Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Shin Kyung-sook và tác phẩm “Hãy Chăm Nom Mẹ”

lyanh0122313
Lý Anh
Shin Kyung-sook là nữ văn sĩ trẻ tuổi Đại Hàn từng đoạt được nhiều giải thưởng văn học. Năm 2011, bà là nhà văn Đại Hàn đầu tiên, đồng thời là nữ văn sĩ Châu Á đầu tiên được trao tặng giải Man Asian Literary Prize (Văn học Châu Á) với tác phẩm Hãy Chăm Nom Mẹ (Please Look After Mom) xuất bản năm 2009. Ngoài giải Man Asian Literary Prize, Shin Kyung-sook còn được trao tặng nhiều giải thưởng văn học khác. Tiểu thuyết của bà cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Giải Man Asian Literary Prize bắt đầu có từ năm 2007, đối tượng chọn trao giải là nhà văn Châu Á có tác phẩm hay nhất trong năm, và giá trị mỗi giải là 30.000 Mỹ kim cho nguyên tác, bản dịch tiếng Anh là 5.000 (Trước năm 2010 chỉ có 10.000 và 3.000 Mỹ kim).

Phác họa chân dung

Shin Kyung-sook chào đời ngày 12/01/1963 tại một làng quê gần thành phố Jeongeup, tỉnh Jeolla Bắc, phía tây nam Đại Hàn, con thứ tư trong một gia đình làm nghề nông. Năm 16 tuổi, gia đình không thể cho con gái học tiếp chương trình Trung học, Shin Kyung-sook phải đến Hán Thành kiếm sống. Nhờ người thân giúp đỡ, cô nữ sinh Shin Kyung-sook được vào làm việc tại một nhà máy điện tử. Sau giờ làm việc cô học tiếp chương trình Trung học tại một trường ban đêm. Năm 1982, Shin Kyung-sook vào học tại Trường Nghệ thuật Hán Thành (Seoul Institute of the Arts).

Sau khi tốt nghiệp, năm 1985, Shin Kyung-sook viết tác phẩm đầu tay Truyện Ngụ ngôn Mùa đông (Winter’s Fable) được trao tặng giải Nghệ sĩ mới Munye Joongang (Munye Joongang New Author Prize). Ngoài ra, bà còn được trao tặng nhiều giải thưởng khác như: Giải Nghệ sĩ trẻ ngày nay (Today’s Young Artist Award) của Bộ Văn hóa, Thể dục và Du lịch, Giải Văn học Hankook Ilbo; Giải Văn học Hyundae; Giải Văn học Manhae; Giải Văn học Dong in; Giải Văn học Yi Sang và Giải Văn học Yeongsu…

Năm 2008, cuốn tiểu thuyết Căn phòng Riêng biệt (A Lone Room) Shin Kyung-sook sáng tác năm 1995 được dịch sang tiếng Pháp với tên gọi La Chambre Solitaire. Một năm sau (2009), được trao tặng giải Prix de L’Inapercu do giới phê bình và các nhà báo chuyên về văn học của Pháp bình chọn. Ban giám khảo nhận định, Tác phẩm Căn phòng Riêng biệt là câu chuyện “khám phá sâu rộng về xã hội Đại Hàn cũng như cuộc sống và gia đình riêng của nhà văn”. Nội dung câu chuyện đề cập đến sự ra đời của nhà nước Đại Hàn, cuộc sống của những người lao động nghèo, thu hẹp hơn nữa là một phần đời tư của nữ văn sĩ Shin Kyung-sook. Khi lãnh giải thưởng bà nói: “Sau khi tác phẩm đầu tay của tôi dịch ra tiếng Pháp đã đoạt một giải thưởng uy tín, tôi vô cùng hạnh phúc”.

Nữ văn sĩ chia giải thưởng Prix de L’Inapercu trị giá 1.000 Mỹ kim với Jeong Eun-Jin, dịch giả cuốn La Chambre Solitaire.

Tác phẩm Căn phòng Riêng biệt còn được dịch sang ngôn ngữ các nước: Đức, Nhật Bản, Trung Quốc. Bản tiếng Anh do Trung tâm Văn bút Hoa Kỳ (PEN American Center) xuất bản.

Tháng 03/2011, dịch giả Kim Chi-young dịch tác phẩm Hãy Chăm Nom Mẹ sang tiếng Anh. Không bao lâu, tác phẩm này được trao tặng giải Man Asian Literary Prize (Văn học Nam Châu Á). Shin Kyung-sook là nhà văn Đại Hàn đầu tiên, đồng thời là nữ văn sĩ Châu Á đầu tiên được trao tặng giải thưởng này. Trong vòng 10 tháng kể từ khi phát hành, Hãy Chăm Nom Mẹ bán được 1 triệu cuốn tại Đại Hàn. Tiểu thuyết còn được chuyển thể thành kịch sân khấu và nhạc kịch. Tháng 04/2012, tiểu thuyết bán được 2 triệu cuốn.

Shin Kyung-sook còn là một thành viên của Thế hệ 386. Họ là những công dân Đại Hàn hăng say tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, chính trị… chào đời trong thập niên 60 thế kỷ XX.

Vài lời về “Hãy Chăm Nom Mẹ”

Nhẹ nhàng, lắng đọng và buồn đến nao lòng… Hãy Chăm Nom Mẹ viết về bà mẹ Park So-nyo giản dị, mộc mạc nhưng tràn ngập tình yêu thương dành cho người thân trong gia đình. Một lần bà cùng chồng là ông Yun đi Hán Thành thăm người con trai cả Yun Hyung-chol, 50 tuổi, vô tình bị thất lạc trong một trạm xe điện ngầm.

Những người thân trong gia đình hốt hoảng kiếm một tấm hình dán lên tờ thông báo tìm người mẹ thất lạc. Kiếm mãi không thấy, họ mới nhận ra rằng, trong ngôi nhà này không có bất cứ tấm hình nào của bà có thể dùng cho việc đó. Trong những tấm hình của gia đình, bóng dáng người mẹ hiền lúc nào cũng lu mờ ở phía sau. Đó là điều bấy lâu nay họ không hề nghĩ đến. Tuy nhiên, bà lại là người mẹ bấy lâu nay luôn luôn quan tâm đến họ. Lúc nào cũng như một bức tường lặng lẽ che chở và bảo vệ người thân trong gia đình. Hình ảnh người mẹ đứng phía sau trong bất cứ tấm hình nào của gia đình thể hiện rõ, trong cuộc sống bà âm thầm lặng lẽ bảo vệ và thương yêu chồng con với tình cảm ấm áp và bao dung.

Không kiếm được hình mẹ, cô con gái thứ hai Yun Chi-hon, một nữ văn sĩ, viết vài dòng ngắn gọn trên mẫu tin kiếm mẹ: “Ngoại hình: Tóc ngắn muối tiêu, xương gò má cao. Khi đi lạc bà mặc áo màu xanh da trời, ngoài khoác áo trắng, váy xếp nếp màu be”. Theo suy nghĩ của cô, mẹ là người “bước đi giữa biển người với phong thái đe dọa những tòa cao ốc chọc trời”. Trong khi đó những người qua đường chỉ nghĩ bà là “một cụ già đang bước đi chậm chạp, thỉnh thoảng ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang máy dây chuyền”…

Thời gian chậm rãi trôi qua, một tuần, một tháng và lâu hơn nữa… nỗi lo lắng của những người trong gia đình ngày một tăng lên cùng với cảm giác tội lỗi bao trùm. Làm sao có thể kiếm được mẹ? Mẹ đang ở đâu? Bà còn sống trên cõi đời này không? Những người trong gia đình không hiểu tại sao một người như bà lại có thể lạc? Tại sao bà không biết hỏi đường đến nhà cậu con cả? Tuy nhiên, cuối cùng mọi người nghĩ ra rằng: Bà không biết chữ lại mắc bệnh ung thư vú đầu óc không minh mẫn như những người già cùng tuổi. Đến lúc này, cuộc hành trình kiếm mẹ của những người thân trong gia đình mới bắt đầu. Cuộc hành trình này không đơn thuần là cuộc hành trình kiếm mẹ, còn là cuộc hành trình tìm về những hồi ức đau đớn trong quá khứ, những nỗi xót xa đến nao lòng, những tháng ngày chứa chan tình yêu thương mà lâu nay con bà đã vô tình bước qua không hề ngoái lại…

Hãy Chăm Nom Mẹ được coi là một cuốn sách của tâm hồn, cuốn sách ấm áp và lấp lánh những giá trị truyền thống Châu Á về tình mẫu tử, tình thương và sự cao cả của hình ảnh người mẹ thật chân phương và đáng ngưỡng mộ. Hãy Chăm Nom Mẹ còn là tiếng nói thức tỉnh của tác giả dành cho tất cả mọi người. Đó là sự thức tỉnh ấm áp, tràn ngập nước mắt và nỗi đớn đau từng ngấm lâu và ngấm sâu trong tiềm thức mỗi người.

Shin Kyung-sook nói về tác phẩm “Hãy Chăm Nom Mẹ”

Trung tuần tháng 11/2013, Tòa Lãnh sự Đại Hàn ở Hương Cảng tổ chức triển lãm sách, nữ văn sĩ Shin Kyung-sook được mời đến tham dư. Dịp này bà đã tiếp xúc và trả lời nhiều câu hỏi của ký giả Hương Cảng về tác phẩm Hãy Chăm Nom Mẹ được trao tặng Giải Man Asian Literary Prize (Văn học Châu Á) với vinh dự bà là nhà văn Đại Hàn đầu tiên và là nữ văn sĩ Châu Á đầu tiên lãnh giải này.

Khi trả lời câu hỏi: “Hãy Chăm Nom Mẹ là tác phẩm tổng hợp lời kể của 4 nhân vật chính trong chuyện gồm: Người con trai cả Yun Hyung-chol, con gái thứ hai Yun Chi-hon, người chồng họ Yun và bản thân bà mẹ Park So-nyo. Tại sao bà lại chọn cách nhìn và bố cục như vậy?”. Nữ văn sĩ Shin Kyung-sook đã nói về tác phẩm Hãy Chăm Nom Mẹ của mình như sau:

Thị giác của mỗi người khác nhau, nhưng ký ức của mỗi người về người mẹ thân yêu của mình lại giống nhau. Đó là đức tính tốt đẹp của người mẹ. Khi viết tác phẩm này, để thể hiện những gì sâu sắc và phức tạp của người mẹ, tôi không thể dựa vào thị giác của một người, mới đưa vào thị giác của những người thân trong gia đình bà.

Tôi có cảm giác sâu sắc rằng, người phụ nữ sau khi đã có con, hầu như không còn “cái tôi” trong người mình. Trong Hãy Chăm Nom Mẹ, 4 nhân vật nói về người mẹ, tiếng nói của chính bà cảm động nhất. Khi viết tác phẩm này, tôi có cảm giác mẹ tôi đang cầm chặt tay dẫn giắt con gái viết về cuộc đời của bà…
Đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết hư cấu hoặc dựa vào hiện thực. Trong đời sống hằng ngày, nhiều bà mẹ không thất lạc nhưng đã bị con cái lãng quên. Tôi là con gái của mẹ tôi, những mâu thuẫn con gái và bà mẹ trong truyện cũng là mâu thuẫn thường xảy ra giữa 2 mẹ con chúng tôi. Những gì xảy ra trong truyện không phải là cuộc sống riêng tư của tôi, nhưng tôi muốn thông qua những tình tiết đó nói lên lòng thương vô bờ bến của mẹ hiền đối với con cái. Hiện nay ở Đại Hàn cũng như nhiều nơi khác, nhiều người lao vào học hành, làm việc… không khác gì những kẻ du mục, di chuyển hết nơi này sang nơi khác. Tác phẩm của tôi cũng vậy, con trai, con gái phải sống xa người mẹ thân yêu, hầu như có những lúc không còn nhớ đến bà, mãi sau khi người mẹ thất lạc, trong thời gian đi tìm mới nghĩ ra một điều: Mình đang đi kiếm cái gì? Từ đó họ càng nghĩ đến bà mẹ thân yêu, càng nôn nóng lo âu khi chưa tìm thấy mẹ…

Một cuốn tiểu thuyết không thể thay đổi được con người, nhưng thông qua cuốn truyện đó có thể tim kiếm ra những điểm giống nhau, sẽ có một ngày tác phẩm này ảnh hưởng đến bạn đọc. Khi viết tác phẩm này, tôi thường nghĩ trước kia mình đã đối xử với mẹ như thế nào? Sau này sẽ đối xử ra sao? Tuy không phải ngày nào tôi cũng gặp mẹ hay nghĩ đến mẹ, nhưng luôn luôn nhắc nhở bản thân không nên lãng quên người mẹ hiền thương yêu của mình.

Viết xong tác phẩm này, tôi hy vọng bản thân mình cũng như nhiều người khác “chăm nom mẹ” nhiều hơn nữa. Chắc các bạn cũng có những suy nghĩ như tôi…
Nhân dịp đón mừng Ngày Lễ Giáng Sinh và trước thềm năm mới 2014, người viết xin gửi đến quý độc giả lời chúc “Sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý”; kính chúc các bà mẹ trên trái đất này “được con cái chăm nom tử tế, mạnh khỏe, hạnh phúc!"

Lý Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét