Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Dân chủ, bắt đầu từ mỗi cá nhân


Trong những tính xấu khác nhau của người Việt mà dạo gần đây cũng thường bị dư luận mổ xẻ, có một tính xấu hay nhược điểm có thể gây cản trở nhiều cho công cuộc đấu tranh đòi lại tự do, dân chủ cho đất nước và dân tộc. Ðó là sự thiếu khoan dung, độ lượng, thói đố kỵ, hoặc là một dạng thiếu dân chủ trong tư duy, quan điểm của chính chúng ta.

Nói chế độ này, nhà nước này thiếu khoan dung, độ lượng thì đã rõ. Nếu biết nhìn xa, nghĩ rộng, có lẽ đảng và nhà nước cộng sản đã không hành xử như vậy từ sau khi thống nhất được đất nước cho đến tận bây giờ.
Khi là “phe thắng cuộc,” họ đã thi hành hàng loạt chính sách sai lầm, trái nhân tâm như bỏ tù hàng trăm ngàn, hàng triệu dân quân cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa dưới danh nghĩa đi “học tập cải tạo,” trong đó có nhiều người bị tù hàng chục năm, có những người phải vĩnh viễn gửi xác lại trại cải tạo.
Cướp nhà, đày ải hàng triệu gia đình người dân tại các thành phố lớn miền Nam phải đi kinh tế mới, tiến hành cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp...khiến kinh tế miền Nam sụp đổ nhanh chóng, cả nước trở thành đói nghèo như nhau. Rồi những chính sách tiêu diệt văn hóa, phân biệt về lý lịch, nạn đấu tố, phê bình...khiến hàng triệu người, chủ yếu từ miền Nam phải liều mình bỏ nước ra đi để tìm tự do.
Suốt gần bốn thập niên, sự thiếu khoan dung độ lượng đó vẫn tiếp tục thể hiện trong mọi chính sách đường lối của nhà cầm quyền, từ những dịp lễ lạc ăn mừng các ngày lễ cách mạng, ăn mừng chiến thắng được tổ chức tưng bừng hàng năm. Từ những bài học trong sách giáo khoa cho tới ngôn ngữ trên báo chí, truyền thông và trên cửa miệng quan chức cán bộ các cấp khi viết, nói về cuộc chiến và “phe thua cuộc.”
Một nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa bị bỏ hoang phế bao nhiêu năm, gần đây mới cho phép thân nhân người đã chết được vào chăm sóc sửa sang đôi chút các mộ phần, cho đến những gia đình có con em tử trận vì cầm súng cho chế độ miền Nam, những thương phế binh lặng lẽ sống trong nghèo khó, hờn tủi.
Và mãi đến gần đây dưới sức ép của người dân, nhà cầm quyền mới bắt đầu cho phép nhắc đến trận hải chiến Hoàng Sa nhưng vẫn chưa thật sự công nhận những người lính Việt Nam Cộng Hòa ngã xuống trong trận hải chiến này là liệt sĩ v.v...
Sự hẹp hòi đó còn thể hiện rất rõ trong những chính sách đối với tù nhân chính trị. Từ tù chính trị có liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa trước đây cho đến các thế hệ tù chính trị, người bất đồng chính kiến, dân oan, nạn nhân của các vụ đàn áp tôn giáo...được gọi chung là tù nhân lương tâm sau này, luôn luôn bị đối xử tàn tệ hơn tù hình sự gấp nhiều lần và hiếm khi nào được đặc xá, thả trước thời hạn.
Chỉ lâu lâu, trước sức ép của dư luận trong và ngoài nước, hoặc vì lý do muốn đổi chác về kinh tế hay quyền lợi gì đó với Hoa Kỳ và phương Tây, nhà cầm quyền mới thả nhỏ giọt vài người. Như gần đây nhất với các tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu, Ðinh Ðăng Ðịnh, Cù Huy Hà Vũ, Vi Ðức Hồi, Nguyễn Tiến Trung.
Sự chậm chạp trong việc cải thiện nhân quyền, thay đổi quan điểm trong nhiều vấn đề là một bằng chứng nữa về sự thiếu khoan dung của nhà cầm quyền. Chưa kể việc làm lơ không sửa sai, thậm chí một lời xin lỗi cũng không có cho dù đã hàng chục năm, đối với những nạn nhân trong các vụ án cải cách ruộng đất, nhân văn Giai phẩm, thảm sát Tết Mậu Thân 1968 v.v...
Nhà cầm quyền thiển cận như vậy nhưng còn người dân thì sao?
Ðiều đáng buồn là sau bao nhiêu năm sống trong một chế độ tồi tệ, kém văn minh, chúng ta cũng bị ảnh hưởng nhiều mà không tự ý thức được. Sự hoài nghi, thiếu lòng tin vào những điều tử tế, cái thiện, cái đẹp. Sự đố kỵ, thấy ai hơn mình là không chịu được. Sự thiếu khoan dung trong quan điểm, cách nhìn. Tóm lại là chưa được dân chủ.
Trong ngày thường, tại cơ quan, đi đến nơi này chỗ kia chúng ta đều có thể chứng kiến vô số những ví dụ về điều đó.
Ngay trong những người đang đấu tranh chống lại cái chế độ không có tự do dân chủ, chà đạp nhân quyền này, cũng vẫn có những biểu hiện của sự thiếu dân chủ trong suy nghĩ và hành động.
Từ trong các cộng đồng chống cộng của người Việt ở nước ngoài lâu nay với rất nhiều phe nhóm, đảng phái, nghi kỵ nhau, sẵn sàng chửi bới, chụp mũ nhau là “thân cộng” nhưng rất khó ngồi lại với nhau, tạo thành một thế lực vững mạnh, yểm trợ đồng bào trong nước.
Ðối với những người đã từng thuộc về “phe thắng cuộc,” từng là cán bộ đảng viên hay sinh ra và lớn lên ở miền Bắc XHCN nhưng nhận thức được vấn đề và lên tiếng chống lại chế độ, như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà báo Bùi Tín, nhà văn Dương Thu Hương...cũng bị người thuộc “phe thua cuộc” nghi kỵ suốt. Còn đối với những người từ trong nước đi ra theo diện tỵ nạn chính trị thời gian gần đây, cũng không phải dễ mà tiếp tục sống và tranh đấu trong lòng cộng đồng.
Gần đây khi Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cùng vợ quyết định sang Mỹ ngay sau khi được nhà cầm quyền phóng thích khỏi nhà tù, nhiều người cũng đã chỉ trích, lên án, hoặc nhẹ hơn, tỏ ra thất vọng trước quyết định của ông Vũ. Và cho rằng rồi ông Vũ cũng sẽ chìm lỉm, tắt lặng khi sống ở nước ngoài, con đường đấu tranh chính trị coi như chấm dứt.
Những sự phê phán, chỉ trích, thậm chí quy kết ông Vũ đấu tranh cuối cùng chỉ để tìm đường sống ở nước ngoài cho sung sướng hơn, chứng tỏ một số người trong chúng ta không dân chủ trước quyết định của người khác.
Không ai có quyền bắt người khác phải là anh hùng, phải hy sinh cả đời. Cuộc đấu tranh giành lại tự do dân chủ, quyền làm người cho dân tộc Việt Nam là một con đường rất dài, trên hành trình đó có người có thể chỉ đi được một quãng đường, có người dừng lại, có người thay thế, bước tiếp, cũng là điều bình thường.
Hay chuyện những người cứ cho là thuộc phe tiến bộ ở cả trong và ngoài nước, nhưng đôi khi vẫn hành xử chẳng khác nào bọn công an, an ninh, bồi bút, dư luận viên và nhà cầm quyền nói chung.
Nhà cầm quyền dùng đủ mọi chiêu trò để phân tán lực lượng, gây chia rẽ, hạ thấp những người lên tiếng bằng cách chụp mũ họ là dân chủ cuội, nhận tiền của bên ngoài để chống phá hoặc ỡm ờ tung tin một số là người của an ninh cài vào; bôi nhọ, vu khống đời tư họ một cách hèn hạ bỉ ổi...Thì có những lúc chúng ta cũng lại chụp cho nhau những cái mũ là tay sai của an ninh, hay đảng viên của đảng này đảng kia, hoặc chỉ trích, bới móc đời tư của nhau.
Tự do dân chủ trước hết phải bắt đầu từ trong những suy nghĩ, nếp sống, quan điểm hàng ngày, trước mọi vấn đề của xã hội, từ những vấn đề tưởng như chả liên quan gì đến đấu tranh đòi tự do dân chủ, như quyền được ăn mặc, suy nghĩ, sống, yêu và chết khác người, miễn không phạm pháp và không hại tới ai.
Phải thấy rằng những suy nghĩ, hành xử dân chủ, rộng lượng, nhân bản đó không thể ngày một ngày hai mà có, đối với cả một cộng đồng, một dân tộc.
Trong các xã hội tự do, dân chủ và phát triển, người ta sống và thở với cái môi trường đó suốt cả cuộc đời nên trở thành tự giác. Người ta tôn trọng sự khác biệt, sự tự do của người khác, với một tinh thần hết sức dân chủ, hành xử văn mình, suy nghĩ nhân bản.
Còn người Việt Nam chúng ta, thiệt thòi vì chưa kịp là một nước dân chủ, văn minh ngày nào thì đã phải chịu cái nạn của một chế độ tệ hại do Ðảng Cộng Sản cầm quyền suốt bao nhiêu năm, nên không thể không ảnh hưởng. Ðó là chưa nói đến việc chỉ có người Việt sống với nhau trong một đất nước chưa chắc đã tốt như một quốc gia có người nhập cư đến từ nhiều nước, khác nhau về ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán...Như vậy con người dễ chấp nhận những sự khác biệt hơn, dễ rộng lòng hơn.
Dù sao, nếu không bắt đầu từ việc xây dựng một ý thức, quan điểm, tư tưởng, cách nhìn cách nghĩ cách sống dân chủ trong mỗi cá nhân, thì khoan hãy tính đến việc xây dựng một quốc gia dân chủ sau này, khi cộng sản sụp đổ.

Song Chi
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét