Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Kiện Trung Quốc, Việt Nam được gì ngay cả khi thua?



Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với VN ở Biển Đông hôm 14 tháng 5 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH NAM
Câu chuyện có nên kiện Trung Quốc hay không khi nước này ngày một lấn chân sâu hơn vào chủ quyển biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là việc giàn khoan HD 981. Mặc Lâm trình bày lại những ý kiến mà các chuyên gia về Biển Đông cũng như công pháp quốc tế phát biểu về vấn đề này.

Uy tín quốc gia

Vấn đề Việt Nam có nên kiện Trung Quốc hay không vẫn chưa có câu trả lời tuyệt đối vì khi một vụ kiện xảy ra khả năng thắng hay thua mỗi bên không ai biết trước được vì còn tùy theo các yếu tố có chứng minh là thỏa đáng và thuyết phục tới mức nào.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế cũng như về Biển Đông vừa qua cho rằng Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng biển mà theo công ước luật biển 1982 của UNCLOS quy định thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc đã liều lĩnh với con bài chủ quyền lỏng lẻo khi chủ quan cho rằng Tòa án quốc tế không thể can dự vào vấn đề này vì Bắc Kinh có quyền chọn lựa chấp nhận tham dự vào vụ kiện hay không.
Yếu tố không tham gia đã khiến nhiều người lo ngại đem Trung Quốc ra tòa là tốn công sức và làm vấn đề nặng nề hơn. Tuy nhiên khi nhìn vào Philippines, nước đã mạnh mẽ đưa hành động xâm lăng của Trung Quốc ra tòa quốc tế thì Việt Nam có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm nếu nghiêm túc tiến hành những bước cần thiết cho vụ kiện.
Khi Philippines chấp nhận mang Trung Quốc ra tòa quốc tế có nghĩa là Manila chấp nhận việc Trung Quốc từ chối. Tuy nhiên Phi cũng hiểu rằng sự từ chối sẽ làm Trung Quốc mất nhiều thứ trong khi Phillipines không hề mất điều gì.
Cái mất nặng nhất thuộc về Trung Quốc đó là uy tín quốc gia. Trong khi nỗ lực và hết sức tốn kém để kiến tạo quyền lực mềm trên khắp thế giới bao gồm tiền bạc và các Viện Không Tử, Bắc Kinh đang khó khăn lắm để đặt nền tảng văn hóa Trung Quốc nhằm chinh phục thế giới với triết lý Đông phương, vốn theo đuổi quan niệm hòa nhã, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Nếu không tham gia vụ kiện của một nước nhỏ hơn, Trung Quốc phải đối diện với mất mát to lớn về uy tín đối với các nước khác, đặc biệt là những nước nhỏ, đang dựa dẫm vào kinh tế Trung Quốc để phát triển. Sự tin cậy cần thiết của các nước sẽ không còn khi biết rằng người bạn khổng lồ rất khó để mà đặt lòng tin vào, ngay cả lòng tin của một hợp đồng mua bán.
Các nước lớn hơn như Hoa Kỳ hay liên minh EU, Nhật Bản sẽ đưa ra những ràng buộc có tính kỹ thuật để hàng hóa Trung Quốc gặp trở ngại với lý do trả đũa vì Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong lúc Nhật đã thấy và có biện pháp mạnh với Trung Quốc, hành động bất tuân luật pháp của Bắc Kinh trong các vụ kiện sẽ giúp cho Tokyo có thêm lý do thuyết phục người dân nước họ thay đổi quan niệm về một Trung Quốc hiền hòa vô hại như trước đây họ từng nghĩ.

Hội thảo quốc tế về Hoàng Sa-Trường Sa tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 21/6, hội tụ được nhiều học giả, chuyên gia quốc tế về Biển Đông.
Đối với Việt Nam, khi Trung Quốc trưng ra những bằng chứng bất lợi về công hàm Phạm Văn Đồng, bản đồ và sách giáo khoa công nhận Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc có thể là một trở ngại lớn mà nhiều viên chức chính phủ cho là sẽ khó vượt qua. TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan cho biết ý kiến của ông về vấn đề này:
“Do hoàn cảnh khách quan đặc biệt do hai cuộc kháng chiến mà có thể giữa hai nhà nước, hai đảng có những thỏa hiệp, những tactic, gọi là thỏa hiệp mang tính chiến thuật. Những thỏa hiệp ấy có liên quan đến vấn đề biển đảo và do đó bây giờ về phía Việt Nam cũng có những điều khó ăn khó nói.
Tuy nhiên nếu Việt Nam nhận thấy được, về mặt nhà nước, đây là một khúc quanh, một bước ngoặt thì nhà nước hoàn toàn có thể chủ động với đội ngũ luật sư, luật gia của Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài kể cả những người yêu chuộng Việt Nam, yêu chuộng hòa bình công lý, hoàn toàn có thể xây dựng bằng được hồ sơ để đưa Trung Quốc ra tòa về hai phương diện thủ tục và nội dung pháp lý.”

Chắc chắn sẽ thắng?

Nhìn chung hoàn cảnh lịch sử và tình trạng về công hàm ấy Giáo sư Luật Erik Franckx, trong Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, với tư cách là một thành viên của Tòa trọng tài thường trực ông cho rằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đề cập đến việc mở rộng lãnh hải của Trung Quốc chứ không hề nhắc đến Hoàng Sa hay Trường Sa.
Giáo sư Erik Franckx cho biết vào năm 1958 khi công hàm được đưa ra cũng có nhiều nước ra tuyên bố mở rộng lãnh hải 12 hải lý và ông cho rằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “ủng hộ cho việc mở rộng đó của Trung Quốc” mà không hề đề cập cụ thể đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” vì vậy không thể cho rằng Việt Nam xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa hay Trường Sa.
Dù sao đây là một ý kiến đáng ghi nhận và phần việc còn lại Việt Nam phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi mang vấn đề này ra tòa quốc tế.
Tuy nhiên nếu xét về luật biển UNCLOS 1982, ngay cả Hoàng Sa-Trường Sa đang tranh chấp đi nữa thì việc đem giàn khoan vào vùng biển ấy cũng khiến Trung Quốc thua kiện trước tòa án quốc tế. Giáo sư Phạm Quang Tuấn, người theo dõi và có nhiều bài viết phản biện về Biển Đông cho biết nhận định của ông:
“Nếu kiện vụ giàn khoan thì hầu như chắc chắn sẽ thắng, còn nếu kiện chủ quyền của Hoàng Sa-Trường Sa rất là khó nói.
Kiện giàn khoan chắc chắn là thắng vì theo luật biển thì luật này có nói rõ ràng khi mà có một vùng biển đang tranh chấp giữa hai quốc gia thì hai bên phải tránh làm bất cứ điều gì có vẻ khiêu khích hay đơn phương hành động mà phải thương lượng với nhau trước đã. Vụ này rõ ràng rằng nước Tàu nó không thương lượng với Việt Nam trước khi nó đem giàn khoan vô vùng đó mà đó là vùng đang tranh cãi giữa hai quốc gia thành ra Tàu nó làm như vậy là chắc chắn trái với luật quốc tế rồi. Đã có những vụ án trong quá khứ xảy ra tương tự như vậy và cũng được tòa xét xử.
Hầu như ai cũng thấy là Tàu nó làm trái luật vì vậy đem vụ này ra kiện vì nó mang giàn khoan vào mà không thương lượng trước với Việt Nam trong vùng tranh cãi là nó đã trái luật.”
GS. Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu hai khóa của Quốc hội cho rằng quốc hội phải yêu cầu chính phủ đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế và đồng thời ra nghị quyết về việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam:
“Quốc hội cần phải ra nghị quyết về vấn đề này. Trong nghị quyết đó thì Quốc hội cũng nên yêu cầu chính phủ phải đưa vụ này ra tòa án quốc tế, còn cụ thể chúng ta kiện như thế nào thì việc ấy giao cho chính phủ để tính toán đầy đủ những cái lý lẽ làm sao cho có lợi nhất trong việc bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc.”
Kiện Trung Quốc để giành phần thắng có thể Việt Nam phải gian nan vì những chứng lý mà Trung Quốc đưa ra, tuy nhiên nếu Trung Quốc biết rằng các chứng lý ấy khó thuyết phục tòa án và từ chối tham dự phiên tòa thì Việt Nam đương nhiên hưởng lợi. Thế giới sẽ thấy được hai mặt của vấn đề mà mặt tích cực sẽ được Việt Nam chiếm lấy.
Ngay cả nếu Trung Quốc ra tòa và vụ kiện kéo dài thì cái lợi của Việt Nam còn lớn hơn: Cơ hội để cả nước nhìn lại những gì mà Trung Quốc đã và đang mang tới cho dân tộc.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét