Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Hiện tượng Quốc gia cực đoan ở Âu châu

Hiện tượng cực đoan nổi lên ở một số nước châu Âu
Hiện tượng cực đoan nổi lên ở một số nước châu Âu
Từ Crimée với Ukraine
Đài truyền hình quốc gia Ba Lan TVPI đưa tin tối 23/3 Phó Chủ tịch Quốc hội Nga, Ông Vladimir Zhirinovsky, gởi thư tới chánh phủ Ba Lan đề nghị cùng với Ba Lan, Hungary và Romania xóa bỏ biên giới lãnh thổ xứ Ukraine, chia nhau những vùng giáp biên giới xứ mình vì Ukraine ngày nay không còn khả năng là một Quốc gia độc lập nữa.
Chánh phủ Ba Lan xác nhận có nhận được bức thư đó và cho rằng đó là ý kiến bất bình thường.
Ông Vladimir Zhirinirovsky có tiếng là theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Năm 1991, ông ứng cử Tổng thống nhưng thất cử trước Ông Boris Eltsine. Ông thường nhắc lịch sử nước Nga thời Đế quốc Nga với ý muốn khôi phục lại đất nước Nga thời Nga hoàng. Ông không ngại phát biểu công khai các nước Kazachstan, Kyrgystan nên trở thành một phần của Liên bang Nga.
Ai cũng hiểu, khi Crimée trưng cầu dân ý để biết có nên sáp nhập vào Liên bang Nga hay không, đó chỉ là thủ tục để hợp thức hóa ý muốn của Nga mà thôi.
Dưới thời cộng sản, Crimée thuộc Liên Xô. Bỗng vào giữa thập niên 50, Tổng bí thư Khrustchev cho Crimée tách ra khỏi lãnh thổ Nga, nhập vào lãnh thổ Ukraine nhưng cả hai đều thuộc lãnh thổ Liên Xô.
Kết quả trưng cầu dân ý công bố vừa xong, Tổng thống Putin liền chánh thức công nhận Cộng hòa Crimée là một Quốc gia độc lập và ký văn thư sáp nhập vào Liên bang Nga.
Dĩ nhiên Chánh phủ Ukraine phản ứng mạnh, cực lực phủ nhận kết quả trưng cầu dân ý và mọi chấp thuận của Mạc-tư-khoa. Dựa trên tinh thần dân tộc tự quyết năm 1991, nhân dân Crimée đã đi bầu chọn trở thành quốc gia Ukraine, từ chối theo Liên bang Nga. Về mặt lịch sử, người dân Ukraine không thể sớm quên năm 1933 Staline đã bỏ đói cho 7 triêu người Ukraine chết để dạy cho Ukraine bài học đừng nuôi dưởng ý đồ đòi độc lập, dân chủ tự do.
Nên nhớ chính Quốc hội nga biểu hiện tinh thần muốn khôi phục lại Đế quốc nga như trước kia, cho phép TT.Poutine quyền đánh chiếm Ukraine. Lý lẽ của họ rất đơn giản, dựa trên lập luận chỗ nào có dân Nga sanh sống thì phần đất đó là của Nga. Họ đem phần đất đó về với mẫu quốc để bảo vệ đồng bào của họ. Lập luận này không có giá trị nếu không được hậu thuẫn bằng một lực lượng quân sự hùng hậu. Ngoài sức mạnh quân sự, Nga còn món vũ khí thứ hai là dầu hỏa và khí đốt cung cấp cho cả Âu châu với giá rẻ nhờ ống dẫn liên lục địa. Âu châu chỉ có thể yên lòng ủng hộ tinh thần thượng tôn luật pháp khi có nguồn cung cấp năng lượng khác với giá cũng rẻ.
Cho tới nay, Ông Putin vẫn chủ quan và thực hiện giấc mơ tự tay sẽ từng bước vẽ lại bản đồ Âu châu trên đó Hoàng đế Nga đi ra Địa trung hải qua cửa ngõ lãnh thổ của mình. Giả sử ngày mai này, Ông Putin tuyên bố nhân dân Ukraine cùng với nhân dân Nga vốn là đồng văn, đồng chủng, vậy lãnh thổ của hai nước là một, liệu thế giới kiểu “năm châu họp chợ” có ai dám can thiệp để bảo vệ luật pháp quốc tế không? Có ai sẽ dám chết miễn phí để làm chiến tranh theo lời tuyên bố thời danh của TT. Kennedy “chúng ta sẽ trả mọi giá, chịu mọi gánh nặng, hứng mọi khổ cực để hỗ trợ mọi nước bạn, chống mọi kẻ thù, để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do” hay không? Thực tế cho thấy Ông Putin cho tới nay vẫn thoải mái nuôi dưỡng tham vọng chính trị của ông ở Âu châu.
Bà con người Việt Nam ta khi biết chuyện Ukraine và Crimée lấy làm lo sợ đây sẽ là tiền lệ cho Tàu chiếm hữu Việt Nam. Thật ra Đài loan, Bắc Hàn cũng không tránh khỏi tâm trạng đó. Nhưng trên thực tế, Hồng Kông kia mà Bắc kinh chưa nuốt nổi bởi mắc nghẹn bởi văn hóa chánh trị dân chủ và lòng dân muốn giữ cái gì của mình cho mình. Còn Việt Nam? Không phải đáng lo sợ vì Tàu chẳng thèm nuốt. Việt Nam đã nằm sẵn trong bụng của họ rồi do đảng cộng sản và nhà cầm quyền Hà Nội chủ trương không giữ nước?
Phong trào Quốc gia cực đoan ở Pháp định hình hôm 23/03/2014
Hôm chủ nhật vừa qua, Pháp tổ chức bầu cử Thị xã ở vòng đầu. Vòng hai vào chủ nhựt tới 30/03. Kết quả vòng I cho thấy có những hiện tượng mới khá quan trọng. Dĩ nhiên cánh hữu chiếm đa số 46, 54% vì sau gần hai năm cầm quyền, phe tả tỏ ra dở chưa từng thấy, được 37, 74%. Uy tín của Ông Tổng thống và Ông Thủ tướng xuống thấp cũng chưa từng có: 20% và 22%. Còn phe cực tả thì chạy re rồi, chỉ chiếm được 0, 58% tuy được thoải mái vận động, xuất hiện, được sự ủng hộ không bị báo chí, đảng phái khác công kích trong lúc đó, cánh cực hữu lại bị dư luận (dư luận bị vận động) lên án « đồng lõa với Đức quốc xã », không ai dám liên minh, lại chiếm được 4, 65%, có cả ứng cử viên đắc cử ngay vòng I này ở những đơn vị đa số cử tri thuộc thành phần lao động và có cả gốc di dân bắc Phi. Ở Marseille, Mặt Trận Dân tộc (FN), cánh cực hữu, đứng trước đảng Xã hội đang cầm quyền. Qua vòng I này, FN tự xác nhận là một đảng hoàn toàn độc lập, dẫn đầu nhiều thành phố. Khẩu hiệu của FN là «Nước Pháp của người Pháp» bị các Hội SOS Racisme, Hội những người không giấy tờ, Hội không nhà, …do cánh tả giựt dây chống đối, lên án « kỳ thị .chủng tộc». Từ ít lâu nay, đời sống xã hội mất an ninh do chánh quyền quá dễ dãi trước nạn nhập cư lậu, công ăn việc làm khó, nạn thất nghiệp gia tăng, tạo ra sự bất mãn trong dân chúng. Phản ứng của dân chúng là quay về với chình mình để bảo vệ cái gì là của mình. Như những giá trị văn hóa truyền thống, đức tin tôn giáo, quyền lợi xã hội « Tiền bạc nước Pháp là của người Pháp ». Từ cuối năm rồi, dân chúng, phần đông là tuổi trẻ, liên tục tổ chức biểu tình hàng tuần chống chánh phủ tả phái để khôi phục lại những giá trị ấy. Tức khôi phục lại nền văn minh của xứ pháp đã bị phá vỡ từ biến cố do tả phái xách động cách đây cả nửa thế kỷ, tháng 5/1968.
Với kết quả bầu cử địa phương hôm 23/03, Mặt Trận Dân tộc – FN có thể xác nhận vị trí chánh trị là một đảng đơn độc chỉ vì bị nhìn là « cực hữu », không ai dám liên kết hết cả, đứng hàng thứ ba trong chánh đảng ở Pháp. Điểm đặc biệt là FN giữ và chiếm được những nơi đúng theo mục tiêu.
Các đảng khác, đủ các xu hướng, đều lấy làm lo sợ cho hìện tượng « cực hữu» gồm đa số tuổi trẻ sẽ bành trướng nhanh và mạnh ở Pháp và Âu châu. Họ bắt đầu lo điều chỉnh lại đường lối chánh trị. Nhưng tại sao họ lại lo sợ sự lớn mạnh của phe cực hữu, lại dể dàng liên kết với phe cực tả như cộng sản Đệ III và Đệ IV tuy biết rằng cộng sản trong lịch sử đã từng sát hại nhân dân của mình hằng 100 triêu sinh mạng!
Cực hữu và Dân tộc cực đoan
Trước hiện tượng Mặt Trận Dân tộc (FN) giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử địa phương ở Pháp vừa qua, tưởng cũng nên nhìn qua phong trào cực hữu ở Pháp và Âu châu xuất hiện và lớn mạnh trong gần đây trở thành mối lo sợ cho các đảng phái chính trị, nhứt là các đảng phái ở Pháp.
Tiếng «cực hữu» được dùng để chỉ những cá nhân, nhóm, phong trào, tổ chức, đảng phái, …nghiêng mạnh về phía bên mặt trên bàn cờ chánh trị, văn hóa, tôn giáo …Mặt/ Trái hay Hữu/ Tả là nét đặc thù có lịch sử lâu đời của chính trị Pháp. Nơi khác, khi nói tã/hữu, có lẽ do ảnh hưởng văn hóa chánh trị pháp mà thôi.
Về chánh trị, cực hữu là một tập hợp với phạm vi khá mơ hồ. Vì vậy, cực hữu có thể là danh xưng của tổ chức hay một nhóm chánh trị ở Pháp. Vì qui định mơ hồ nên nó có thể bao gồm những người «tân phát-xít», «tân quốc xã», những nhóm «truyền thống» hay « toàn thống», những thái độ « kỳ thị chủng tộc» hoặc «phân biệt đối xử» cho đến cả một số «đảng dân tộc cực đoan» hay «mỵ dân» nữa.
Khoa chính trị học của Anh cho đó là «phái hữu cấp tiến» vì nó được giới hạn bởi «dân chủ, tự do hoặc bảo thủ» .
Ở Pháp, trong bầu cử ở vòng II quyết định kết quả, nhiều ứng cử viên rất muốn liên kết với cánh cực hữu FN để thắng dể dàng nhưng không dám. Môt phần dân chúng Pháp chưa tiêu hóa được cái quá khứ Chánh phủ Vichy trách nhiệm tội ác diệt chủng của Đức quốc xã và cả mặc cảm thực dân.
Ý thức hệ cực hữu
Trên thực tế, có nhiều tổ chức cực hữu khác nhau hoạt động ở Âu châu nhưng cơ bản, tất cả đều có chung những điểm như mẫu số chung về lý tưởng: lòng ái quốc, tinh thần quốc gia dân tộc, tinh thần tôn trọng những giá trị truyền thống. Đề cập đến những giá trị qui chiếu như bản sắc, văn hóa, tôn giáo, hoặc về giá trị xã hội như chủ trương một nền kinh tế đáp ứng rộng rãi đại đa số dân chúng bình dân, …thì cực hữu lại tiến xa hơn cánh hữu truyền thống.
Vì tinh thần quốc gia dân tộc quá khích nên phong trào cực hữu có xu hướng bài ngoại. Theo nhận xét của những nhà chánh trị học, hai đề tài chủ yếu có sức mạnh hướng sự chọn lựa của cử tri dồn phiếu cho những ứng cử viên cực hữu là «bài ngoại và an ninh».
Nhưng theo quan niệm của Bà Béatrice Gibblin-Delvallet, nhà địa chánh học, cơ sở chung làm xuất hiện và phát triển mạnh ở Âu châu những phong trào cực hữu là do làn sóng hồi giáo ồ ạt ngầm hồi giáo hóa Âu châu, sự toàn cầu hóa và sự ra đời Liên Hiệp Âu châu mà không đủ khả năng xóa biên giới quốc gia thành viên.
Về chủ trương bài ngoại, thật ra, như ở Pháp, phong trào cực hữu chỉ chủ trương dành lại những ưu tiên về cho người dân Pháp. Quốc gia dân tộc là trước hết, là ưu tiên!
Sau cùng cũng không nên quên hoàn cảnh lịch sử của Âu châu. Sau Đệ II Thế chiến, các nước đông Âu bị áp đặt dưới búa liềm của Staline. Sau khi khối cộng sản sụp đổ, các nước đều đứng dậy tìm lại chính mình.
Dưới chế độ cộng sản, chẳng những con người không có bản sắc riêng của mình, mà quốc gia cũng không có biên giới lãnh thổ rõ rệt. Tất cả quốc gia đếu là nước xã hội chủ nghĩa và con người chỉ có chung nguồn gốc là cùng giai cấp.
Ngày nay, Việt Nam có mất cho Tàu, tiếng « mất » là tiếng nói của người Việt Nam thật sự. Ngôn ngữ của đảng và nhà nước cộng sản không có tiếng « mất », mà đó là một bộ phận bất khả phân của Tổ quốc xã hội chù nghĩa. Chừng nào các đồng chí ở Ba Đình cần thì đồng chí Tập sẽ trả lại!
© Nguyễn Thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét