Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Tư bản xổng chuồng

tuban01228
Nguyễn đạt Thịnh
Chỉ vì dùng những chữ “tư bản xổng chuồng” (unfettered capitalism) mà Giáo Hoàng Francis bị chụp cho một cái nón cối. Dư luận tư bản gọi ông là Cộng Sản.
Ngày Chúa Nhật 12/15/2013, Giáo Hoàng Francis post lên mạng một bài viết trả lời những người chụp mũ ông; bài viết bắt đầu bằng câu, “Đừng mạ lị tôi là Cộng Sản chỉ vì tôi chỉ trích chế độ tư bản, xin gọi tôi là một nhà tu”, ý ngài muốn nói là nhà tu cũng cần chỉ trích tư bản.
Điều này đúng; đã có nhiều người chỉ trích chế độ tư bản, và chế độ này cũng có vô số nhược điểm đáng bị chỉ trích.
Ngay sau ngày được bầu lên chức vị Giáo Hoàng tháng Ba vừa rồi, Giáo Hoàng đã chỉ trích tư bản bằng những chữ khá độc đáo như “tư bản xổng chuồng”, và đánh giá tư bản là bọn người “sùng bái đồng bạc”, và “hành hình người nghèo”. Trên một góc nhìn, tư bản quả có phạm cả 3 “tội” này và nhiều tội khác nữa.
Giáo Hoàng còn viết, “Ngày nào những khó khăn của người nghèo còn chưa được giải quyết tận gốc bằng cách chối bỏ tính tuyệt đối độc lập của thị trường, đầu cơ tiền tệ, và bằng cách tấn công tận gốc những nguyên nhân tạo ra bất công xã hội, ngày đó vẫn còn chưa có giải pháp toàn cầu cho bất cứ vấn đề gì”.
Nhiều người lên tiếng phản đối lập luận này của Giáo Hoàng, trong số có anh hoạt náo viên truyền thanh Rush Limbaugh; anh này nói, “Những lập luận thuần túy Mác Xít đó lại càng khó nghe hơn, khi được một giáo hoàng nói lên. Ông chỉ trích nhóm “tư bản xổng chuồng” ư? Trên khắp thế giới, chỉ riêng Hoa Kỳ mới có những nhà tư bản đầy quyền lực như vậy; 4 chữ “tư bản xổng chuồng” là danh xưng Giáo Hoàng gán cho nước Mỹ”.
Qua tờ báo Ý La Stampa, Giáo Hoàng trả lời những người chỉ trích ông, “Tôi không buồn vì những lời chỉ trích đó; tôi biết tư tưởng Marxist là sai, nhưng tôi cũng biết nhiều người theo tư tưởng này rất đứng đắn, rất tốt. Hơn nữa triết lý xã hội của giáo đường cũng rất rộng rãi”.
Ý Giáo Hoàng muốn nói Ngài giúp đỡ người nghèo không phải vì Ngài là một người Cộng Sản, mà vì ngài là một tín đồ Thiên Chúa giáo.
Điều này lại càng đúng hơn nếu Giáo Hoàng đem cách làm giầu của dàn cán bộ lãnh đạo Việt Cộng và Trung Cộng ra để dẫn chứng là người Cộng Sản không quan tâm đến số phận người nghèo như Ngài hằng quan tâm.
Sự phồn thịnh của Cộng Sản Trung Quốc chính là hình thức “xổng chuồng” của cả tư bản lẫn cộng sản: người cộng sản Tầu làm giầu bằng cả 2 cách khai thác nền kinh tế tư bản và khai thác sức lao động của người vô sản; họ giầu không thua tư bản Mỹ, trong lúc tuyệt đại đa số người Hoa vẫn sống lầm than, cơ cực.
Chủ biên tôn giáo Paul Brandeis Raushenbush của mạng Huff Post viết, “Đã từng sống nhiều năm trong chế độ Cộng Sản, tôi đồng ý với Giáo Hoàng Francis trong việc Ngài chỉ trích giáo điều Marxism như một chế độ “xổng chuồng” không kiểm soát của Cộng Sản. Họ cũng hội đủ mọi yếu tố kinh tế để thành công, nhưng họ đã thất bại cũng chỉ vì bất bình đẳng kinh tế. Chúng ta có thể nói là chế độ tư bản của Hoa Kỳ cũng đang thất bại.
“Hãy thử lấy thành phố New York làm điển hình: một căn apartment tại Manhattan trị giá trên dưới $1 triệu, trong lúc 20,000 đứa trẻ vô gia cư, sống bên lề đường. Tính trên dân số toàn cầu, cứ mỗi 3 giây đồng hồ lại có một người chết vì quá thiếu thốn trong nghèo, đói. Mức chênh lệch giữa kẻ giầu-người nghèo đang đạt đến độ quá đáng; tôi cũng đồng ý với Giáo Hoàng về chế độ “xổng chuồng”, thiếu kềm chế của chế độ tư bản”.
Giáo Hoàng không chỉ chống tư bản bằng ngôn ngữ và tư tưởng, Ngài còn làm những việc biểu tượng; hôm thứ Ba 17 tháng Chạp 2013, Ngài ăn sinh nhật lần thứ 77 cùng với 4 người vô gia cư; những người này sống ngay ngoài bờ tường Tòa Thánh; ngoài 4 người khách này, Giáo Hoàng còn mời ông giúp việc cho Ngài lên phòng ăn, ngồi cùng bàn dự bữa cơm gia đình.
Ngài thường nói với Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski là Tòa Thánh quá xa con chiên, Ngài mong muốn có nhiều ngôi thánh đường “nhân dân”, để mọi người thoải mái ra vào Nhà Chúa.
Một người nữa, cũng bị chụp nón cối như Giáo Hoàng là Tổng thống Obama; trong 5 năm ngồi vào địa vị quyền lực nhất thế giới, ông cũng tìm cách làm giảm bớt cách biệt giữa kẻ giầu, người nghèo.
Cách biệt thường được thể hiện trong những cách ăn, ở, những tiện nghi học hành, làm việc, và cách đối xử khi đau yếu, bệnh hoạn. Trong 300 năm lịch sử, nhiều vị tổng thống Hoa Kỳ đã nỗ lực làm giảm cách biệt bằng cách tạo dựng những Công Dân Quyền (entitlement) – những quyền lợi người công dân Mỹ chỉ cần xin là được, mà chính quyền không được từ chối hay cắt xén; thí dụ: quyền an sinh xã hội, quyền Medicare, quyền hưởng trợ cấp welfare.
Hiểu một cách khác, công dân quyền là một thứ quyền có giá trị pháp lý, phối hợp với những nguyên tắc xã hội, một trong những nguyên tắc này là công bằng và bình quyền giữa mọi công dân Hoa Kỳ.
Trên bình diện Liên Bang, công dân quyền gồm có: An Sinh Xã Hội, Medicare, Medicaid, Cựu Chiến Binh, Trợ Cấp Thất Nghiệp, Food Stamps, và Trợ Giá Nông Nghiệp.
Thứ công dân quyền thêm vào mà Obama đang đem lại cho người Mỹ nghèo là quyền có bảo hiểm y tế, để có bác sĩ ngừa bệnh, trị bệnh mà không phải dùng “thẻ vàng”, ngồi chờ nửa ngày để được thăm bệnh.
Công dân quyền này được gọi là ObamaCare, tốn kém bạc tỉ mỗi năm, số ngân sách mà ông Obama dự trù sẽ có bằng cách tăng thuế đánh vào giới tư bản. Bảo vệ tư bản, Trà Đảng (Tea Party) và những Nhóm Bảo Thủ (NBT) khác ra lệnh cho những nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa tấn công ObamaCare, không cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động nếu chính phủ không dẹp bỏ ObamaCare.
Cuối cùng chính phủ phải đóng cửa vì hết ngân sách, nhưng dư luận cử tri lại quy trách và chỉ trích những nghị sĩ, dân biểu tay sai của “tư bản xổng chuồng”.
Càng gần ngày bầu cử những NBT càng hung hãn hơn, họ đưa người ra ứng cử để thay thế những nghị sĩ, dân biểu mà họ đánh giá là mất lập trường.
Nghị sĩ Mitch McConnell trưởng khối thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện, và nghị sĩ đứng ngay sau ông – John Cronyn – đang phải đối phó với những đối thủ Cộng Hòa bảo thủ trong vòng đảng tuyển.
Dân biểu John Boehner, không phải tái tranh cử năm 2014, cũng bị những NBT chỉ trích nặng nề. Tea Party và những nhóm này đang tạo phân biệt giữa những thành viên quốc hội Cộng Hòa tuyệt đối bảo thủ, và lưng chừng bảo thủ.
Sức mạnh chính trị của đảng Cộng Hòa xây dựng trên 2 cột trụ xi măng, cốt sắt lớn, là bảo thủ và Thiên Chúa giáo. Giáo Hoàng gọi bảo thủ là “tư bản xổng chuồng”, chủ tịch Hạ Viện chỉ trích bảo thủ là không bảo vệ những giá trị truyền thống, mà lại đi bảo vệ quyền lợi phe nhóm.
Diễn biến này là phản ứng “chó cắn đuôi” của khối “Tư Bản Xổng Chuồng”, chắc chắn sẽ tạo thay đổi lớn trong quốc hội, nhất là tại Hạ Viện, vào kỳ bầu cử 2014 này.

Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét