Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Bùi Chát và Nhóm Mở Miệng



Hôm Chủ Nhật, 23 tháng 3, Ðài BBC phần Việt ngữ một mặt đăng bài viết “Bất thường quanh một luận văn,” một mặt phỏng vấn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về vụ luận văn cao học về nhóm Thi Ca Mở Miệng được chấm đậu cách đây 3 năm, bỗng nhiên vừa bị xóa bỏ tất cả, không những thế, giáo sư chủ trì còn được lệnh về hưu non 5 năm. 

Ba năm trước, người viết và bảo vệ luận văn thành công là Nhã Thuyên Ðỗ Thị Thoan. Giáo sư chủ trì là bà Nguyễn Thị Bình, thuộc Ðại Học Sư Phạm Hà Nội 1, Nhóm Thi Ca Mở Miệng có nhà thơ chủ xướng là Bùi Chát, phó tướng là Lý Ðợi, và hai thành viên. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và cũng là chủ tịch Hội Nhà Văn thành phố Hà Nội nói: “Tôi cho đây là những quyết định hành chính phi khoa học, quyết định hành chính tức là cho PGS TS Nguyễn Thị Bình buộc phải nghỉ hưu, khi ở độ tuổi của chị và theo chế độ hiện hành, chị vẫn có thể làm thêm từ 5-7 năm nữa.

Nhóm thi ca Mở Miệng gồm bốn thành viên, người chủ xướng là Bùi Chát (bên mặt), người Công Giáo di cư Hố Nai, sinh ở Hố Nai năm 1979. Những người còn lại là Lý Ðợi, Khúc Duy và Nguyên Quán. (Hình: BBC)

“Rồi lập một hội đồng xem lại luận văn thạc sĩ của Ðỗ Thị Thoan tức Nhã Thuyên và rồi ra quyết định là không công nhận kết quả đó, tước bằng thạc sĩ của Ðỗ Thị Thoan, thì tôi bảo rằng phi khoa học.”

Bài viết trên trang mạng Việt ngữ của BBC không ghi tên tác giả, còn cho biết như sau:

“Hôm 23 tháng 3, một nguồn từng cộng tác với Khoa Ngữ Văn của Ðại Học Sư Phạm I cho BBC hay có thể đã có một áp lực từ cấp Bộ Giáo Dục & Ðào Tạo, cũng như cao hơn nữa là từ Ban Tuyên Giáo Trung Ương yêu cầu Ðại Học Sư Phạm có động thái cứng rắn với bà Bình. Nguồn muốn được giấu tên này cho rằng bà Bình có nhân thân tốt, không có vấn đề gì với Ban Chủ Nhiệm khoa và Ban Giám Hiệu nhà trường và các đồng nghiệp, học viên, sinh viên.

Tuy nhiên, vẫn theo nguồn này, người ta không ngoại trừ chính việc lựa chọn tác phẩm của nhóm 'Mở Miệng' làm khách thể nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu là một lý do chính đằng sau vụ việc.”

Sự việc được loan báo rộng rãi cách đây vài ngày, thật ra âm ỉ ở trong nước đã từ lâu, Câu trích dẫn chót ở đoạn trên có nhiều phần đúng: “Việc lựa chọn tác phẩm của Nhóm Mở Miệng [để] nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu là một lý do chính đằng sau vụ việc.”

Tháng 8 năm 2010 tôi nhận được một tập thơ song ngữ Việt Anh từ Sài Gòn gửi qua tặng, nhan đề tập thơ là “Bài thơ một vần - One-rhyme Poems,” thơ Bùi Chát, dịch giả là Lê Ðình Nhất Lang, nhà xuất bản có tên là Giấy Vụn. Nhất Lang là con trai người bạn thiếu thời của tôi, nhà báo Lê Ðình Ðiểu-chị Phạm Dung, còn Bùi Chát thì không biết. Xem tiểu sử hóa ra anh chàng sinh sau “giải phóng” những 4 năm, tự viết về mình như sau: “Bùi Chát (tên khai sinh: Bùi Quang Viễn), sinh ngày 22 tháng 10, 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa-Ðồng Nai, trong một gia đình Công Giáo gốc di cư. Tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ Văn-Báo Chí năm 2001. Từ đó sống ở Sài Gòn. Là nghệ sĩ tự do và nhà hoạt động xuất bản độc lập, năm 2001 cùng Lý Ðợi thành lập Nhóm Mở Miệng. Là người đặt tên ‘Mở Miệng’ cho nhóm, là người đề xướng các khái niệm ‘thơ rác,’ ‘thơ nghĩa địa’... và là người sáng lập Giấy Vụn - nhà xuất bản chuyên in ấn & phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.” Một trong những thi phẩm của nhà xuất bản đã in năm 2002 có nhan đề là Mở Miệng, gồm thơ của 4 tác giả.



Bùi Chát đang đọc diễn văn nhận giải “Phong Trào Xuất Bản Ðộc Lập” tại Buenos Aires, Argentina, năm 2011. (Hình: BBC)

Chúng ta hãy cùng đọc một vài đoạn thơ của Bùi Chát:

Ðèn đỏ

Tôi đứng trước một ngã tư
Ðèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ

Chúng tôi, nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Chúng tôi không bay lên được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua màu đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường đầy bụi đỏ trước mặt.
(trang 24)

Ai?

Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những thứ thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ

Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn

Những người cộng sản
Anh em chúng tôi
Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
Trong ngôi nhà đen đủi này
Ai muốn thừa kế di sản của họ?
(Trang 16)


Thói

(người viết chỉ trích ra một số câu, đoạn vì bài rất dài)

-Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
-Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/chồng chúng tôi nhé!
-Các ông cho chúng tôi được thở nhé!

-Các ông cho chúng tôi được chống tham nhũng nhé!
-Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
-Các ông cho chúng tôi được lập hội vỉa hè nhé!

-Các ông cho chúng tôi được biểu tình nhé!
-Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
-Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!

-Các ông cho chúng tôi được sống riêng tư không bị dòm ngó nhé!
-Các ông cho chúng tôi đá đít các ông nhé!
-Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!
(trang 20)

Ðó là thơ Bùi Chát, chàng thanh niên thi sĩ chủ xướng Nhóm Mở Miệng gồm bốn người (ba người kia là Lý Ðợi Khúc Duy và Nguyên Quán) và nhà xuất bản Giấy Vụn. Ba năm trước, hôm 25 tháng 4, 2011, chàng đã tới Buenos Aires của Argentina lãnh giải thưởng “Phong Trào Xuất Bản Ðộc Lập” của tổ chức IPA. Giải này đã tồn tại nhiều chục năm, Bùi Chát là người thứ 37 được trao giải. Chủ tịch phong trào là ông Bjorn Smith-Simonsen tuyên bố rằng giải được trao cho những ai - trong có Bùi Chát của Việt Nam - “mở đầu phong trào mới của những nhà tư tưởng tự do, cây viết tự do, nghệ sĩ tự do không chịu tuân thủ quy tắc sáng tạo của nhà nước.” Khi nghe tin này, người Việt trong và ngoài nước rất phấn khởi. Cô Nhã Thuyên Ðỗ Thị Thoan hẳn cũng rất phấn khởi mới viết luận văn cao học kia, và Giáo Sư Nguyễn Thị Bình hẳn cũng rất phấn khởi đứng ra chủ trì sự nghiên cứu, hướng dẫn cô sinh viên học trò. Bằng thạc sĩ đã được Ðại Học Sư Phạm Hà Nội 1 trao ra.

Nhưng như ở đầu bài này đã viết, ba năm sau cô Nhã Thuyên bị tước bằng, thầy giáo bảo trì bị về hưu non. Sự việc vừa được đài BBC tung ra ánh sáng các đây vài ngày, chúng ta hãy theo dõi. Trong thơ, Bùi Chát có xin phép đàng hoàng, không hiểu vì sao sự việc tưởng là xong, nay lại có sự trở mặt xấu xa đến thế.

Viên Linh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét