Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Chuỗi ngọc trong Ấn Độ Dương


Gwadar nằm ở góc phía Đông của Pakistan. Một thành phố cảng có 50.000 dân, bị cát bao bọc. Một nơi chốn khô cằn nhiều hơn. Thế nhưng người ta nên ghi nhớ tên của thành phố trong sa mạc này. Nó có thể nổi tiếng giống những nơi là sân khấu của lịch sử thế giới như Carthago, Samarkand hay Angkor Wat.

Thế nào đi nữa thì nhà báo và chuyên gia quân sự Mỹ Robert Kaplan cũng tiên đoán như vậy. Ông đã ở Gwadar, điều không đơn giản và còn là nguy hiểm nữa. Ông nhìn thấy người ta xây một cảng biển nước sâu khổng lồ ở đó. Ông nhìn thấy nhiều khu công nghiệp, một cảng hàng không và nhiều tuyến đường tàu hỏa hình thành sau những hàng rào kẽm gai.

“Gwadar sẽ trở thành một trung tâm sống động của một Con đường Tơ Lụa mới”, Kapplan viết trong quyển sách Monsoon của ông. Và ai ngồi ở ngay trung tâm của thời đại? Người Trung Quốc. Ngay từ năm 2000, tổng thống Pakistan thời đó Pervez Musharraf đã mời người Trung Quốc xây một cảng biển nước sâu ở Gwadar. Trung Quốc rất thích nhận lời và đã cho $ 200 triệu để xây mở rộng cảng.

Sau đó, người ta cho PSA International, một doanh nghiệp Singapore, thuê cảng này trong vòng 40 năm. Nhưng hiện nay thì người ta cho rằng chính phủ Pakistan đã mời một doanh nghiệp Trung Quốc (China Overseas Post Holdings) thay PSA làm người điều hành cho cảng của Gwadar.

Gwadar là một khởi điểm quan trọng cho người Trung Quốc. Từ đây họ đào đất xây một tuyến đường sắt và đường bộ đi về hướng Bắc Pakistan. Đích đến là Karakorum Highway, nối liền Pakistan và Trung Quốc.

Nếu người Trung Quốc thành công với kết nối xuyên qua sa mạc và núi đồi này, đòi hỏi hết sức cao về công nghệ, thì đó là một thành công chiến lược rất lớn cho Trung Quốc.  Một phần của dầu nhập khẩu từ Cận Đông không cần phải đi trên con đường xa xôi qua Đông Nam Á và qua Eo biển Malakka nguy hiểm nữa, mà có thể đi đường bộ trực tiếp qua Gwadar về Trung Quốc.

Như thế, Gwadar có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Nó nằm ở lối ra của Eo biển Hormuz, cái cổ chai mà nhiều con tàu chở dầu phải đi qua đó. Và Gwadar là một trong số những cảng quan trọng nhất ở Ấn Độ Dương, đại dương sẽ trở thành một trong những sân khấu chính của chính trị thế giới trong những thập niên tới đây.

Ấn Độ Dương là biển có giao thông nhiều nhất thế giới. Tàu chở dầu từ Cận Đông đi qua đại dương này cũng như tàu chở container từ châu Âu, châu Á và ngày càng nhiều hơn từ châu Phi đang bùng nổ kinh tế. Không phải bỗng dưng mà chính ở trên biển này, hải tặc lại trải qua thời kỳ phục hưng không lấy gì làm vẻ vang cho lắm của nó. Vì vậy, để bảo vệ các đội tàu thương mại, ngày càng có nhiều tàu chiến từ châu Mỹ, châu Á và châu Âu đi lại ở Ấn Độ Dương. “Ấn Độ Dương sẽ trở thành một sân khấu chính của xung đột và cạnh tranh”, Kaplan nói.

Tất nhiên là người Mỹ có mặt khắp nơi cũng tham gia ở đây. Cứ điểm quan trọng nhất của họ là hòn đảo Diego Garcia giữa Ấn Độ Dương. Nó thuộc người Anh, nhưng họ đã cho người Mỹ thuê, và những người này sử dụng hòn đảo như là cứ điểm quân sự chính.

Thế nhưng hai đối thủ quan trọng nhất thì lại sẽ là hai cường quốc châu Á Trung Quốc và Ấn Độ. Người Ấn xem Ấn Độ Dương – nomen est omen [tên là dấu chỉ] – là mare nostrum [biển của chúng tôi] và tương ứng với đó xem người Trung Quốc như là những người xâm nhập vào.

Trung Quốc đã khéo léo tạo vị trí cho mình ở vùng này trong những năm vừa qua. Họ đã nắm lấy hết cảng này tới cảng khác. Từ Gwadar ở phía Đông qua Hambantota (Sri Lanka), Chittagong (Bangladesh) cho tới Coco Islands và đảo Ramree thuộc Myanmar. Người Trung Quốc chi trả để xây mới Hambantota trên Sri Lanka (Trung Quốc hiện nay là nhà chi tiền lớn nhất của hòn đảo), cũng như xây mở rộng cảng Chittagong tại Bangladesh.

Vì những cảng này nằm nối nhau giống như một chuỗi ngọc nên hoạt động của Trung Quốc cũng còn được gọi là “Chiến lược Chuỗi Ngọc”. Người Ấn có một từ xấu hơn cho việc đó: bao vây. Gurmeet Kanwal, cựu giám đốc của Centre for Land Warfare Studies (CLAWS) in Delhi, nói như vậy: “Trung Quốc tiến hành một chính sách ma quỷ, với mục đích bao vây Ấn Độ.”

Vì không chỉ là những cảng châu Á láng giềng này, nơi những người Trung Quốc đang hoạt động, mà cả những cảng châu Phi quan trọng ở Ấn Độ Dương nữa. Có là Lamu ở Kenia, Daressalam ở Tansania hay Beira ở Mozambique đi nữa – người Trung Quốc đã có ở đó rồi.

Nhưng cả trên những hòn đảo du lịch ở Ấn Độ Dương – Maledives và Seychelles cũng như Mauritius – cũng đã có người Trung Quốc rồi. Trên Maledives, Trung Quốc mở một sứ quán, nước duy nhất bên cạnh các quốc gia Nam Á Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh. Ngô Bang Quốc, người thứ ba trong nhà nước của Trung Quốc, thăm thù đô Male ba ngày.

Ấn Độ có thể bực tức về sự bao vây của Trung Quốc trong mare nostrum của họ, nhưng cũng phải chịu đựng lời cáo buộc rằng đã quan tâm quá ít tới các láng giềng của mình. Ấn Độ xung đột liên tục với Pakistan. Với Bangladesh và Sri Lanka thì các quan hệ, chúng ta cứ nói vậy, có khả năng tốt hơn.

Cũng như với láng giềng phía Đông Myanmar. Cả một thời gian dài, Burma trước đây chỉ có một người bạn: Trung Quốc. Người Trung Quốc đã bơm gần $ 40 tỉ vào đất nước này trong các thập niên vừa qua, trước hết là để xây ống dẫn dầu, đường xá và đường tàu hỏa từ Ấn Độ Dương về Trung Quốc. Họ cũng không hề quan tâm tới lệnh cấm vận của Phương Tây.

Vào lúc ban đầu, Ấn Độ cũng tham gia vào trong lệnh cấm vận này. Thế nhưng khi người Ấn nhìn thấy người Trung Quốc ngày càng vững chân hơn ở Myanmar, nước mà theo truyền thống Ấn Độ có những mối quan hệ tốt và hết sức lâu đời, Ấn Độ đã bước ra khỏi mặt trận cấm vận của Phương Tây trong năm 2001. Và khi chính phủ Myanmar bắt đầu với những cuộc cải cách, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã sang thăm Myanmar láng giềng trong tháng Năm 2012, sếp chính phủ đầu tiên của Ấn Độ sau 25 năm.

Thế nhưng Ấn Độ đến với Myanmar cũng tương đối muộn – cũng như trong toàn bộ vùng Đông Nam Á. Tuy là người Ấn Độ từ đầu những năm 90 có một chính sách Look East mà với nó họ muốn đương đầu với người Trung Quốc, nhưng cho tới nay thì họ không có nhiều thành công cho lắm: Trung Quốc chiếm ưu thế ở Đông Nam Á – ít nhất là về kinh tế.

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ["Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây"]


Wolfgang Hirn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét