Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Trường hợp Lý Chánh Trung [1b]

Cặp Nguyễn Văn Trung- và Lý Chánh Trung
Ông Lý Chánh Trung là một trong số những người công giáo hiếm hoi gốc Nam Kỳ. Những người khác  phần đông gốc Bắc như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Huy Lịch, bác sĩ Nguyễn Văn Ái. Cũng vì thế nên dân gốc Bắc đã không ngần ngại đề cử ông làm chủ bút tờ Sống Đạo..Có lần tức mình ông nói huỵch tẹt ra: tụi bay làm hết đem tao ra làm cái bung xung thôi..
Mọi người đều cười xòa. Để ông làm chủ bút là điều chí phải. Nhưng bên trong  là Nguyễn Đình Đầu điều động từ A tới Z.
Bước mở đầu, ông và họ gây được tiếng vang và sự chú ý của giới trí thức công giáo và ngoài công giáo.. Phạm vi hoạt động của họ mang tính giới thiệu mở đường theo tinh thần Công Đồng Vatican hai, gợi ý đề nghị, trình bầy và chưa có dấu tích một ẩn ý chính trị của phe phái nào.
Giữa Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung dù là một cặp, nhắc tới người này là nhắc tới người kia. Nhưng Lý Chánh Trung chẳng hiểu sao được mọi giới trân trọng.
Có thể nói thêm cả công giáo, Phật giáo và người cộng sản miền Bắc đều phê phán Nguyễn Văn Trung.. Hà Nội qua giáo sư Trần Văn Giàu và một số cây viết phê bình văn học như Thái Kế Toại, Phong Hiền, Tam Thanh, Trần Trọng Đăng Đàn đã chỉ chĩa mũi dùi vào một mình Nguyễn Văn Trung mà thôi.
Bây giờ thì chúng ta hiểu rằng bị cộng sản miền Bắc xúm vào chửi chưa hẳn đã là điều xấu, có thể là ngược lại. Họ chửi vì nhiệm vụ bổn phận phải làm. Không lạ gì khi vào miền Nam sau 1975, việc đầu tiên  của giáo sư Trần Văn Giàu là đi tìm Nguyễn Văn Trung để nói chuyện.
Lúc gặp nhau như thế Trần Văn Giàu mới là Trần Văn Giàu.
Sống trong chế độ cộng sản, thường người nào cũng mang hai nhân cách, hai cách thể hiện. Một nhân cách xã hội để chường ra cho mọi người biết mà thường là nhân cách giả, không thật.- Nhân cách kịch-.
Một nhân cách thứ hai là nhân cách con người sống thực với lòng mình. Và cũng thật khổ cho con người cùng một lúc phải đóng hai nhân cách.
Mặc dù dư luận VN không mấy thiện cảm với Ngyuển Văn Trung- trừ giới sinh viên trí thức-.
Nhưng đối với trí thức Tây Phương  hay Việt Nam tại Paris hay trí thức Mỹ thì Nguyễn Văn Trung được đón nhận với trân trọng nhiều hơn. Một số sinh viên trí thức trẻ Việt Nam coi các tờ Hành Trình của Nguyễn Văn Trung như căn bản lý thuyết để hội thảo hay tranh luận như một thứ Table Ronde(Hội nghị bàn tròn). Họ gửi tiền về cho Nguyễn Văn Trung để ông gửi tài liệu sách báo sang Pháp cho họ đọc.
Trong số những người quý mến và trân trọng Nguyễn Văn Trung, xin nhắc tên một người : Đó là giáo sư Tạ Trọng Hiêp, nhà nghiên cứu Hán Nôm, học trò Hoàng Xuân Hãn ở Paris. Ông thường làm sứ giả trung gian gửi những tài liệu, báo chí của Nguyễn Văn Trung về Hà Nội và ngược lại gửi những thư từ tài liệu có liên quan đến Nguyễn Văn Trung từ Hà Nội về Sài Gòn. Ông cung cấp tin tức, trao đổi tài liệu của Pháp hoặc những tác giả người Pháp mà Nguyễn Văn Trung không có dịp biết tới và góp ý kiến về những bài viết của Nguyễn Văn Trung.[9]
Đó là đường giây’buôn lậu Văn Hóa’ giữa hai miền Nam-Bắc trong thời kỳ chiến tranh mà ít người được biết đến.[10]
Trường hợp khác là chủ bút tờ Esprit, ông J.M Domenach lúc bấy giờ, địa chỉ 19 rue Jacob viết bài tranh luận và trao đổi với Nguyễn Văn Trung trong một bài viết của Nguyễn Văn Trung nhan đề : Sự thất bại của Chủ Nghĩa Nhân vị.( Échec du Personnalisme).
Cuộc tranh luận giữa hai người trí thức Việt-Pháp này ở miền Nam cũng ít ai được biết, trừ một thiểu số nhỏ giới trí thức Việt Nam ở Paris như Tạ Trọng Hiệp.
Có những sinh viên Mỹ như David G. Marr, sau này là nhà sử học với cuốn sách đáng nể viết về Việt Nam :Viet Nam 1945, The Quest for power.[11] David Marr có sang Việt Nam mấy tháng và có dịp  đọc một số bài viết của Nguyễn Văn Trung qua trung gian một số bạn sinh viên trẻ như Nguyễn Quốc Thái, Đặng Tiến. Những người này đã giới thiệu David Marr về Nguyễn Văn Trung và tờ Hành Trình và có thể họ đã  dịch những bài tham luận của Nguyễn Văn Trung sang tiếng Mỹ cho David Marr. Khi về Mỹ, ông đã trao đổi với các giáo sư của ông, họ hoan hỉ  phổ biến các bài viết đó nơi các giới sinh viên và giáo sư Đại Học Mỹ, phổ biến trên các tập san Journal of Asian Studies và Asian Survey.. và phổ biến tại đại học Berkeley, California, nơi David Marr theo học.
Các bài báo ấy cũng được người Mỹ đăng lại trên tờ America, do các cha  dòng Tên, chủ bút là linh mục Donald Campion, địa chỉ 106 W. 56th St, New York, 10019.[12]
Trong khi đó, Lý Chánh Trung được cả giới lãnh đạo công giáo và Phật giáo quý trọng, tin tưởng. Đại học Đà Lạt qua linh mục viện trưởng Nguyễn Văn Lập là một tỉ dụ.
Khối Phật giáo Ấn Quang cũng là nơi lui tới thường xuyên của Lý Chánh Trung trong các buổi hội họp, cầu siêu, mít tinh. Chẳng những thế, ông cũng có thể được coi như người tin cậy của khối Phật giáo Ấn Quang như TT. Trí Quang.
Họ thật sự chỉ hoạt động chung với nhau từ thời gian 1962 đến 1968 là cùng.
Từ 1955 đến 1960, Nguyễn Văn Trung đã viết nhiều về văn học nhất là triết học hiện sinh. Viết có vẻ dễ dàng, dễ đọc và lôi cuốn, cộng tác với các báo như Sáng Tạo, Bách Khoa và đã có tiếng tăm nơi giới trì thức trẻ. Các tập Nhận Định I, Nhận Định II và Nhận Đinh III gây được nhiều tiếng vang tốt trong giới trí thức  Sài Gòn. Ông được coi như người mở đường cho Triết Học chủ nghĩa Hiện Sinh vào miền Nam. Ngoài ra ông còn là tác giả các tác phẩm như : Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Lược khảo Văn Học I. Tổng cộng ông có hơn 20 đầu sách biên khảo về Văn Học, Triết học đã được nhiều sự hưởng ứng của giới trẻ thành phố Sài Gòn.
Trong khi đó, giai đoạn 1955-1960,  Lý Chánh Trung hầu như chưa viết được mấy và ông chỉ thực sự có tiếng tăm khi bắt đầu cộng tác viết cho Sống Đạo..
Cuốn sách xuất bản đầu tiên của ông Cách Mạng và Đạo Đức (1966) không gây được tiếng vang  bao nhiêu. Nội dung cuốn sách thật ra chỉ là in lại một cours Triết trong chứng chỉ  Luận Lý và Đạo đức của ông.
Sau khi ông Diệm bị lật đổ, ông viết cuốn Ba năm xáo trộn(1967). Cuốn tìm về Dân Tộc ( 1967) bộc lộ một quan điểm chính trị tìm một giải pháp cho vấn đề VN.. Nhưng hầu hết nội dung cuốn sách gom góp các bài báo ông đã viết.
Tiếng tăm của Lý Chánh Trung nay được mọi người chú ý.
Sau này, dù cho có hoạt động chung trên Đất Nước, Hành Trình, Trình Bầy.. Sự chọn lựa của Lý Chánh Trung đi theo MTGPMN cho thấy những bài viết ấy chỉ phản ánh quan điểm riêng của ông..
Muốn biết quan điểm chính trị của ông thì phải đọc những bài ông viết cho tờ Tin Sáng, gồm 50 bài trong vòng một năm trời. Đây là thời điểm Lý Chánh Trung đã dứt khoát chọn đứng về phía bên kia và chắc hẳn viết theo chỉ thị hay đơn đặt hàng. Tất cả những bài ấy sau này được gom lại trong một tuyển tập nhan đề:Những ngày buồn Nôn, in năm 1971.
Tóm lại giữa Nguyễn Văn Trung-Lý Chánh Trung- mặc dầu có một số quan điểm đồng thuận.. Nguyễn Văn Trung vẫn là một nhà biên khảo, nhà nghiên cứu với một một văn phong lý luận sắc bén và thuyết phục.
Lý Chánh Trung hơn ai hết là một nhà báo một người hành động.- Lối viết của ông dựa trên sự việc và đượm cảm tính gây ấn tượng và tạo được sức lôi cuốn không nhỏ nơi người đọc.
Hai người ấy- mỗi người một văn phong- một tài hoa- cộng lại thì phải nói là rất tốt. Họ bổ túc cho nhau.  Và nếu có nhiều người – nhất là bạn đoc- tưởng nhầm họ là những đôi bạn chí thân, đồng hành thì điều ấy không hẳn là sai.
Nhưng bổn phận của tôi thấy cần phải nói ra là không hẳn đúng như vậy. Bạn chí thân của Lý Chánh Trung có thể là những người trong nhóm Tin Sáng. Ngay cả dù có nhận như thế, tôi cũng nhận ra thêm một điều,là những người bạn của Lý Chánh Trung chỉ có tính cách giai đoạn. Mỗi giai đoạn hoạt động là mốt kết nối, và mỗi giai đoạn là một loại bạn
Nhìn lại những năm tháng ấy, phải nhìn nhận họ đã ảnh hưởng nhất định trên giới trí thức trẻ miền Nam. Riêng Nguyễn Văn Trung được coi là người đi hàng đầu lôi kéo nhiều trí thức, nhà văn cộng tác với ông trên tờ Đất Nước, Hành Trình và Trình Bày.
Trong số ấy, phải kể đến Nguyên Sa, Trần Bích Lan –mặc dù là một nhà thơ nổi tiếng-, ông đã chia sẻ những quan điểm chính trị của Nguyễn Văn Trung và là cây bút quan trọng nhất trên tờ Đất Nước cùng với Thảo Trường.
Mặc dù không phải là bạn như trong giới văn Nghệ sĩ, thường sinh hoạt chung. Nhưng đụng có chuyện là Nguyên Sa trở thành cây bút đao búa, đập bất cứ ai đung đến Nguyễn văn Trung.  Trường hợp Duyên Anh phê bình Nguyễn Văn Trung, Nguyên Sa đã để cả tháng trời đả kích Duyên Anh- một cây Thương Sinh của báo Con Ong- Cho đến khi chính Duyên Anh phải  lên tiếng ngỏ lời xin lỗi.[13]
Sau này, ở Hải ngoại, Nguyên Sa xếp Nguyễn Văn Trung vào một trong bốn dòng văn học chính ở miền Nam…
Tuy nhiên, về mặt chính trị, Cả Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung lúng túng trong những quan điểm và những chọn lựa thật sự không rõ ràng, có thể gây nhiều ngộ nhận và có thể đã tạo ra những ảo tưởng tai hại tới khôn lường.
Chẳng hạn, họ đề ra một lập trường chính trị ảo tưởng- không chọn bên này bên kia- một lập trường đứng giữa,  khi mơ ước một Xã Hội chủ nghĩa không cộng sản!
Nhưng lịch sử đã định cho mỗi người một hướng đi. Sự chọn lựa cách dấn thân nhập cuộc biến thành  hai số mệnh đời họ..
Sau 1975, Nguyễn Văn Trung ngồi tù tưởng sẽ tiêu tan cuộc đời rồi cuối cùng được con bảo lãnh- ra được hải ngoại, sống cuộc đời còn lại thảnh thơi và thông thoát..
Lý Chánh Trung chọn con đường đi theo đảng cộng sản- tưởng rằng đó là tất cả lý tưởng đời minh.
Ở một thời điểm nào đó, người ta tưởng lầm rằng chủ nghĩa Mác xem ra có tác động lôi cuốn, có sức  tác động vào lịch sử..có khả năng giải thoát cho con người, giải quyết mọi mâu thuẫn xã hội!!! Tưởng như thế là nhầm.
Vì thế, ngày nay đã rất nhiều người hoài nghi điều ấy. Và họ muốn tách ra khỏi quỹ đạo Đảng vốn được coi là cội nguồn cũa những thất bại về kinh tế cũng như xa đọa đạo đức con người. Sự xa đọa ấy đến ngoài sự suy nghĩ của mọi người. Như cảnh tượng con đâm mẹ ngoài đường phố, trò đánh thầy, thầy lợi dụng học trò con gái đi làm điếm
Trước đây Proudhon đã từng nói: Toute synthèse est gouvernementale. (Mọi tổng hợp đều có tính cách chính quyền- nghĩa là dộc đoán-.
Mà chủ nghĩa cộng sản là thu tóm, tổng hợp và vì thế nó là độc đoán.
Tham vọng ấy sẽ tự hủy chế độ cộng sản vì nó chống lại bản tính con người.
Lý Chánh Trung- một trí thức vào cuối đời dã nếm đủ tưởng rằng chẳng những sinh mệnh chính trị của ông bị tiêu hủy mà chính cái mạng sống của ông cũng không giữ được trước lời đe dọa bóng gió của Nguyễn Văn Linh sau vụ Bão tố tận diệt mầm mống phản động của những phần tử trong nhóm nhóm Những người Kháng chiến cũ.. Ông đã vội vã viết thư phân trần, giải thích gì đó. Nội dung không ai biết được.
Theo lời luật sư Đoàn Thanh Liêm khi đến thăm Lý Chánh Trung, Ông Trung đã khoe bức thơ Nguyễn Văn Linh gửi cho ông nhằm mục đích trấn an ông.[14].
Bức thơ ấy như lá bùa hộ mạng ông, giúp ông yên tâm sống nốt cuộc đời còn lại.. Nhớ lại trong 20 năm miền Nam, ông bất mãn, ông phê phán, ông miệt thị đủ người từ ông tổng thống trở xuống.
Ông chửi mà không sợ, vì biết rằng chế độ miền Nam không dùng bạo lực, không đưa ông đi tù, không ám hại người trí thức.
Trên con đường từ Sài Gòn về cư xá làng Đại học Thủ Đức, sau một ngày vật lộn tranh đấu, mít tinh, xuống đường, đối đầu với lựu đạn cay và hàng rào kẽm gai, đối đầu với Nguyễn Ngọc Loan và sau này với Trang Sĩ Tấn, ông bình thản lái xe về nhà vì biết chắc không hề sợ có kẻ ám toán, giết hại ông.
Nay chỉ cần một lời đe dọa bâng quơ bóng gió đủ làm ông sợ rét run.
Nhất là lúc cuối đời xem ra ông không khỏi có nhiều điều ân hận không nói ra được.
Nói tóm gọn thì cả hai lúc cuối đời đều đã để lại hai nhận xét thời danh đáng ghi nhớ :
  • Phần Nguyễn Văn Trung nói : Tham gia  Cách mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt chính mình sau này.
  • Phần Lý Chánh Trung, phát biểu: Về một môn học mà thầy không muốn dậy, trò không muốn học.
(Còn tiếp)

[9] Đáng nhẽ, Tạ Trong Hiệp đã nhận lời mời của Nguyễn Văn Trung về dạy tại Đại hoc Văn Khoa Sài Gòn. Nhưng ông bị một ký giá báo Tiền Tuyến viết xuyên tạc về ông ngày 16-10-1969. Ông bỏ ý định về dạy học. Ông đã  qua đời năm 1996 (1933-1996).[9]
[10] Tờ Hợp Luu đã dành một số báo, số 34 tháng 4&5- 1997 để tưởng niệm học giả Tạ Trọng Hiệp, một trong những trí thức hiếm hoi về văn học cỏ mà tiếc thay rất ít người biết tới. Số người biết về ông ngoài một số nhà nghiên cứu Hán- Nôm ở Hà Nội như quý ông Ngô Đức Thọvv và một  ít oi trí thức tại Phápvv
[11]  David Marr, Viet Nam, 1945, The Quest for Power là một cuốn sách biên khảo rất quan trọng về giai đoạn Việt Minh lên nắm Chính quyền  trong bối cảnh tranh chấp giữa Pháp, Nhật và tình thế lúc bấy giờ.. Sau mấy chục năm David Marr vẫn còn giữ sự trân trọng ấy với Nguyễn Van Trung, Ông tìm cách liên lạc với  bà sử gia Sophie Queen-Judge, tác giả cuốn sách viết về Hồ Chí Minh, The missing years. David Marr gửi chút tiền mọn biếu Nguyễn Văn Trung..
[12] Trích Hồ sơ Hành Trình, Sài Gòn 1964-1965, nxb Nam Sơn, 2000
[13] Nguyễn Van Trung, Nhận Đinh X- Nguyên Sa , một người bạn, trang  148
[14]  Đoàn Thanh Liêm, Nỗi khó xử của Giáo sư Lý Chánh Trung, danchimvietonline.net, 25-08-2013
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét