Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Những nhận xét đau lòng của HLV Miura về bóng đá VN - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: "Chúng ta đi mà không biết đi đâu!"

Dân Luận: HLV nhận xét rất đúng, không chỉ đúng riêng bóng đá Việt Nam mà là cả xã hội Việt Nam hiện nay.
Sau khi làm HLV đội tuyển Việt Nam, ông Toshiya Miura đã trả lời kênh truyền hình trả tiền Jsports (Nhật) và nói lên những cảm nhận của ông về Việt Nam và bóng đá Việt Nam.
Ông Toshiya Miura chưa có thời gian dài làm việc với bóng đá Việt Nam nhưng những gì ông trả lời độc quyền với đài truyền hình Nhật Jsports đã nói lên rất nhiều về sự khác biệt.
Trước hết là sự khác biệt về văn hóa, trong đó có văn hóa trong cách làm việc và cả văn hóa bóng đá. Ông không đánh giá cao V-League khi xem đây là “giải đấu kinh khủng” bởi sự điều hành đấy không mang chút hình ảnh chuyên nghiệp như ở đất nước ông. Ông chưa đến nhiều sân bóng nhưng ông rất tinh khi nhìn bộ máy V-League vận hành mà lệ thuộc vào nhiều thứ cùng với hình thức đại khái. Ông không đồng tình với một giải đấu mà cầu thủ ít chạy bởi với ông bóng đá hiện đại thì phải chạy nhiều mới ra vấn đề.
Trong cuộc trao đổi trên, ông và các phóng viên truyền hình cùng ở trung tâm huấn luyện J-Green Sakai - nơi đội tuyển Việt Nam tập huấn chuẩn bị AFF Cup. Khi mà bóng đá Việt Nam hay nói là bóng đá Nhật có nét giống bóng đá Brazil thì ông lại đưa ra khái niệm khác.
Ông nói chính các cầu thủ Việt Nam mới đá giống như bóng đá Brazil và còn bị nhập theo nguyên tắc năm cầu thủ phòng ngự và năm cầu thủ tấn công. Chính vì vậy mà ông luôn phải nói “không” với thói quen các cầu thủ Việt Nam.

Tác phong làm việc và giờ giấc làm việc mà giữa Việt Nam với Nhật có sự khác biệt lớn
Ông so sánh rằng ở Việt Nam cầu thủ tự ý cầm bóng di chuyển chầm chậm dựa trên kỹ thuật cá nhân và khác với ở Nhật thường thì chuyền nhanh chỉ sau 1-2 chạm và càng chuyền nhiều càng di chuyển nhiều thì sẽ ra nhiều vấn đề, nhiều khoảng trống và nhiều tình huống để xử lý.
Ông Miura cũng nhắc nhiều đến những vấn đề mà ông tưởng như đơn giản nhưng ở Việt Nam thì lại là cả một quá trình xử lý qua nhiều tầng lớp mà ông không giải thích nổi. Điều ông đề cập cũng giống với chuyện rất đơn giản là ông muốn cầu thủ sau trận đá thắng Philippines sẽ sớm có mặt ở Malaysia và bay thẳng từ Hà Nội sang. Thế nhưng điều đơn giản đấy phải chờ qua nhiều tầng giải quyết và cuối cùng là vừa bay trễ lại vừa phải bay vòng.
Ngoài ra còn một điều mà ông Miura khó chịu đó là tác phong làm việc và giờ giấc làm việc mà giữa Việt Nam với Nhật có sự khác biệt lớn. Điều này lại hoàn toàn mâu thuẫn với việc bóng đá Việt Nam muốn rất nhiều nhưng cách làm việc thì ông muốn chuyên nghiệp nhưng lại cứ phải thích nghi với chiều ngược lại.
Hợp đồng với HLV ngoại
“Tôi được biết VFF tìm HLV cho đội tuyển Việt Nam thông qua hãng Honda - doanh nghiệp tài trợ đội tuyển. Qua đó VFF ủng hộ những HLV người Nhật. Tuy nhiên, quá trình ký hợp đồng diễn ra rất khó khăn, xuất phát từ vấn đề tiền lương hoặc điều gì đó mà tôi không rõ”.
V-League là giải đấu kinh khủng
“V-League là giải đấu kinh khủng. Cầu thủ trên sân “không chịu chạy”. Việc điều hành giải đấu cũng qua loa. Cầu thủ phải ra sân lúc 17 giờ oi bức vì lệ thuộc vào khung thời gian phát sóng của đài truyền hình”.

Người Việt Nam và người Nhật
“Tôi từng so sánh đội tuyển Việt Nam với Nhật và thấy người Việt Nam có những điều mà người Nhật đã đánh mất đi ít nhiều. Người Việt Nam mải chơi hơn, trẻ con hơn người Nhật. Người Việt Nam ghét việc nặng nhọc, thường làm những việc thực sự vui vẻ”.
Giao thông và HLV đội tuyển
“Lái xe của tôi từng bị CSGT thổi năm lần do vi phạm nhưng khi anh lái xe xuống và nói: “Ông này là HLV đội tuyển Việt Nam” thì CSGT cũng cho qua.
Ở Việt Nam, xe máy lộn xộn nên tôi được khuyên là không nên đi lung tung.Tôi nghĩ làm HLV đội tuyển Việt Nam quả là đặc biệt thật!”.
Cái ghế của trợ lý
“Có trợ lý HLV nói với tôi là anh ta muốn cái ghế tốt hơn và tôi thầm nghĩ là nếu anh muốn cái ghế tốt hơn thì hãy làm việc đi”.
Bữa trưa ở Việt Nam
“Nếu bữa trưa của người Nhật là mua cơm hộp từ cửa hàng đồ ăn nhanh rồi ăn trong khoảng 15-20 phút thì ở Việt Nam thư thả hơn. Nhiều người uống bia trong bữa trưa và sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa”.
Giờ giấc làm việc
“Quy định làm việc ở LĐBĐ VN là 8 giờ 30 nhưng từ 8 giờ 30 đến 9 giờ mọi người mới đến chỗ làm. Còn từ 12 giờ đến 14 giờ là thời gian nghỉ trưa. Và 16 giờ 30 thì kết thúc công việc”.
Nguyễn Huy
(Pháp luật TP.HCM)

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: "Chúng ta 

đi mà không biết đi đâu!"


Tư Giang
Chia sẻ bài viết này

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo. Ảnh TG
“Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thổ lộ tâm tư cá nhân như vậy tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12.
Quẩn quanh chuyện cải cách
“Việt Nam đã và đang làm nhiều để cải cách thể chế như cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, xây dựng pháp luật… nhưng có vẻ chưa đủ nên ta lại tiếp tục cải cách thể chế”, ông Dũng nhận xét.
Ông bổ sung thêm: “Tôi có cảm giác ở đâu đó vẫn thiếu cái gì đó khiến ta thấy chưa đúng, chưa đủ, chưa yên tâm, thấy vẫn cần phải đổi mới tiếp. Vậy bản chất cốt lõi là gì để chúng ta tìm được chìa khóa để cởi bỏ được, nếu không cứ cải cách lặp đi lặp lại mãi, làm mất cơ hội và thời gian của cả đất nước, nền kinh tế”.
Theo Thứ trưởng Dũng, bản chất thể chế là các quy định, thể lệ, luật chơi mà nhà nước đưa ra làm công cụ để giám sát, kiểm tra, và rồi điều chỉnh các quy định đó khi thấy không phù hợp.
“Nhưng tôi e ngại việc là chúng ta đang lạm phát các quy định, rồi quay lại điều chỉnh”.
Ông ví von, cuộc sống đang là dòng chảy, thì Nhà nước đưa ra quy định để đổ đá và be đắp làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thấy sai rồi, nhà nước bỏ đá đi, thì gọi là cải cách, hay đổi mới thể chế.
Ông Dũng đặt câu hỏi: “Như thế có phải là cải cách không? Tất cả câu chuyện như vậy ta phải nhìn như thế nào?”. Và ông tự trả lời: “Chứ cá nhân tôi thấy, nếu dòng chảy đang tốt thì chúng ta phải hướng cho dòng chảy đúng chỗ nhanh hơn, mạnh hơn, thế mới là cải cách. Chứ không thể tư duy là bỏ đống đá vào, rồi thấy vướng, lại dỡ bỏ ra là cải cách”.
Theo ông Dũng, không giống các quốc gia khác ngay từ đầu đã chọn được đường đi, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, nghĩa là trước đây đi theo một hướng, nhưng nay lại chuyển sang hướng khác.
Bên cạnh đó, với xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế nên nền kinh tế Việt Nam “có đặt thù riêng”. Làm sao để nền kinh tế này tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ tốt của thế giới mà các nước đi trước phải mất cả vài trăm năm để có.
“Chúng tôi thích những cái hay nhất của thế giới, những cái là quy luật khách quan, tự nhiên. Chúng ta phải đi theo là đúng. Nhưng Việt Nam cũng có những điều kiện riêng biệt, mà mà chúng ta phải hài hòa hóa. Cái này là cái gì?”, ông nói.
Không nên xem trọng chuyện "đặc thù"
Trả lời một phần những băn khoăn của Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói: “Chúng ta hay nói Việt Nam ta khác, Việt Nam ta đặc thù. Theo tôi, chúng ta không nên nhấn mạnh điều đó, vì nếu chúng ta nhấn mạnh sự khác biệt, thì chúng ta đã tự đẩy ra ngoài lề trong quá trình toàn cầu hóa”.
“Nếu chúng ta đặc thù, thì chúng ta nên nắn chúng ta để đi vào dòng chung, đi theo chuẩn quốc tế”, ông Cung bổ sung thêm.
Ông giải thích, nhiều ý kiến cho Việt Nam là đặc thù, vì Việt Nam nghèo, vì có chiến tranh, vì chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trên thế giới không phải chỉ Việt Nam mới có những điểm này. Hơn nữa, chiến tranh đã qua 40 năm, chuyển đổi kinh tế cũng được 30 năm.
Những năm 60 của thế kỷ trước, ông Cung nói, Việt Nam cũng tương tự như Hàn Quốc. Sang đến thập kỷ 80, Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn hai của quá trình phát triển, trong khi Việt Nam ở giai đoạn một.
“Giờ họ đã bước sang giai đoạn 3; còn ta vẫn ở giai đoạn 1”, ông Cung nói. “Đó chính là sự khác biệt của họ và ta. Vì thế, cần nhấn mạnh vào sự khác biệt này để ta thay đổi, chứ không phải nhấn mạnh mãi những sự khác biệt để du di cho đổi mới.”
Ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam chỉ ra hàng loạt các vấn đề hiện nay như nền kinh tế chậm chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh, thiếu sáng tạo trong kinh doanh, tăng trưởng chậm đối với khu vực doanh nghiệp nói chung, và các nhóm lợi ích có quan hệ với giới chức quyền lực giàu có nhanh nhờ có đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường.
Theo giáo sư Jeong Ho Kim, Trường Chính sách và quản lý công Hàn Quốc, diễn giả chính tại hội thảo, Chính phủ Hàn Quốc đã có hàng loạt các thay đổi để có được nền kinh tế thị trường ngày nay, làm quốc gia này trở nên thịnh vượng.
Chính phủ bày tỏ thái độ tiêu cực với các chaebol (gọi chung các tập đoàn lớn của Hàn Quốc nằm dưới sự điều khiển của một gia tộc- PV) và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ cũng gỡ bỏ các luật lệ bảo hộ các ngành công nghiệp công ích như vận tải, và doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do; tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; và tăng phúc lợi xã hội.
Ông Kim cho biết, để đạt được sự thịnh vượng, Hàn Quốc phát triển dựa ba trụ cột của nước họ là chính trị đa nguyên, xã hội dân sự, và kinh tế dựa vào ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và sáng tạo cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét