Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Hillary


Khi bà Hillary Rodham Clinton rời khỏi Bộ Ngoại Giao nơi bà phục vụ bốn năm với tư cách bộ trưởng trong nhiệm kỳ đầu, từ đầu năm 2009 tới đầu năm 2013, của Tổng thống Barack Obama, tôi hình dung bà sẽ về nhà ngồi viết cuốn hồi ký về thời gian làm việc với tư cách là nhà ngoại giao chóp bu của Hoa Kỳ; rồi bà sẽ ra mắt cuốn sách đó gần với thời kỳ chuẩn bị cho cuộc vận động cho cuộc tranh cử chạy đua vào Toà Bạch Ốc thêm một lần nữa, nếu bà quyết định tranh cử. Và tôi là một trong những người chờ đợi cuốn hồi ký đó.

Thực ra thì điều đó – sự chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của bà Hillary -- thì ai cũng có thể đoán được. Trong cái sự chuẩn bị ấy có cả việc  cho tới lúc này và ở cả cuối cuốn hồi ký “Hard Choices” (Những Chọn Lựa Khó Khăn) do nhà xuất bản Simon & Schuster vừa phát hành rất rầm rộ vào đầu tháng 6 vừa qua, bà Hillary vẫn nói là “chưa quyết định” có sẽ ra tranh cử nữa hay không, có lẽ là để bà con cứ việc đánh cá với nhau cho thêm phần hào hứng, mặc dù mọi sự xem ra đã có vẻ sẵn sàng đâu ra đó, kể cả việc gây quỹ tranh cử. Có lẽ chưa có nhà chính trị nào mà lại chuẩn bị chu đáo cho việc trở lại chính trường như bà Hillary. Và có lẽ, kể từ ngày tôi có dịp theo giõi tình hình chính trị của nước Mỹ với tư cách một công dân và cử tri, mà lại thấy một người đã thua cuộc vận động vào Toà Bạch Ốc lại vẫn mưu tính trở lại để bầy thêm một cuộc chơi nữa. Người cuối cùng đã một lần thua (năm 1960), rồi trở lại chính trường làm thêm một cuộc chơi nữa và thắng (năm 1968), là cố Tổng thống Richard Nixon, vị tổng thống thứ 37 và là người thứ năm trong lịch sử nước Mỹ đã trở lại cuộc chơi lần thứ hai và thắng. Nếu cuối năm 2016 mà bà Hillary trở thành tổng thống Mỹ thì bà sẽ là người thứ sáu vậy, và là vị tổng thống thứ 45, và lần đầu tiên là một phụ nữ.
     

Trái, bìa cuốn sách mới phát hành, “Hard Choices”, của Hillary Clinton, do nhà Simon & Schuster xuất bản, phát hành ngày 10 tháng 6 vừa qua. Giữa, bà Hillary Clinton ký sách tại tiệm Costco, Arlington, Virginia ngày 14 tháng 6 vừa qua. (Ảnh ABC News) Bà Thẩm phán Tối cao Pháp viện Sonia Sotomayor (không có mặt trong hình) nhân dịp đi chợ đã ngừng lại để xin tác giả ký sách cho bà, khiến bà Hillary rất ngạc nhiên. Phải, một độc gỉả đang đọc cuốn “Hard Choices” trong khi chờ đợi để nghe tác giả nói chuyện về những lựa chọn và thách thức của vị bộ trưởng Bộ Ngoại Giao thứ 67 tại Washington, D.C. ngày 13 tháng 6 vừa qua. (Ảnh Molly Riley/AP)

Là một phụ nữ, mặc dù là một cử tri không thuộc đảng phái nào (non-partisan), Dân chủ hay Cộng hòa, và có khuynh hướng xã hội và nữ quyền – tôi thích câu của bà Hillary hơn, “Nữ quyền chính là nhân quyền”(*) -- tất nhiên là tôi theo giõi bà Hillary từ khi bà trở thành Đệ nhất Phu nhân của Tổng thống mới đắc cử Bill Clinton vào cuối năm 1992. Nói là thích bà thì hồi ấy tôi chưa thực sự thích. Có vài lý do, mà có lẽ lý do chính là cả bà và tôi lúc ấy chưa thực sự trưởng thành. Như tôi hồi ấy, bà Hillary hay có những phản ứng tự vệ bộc phát khi ai nói động tới nếp phóng khoáng của mình, do đấy có khi có vẻ như khiêu khích. Một trong những câu nói của bà đã gây phản ứng dữ dội, đặc biệt trong giới các bà thuộc khối bảo thủ, trong thời kỳ vận động tranh cử tổng thống với chồng vào đầu năm 1992, là, “Tôi chắc lẽ ra là tôi chỉ nên ở nhà làm bánh và uống trà, thế nhưng tôi đã quyết định theo đuổi sự nghiệp mà tôi đã bước vào từ trước cả khi chồng tôi bước vào đời sống công.” (**)

Bà Hillary Diane Rodham sinh năm 1947 ở tiểu bang Illinois, là con đầu của ông bà Hugh và Dorothy Rodham trong một gia đình có khuynh hướng bảo thủ song nghiêng về xã hội, gồm ba người con với hai trai, Hugh và Tony. Tốt nghiệp Wellesley College năm 1969 môn chính trị học, bà là sinh viên đầu tiên được cử ra để đọc diễn văn ra trường. Năm 1973 bà tốt nghiệp luật tại Đại học Yale, nơi bà gặp ông Bill Clinton cũng học luật. Họ là thành phần của thế hệ lớn lên vào thập niên 1960, thế hệ của những người trẻ chống đối những mẫu mực khuôn thước sẵn có của hệ thống chính trị và xã hội, giữa những phong trào đòi dân quyền của người da mầu, chống cuộc chiến ở Việt Nam, hoặc phản đối một cách tiêu cực như phong trào Hippie. Đây cũng là thập niên của những nỗ lực cải thiện xã hội của chính quyền của Tổng thống Lyndon B. Johnson qua chương trình giảm nghèo cho một Xã hội Vĩ đại (Great Society), và sự ra đời của chương trình y tế Medicare cho người lớn tuổi và Medicaid cho người lợi tức thấp hay không có lợi tức. Hai ông bà Clinton lúc ấy còn là sinh viên, cũng tham gia vào những chống đối. Song họ cùng chia sẻ một quan niệm là muốn thay đổi thì hữu hiệu hơn cả là thay đổi từ bên trong, có nghĩa là cần phải tham chính. Và đó là điều cả hai vợ chồng bà Clinton đã theo đuổi vào những thập niên sau đó.

Sau khi tốt nghiệp Yale và một thời gian ngắn làm việc với tư cách luật sư tại Quốc hội, bà Hillary dọn về Arkansas và lập gia đình với ông Clinton sau mấy lần từ chối lời cầu hôn của ông vì muốn theo đuổi sự nghiệp. Bà vẫn giữ tên Rodham, nói là để giữ sự nghiệp của hai người riêng rẽ hầu tránh xung đột quyền lợi. Từ sau khi ông Clinton bị thất cử thống đốc Arkansas nhiệm kỳ hai vào năm 1980, bà mới đổi sang họ của chồng. Hai năm sau, ông Clinton đắc cử thống đốc nhiệm kỳ hai. Trong khi làm đệ nhất phu nhân của Arkansas và được chồng cử vào làm chủ tịch Ủy ban Cố vấn Y tế Nông thôn, bà đã tranh đấu xin trợ cấp liên bang để khai triển các cơ sở y tế cho những vùng nghèo nhất của Arkansas. Bà tham gia nhiều sinh hoạt giáo dục,  y tế liên quan đến trẻ em và gia đình. Trong khi đó, bà Hillary vẫn tiếp tục hợp tác với văn phòng luật sư danh tiếng Rose Law, và là người phụ nữ đầu tiên trở thành cộng tác viên toàn thời với văn phòng luật này. Bà cũng là vị đệ nhất phu nhân đầu tiên tiếp tục làm việc mãi cho tới khi ông Clinton đắc cử trở thành tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ vào cuối năm 1992 thì bà mới ngưng, mặc dù những dịp vận động tranh cử bà xin nghỉ việc tạm thời. 

Khi tranh cử tổng thống vào năm 1992, ông Clinton thường đùa là nếu cử tri bỏ phiếu cho ông thì cũng giống như “mua một và được tặng một.” Bầu cho ông làm tổng thống thì chắc chắn có thêm bà, một phụ nữ thông minh, có học thức và tài năng ngang ngửa với ông giúp việc không công.  Khác với các vị đệ nhất phu nhân khác (trừ bà Eleanor Roosevelt, phu nhân của vị tổng thống Mỹ thứ 32, cũng là một người rất năng nổ giúp chồng trong các việc công, và có ảnh hưởng khá lớn trên nhiều chính sách quốc nội), bà Hillary rất tích cực trong việc giúp chồng trong việc quốc gia, một điều làm nhiều người khó chịu. Bà không chỉ bằng lòng với việc có văn phòng ở bên Cánh Đông (East Wing) của tòa Bạch Ốc như các đệ nhất phu nhân tiền nhiệm, mà còn đòi có một phòng làm việc riêng bên Cánh Tây (West Wing) nữa. Bà là người đã góp ý lựa chọn một số viên chức cao cấp và nhiều người ở địa vị thấp. Có người mỉa mai gọi bà là đồng tổng thống (co-president).
    

Trái, bà Hillary Clinton thời là đệ nhất phu nhân của Thống đốc Arkansas vào năm 1991 khi ông tuyên bố sẽ tham gia vận động tìm sự đề cử của đảng Dân Chủ để ra tranh cử vào chức vụ tổng thống Hoa Kỳ. Cô bé đứng giữa là Chelsea, con duy nhất của hai ông bà. (Ảnh Cynthia Johnson/Time Life Pictures/Getty Images) Phải, bà Hillary Clinton, trong tư cách đệ nhất phu nhân của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trong bài diễn văn với câu tuyên bố nổi tiếng, “Một lần cho tất cả, Nhân quyền là nữ quyền và nữ quyền là nhân quyền,” trong kỳ Hội nghị Liên Hiệp Quốc kỳ thứ 4 về Phụ Nữ tại Bắc Kinh. (Ảnh archives.gov)

Khi Tổng thống Clinton cử bà đứng ra khai triển một chương trình bảo hiểm y tế cho mọi người, thì sự chống đối càng mãnh liệt, nhất là từ phía Đảng Cộng Hoà. Có vị, như Dân biểu Chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich đã, theo lời bà mẹ đã buột miệng kể lại trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình do ký giả Connie Chung thực hiện (và đây cũng là giọt nước làm đầy cái ly khiến bà Chung bị mất việc vì thái độ thiếu chuyên nghiệp này), gọi bà Hillary là “con đĩ” (bitch). Trong khi đó, có những thành phần dân chúng lại chỉ để ý tới bề ngoài của bà, một người khá giản dị trong cách phục sức. Hồi ấy mặc dù World Wide Web vẫn còn phôi thai nhưng đã có người bỏ thì giờ ra ngồi làm một trang Web chụp ghi lại những kiểu tóc khác nhau của bà Hillary.

Sau vụ chương trình bảo hiểm y tế cho mọi người bị thất bại, bà Hillary tiếp tay với các nghị sĩ  như Ted Kennedy và Orrin Hatch đề cử và được Quốc Hội thông qua luật cung cấp bảo hiểm sức khoẻ cho trẻ em (State Children’s Health Insurance Program) vào năm 1997, nhờ vậy mà sức khoẻ của nhiều triệu trẻ em đã được săn sóc từ sơ sinh. Bà cũng tích cực trong những vấn đề phụ nữ, và là một đệ nhất phu nhân đi nhiều nuớc hơn cả, âm thầm làm việc ngoại giao giúp chồng đồng thời lên tiếng hỗ trợ nhân quyền của người phụ nữ, đặc biệt tại các nước Hồi giáo trong đó người phụ nữ không có một thứ quyền hành gì, đặc biệt là quyền học hành và làm việc để có thể tự túc về kinh tế. Nổi tiếng nhất là bài diễn văn của bà Hillary đọc trong kỳ Hội nghị Liên Hiệp Quốc thứ 4 về phụ nữ tại Bắc kinh vào năm 1995, đặt quyền của phụ nữ vào hàng nhân quyền.(**) Những chuyến đi này đã giúp lót đường cho bà sau này trong địa vị bộ trưởng Bộ Ngoại Giao.

Có lẽ chưa có cặp tổng thống và đệ nhất phu nhân nào mà lại gặp nhiều vấn đề như ông bà Clinton trong thời gian cư ngụ trong Toà Bạch Ốc. Hết bị điều tra về việc mua bán chứng khoán tới đầu tư vào địa ốc hồi còn ở Arkansas, rồi vụ ông Clinton có liên hệ với cô tập sự viên Monica Lewinski khiến ông suýt nữa thì mất chức tổng thống. Vì đó là những chuyện riêng nên họ phải xuất tiền túi ra thuê luật sư biện hộ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Diane Sawyer của hệ thống ABC News nhân việc phát hành cuốn “Hard Choices”, bà Hillary cười nói hai vợ chồng bà “sạt nghiệp” và còn mắc nợ nữa khi rời toà Bạch Ốc, khiến bà lại bị tấn công tơi bời khi nhiều người chỉ vào hai cái nhà trị giá hàng triệu (vẫn còn đang trả góp) họ đứng tên.

Sau khi rời toà Bạch Ốc, hai vợ chồng bà Hillary dọn về New York. Từ tiểu bang này, bà ra ứng cử, lần đầu tiên, và đắc cử chức nghị sĩ đại diện tiểu bang New York, không còn “nấp bóng tùng quân” nữa. Sau biến cố 9/11 bà hỗ trợ cuộc chiến ở Afghanistan và sau đó cả cuộc chiến tại Iraq, mặc dù về sau này bà chống lại chính sách điều hành cuộc chiến tại Iraq của chính quyền Tổng thống George W. Bush, cũng như nhiều chính sách quốc nội khác của vị tổng thống đảng Cộng Hòa này. Năm 2006 bà tái đắc cử chức nghị sĩ. Hai năm sau bà vận động để được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử tổng thống, và mặc dù thắng tại nhiều tiểu bang, bà bị Nghị sĩ Barack Obama đánh bại. Khi chấp nhận thua cuộc, trong tinh thần dân chủ, bà xin hỗ trợ ông Obama cùng đảng, và tuyên bố trong một bài diễn văn nhượng bộ, như một lời nhắn sẽ trở lại:
“Mặc dù lần này chúng ta chưa thể phá vỡ cái kiếng trần nhà cao nhất, cứng nhất, thế nhưng nhờ các bạn, chúng ta đã gây được 18 triệu vết nứt. Và ánh sáng đang tuôn qua như chưa bao giờ nhiều như vậy, chan hoà đổ xuống chúng ta niềm hy vọng và một nhận thức chắc chắn là con đường ta đi sẽ dễ dàng hơn chút đỉnh ở lần tới.” (***)

Sau khi trở thành vị tổng thống da mầu đầu tiên, ông Obama đã mời bà Hillary vào chức bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Bà Hillary nói bà đã từ chối, nhưng rồi cuối cùng nhận lời. Đây là điều khiến tôi ngưỡng mộ tinh thần dân chủ của cả ông Obama và bà Hillary, nếu chúng ta còn nhớ lúc vận động để được đề cử làm ứng cử viên tổng thống, họ đã tặng cho nhau những câu nặng nề về nhau như thế nào. Song tôi thán phục hơn cả là thái độ của bà Hillary: đang từ địa vị một vị đệ nhất phu nhân ai cũng phải trọng vọng, rồi tới vai trò nghị sĩ quyền cao chức trọng, giờ khuất mình để làm một trong những nhân viên của ông Obama, phải là một người hiểu biết và thấm nhuần tinh thần dân chủ và, ngoài tham vọng, là sự tha thiết tới việc quốc gia lắm, mới hành xử nổi. Tôi bắt đầu thực sự mến mộ bà Hillary từ đó.
    
Trái, Ngoại trưởng Hillary Clinton trên chuyến máy bay C-17 vào tháng 10, 2011, trên đường đi gặp các nhà lãnh đạo của quân phiến loạn ở Tripoli, Lybia sau khi nhà độc tài Muammar Gaddafi bị giết, để khuyên họ thu góp hàng ngàn võ khí hoả tiễn phòng không bị thất lạc để tránh gây đe dọa cho những máy bay hành khách bay qua vùng. (Ảnh Diana Walker/TIME) Phải, bà Hillary Clinton trong buổi viếng thăm lịch sử với nhà dân chủ Aung San Suu Kyi của Miến Điện tại tư gia của bà ở Yangon vào ngày 2 tháng 12, 2011. (Ảnh Saul Loeb/AFP)

Tôi chưa đọc “Hard Choices” trước khi viết bài này, nhưng có đọc bảng tóm tắt của mỗi chương do ban biên tập của nhật báo Washington Post soạn sẵn cho độc giả, và một số bài điểm sách của một vài tờ báo lớn. Cuốn sách dầy 656 trang, gồm sáu phần, 25 chương, và một lời bạt (epilogue), bắt đầu từ lúc bà Hillary và ông Obama bí mật gặp nhau tại nhà nữ nghị sĩ Diane Feinstein, người đứng ra dàn hoà hai cựu đối thủ chinh trị cùng đảng, sau khi ông Obama nắm chắc sẽ được đảng Dân chủ chính thức đề cử ra ứng cử tổng thống, và sau đó là những gì đã diễn ra trong thời gian bà giữ chức bộ trưởng bộ Ngoại Giao, theo tuần tự thời gian.(****). Một trong những điều mà bà Hillary tiếc là chưa làm được bao nhiêu cho những người đàn bà hiện không có được cái nhân quyền tối thiểu, đặc biệt tại các nước ảnh hưởng bởi Hồi giáo, và các quốc gia chậm phát triển.

Có người cho là bà Hillary đã không đem về được một cam kết quốc tế nào trong thời gian làm bộ trưởng từ 2009-2013, mặc dù là một vị bộ trưởng đi công tác nước ngoài nhiều nhất, tổng cộng 112 quốc gia và gần cả triệu miles. Người ta quên là vào cuối thời của Tổng thống Bush tiếng tăm của Hoa Kỳ đang ở một mức độ thấp chưa từng thấy vì chính sách đối ngoại thiếu tế nhị của ông Bush, bên cạnh hai cuộc chiến tranh chống khủng bố bất phân thắng bại, tệ hơn nữa là như đã chỉ tạo cơ hội cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Iraq và một số nước Ả Rập, và Taliban ở Afghanistan phát triển và bành trướng thêm. Mặc dù bây giờ Al-Qaeda không còn tập trung như thời còn Osama bin Laden, song do đấy cũng nguy hiểm hơn. Và bà Hillary đã, dầu sao, giúp vá lại những liên hệ quốc tế đã bị te tua ấy. Riêng người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, chắc không quên ngày bà Hillary, đại diện chính quyền Obama, đã tuyên bố tại cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN tại Hà Nội năm 2010, là giải pháp hoà bình trong các vụ tranh chấp ở biển Đông chính là “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ hỗ trợ các nỗ lực hợp tác ngoại giao của các quốc gia liên hệ để giải quyết ôn hoà các tranh chấp lãnh thổ. Bà kết luận là Mỹ “chống lại việc dùng hay dọa dùng võ lức của bất cứ bên nào.”

Tôi nghĩ, và hy vọng, bà Hillary sẽ ra tranh cử, nếu sức khoẻ và tuổi tác cho phép – xin cầu cho bà có sức khoẻ. Năm nay bà đã 67, sắp trở thành bà ngoại, hai năm nữa bà sẽ 69, và nếu đắc cử bà ngoại Hillary sẽ là vị tổng thống lớn tuổi thứ hai sau Tổng thống Ronald Reagan khi nhậm chức năm 1980. Bà phải ra thôi, vì mọi thứ đã sẵn sàng, và nhìn quanh tôi chưa thấy ai, của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, nhiều hứa hẹn hơn, lúc này.

Hơn nửa thế kỷ trước bà Barbara Walters, người phụ nữ đầu tiên lọt được vào ngành tin tức truyền hình, cắn răng ở lại mặc dù bị chèn ép lúc đầu (thực ra bà Barbara cũng cần có việc  làm để nuôi bố mẹ và người chị chậm phát triển, không thể làm như những người đàn bà cùng thời là bỏ việc về nhà lấy chồng cho yên thân); và cuối cùng đã phá vỡ được cái kiếng trần nhà bên báo chí truyền hình.

Cái kiếng trần nhà phía bên này của bà Hillary cao và cứng hơn, và quả thật nếu bà không phá vỡ thì ai là người đàn bà có chuẩn bị, điều khiện và khả năng hơn? Nhất là khi, như bà đã nói, cái kiếng ấy đã bị 18 triệu vết nứt rồi.

Nếu bà Hillary ra tranh cử lần này, tôi sẽ đem cái phiếu không-đảng-phái của tôi sang bỏ cho bà. Trong khi chờ đợi, tôi đi đọc cuốn “Hard Choices” đây. [TD, 2014-06]

Chú thích: 
(*) Nguyên văn: ““Human rights are women’s rights and women’s rights are human rights once and for all.” Trích từ bài diễn văn của bà Hillary Clinton đọc tại Hội nghị Phụ Nữ Kỳ thứ 4, 1995 tại Bắc Kinh, https://www.youtube.com/watch?v=xXM4E23Efvk 
(**) Nguyên văn: “I suppose I could have stayed home and baked cookies and had teas, but what I decided to do was to fulfill my profession which I entered before my husband was in public life.” ABC News Nightline với Ted Koppel, ngày 26 tháng 3, 1992.
(***) Nguyên văn: ““Although we weren’t able to shatter the highest, hardest glass ceiling this time, thanks to you, it’s got about 18 million cracks in it. And the light is shining through like never before, filling us all with the hope and the sure knowledge that the path will be a little easier next time.” Trích từ bài diễn văn (concession speech) của bà Hillary Clinton sau khi thua ông Barack Obama trong cuộc vận động để được đảng Dân Chủ để cử làm ứng cử viên tổng thống trong kỳ bầu cử cuối năm 2008. Xem toàn bài diễn văn “Hillary Clinton Endorses Barack Obama” tại http://www.nytimes.com/2008/06/07/us/politics/07text-clinton.html?pagewanted=all&_r=0 
(****) Xem “‘Hard Choices’: A chapter-by-chapter breakdown of Clinton’s new book,” tại http://www.washingtonpost.com/blogs/post-politics/wp/2014/06/09/hard-choices-we-read-it/


Trùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét