu thẩm mỹ có bằng cũng chưa chắc đã an toàn. Việc bác sĩ chủ thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội làm chết và phi tang bằng cách ném xác nạn nhân xuống sông Hồng khiến nhiều người bàng hoàng vì không ngờ chuyện “làm đẹp” lại nguy hiểm đến thế. Sau đây là lời kể của chị V.T.V (36 tuổi) về những gì mình đã trải qua.
Nâng ngực, quá đau đớn!
Nhìn những phụ nữ tươi tắn, tự tin sau khi nâng cấp “vòng 1”, ít ai hiểu được họ đã từng phải chịu đau đớn như thế nào để có được vẻ đẹp nhân tạo ấy. Tôi cũng vậy, lúc đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là nhiều người làm được thì mình cũng làm được. Muốn tự tin hơn để diện những chiếc váy, áo xinh xắn và có “nữ tính” hơn nên một ngày tôi đã quyết định nâng cấp “màn hình phẳng” của mình.
doandu06122813
(Cách đặt túi silicon)
Cái quyết định chọn đích danh vị tiến sĩ bác sĩ, trưởng khoa Giải phẫu Thẩm mỹ của một bệnh viện quốc tế tại Việt Nam để đặt túi ngực đến với tôi sau một thời gian dài tìm hiểu, bởi vì tôi cũng ý thức được những nguy cơ có thể xảy đến với mình nếu chẳng may bị gặp “sự cố”.
“Đừng run như thế, chỉ như ngủ một giấc thôi” – giọng vị bác sĩ gây mê trong ê kíp mổ vừa dứt thì những bóng áo xanh cùng cái mùi đặc trưng của bệnh viện mờ dần, mờ dần. Tôi không còn biết gì nữa…
Thế rồi, tôi được đánh thức bởi chính cảm giác đau đớn, ngộp thở như đang bị một khối đá khổng lồ đè chặt lấy ngực. Tôi lờ mờ nhận ra sự việc và nghe giọng chị gái (đi cùng tôi đến bệnh viện) hỏi đùa: “Sống rồi hả?”, nhưng tôi không thể mở mắt mà chỉ khẽ rên… Tôi muốn ngủ tiếp, song có cảm giác như đang bị tảng bê tông nặng đè lên cái phần có cạnh sắc ngọt trên ngực mình. Đau khủng khiếp!
Cuối cùng tôi cũng tỉnh, không biết vì hết ảnh hưởng của thuốc mê hay vì cái cảm giác đau đớn kia đã buộc tôi phải tỉnh. Sự đau buốt ào đến kèm theo cảm giác thật khó thở. Lúc ấy tôi thấy người mình cứng như đá, không thể nhúc nhích, không thể nhìn thấy bất cứ phần nào của thân thể mình ngoại trừ ánh mắt ái ngại của chị tôi.
Như để giúp tôi quên đau, chị tôi quay sang bắt chuyện với cô gái trẻ nằm ở giường bên cạnh. Cố quay được cái cổ qua nhìn, tôi thấy cô gái thật xinh xắn. Qua câu chuyện, tôi biết cô ấy là người miền Tây, vừa mới lấy chồng Việt kiều. Muốn được đẹp hơn đối với chồng, hơn 6 tháng trước cô đã chọn bệnh viện quốc tế này để đặt túi ngực. Mọi chuyện đều tốt đẹp sau ca mổ được bác sĩ thông báo là thành công.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau cô thấy đau nhức bên ngực trái nên đi tái khám và được bác sĩ quyết định đặt lại bên ngực này sau một thời gian dài điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh không khỏi. “Ổng vừa đặt lại cho em hồi hôm nè. Đau thấy mồ nhưng giờ hổng lẽ không làm nữa. Em đang chờ mẹ lên đón.” – cô gái nói.
Nghe xong câu chuyện của cô gái cũng là lúc tôi thấy đỡ hơn, đã ngóc đầu dậy được. Việc đầu tiên tôi làm là ngó xuống cái phần mà mình muốn làm đẹp. Nhưng tôi chỉ thấy thân thể mình cứng ngắc chẳng khác gì cái xác ướp với những lớp băng trắng quấn chặt từ trên ngực xuống quá rốn.
Điều làm tôi hoảng hồn hơn là hai cái ống nhựa dài ngoằng cắm từ trong lớp băng trắng quấn quanh sườn mình ra. Từ trong ống nhựa màu trắng đó, những vệt máu tươi chảy xuống cái hộp đặt phía dưới giường. Vị bác sĩ đến xem xét sức khỏe khách hàng giải thích: “Ống là để cho ra hết phần máu thừa đấy”. Tôi thật sự không thể hình dung nổi là mình lại trải qua một cuộc “đại phẫu” như thế này. Trước đó, nghe bác sĩ tư vấn, tôi chỉ nghĩ đơn giản là rạch rạch vài đường rồi đặt mỗi bên một túi silicon là xong.
Tôi bật khóc với chị gái: “Biết đau thế này em không ngu gì mà làm”. Nằm nghỉ đến tận tối tại bệnh viện với hai cái ống nhựa dẫn lưu, tôi thực sự rất hối hận.
Nhiều ngày chỉ dám ngủ ngồi
Được cho về nhà uống thuốc, ăn kiêng và làm theo tất cả những gì bác sĩ dặn dò, tôi tưởng mình sẽ mau chóng khỏe lại. Nào ngờ, suốt một tuần lễ sau đó tôi chỉ có thể ngủ ngồi vì mỗi khi đặt lưng xuống lại tức ngực, có cảm giác như bị ai bóp cổ, không sao thở được. Khắp người bầm tím, luôn luôn đau nhức khiến tôi chỉ có thể bước đi rón rén, vừa đi vừa lấy tay đỡ cái “của nợ” cứng ngắc, lạ lẫm trên ngực mình.
Nhiều ngày tiếp đó tôi thấy đau nhức đầu vú bên trái, nước vàng liên tục rỉ ra. Nỗi ám ảnh rằng ca phẫu thuật của mình “có vấn đề” khiến tôi hoảng loạn. Chẳng lẽ tôi cũng xui xẻo như cô gái miền Tây hôm nọ? Chẳng lẽ tôi lại phải chịu cái cảm giác bị tảng đá khổng lồ nghiến nát khi phải phẫu thuật lại một lần nữa hay sao?
doandu07122813
( Vú bị xệ)
Sau khi tái khám, bác sĩ cho biết, do túi ngực được đưa vào qua đường dưới vú, vết may bị nhiễm trùng. “Ôi, thế này thì còn khủng khiếp hơn trường hợp của cô bé kia rồi!”, tôi mất ngủ suốt một thời gian dài bởi cứ nhắm mắt là lại tưởng tượng thấy hình ảnh núm vú của mình đen thui, rụng mất vì bị hoại tử!
Công việc tại cơ quan của tôi vì thế mà cũng ảnh hưởng không ít. Cũng may, sau đợt đánh thuốc kháng sinh liều cao, vết thương của tôi cũng dần lành.
Chưa dừng lại ở đó, còn phải đến massage cho ngực mềm mại, tự nhiên, là điều bắt buộc phải làm trong suốt tháng đầu sau phẫu thuật. Đây là điều “vô lý” nhất, bởi vì phải cắn răng chịu đau để đưa ngực cho một nam nhân viên kỹ thuật… bóp mà còn phải tốn thêm khoản tiền trả cho kỹ thuật viên đó. Có ai đời đã được “bóp” – không có mặc áo nhé! – mà lại được trả tiền công hay không?
Chuyện xảy ra đã hơn 5 năm, song cảm giác ngột ngạt, đau đớn như có tảng bê tông đè nặng lên ngực lại ùa về nguyên vẹn mỗi khi tôi nghe ai nhắc đến phẫu thuật thẩm mỹ, nâng ngực. Chưa lúc nào tôi quên “vật thể lạ” trong vòng 1 của mình và bị ám ảnh với lời dặn của bác sĩ về “thời hạn sử dụng 20 năm” của nó khiến tôi chắc chắn sẽ lại phải lên bàn giải phẫu lần nữa để lấy nó ra.
Đúng là tôi đã tự tin hơn, được khen “hấp dẫn” hơn trong những chiếc áo xinh xắn, nhưng để đổi lấy điều này tôi đã phải trả giá bằng sự đau đớn và khoản tiền không nhỏ. Một điều tiếc nuối nữa đối với tôi, đó là trong suốt ngần ấy năm, tôi phải từ giã thói quen nằm sấp (vì sợ bị hỏng vòng 1) – tư thế nằm ngủ thoải mái nhất đã từng gắn bó với tôi từ nhỏ tới lớn gần 30 năm trời!
Thà xấu tự nhiên còn hơn đẹp nhân tạo
Đây là một lời kể khác:
Tôi là cô gái không xinh, chiều cao khiêm tốn, đôi mắt một mí, chiếc mũi to và thấp rất khó nhìn. Như nhiều người, tôi bị tự ti về điểm xấu của bản thân, nên ngại ra đám đông, ngại tiếp xúc với người lạ. Những lần đi chơi cùng bạn bè, tôi luôn luôn ngồi yên một chỗ trong khi đám bạn có nhiều người đến làm quen, bắt chuyện. Đã nhiều lần tôi cảm thấy tủi và thương cho bản thân mình – phải chăng vì tôi không đẹp?
Tôi tìm hiểu trên mạng về vấn đề giải phẫu thẩm mỹ. Được biết, có thể nâng mũi, cắt mắt một mí thành mắt hai mí, tôi ấp ủ ý định tích cóp tiền để đi làm phẫu thuật.
Tôi nói vấn đề này với bố mẹ và người yêu của tôi. Bố mẹ một mực phản đối, cho rằng cái đẹp chỉ là bề ngoài, nó cũng quan trọng nhưng cái quan trọng hơn vẫn là bản chất bên trong.
Bố tôi nói tôi là người vui vẻ, hòa đồng, có kiến thức, nên phát huy các điều đó hơn là đi tìm những vẻ đẹp nhân tạo, vừa tốn nhiều tiền lại vừa hại sức khỏe. Còn mẹ tôi thì nói ngày xưa cũng như bây giờ, tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Người yêu của tôi cũng chẳng đồng tình, anh nói với tôi rằng phẫu thuật chỉ là nhân tạo, nếu giữ được cái bản chất thì vẫn tốt hơn, ngoài ra có nhiều ca phẫu thuật không thành công, gây nên nhiều biến chứng, không chỉ xấu hơn khi chưa phẫu thuật mà còn mắc nhiều căn bệnh lạ. Nghe vậy tôi cũng thấy sợ và tôi bắt đầu từ bỏ ý định đi giải phẫu.
Tôi lên mạng tìm hiểu các cách làm đẹp bằng phương pháp tự nhiên, học cách trang điểm, đặc biệt là trang điểm vùng mắt và mũi để trông mắt có vẻ to và mũi thon hơn. Tôi cố gắng học nhiều phương pháp để bản thân thêm tự tin và cũng dần dần thay đổi được mình.
Thay vì lên mạng tìm hiểu về
vấn đề giải phẫu thẩm mỹ, tôi dành nhiều thời gian để học thêm các lớp nữ công gia chánh, như nấu ăn, cắm hoa, làm thiệp. Tôi nấu nhiều món ngon hơn cho gia đình, cho người yêu. Tôi cắm hoa cho căn nhà thêm ấm cúng. Tôi tỉ mẩn làm những tấm thiệp xinh xinh dành tặng bạn bè trong các dịp lễ tết. Mỗi khi nhận được lời khen, lời cảm ơn từ những người chung quanh về những thứ mình làm ra, tôi thấy thật hạnh phúc.
Tôi nhận ra rằng, dĩ nhiên bề ngoài cũng hết sức quan trọng, nhưng để giữ chặt các mối quan hệ thì tính cách mới là yếu tố quyết định. Nếu trân trọng những mối quan hệ mình đang có và quan tâm chăm sóc người chung quanh thì “mưa dầm thấm lâu”, đến một lúc nào đó mọi người sẽ nhận ra và trân trọng những điều mình trao cho họ. Quan hệ được vun đắp bằng tình cảm chân thành luôn bền lâu hơn tình cảm xây dựng chỉ bởi bề ngoài.
Một lần tôi gặp lại người bạn. Trông chị ấy khác lạ hơn xưa bởi chiếc mũi to và thấp trước đây đã trở thành mũi cao nhưng lại cong vẹo thấy rõ. Tôi hỏi chị ấy thì được biết cách đây mấy tháng, bạn tôi đi làm phẫu thuật nâng mũi. Sau khi giải phẫu xong, chị ấy rất hài lòng với chiếc mũi mới. Nhưng được khoảng 2 tháng, chiếc mũi dần dần bị lệch và cong như bây giờ. Nghe vậy tôi cũng thấy buồn cho bạn và thầm cảm ơn lời khuyên của bố mẹ cũng như của người yêu.
doandu08122813
(Mũi và mắt bị “tai nạn”)
Dạo này tôi thấy nhiều bài báo trên mạng nói về hậu quả xấu sau khi giải phẫu thẩm mỹ, nhiều ca hút mỡ bụng với kỹ thuật kém khiến bệnh nhân bị thủng ruột, thủng dạ dày. Một số ca phẫu thuật nâng ngực nhưng rồi túi silicon trong ngực bị vỡ và cuối cùng phải cắt bỏ cả vú.
Thậm chí có nhiều cuộc phẫu thuật tốn hàng trăm triệu đồng để có khuôn mặt xinh đẹp nhưng kết quả là mặt bị dị dạng, biến thành “quái nhân” và ngày càng biến dạng trầm trọng. Nhiều ca thẩm mỹ còn khiến bệnh nhân nhập viện, thậm chí dẫn tới tử vong. Thật ra, ngay cả ở các nước tiên tiến như Mỹ cũng có “tai nạn” trong phẫu thuật chứ chẳng phải riêng ở Việt Nam.
4. Phẫu thuật thẩm mỹ, may nhờ rủi chịu! 
“Nếu được quay lại, tôi sẽ không nâng ngực. Ba năm qua tôi luôn ân hận vì quyết định đó,” – M.H. (29 tuổi, thành phốVũng Tàu) thành thật chia sẻ. Cao 1.67m, nặng 51kg, cô gái chân dài này có ngoại hình mà nhiều người ao ước. Chỉ có một điểm duy nhất khiến M.H. bị tự ti, đó là bộ ngực hơi “khiêm tốn”.
M.H. kể: “Từ lúc trở thành thiếu nữ tôi đã có cảm giác vòng 1 của mình hơi nhỏ và rất tự ti về vấn đề này. Tôi có một mơ ước: nếu có một số tiền lớn, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nâng ngực. Sau này, khi đi học tại một trường trung cấp ở Sài Gòn, được biết một vài người bạn đã nâng cấp “vòng 1” tôi rất thích, muốn được như họ”.
Thêm 250cc cho cái “núi đôi”
Năm 2010, được sự ủng hộ của bạn trai, M.H. quyết định sẽ thực hiện ước mơ của mình. Cô cẩn thận đến trung tâm thẩm mỹ để tham khảo và được tư vấn. Nghe mọi người kháo nhau rằng đây là một trung tâm chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ ở Quận 1 rất có uy tín, chất lượng, M.H. quyết định liên lạc với nơi này. M.H. kể: “Tôi chọn trung tâm đó vì tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ thẩm mỹ. Tôi được tư vấn rất nhiệt tình và nhân viên cũng như bác sĩ khẳng định: ‘Ngực em nâng xong sẽ đẹp mê hồn’. Cơ địa của tôi hễ bị sẹo là lồi nên hỏi bác sĩ có sao không, bác sĩ khẳng định không sao hết. Tôi hoàn toàn yên tâm. Ở những nơi khác, các bạn tôi làm giá 2,200USD nhưng bệnh viện này lấy 2,600USD. Tôi nghĩ chênh lệch vài trăm USD không thành vấn đề, miễn sao mình đẹp là được rồi”.
Sau khi đặt cọc, M.H. được đo huyết áp, thử máu. Sáng hôm sau, cô đi cùng một người bạn thân đến bệnh viện để thực hiện ca phẫu thuật nâng ngực, vì bác sĩ nói phải ngủ lại một đêm, hôm sau mới về được. Cô phải nhịn ăn uống để lúc gây mê không bị ói theo lời dặn của bác sĩ. Cuối cùng M.H. được đưa lên một căn phòng khá tiện nghi để chờ đến giờ làm phẫu thuật.
“Căn phòng đầy mùi hóa chất và lạnh kinh khủng,” – M.H. kể – “Từ 8g sáng đến mãi trưa mới có một cô điều dưỡng vào phát quần áo, bảo tôi tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị phẫu thuật. Tôi lên bàn mổ mà người run lên từng chặp. Tôi run lắm vì đây là ca phẫu thuật lớn của cuộc đời mình. Có vài người đi ra đi vào, khen dáng tôi cao ráo. Họ hỏi tôi làm nghề gì, người mẫu, diễn viên hay ca sĩ… tức là những ngành nghề cần ngực lớn thì họ sẽ làm lớn. Rồi họ cho tôi xem vài mẫu ngực. Tôi không biết gì cả nên chỉ nói: ‘Bác sĩ làm sao thấy đẹp thì làm. Em muốn có một bộ ngực bình thường, tự nhiên’. Vị bác sĩ trực tiếp giải phẫu cho tôi bảo, với tạng người như tôi thì sẽ đặt túi ngực 250cc cho tự nhiên. Khi biết bác sĩ này đã làm cho rất nhiều người, tôi yên tâm hơn. Lúc đang gây mê, có một cô bé ở Hà Nội vào, rất xinh, hỏi tôi làm size bao nhiêu, tôi nói 250cc. Cô ấy bảo sao làm bé thế, em đã làm là làm to luôn. Rồi tôi thiếp đi…”
Đau hơn đau đẻ…
Khi tỉnh dậy, M.H. mới biết mình đã “ngủ” sáu tiếng đồng hồ. M.H. nhớ lại: “Tôi thấy đau, rất đau. Đau đến ngộp thở vì có một khối nặng đè ép trên ngực. Cảm giác tức và đau nhói lan vào từng thớ thịt. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đau đớn như vậy dù bình thường tôi thuộc loại gan lì. Toàn bộ phần ngực bị băng bó kín mít, cứng ngắc. Hai bên nách được dán lại bằng bông băng cá nhân. Tôi không thể nhúc nhích được. Tôi được đưa qua một căn phòng có 3 – 4 người cũng đang nằm hồi sức như tôi”.
Hôm sau, M.H.
ôm bộ ngực đau đớn về nhà. Mỗi lần đứng lên nằm xuống đều phải có người nâng đỡ. Việc tiểu tiện do cô bạn thân “phụ trách”. M.H. bảo: “Tôi thấy bạn bè làm ngực rất đẹp nên muốn đi làm chứ chưa hình dung ra là sẽ gặp những cơn đau đớn như thế. Cô bạn làm rồi bảo nâng ngực đau hơn đau đẻ. Hồi đó tôi đã lập gia đình đâu mà biết đau đẻ là như thế nào. Nhưng rất đau. Một hai ngày đầu tiên đau không nhúc nhích nổi. Mỗi lần ngồi dậy ăn cháo, uống nước hay đi tiểu tôi rất sợ vì không thể tự ngồi dậy được, hai cánh tay tê cứng cả tháng trời, muốn gì phải gọi đứa em đỡ lưng”. Riêng hai bên nách, nơi rạch mỗi bên một đường để phẫu thuật, vốn được dán lại bằng bông băng cá nhân, mỗi ngày có người giúp M.H. tháo băng và làm vệ sinh.
Hằng ngày có điều dưỡng tới tận nhà chích thuốc kháng sinh. M.H. nhăn mặt khi nhớ lại: “Người ta cho tôi uống thuốc kháng sinh liều cao mùi rất khó chịu. Nhưng tôi không sợ uống thuốc bằng mỗi lần chích. Những mũi thuốc chích tới đâu là đau đớn lan ngay tới đó, đau nhức hết cả người trong năm ngày đầu. Bác sĩ dặn nghỉ ngơi nửa tiếng mới làm gì thì làm, nhưng trong thời gian đầu tiên chỉ có nằm nghỉ chứ có làm gì được đâu”.
Rồi cái ngày được tháo băng cũng tới…
Không như là mơ
M.H. háo hức chờ đợi được ngắm “vòng một” mới của mình. Nhưng cảm giác thất vọng, hụt hẫng xâm chiếm hoàn toàn khi đập vào mắt cô là hình ảnh hai bầu vú máu tụ tím đen dưới da quá nhiều. M.H. phải trở lại bệnh viện. Cứ hai ngày một lần cô phải đến để rút máu bầm. Bác sĩ dùng xi-lanh có kim, chích vào những chỗ có máu bầm để hút ra. Mỗi lần bác sĩ chọc kim vào chỗ nào của hai bầu vú để hút máu bầm là một lần M.H. phải gồng cứng người lại vì đau đớn.
Khi đó, M.H. đang học một trường trung cấp. Cô vẫn ráng nhịn đau, đón taxi đến trường thay vì đi xe máy với cái lưng phải lòm khòm vì đau. Mất cả tháng trời cơ thể M.H. mới quen dần được với hai cái túi “vật thể lạ”. Hằng ngày cô phải kiên trì mátxa theo giấy hướng dẫn của bệnh viện (trong sáu tháng) cho ngực mềm ra.
Khốn nỗi, mới được khoảng 10 ngày thì bên ngực trái của M.H. bị xệ, da bị kéo xuống nhiều quá. Cô kể: “Bác sĩ lấy băng quấn phía dưới để nâng ngực tôi lên cho da co lại, nhưng không được vì bầu vú bị đặt quá nặng cứ trĩu xuống”.
doandu09122813
( Vú bẹt, lệch và sẹo quầng vú)
Khoảng hai tháng sau, khi ngực hết sưng M.H. có cảm giác bên trái cao ngất ngưởng. Cô lại phải đến bệnh viện. “Bác sĩ bảo tôi sắp xếp thời gian để giải phẫu chỉnh lại một lần nữa! Vì cái túi hình giọt nước của tôi bị… đặt ngược, phần bầu quay lên trên, phần ngọn quay xuống dưới nên hai bầu vú bị lệch”.
Ba tháng sau, M.H. lại phải rạch đường nách một lần nữa để chỉnh cho bằng. Lại gây mê, lại đau đớn… M.H cho biết: “Tôi hi vọng lần này sẽ tốt hơn, nhưng hoàn toàn thất vọng vì bên ngực chỉnh lại vẫn tiếp tục xệ sâu xuống dưới. Tôi lại đến gặp bác sĩ, ông lại quấn băng định hình cả tháng nhưng bên xệ vẫn không cải thiện. Lần này bác sĩ nói, nếu tôi muốn đưa bầu vú xệ lên cho bằng thì người ta sẽ cắt phần da phía trên bầu vú, may chỉ để kéo vú lên. Do cơ địa của tôi là sẹo lồi nên tôi cứ do dự mãi. Tôi đã được thử máu, đo huyết áp nọ kia và được hẹn hôm sau sẽ tới nâng phía ngực bị xệ nhưng tôi không tới. Tôi sợ không biết lần này sẽ như thế nào, ngực có đẹp lên được không, thôi thì đành cứ để như vậy, thà ngực bị xệ bên cao bên thấp còn hơn có cái sẹo to đùng phía trên bầu vú. Bây giờ mỗi khi mặc áo ôm, ngực tôi bên cao bên thấp thấy rất rõ, tôi chưa có chồng mà có người bảo tại tôi cho con bú một bên nên mới như thế”.
Trong thời gian làm phẫu thuật, M.H. phải tuân thủ chế độ ăn uống rất nghiêm ngặt để vết thương mau lành và không bị sẹo. Cô nói: “Tôi kiêng ghê lắm. Cả năm trời không ăn thịt bò, rau muống nhưng đến giờ vẫn còn sẹo. Bên làm một lần thì sẹo nhỏ nhưng bên làm lại thì sẹo nhiều. Tôi rất buồn. Tiền mất tật mang”.
Hai năm sau, M.H. lập gia đình. Cô buồn buồn kể lại: “Ông xã tôi chê hoài, bảo làm lại đi nhưng ra nước ngoài mà làm chứ không làm ở Việt Nam. Mấy năm nay tôi luôn ân hận đã đi nâng ngực chứ trước đó đâu đến nỗi nào. Tại mình tự ti vậy thôi chứ người yêu đâu có chê gì. Tôi biết trong phẫu thuật thẩm mỹ, có người hên người xui. Trăm người hên có một người xui thì tôi trúng ngay phải một trong số người bị xui xẻo đó”.

Đoàn Dự ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét