Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Đi xem phim

saigoncn022414
Sài Gòn Cô Nương
Tháng Giêng là tháng ăn chơi với vô số hội hè đình đám khắp nơi.
Riêng trong thành phố, chương trình giải trí đầu năm bung ra từ kịch sân khấu, ca múa hát hò đến phim ảnh…
Các chương trình này đều lấy ý vui là chính, ca tụng mừng xuân, đón xuân… Nội dung các kịch bản dù có chia ly nhưng chắc chắn đoàn tụ. Bắt đầu bi kết thúc có hậu và ở giữa là hài… Giống như ngày xưa đầu năm đi xem bói tuồng. Cứ lấy tích tuồng mà đoán vận hạn cả năm. Bây giờ cũng chẳng ai muốn đi xem những cuốn phim bi thảm e “rông” cả năm. Cứ hài hước một chút để cười, tình cảm một chút để vui, luân lý đạo đức một chút để phù hợp với tất cả mọi người nhằm mục đích lôi kéo cả nhà kéo nhau vào rạp xem chung được một phim.
Saigòn là thành phố lớn nhất nước, với nhiều sân khấu, rạp hát khắp nơi. Các trung tâm thương mại đều xây rạp ciné với nhiều phòng chiếu.
Sau thời gian dài bỏ rạp để xem phim vidéo, nay thiên hạ ào ạt quay lại với rạp chiếu bóng. Hầu như bây giờ trong thành phố không còn các rạp cũ nữa, các rạp chiếu bóng cổ lỗ, cũ kỹ trước kia đều đã bị đập bỏ, sửa sang toàn bộ hoặc xây lại sáng loáng tân kỳ hòng thu hút khán giả.
Nhiều cụm rạp ra đời dành cho các loại khán giả khác nhau. Có loại dành cho người đi làm có tiền. Loại khác thu hút giới sinh viên và học sinh. Lũ học sinh được cha mẹ cho kha khá và tha hồ tiêu xài thỏa thích, trong món kha khá đó, xem chừng hầu bao có phần rộng rãi hơn sinh viên nổi tiếng lúc nào cũng túng thiếu (!).
Loại có giá vé mắc nhất thuộc về những cụm trang trí đẹp đẽ, nằm gần khu trung tâm thành phố. Những cụm khác vé rẻ hơn dĩ nhiên không đẹp bằng, các dịch vụ chung quanh cũng kém. Chỉ có một xe bắp rang nhỏ thay vì cả quầy dài, chỉ bắp mặn thay vì bắp ngọt với nhiều hương vị khác nhau, chỉ có lon chứ không phải ly nước cầm tay coi có vẻ sành điệu hơn.
Thật ra bây giờ cũng có một số gia đình lập phòng chiếu phim tại nhà nhưng đa số vẫn thích đi xem phim ở rạp. Có dịp ra đường tới rạp đông người thích hơn ngồi nhà xem một mình, chẳng có ai cùng tán gẫu khen chê.
Nhất là giới trẻ, thanh niên, sinh viên học sinh kháo nhau tìm đến các rạp ciné tân tiến. Sau buổi học, giờ học trống, sau các buổi họp, cuối tuần, ngày nghỉ… họ lũ lượt kéo nhau đến tiệm ăn nhanh rồi vào rạp ciné…
Bộ phim ‘bom tấn’ này, dàn ngôi sao nọ… cứ thế đám thanh niên miệt mài có mặt tại các rạp. Từ phim ‘bom tạ’, ‘bom yến’, ‘bom ký’…, ‘bom gram’ thì không, cho tới sao xẹt, sao mờ… coi luôn không sót phim nào nhằm tích đủ điểm làm thẻ thành viên, thẻ VIP của rạp, được giảm 10% tại các quán ăn nhanh ở thành phố, được ưu tiên ngồi chỗ VIP là chỗ chính giữa rạp với ghế phủ khăn in trái tim màu hồng khác xa hạng thường, được giảm giá 50% khi đi cặp, giảm một nửa khi đi xem vào giờ “không phải giờ vàng”. Thật ra ưu đãi cuối cùng này ai cũng như ai thôi, có điều xòe tấm thẻ thành viên ra thì cũng có phần… hách một chút!
Với lại đi xem phim là cớ tụ họp bạn bè, hẹn hò bồ bịch và cũng là dịp tung tăng diện quần áo đẹp nữa chứ.
Những rạp ngay giữa thành phố thuận tiện đi lại nhanh chóng, nhưng những rạp cách trung tâm chút xíu cũng có cái hay để mọi người réo nhau hẹn hò, điện thoại đặt vé, dắt díu đi xa xa mới vui. Rạp mới xây sau bao giờ cũng hút khách hơn rạp trước vì càng lộng lẫy tân kỳ hơn.
Độ rày phim do Việt Nam sản xuất được chiếu ở nhiều rạp. Một phần khán giả đi ủng hộ cho “người Việt dùng hàng Việt”, một phần do nhà nước định tỷ lệ phim Việt chiếm bao nhiêu phần trăm phim được chiếu ở rạp, nên nếu muốn đi tới rạp xi nê thì phim Việt là chọn lựa bắt buộc.
Phim Việt vốn đa số …dở. Diễn viên thường đóng lố như diễn kịch trên sân khấu, cảnh trí nghèo nàn, kịch bản sơ sài. Thôi thì ngày Tết cứ chọn một phim hài cho dù hài theo kiểu thọc lét mà vẫn cười không nổi. Phim nào cũng lèn cứng các danh hài, ca sĩ …luôn cả MC, người mẫu thời trang… Danh hài hải ngoại đó hằng ngày, người ta đã xem tấu hài qua vô số sân khấu và băng đĩa bán rong, năm nay chỉ diễn độc quyền cho một phim, bảo đảm doanh thu cho hãng sản xuất. Chứ lúc trước, ngày Xuân, dăm bảy phim hài cùng đại náo thị trường khiến khán giả chia đều cho các phòng vé, đâm ra các hãng phim khó thu lời. Đặc biệt phim nào đóng dấu 16+ hay 18+ càng đông khách. Kích thích sự tò mò đôi chút nơi khán giả, chứ cảnh khêu gợi nếu có chắc chắn đã bị mấy ông kiểm duyệt cắt xén cẩn thận rồi. Ai chẳng biết càng làm ra vẻ cấm, mọi người càng muốn xem. Đóng dấu gì thì dấu, mọi độ tuổi đều ùn ùn mua vé đi xem, chứ đâu có rạp nào hỏi thẻ căn cước khán giả đâu.
Ưu thế nhỉnh hơn nằm ở phim gồm một dàn năm mỹ nữ quanh một mỹ nam với đủ tình tiết của phim xuân vì nữ diễn viên xinh đẹp mặc váy ngắn, đầm dạ hội sặc sỡ và nam diễn viên điển trai khoe cơ bụng sáu múi. Có lâu đài tráng lệ và hồ bơi lộng lẫy, có ca nhạc, nhảy ‘flash mob’… Phim dù không xuất sắc nhưng được quay bởi đạo diễn Việt kiều, và vì thế cuốn phim mang màu sắc mới mẻ, rất khác lạ với các phim của đạo diễn trong nước. Nghe nói sau khi phim đóng máy thì cũng là lúc nữ diễn viên chính cặp bồ với đạo diễn, theo đúng công thức quảng cáo muôn đời của mọi bộ phim là sau khi “phim thật tình giả” thì tiếp theo sẽ là “phim giả tình thật”. Đó là yếu tố câu khách hiển nhiên trong quá trình ra mắt phim. Thế nên khán giả ồ ạt đi xem cô diễn viên gây ồn ào đó mặt mũi tròn méo, diễn xuất hay dở ra sao.
Đi xem xi nê, theo đúng thủ tục là phải ăn bắp rang và uống nước ngọt, giống như cắn hạt bí hay ăn chuối ép nướng mỏng mua trước rạp hồi đó. Khán giả chỉ được mua những thứ này tại quầy của rạp và không được mang thức ăn riêng đến. Việc này thật …vô lý vì nhiều người cho rằng thức ăn tại rạp không ngon, mắc hơn nơi khác hoặc rắc rối hơn là họ không thích bắp rang, nước ngọt hoài ngán quá, mà muốn đổi khẩu vị sang khô bò, khô mực hay sữa chua… chẳng hạn.
Vì thế tại cửa soát vé, tuy nhân viên có nhìn lom lom nhưng cũng chẳng muốn đôi co làm chi khi có những người mang theo các bao, túi quá to, áo gió rất cồng kềnh nhưng nhất định chỉ khoác trên tay chứ không mặc. Hay là cả đám người cứ túm tụm vào nhau; hai ba người túm tụm lại che cho người đứng giữa với vẻ dè chừng hiện rõ trên mặt. Thôi kệ bỏ qua chứ kêu đứng lại xét thế nào cũng xảy ra cự cãi om xòm.
Vào trong rạp vẫn còn đèn sáng, người soát vé qua lại nên các túi xách, ba lô, áo khoác …căng phồng vẫn bị ôm khư khư trước bụng. Đợi tới khi đèn tắt hẳn để chiếu phim mới bắt đầu rộn ràng tiết mục ăn uống. Người này quay sang người nọ và người nọ chồm sang người kia để thì thào hỏi nhau ai muốn ăn uống món gì và ai đang giữ những món gì. Sau đó các món lương khô đã lén nhét giấu được mau chóng được rút ra. Tiếng mở túi, xé bịch nghe rột roạt, sột soạt, chuyền qua chuyền lại các gói snack, rong biển khô, đậu phọng da cá… và các chai trà đường, trà chanh không độ… Thưởng thức chuyện ăn uống một cách hỉ hả vì thức ăn dồi dào, phong phú, giá cả vì mua tại chợ, siêu thị, cửa hàng “bán lẻ với giá bán sỉ” nên dĩ nhiên rẻ rất nhiều so với mua tại rạp.
Ngày Xuân, phim hài nên không khí trong rạp có vẻ vui như đám hội. Chẳng ai xem phim một mình cả mà đi thành cặp, thành nhóm, thành gia đình lũ lượt. Cha mẹ, cô dì, ông bà… được đám con cháu dắt đi xem phim hơi bỡ ngỡ nhưng đầy vui thích trước cảnh tượng rạp hát đèn đuốc màu sắc rực rỡ như bên trời Tây.
Ồn ào nhất là đám học sinh. Rất dễ dàng để nghe bên tai những câu đại loại:
- Tao coi phim này rồi, để tao kể cho mày nghe.
- Tới khúc này nó vậy nè. Chút nữa cái xe đó rớt xuống vực nhưng thằng đó còn sống bò được về nhà…
Đám nhỏ đã xem phim luôn tỏ vẻ thông thạo bằng cách giải thích các chi tiết chưa kịp hiểu, lặp lại các câu đối thoại nhanh, kể trước các tình tiết sẽ xảy ra thế nào, thêm luôn những câu chuyện bên lề như nhạc phim là bản ‘hit’ tuần này, nam diễn viên chính đã có vợ hai con nhưng đang cặp bồ với một cô người mẫu… Đám này nói rất lớn, không phải cho đám bạn, mà khoe cho cả thế giới chung quanh biết mình đã xem phim này lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba rồi. Tới đoạn vui, chúng sẽ cười ha hả thật to, những đoạn chưa xảy ra cũng cười trước để chứng tỏ mình thuộc lòng chuyện phim như cháo. Nói chung, đó là những người thuyết minh bên cạnh rất nhiệt tình, chỉ cần lắng nghe chúng nói rào rào là đủ, khỏi cần nghe đối thoại hoặc phụ đề trên màn ảnh làm chi. Loại khán giả này náo nhiệt lắm vì đoạn nào hấp dẫn thì dễ dàng la rú, nhảy nhổm trên ghế và bàn cãi không ngưng về các tình tiết trong phim. Thậm chí vỗ tay ào ào để bày tỏ sự hứng thú. Kiểu diễn trợn mắt méo miệng, hài chọc lét như trên sân khấu bình dân thật ra cười không nổi nhưng khi đã có một đám phá lên cười, thì hiệu ứng đám đông khiến đa số cũng bật cười và những người không thích cũng bị lây theo vì thấy người ta xung quanh thật tức cười chứ không phải bộ phim hài hước tới mức đó.
Dĩ nhiên còn một loại khán giả đặc biệt mà các rạp xi nê không thể thiếu là các cặp tình nhân đến để đóng phim chứ không phải xem phim. Rù rì rủ rỉ tâm sự tới khi ra về cũng chẳng biết nãy giờ trên màn ảnh chiếu cái gì. Trước kia hay có những người không biết đi đâu nên vào rạp xi nê ngủ trưa. Giờ thì giá vé khá mắc, vào quán cà phê ngủ cũng máy lạnh mát mẻ, gối dựa êm êm mà giá lại rẻ hơn xem phim.
Dù sao thì cuối cùng phim cũng kết thúc. Dù cuốn phim chưa xong nhưng khi nhìn thấy nàng chạy a về phía chàng là đủ biết kết quả hai người sẽ lấy nhau. Vì thế khi rạp còn tối thì ai nấy đã thu vén hành lý chuẩn bị lục tục đứng lên. Hồi đó, mọi người sợ ra trễ không đón được xe về, còn bây giờ sợ ra sau, bãi gửi xe đông nghẹt thì lấy xe ra chậm, hoặc lo nhanh chân chuồn lẹ kẻo đụng mặt người quen chăng. Khi đèn sáng thì đoàn người đã lũ lượt tuôn ra cửa, chẳng mấy ai để ý nán lại vài phút xem phần chiếu thêm và cảnh quay hậu trường thường rất thú vị.
Trong khi kịch hay ca nhạc buộc phải đi vào buổi tối ở vài chỗ thì phim có thể giải trí từ sáng đến khuya ở nhiều nơi. Rạp ciné cứ tiếp tục được xây thêm mà không ngại vượt nhu cầu. Một cuốn phim bỏ vốn sáu tỉ, trong hai tuần đã thu được hơn bốn mươi tỉ. Chỉ phim ảnh là có thể đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần, mọi giới tuổi. Có một chỗ tới giải trí là tốt lắm rồi. Còn phim hay thì tốt, dở cũng chẳng sao, nhảm nhí mấy cũng mặc kệ. Đâu có thành vấn đề!


Sài Gòn Cô Nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét