Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Người nghèo phải chết - Thời đại này tâm thần hết rồi

vq 01190
Đây là tiêu đề của một người dân, bạn Lê Phương, đăng trên báo Người Lao Động ngày 05 tháng 01 năm 2015. Bài này phát xuất do một số quy định có hiệu lực từ đầu năm nay. Trong đó quy định về cắt giảm việc trả chi phí cho các loại thuốc có chi phí cao với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế làm dấy lên một luồng dư luận vô cùng hoang mang lo ngại cho hầu hết những gia đình nghèo.
Quy định này của Bộ Y Tế Việt Nam có nhiều chi tiết nhưng có thể tóm tắt vài điểm chính:
Từ 01/01/2015, một số thuốc ung thư mới, chi phí cao sẽ chỉ được quỹ bảo hiểm chi trả 50% thay vì 100% như trước đây, hoặc không được chi trả.
Bộ Y Tế Việt Nam vừa ban hành danh mục thuốc tân dược được quỹ Bảo Hiểm Y Tế (BHYT) chi trả, gồm 845 hoạt chất, 1.064 thuốc tân dược; giảm cả về số lượng hoạt chất và thuốc được chi trả so với danh mục hiện nay. Danh mục thuốc được BHYT chi trả hiện hành có 900 hoạt chất với 1.143 thuốc.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết danh mục thuốc được BHYT lần này có tổng số lượng thuốc ít hơn vì phải bỏ bớt một số loại.
Số thuốc bị giảm chi từ quỹ gồm 4 loại, giảm từ chi trả 100% chi phí xuống còn 30-50%. Ðây đều là các loại thuốc có giá rất cao mà hiệu quả điều trị chưa được chứng minh rõ ràng. Trong số này có thuốc điều trị viêm gan siêu vi C phải giảm chi từ 100% xuống còn 30%. Ước tính nếu dùng thuốc này phải mất 90.000 tỉ đồng mỗi năm để chi cho đủ nhu cầu điều trị của bệnh nhân, trong khi thu quỹ cả năm 2014 mới được khoảng 53.000 tỉ đồng. Sắp tới Bộ Y Tế Việt Nam sẽ ban hành tiếp danh mục thuốc Đông y được quỹ BHYT thanh toán.
Tại sao người nghèo phải chết?
Không phải tất cả các bệnh nhân đang dùng thuốc mới, giá cao đều có thể đổi sang dùng thuốc thông thường. Vì thế, với không ít người mắc bệnh hiểm nghèo, sự thay đổi này thực sự là một gánh nặng. Bởi nếu không được chữa trị với những loại thuốc thường dùng họ sẽ phải chết. Mời bạn đọc bài “tâm sự” của người dân.
Bạn Lê Phương viết: “Tôi nhớ một bác già nằm vắt tay lên trán, chép miệng: ‘Mấy ổng ban hành chính sách như vậy chẳng khác nào ép người nghèo phải chết’.
Ba tôi nghỉ hưu đã 6 năm. Chưa kịp an hưởng tuổi già bên con cháu thì ông mắc phải căn bệnh quái ác: ung thư gan. Sau 2 lần phẫu thuật rồi hóa trị, xạ trị bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
May mắn thay, gần đây bệnh viện thay đổi phác đồ điều trị và hiệu quả thấy rõ. Ba tôi đã ăn được, ngủ được, da dẻ hồng hào, khối u gom lại còn bằng 1/2 lúc trước.
Nếu không có bảo hiểm y tế chi trả các khoản chi phí điều trị căn bệnh hiểm nghèo này, ba tôi chắc đã theo ông, theo bà.
Ấy vậy mà ngay trong Đêm Giáng sinh an lành, ba tôi nhận được tin sét đánh: Từ ngày 1-1-2015, loại thuốc đang điều trị cho ba tôi nằm trong danh sách 28 loại thuốc mới, đắt tiền sẽ thay đổi phương thức chi trả từ bảo hiểm y tế. Thay vì được thanh toán 100% như trước thì nay chỉ được chi trả tối đa 50%.
Hay tin này, ngay tối đó ba tôi đã không ăn uống rồi không ngủ được. Hôm sau ông bảo mẹ tôi về lấy quyển sổ tiết kiệm đem vào bệnh viện cho ông kiểm tra. Sau gần 40 năm làm việc, cống hiến, ba tôi dành dụm được 500 triệu đồng. Đây là khoản tiền ‘dưỡng già’ như cách ba tôi hay nói vui.
Ông bảo: ‘Tao với mẹ mày có lương hưu, có bảo hiểm y tế; tụi bây khỏi lo. Tiền tiết kiệm này thì để dành đi du lịch và lo hậu sự’. Đó là nói chuyện trước kia, còn từ khi phát hiện bệnh hiểm nghèo, ba tôi không còn lạc quan như trước. Ông luôn miệng nói: ‘May mà có bảo hiểm y tế, nếu không chắc chỉ còn biết nằm chờ chết chứ tiền đâu mà chữa trị? Bởi vậy người ta mới gọi là bệnh nan y…’
Ấy vậy mà mấy hôm nay niềm hi vọng sống vốn đã mong manh của ba tôi lại càng lay lắt như ngọn đèn trước gió. Ông nói quả quyết: ‘Nằm bệnh viện tới 31-12 thì về. Trước sau gì cũng chết, tốn kém làm gì?’. Ông không chỉ quyết định như vậy mà còn ‘rủ rê’ mấy người bạn chung phòng ‘về nhà chờ chết’. Tôi nhìn hoàn cảnh của những người kia mà không khỏi áy náy trong lòng.
Họ đều là người hưởng lương hưu, là dân nghèo hoặc cận nghèo. Tiền mua thẻ bảo hiểm y tế phải trông chờ nhà nước hỗ trợ, vậy thì lấy đâu để ‘đồng chi trả’ một khoản chi phí cao ngất ngưởng như vậy?
Chợt nhớ mục đích của chính sách bảo hiểm y tế là ‘người khỏe san sẻ cho người bệnh’. Những năm qua, hẳn là số người khỏe lớn hơn người bệnh gấp nhiều lần nên mới có khoản kết dư bảo hiểm y tế 20.000 tỉ. Ấy vậy mà các quan chức bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế lại lo vỡ quỹ nên không dám chi và còn đổ thừa qua lại.
Biết làm sao được. Chỉ còn mong cho toàn dân khỏe mạnh để những người rủi ro bệnh tật sẽ được cứu sống từ sự chung sức của cộng đồng. Nếu không thì chắc chắn những người nghèo mắc bệnh nan y sẽ phải chết dù y học có phát triển đến đâu!”
Lá thư này đã cho bạn biết rõ tại sao người nghèo phải chết.
Chuyện ở Mỹ và ở Việt Nam
Tất nhiên tôi không dại gì đi so sánh nền văn minh nhân loại hay nói gọn hơn là sự chăm sóc người dân giữa Mỹ và Việt Nam. Đây chỉ là câu chuyện nhỏ.
Tôi nhớ có lần nói chuyện qua điện thoại với ông bạn ở Virginia, ông hỏi tôi hồi này cuộc sống thế nào. Tôi thành thật trả lời ngay “bây giờ tôi già rồi, từ ngày tôi bị CA sờ gáy, chuyện cơm ăn áo mặc hằng ngày đã có ông chủ báo ở Úc cũng là bạn cùng làm báo và là đồng đội từ những ngày xa xưa lo cho từ A đến Z đến khi tôi chết hoặc ông ấy ra đi. Tôi chỉ còn lo mỗi chuyện khi phải vào bệnh viện. Bắt buộc phải có một khoản tiền để sẵn, ở đây vào bệnh viện không có tiền chỉ có nước nằm đầu hè chờ chết.”
Ông bạn tôi kể chuyện ở Mỹ, vào bệnh viện là “nó” lo cho rất kỹ, có khi còn lo hơn cả điều mình mong muốn. Bởi “nó” tính tiền cho nhà nước Mẽo trả chứ tụi tôi đâu có mất xu nào.
Tôi kể tiếp rằng tôi không mua bảo hiểm, và cũng căn dặn người nhà rất kỹ dù gần chết cũng không đưa tôi vào bệnh viện công. Vì có mua bảo hiểm cũng như không, còn gặp nhiều phiền toái. Cụ thể như bà Thụy Vũ, có thẻ bảo hiểm nhưng đến khi về Sài Gòn chữa bệnh không dám đưa thẻ bảo hiểm ra vì thứ nhất phải chờ dài người mới được khám, thứ hai là uống loại thuốc rẻ tiền, còn lâu mơi hết bệnh. Đấy là chưa nói đến những chuyện khác, như máy móc thuộc loại hàng giả, hàng “đểu”, tay nghề kém, nên có nhiều bệnh nhân khám không ra bệnh hoặc đi hai ba bệnh viện đều cho kết quả khác nhau. Một vấn đề nhức nhối hơn đó là y đức của một số không nhỏ bác sĩ tại Việt Nam. Tôi không nói là tất cả các bác sĩ Việt Nam đều kém y đức, vẫn còn có những “lương y như từ mẫu” như tôi đã tường thuật trong bài “Buồn Vui ở Bệnh Viện” ngày 11 tháng 5 năm 2012, nhưng một số không ít những bác sĩ và y tá đã “nhiễm” cái thói quen có phong bì thì săn sóc đến nơi đến chốn, còn không phong bì thì à ơ ví dầu cho xong chuyện. Mời bạn đọc vài “chuyện vặt” sau đây để hiểu rõ những gì đã và đang xảy ra với các bệnh viện ở Việt Nam. Tôi chỉ nêu 3 vấn đề chính:
– Máy xịn của Mỹ, Nhật trùm mền, xài máy TQ trôi nổi
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa có kết luận các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế và công tác dược đối với Bệnh viện huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Theo đó có hàng loạt sai phạm tại bệnh viện này, như không dùng máy được Nhà nước trang bị mà sử dụng máy trôi nổi, “đã qua sử dụng” của Trung Quốc; giao cho người không đủ điều kiện bán thuốc gây nghiện, thả nổi việc quản lý dược…
Theo kết luận, tháng 5/2012, Bệnh viện Đa khoa Xuân Lộc được trang bị, đưa vào sử dụng máy xét nghiệm 2000i do Nhật sản xuất. Hai tháng trước khi đưa máy vào sử dụng, Công ty Nguyễn Tùng (đơn vị cung cấp máy) trúng thầu cung cấp hóa chất xét nghiệm dùng cho máy này. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ sử dụng máy ba tháng rồi ngưng với lý do đưa ra là bệnh viện không có hóa chất.
Với lý do “không có hóa chất” nên không xài máy “nhà nước”, Sở Y tế chỉ rõ: Trước khi máy hoạt động, đơn vị cung cấp máy đã trúng thầu hóa chất sử dụng cho máy. Năm 2013, Công ty Kỹ thuật thiết bị y tế Tân Hồng Bảo trúng thầu hóa chất xét nghiệm, cũng có hóa chất sử dụng cho máy trên. Cuối năm 2013, khoa Dược của bệnh viện xuất hóa chất xét nghiệm cho chiếc máy (trị giá gần 52 triệu đồng). Vì vậy, bệnh viện cho rằng không có hóa chất nên không sử dụng máy là không hợp lý.
Cũng năm 2012, bệnh viện được trang bị một máy xét nghiệm tự động XL 640 do Nhật sản xuất và máy hoạt động bình thường. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến tháng 10/2014, bệnh viện không sử dụng cũng với lý do… không có hóa chất. Trong khi loại hóa chất sử dụng cho máy thì bệnh viện vẫn mua!
Tương tự, năm 2007 phòng sinh hóa của bệnh viện được cấp một máy xét nghiệm do Mỹ sản xuất nhưng đến năm 2012 thì cho đắp chiếu với lý do chuyển sang sử dụng máy tự động.
Đối với thiết bị hệ thống tán sỏi ngoài cơ thể bị “trùm mền” từ tháng 11/2012 đến nay, máy do Sở Y tế làm chủ dự án cung cấp cho bệnh viện trong khi bệnh viện chưa có phòng bảo đảm đủ điều kiện về an toàn bức xạ nên phải để tạm ở chân cầu thang.
Ngoài ra, bộ phẫu thuật nội soi mũi xoang được bệnh viện mua về từ năm 2007 nhưng sử dụng không hiệu quả vì trước khi mua sắm, bệnh viện chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật cho viên chức bệnh viện, chưa thực hiện đúng công năng của thiết bị nên hiệu quả phục vụ điều trị chưa cao. Nói thẳng ra là các viên chức này chưa biết cách sử dụng máy, nên… nhắm mắt làm liều để kiếm tiền của người bệnh.
– Bio-Rad của Mỹ hối lộ 2.2 triệu Mỹ kim cho các quan chức chính phủ Việt Nam
Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và Bộ Tư pháp nước này, Bio-Rad là nhà cung cấp các thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế nổi tiếng tại Mỹ, đã thừa nhận đã hối lộ 7,5 triệu Mỹ kim cho quan chức y tế các nước Nga, Thái Lan và cả Việt Nam. Số tiền để bôi trơn tại Việt Nam được cho là 2,3 triệu Mỹ kim và đổi lại họ có được doanh số đạt hơn 23 triệu Mỹ kim.
Hồ sơ điều tra từ năm 2005- 2009, Bio-Rad Văn phòng tại Việt Nam có hàng loạt hợp đồng bán thiết bị với giá mỗi hợp đồng từ 100 nghìn đến 200 Mỹ kim và mỗi hợp đồng có được họ phải chi “hoa hồng” khoảng 20 nghìn Mỹ kim.
Sự việc bị phát lộ khi Giám đốc Bio-Rad Singapore nhận thấy đại diện Văn phòng tại Việt Nam đã đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức kinh doanh bị cấm của Bio-Rad nhưng theo tờ BBC, đại diện của Bio-Rad tại Việt Nam cho rằng “nếu không bôi trơn họ sẽ mất trên 80% doanh số”.
Được biết Văn phòng Bio-Rad tại Việt Nam đưa số tiền 2,2 triệu Mỹ kim thông qua một đơn vị trung gian để hối lộ lại cho các quan chức bệnh viện. Vụ việc sẽ làm sáng tỏ khi Bộ Công An Việt Nam vào cuộc.
– Nhiều hình thức hối lộ tinh vi trong lĩnh vực y tế
Tài trợ tiền, mời bác sĩ dự hội thảo quốc tế, hoa hồng qua hóa đơn… những cách hối lộ trong lĩnh vực y tế được Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên nêu ra trong cuộc phỏng vấn sáng 6/11.
Ông Tiên nói: Năm ngoái, Trung Quốc đã xử phạt một công ty của Mỹ mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ mà họ chấp nhận chịu phạt. Còn trường hợp này ở ta (Việt Nam), hiện nay phải xác định là họ hoạt động trong lĩnh vực nào: thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm hối lộ 2.2 triệu USD, có lẽ còn quá nhỏ.
Thực tế nhiều năm nay, chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là chuyện phổ biến. Đây là một vấn đề rất lớn. Ở các nước như Mỹ thì họ kiểm soát ngay từ các công ty, xem danh sách chi hoa hồng, chi cho những ai, do đó mới phát hiện được. Ta cũng muốn kiểm soát nhưng rất khó. Tôi mong là qua đợt này, chúng ta sẽ phát hiện được xem ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.
Họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo, cộng vào là có thể thành mấy triệu đô la. Ví dụ, hãng tài trợ cho mấy trăm bác sĩ đi dự hội thảo, mỗi người vài nghìn đô la cộng lại đã thành một khoản lớn. Hình thức hối lộ rất khó, vấn đề phát hiện ra như thế nào. Nhiều nơi có tình trạng chủ yếu trả hoa hồng qua đơn thuốc rất tinh vi.
Tôi nghĩ là những công bố của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy sẽ khó với chúng ta. Nhưng đây cũng là một dịp tốt cho Việt Nam tìm cách đưa giá thuốc, giá trang thiết bị y tế về giá thực mà không bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát.
Tôi rất muốn Quốc hội ban hành luật Đấu thầu, trong đó có mục riêng cho đấu thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế để kiểm soát. Nhưng cũng rất vất vả vì thực tế này tồn tại ở nhiều nước.
Có hàng mấy chục công ty nước ngoài đầu tư trang thiết bị y tế và bán thuốc ở Việt Nam. Chỗ nào cũng có hoa hồng, vấn đề là làm thế nào để phát hiện được, rất khó.
Ở đây là vấn đề y đức, sự tự giác, quản lý của cơ quan cán bộ, bác sĩ đó.
Ví dụ mời đi hội thảo, ta không phát hiện được. Họ có cơ chế trả hoa hồng rất tinh vi, không qua tài khoản, ngân hàng…
Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan đã phá đường dây chuyên nhập khẩu thiết bị y tế quá đát của Công ty Kỹ thuật Thiết bị Y tế Bảo Trân (Công ty Bảo Trân, ở số 19, 180/2, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội). Theo kết quả giám định ban đầu, toàn bộ số thiết bị y tế nhập khẩu gồm máy soi dạ dày, máy scan phim X-quang và các phụ kiện đi kèm của có xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico đã bị thải ra do không còn giá trị sử dụng. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Tốn hàng tỉ đô đi nước ngoài chữa bệnh
Chỉ cần nhìn qua vài sự kiện trên, bạn còn thể tin tưởng gì vào những thiết bị y tế để khám chữa bệnh của bệnh viện tại Việt Nam được không? Vì thế, bạn đọc hiểu rõ hơn tại sao tôi căn dặn người nhà có chết cũng không đưa tôi vào bệnh viện công. Còn một số lớn các “đại gia, đại quan” cứ mắc bệnh là đi Singapore, đi Mỹ chữa bệnh. Mỗi năm chảy ra nước ngoài hàng tỉ đồng chứ không ít.
Theo thống kê, hiện cả nước Việt Nam có khoảng 170 bệnh viện tư nhân với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng (chưa kể hệ thống bệnh viện công xuống tới cấp huyện). Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Việt Nam, hằng năm người Việt vẫn đem hơn 2 tỉ Mỹ kim ra nước ngoài chữa bệnh.
Có những câu chuyện khiến ngay cả người vai vế trong xã hội cũng phát khóc khi phải chịu đựng lối ứng xử hống hách của một số bác sĩ tại bệnh viện của giới nhà giàu. Không ít bệnh viện gắn sao được xây to, trang bị hiện đại, nhưng cung cách ứng xử vẫn hống hách, coi thường bệnh nhân.
Dài cổ chờ mua thuốc ở bệnh viện
Gần xế chiều, các nhà thuốc tại các bệnh viện ở Sài Gòn vẫn đông nghịt bệnh nhân chờ đợi. Nhiều người ở tỉnh xa trót hẹn xe đến đón buộc phải dời lại giờ, số khác ngại mất thời gian đã chấp nhận ra ngoài mua.
Nguyên nhân gây quá tải ở nhà thuốc là do quá tải ở bệnh viện dẫn đến người mua thuốc nhiều. Trong khi đó mỗi bệnh viện chỉ có một nhà thuốc.
Nhà thuốc ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, dù không phải là ngày đầu tuần, số bệnh nhân đến khám không quá đông, nhưng đến gần 11 giờ vẫn ngập người ngồi đợi.
Khu vực cấp thuốc được bảo hiểm y tế, có khoảng 100 người ngồi chờ đến lượt. Khu bán thuốc cạnh đó cũng đông người chờ. Cảnh chờ đợi mua thuốc kéo dài gần đến xế chiều mới vơi dần.
Chờ mệt mỏi, nhiều bệnh nhân bỏ bảo hiểm khám dịch vụ
Người dân xếp hàng dài đợi chờ, mệt mỏi với các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều người đành bỏ bảo hiểm sang khám dịch vụ, khiến khu dịch vụ của các bệnh viện đông lại càng đông. Gần nửa tháng áp dụng luật Bảo hiểm y tế, tình hình quá tải tại các bệnh viện tuyến trên không những vẫn tiếp diễn, mà phía người bệnh còn chật vật hơn khi đi khám chữa bệnh.
Đông nhất là Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, người đến khám bệnh được bảo hiểm y tế chen nhau chật kín quầy tiếp đón. Bác Trịnh Văn Quân, trú tại quận Hoàng Mai, than thở: “Đi bệnh viện thời nay mà như đi xếp hàng thời bao cấp vậy, chờ đợi sốt ruột vẫn chưa đến lượt mình. Càng ngày tôi càng phải chờ đợi lâu hơn”.
Sự đông đúc này khiến nhiều người đành phải bỏ Bảo hiểm y tế để khám dịch vụ. Do đó, tại khu khám dịch vụ của các bệnh viện, số bệnh nhân rất đông.
Còn ở Sài Gòn, tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Chợ Rẫy, hai đơn vị thí điểm được Bộ Y tế Việt Nam chọn để thực hiện việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế cũng vẫn có nhiều bệnh nhân phải than phiền vì chờ đợi.
Đến đây, bạn đọc lại có thể thông cảm với người dân Việt về nỗi khổ của cái bảo hiểm y tế và nỗi sợ hãi thế nào khi phải vào bệnh viện công ở Việt Nam.
Đề tài này còn khá dài, tôi sẽ có dịp tường thuật với bạn đọc vào một kỳ báo sau.
Văn Quang
09/01/2015
vq 01194
vq 01191
vq 01192
vq 01193

Thời đại này tâm thần hết rồi

Trong bài trước tôi đã tường thuật cùng bạn đọc những cảnh điển hình cho các kiểu chiếm nhà, cướp đất của các quan to, quan nhỏ. Kỳ này tôi tường thuật tiếp một thủ đoạn khác tàn nhẫn trắng trợn hơn để cướp đất của dân. Câu chuyện sau đây chứng tỏ việc cướp đất diễn ra trong thời nay vô cùng trắng trợn và nói theo ngôn ngữ của người bình dân là “đểu quá trời”.
Tống đại gia vào bệnh viện tâm thần để chiếm đoạt tài sản
Ngày 22/4/2007, anh Tuấn đang ngồi làm việc trong văn phòng thì bất ngờ thấy ông Võ Minh Hiển (cán bộ Công an quận 5) và Võ Minh Cử (cán bộ Công an quận 6) cùng một số dân phòng do ông Hiển phụ trách ập vào. Lúc này có ông Mai Văn Cương (Phó Bí thư Huyện ủy Đức Hòa) đang ngồi cùng anh Tuấn. Ngay lập tức, nhóm người do ông Hiển chỉ huy vật trói anh Tuấn bằng dây điện, bịt miệng bằng băng keo và đưa lên xe hơi chở đi bệnh viện tâm thần.
Sau khi tống anh Tuấn vào bệnh viện, các tủ sắt trong nhà anh Tuấn bị đập phá, toàn bộ hồ sơ giấy tờ bị bà Hoa lấy đi. Bà Hoa tiếp quản Công ty Hoàng Gia, sau đó chỉ thị cho ông Nguyễn Văn Dành (trợ lý của ông Châu) giả mạo chữ ký của anh Tuấn, để chuyển toàn bộ tài sản của anh Tuấn sang tên ông Châu. Sau đó, ông Dành tiếp tục giả mạo chữ ký của ông Châu để chuyển hết tài sản sang tên bà Hoa.
Trong thời gian anh Tuấn bị “nhốt” trong bệnh viện tâm thần, ông Tô Quang Thịnh (bạn thân ông Châu) đến thăm và tìm cách đưa anh ra ngoài. Sau khi thoát khỏi bệnh viện, anh Tuấn sợ bị giết nên trốn về quê ở Tiền Giang và làm đơn kêu cứu. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn phải sống khổ sở, vì các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết xong.
Anh Tuấn không hề bị tâm thần
Khi nhận được đơn tố cáo của anh Tuấn, nhiều cơ quan hết sức ngạc nhiên, vì sao hồ sơ vụ án rõ ràng như thế, nhưng anh Tuấn vẫn phải sống “vất vưởng” nhìn khối tài sản khổng lồ của mình nằm trong tay người khác, còn cơ quan chức năng thì… đủng đỉnh điều tra.
Cụ thể, ngày 28/7/2013, thượng tá Hồ Văn Phước – Trưởng Công an huyện Đức Hòa – ký Quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần số 393 đối với anh Võ Minh Tuấn – là bị hại trong vụ “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 244/PYTT-PVPN ngày 21/8/2013 của Viện Giám định Pháp y Tâm thần T.Ư Phân viện phía Nam, về y học: Trước, trong, sau khi bị hại và hiện nay đương sự không có bệnh tâm thần; về pháp luật: Tại thời điểm bị hại và hiện nay, đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Tương tự, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 22/8/2013 cũng cho thấy, tất cả các chữ ký và chữ viết mang tên “Võ Minh Tuấn” trong hồ sơ chuyển nhượng tài sản cho ông Võ Minh Châu đều do ông Nguyễn Văn Dành ký. Ngoài ra, khi giám định chữ ký của ông Võ Minh Châu trong “hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” cho bà Bùi Thị Kim Hoa được công chứng tại Phòng Công chứng Minh Thư (thị trấn Đức Hòa), Phòng kỹ thuật hình sự cũng kết luận không phải chữ ký của ông Châu.
Người dân lo sợ sau vụ án
Với những chứng cứ rất rõ ràng cho thấy đây là vụ án hình sự, thì Công an huyện Đức Hòa lại làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Tòa án huyện Đức Hòa để xử theo hướng tranh chấp dân sự.
Ngày 27/10, Thẩm phán Đỗ Bình An của Tòa án huyện Đức Hòa cho biết: “Bước đầu, ông Nguyễn Văn Dành đã thừa nhận giả mạo chữ ký. Tôi không hiểu sao công an lại không khởi tố vụ án, mà lại chuyển sang tòa”.
Đến nay anh Tuấn vẫn sống vất vưởng khốn đốn và cứ dài cổ chờ và chờ. Coi chừng anh bị “cho đi mò tôm” lúc nào không biết.
Thưa bạn đọc, đây là kiểu ăn cướp tàn bạo chỉ có thể xảy ra trong thời đại này, khiến người dân không hiểu có pháp luật hay không nữa, hay có cũng như không, đúng như kiểu bìa cuốn sách hướng dẫn về luật lại có anh hề Công Lý chỉ mặc quần lót, ở trần, hai tay cầm hai cán cân, đứng trên một quả cầu lửa, ý muốn nói “công lý chỉ là tên một diễn viên hài”.
Đang ngồi trong nhà bỗng dưng bị mấy ông công an và dân phòng xông vào trói lại đưa luôn vào bệnh viện tâm thần thì không còn cách nào chống đỡ nổi. Và, cũng không hiểu tại sao bệnh viện tâm thần cứ thản nhiên nhận một người bình thường vào “giam giữ” ở trong đó? Chắc lại được đại gia hoặc quan chức nào gửi gấm “cứ giữ chặt thằng đó cho tao”. Đến nay các cơ quan giám định đều xác nhận anh Tuấn không hề bị tâm thần, trái lại còn hết sức tỉnh táo.
Vậy bệnh viện tâm thần giữ anh Tuấn có lỗi không? Rồi các cơ quan điều tra cứ đủng đỉnh để mặc cho anh Tuấn nằm đói rách có phải là một hành động dung túng hay đồng lõa với kẻ gian ác vu cáo anh Tuấn không. Đến bao giờ vụ án này mới được đưa sang tòa án xét xử và xét xử như thế nào lại là một câu hỏi của người dân, không chỉ ở Đức Hòa mà là của hầu hết người dân thấp cổ bé miệng đang sống trên đất nước này. Bởi họ sợ một ngày “xấu trời” nào đó chính mình hoặc chú bác, con em mình cũng bị tóm ngang xương, bịt miệng, đưa vào bệnh viện tâm thần.
Người dân cay đắng nói với nhau: Đúng là cái thời đại này tâm thần hết rồi!
Một chuyện khác của tòa án cũng lại đang gây bất bình trong dư luận. Đó là một luật sư chuyên biện hộ cho những người nghèo khó bị đề nghị tước giấy phép hành nghề.
Vụ năm công an đánh chết người ở Phú Yên: công an, tòa, viện đòi ‘xử’ luật sư
Ngày 4/12, ông Huỳnh Công Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, cho biết cơ quan này đã nhận văn bản của liên ngành Công an, Viện Kiểm Sát (VKS) và Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Tuy Hòa đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với luật sư Võ An Đôn. Luật sư Đôn là người bảo vệ cho gia đình anh Lê Thanh Kiều, người bị năm công an Phú Yên đánh chết. Công văn này gửi cùng lúc cho Sở Tư Pháp và Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên.
- Lý lẽ của liên ngành đứng đầu luật pháp
Công văn nêu: “Trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dùng nhục hình diễn ra từ ngày 26/3 đến 3/4, luật sư Đôn đã lợi dụng việc hành nghề luật sư để có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính”.
Theo đó, sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế. Trong đó, luật sư Đôn cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án. Luật sư Đôn đưa ra nhiều quan điểm trái pháp luật, nhận định, bình luận không đúng với chức năng xã hội nghề nghiệp của luật sư khi hành nghề.
Công văn cho rằng luật sư Đôn đã “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”. Theo đó, luật sư Đôn đã vi phạm các điểm g, i Khoản 1 Điều 9 Luật.
Từ đó liên ngành công an, VKS và tòa án đề nghị Luật Sư Đoàn, Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên kịp thời kiểm tra, xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật đối với luật sư Võ An Đôn vì đã vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp.
– Phản ứng của giới luật sư
Ngay sau khi có công văn này, dư luận lập tức sôi nổi, phản ứng gay gắt về sự “quy chụp” tội lên đầu một vị luật sư bỏ tiền túi bênh vực người nghèo. Nhiều người dân cho rằng đây là một vụ trả thù luật sư.
– “Xúc phạm ai, xúc phạm cái gì?”
Luật sư Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên, cho biết Ban Chủ nhiệm đoàn sẽ họp để xem xét kiến nghị trên có cơ sở hay không.
Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, ba cơ quan kiến nghị trên đều liên quan đến các đề nghị của luật sư Đôn tại phiên tòa xét xử vụ năm công an Phú Yên đánh chết người. Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Đôn nhiều lần đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an thành phố Tuy Hòa. Tại phiên phúc thẩm, luật sư Đôn còn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Luật sư Nguyễn Khả Thành: “Trong quá trình tham gia tố tụng, luật sư có quyền đề nghị khởi tố người có dấu hiệu phạm tội. Qua theo dõi vụ án, tôi thấy việc luật sư Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Lê Minh Chánh là có cơ sở, đúng pháp luật. Đến nay một số đề nghị của luật sư Đôn đã được đáp ứng, điển hình là ông Hoàn đã bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng theo luật sư Nguyễn Khả Thành, văn bản kiến nghị của ba cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa cho rằng luật sư Đôn xúc phạm người khác nhưng không nói xúc phạm ai, xúc phạm như thế nào, không chứng minh được thiệt hại. “Nếu muốn nói xúc phạm ai thì phải chứng minh được thiệt hại, sau đó bản thân người bị xúc phạm khởi kiện ra tòa dân sự. Đến nay tôi chưa thấy ai kiện luật sư Đôn. Tôi cũng chưa nghe luật sư Đôn có lời lẽ nào gọi là thiếu văn hóa. Ngược lại, tôi thấy có rất nhiều comment ủng hộ luật sư Đôn.”
– “Có lý do gì đâu mà thu hồi”
Ông Lê Tiến Dũng, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, khẳng định không có căn cứ để thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với luật sư Đôn. Theo ông Dũng, văn bản kiến nghị cho rằng luật sư Đôn vi phạm về phát ngôn thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý (nếu có vi phạm) của Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên chứ không phải của Sở Tư pháp.
“Họ yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhưng có lý do gì đâu mà tước! Còn Luật Sư Đoàn cũng không có thẩm quyền tước giấy phép hành nghề luật sư được. Nếu luật sư vi phạm hai, ba lần thì Luật Sư Đoàn đề nghị lên Liên đoàn Luật sư chứ họ không có thẩm quyền. Họ có vi phạm thì mới thu hồi chứ không có vi phạm mà thu hồi thì họ kiện anh đến nơi chứ đâu có đơn giản,” ông Dũng nói.
Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cung cấp các tài liệu, chứng cứ để xem xét theo quy định. Sau khi có tài liệu, chứng cứ thì sẽ giao cho Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật xác minh theo quy trình để xem xét luật sư Đôn có vi phạm hay không rồi đề xuất, sau đó Ban Chủ nhiệm sẽ xem xét. Tuy nhiên, hiện nay họ chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ gì hết”.
Luật sư Võ An Đôn cùng gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa sơ thẩm
Luật sư Võ An Đôn cùng gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa sơ thẩm

Luật sư Võ An Đôn: Đó là sự quy chụp!
Luật sư Đôn đã trả lời báo chí: Tôi rất bất ngờ và bất bình trước bản kiến nghị bởi lời lẽ mang tính quy chụp, không đúng sự thật. Văn bản nói rằng tôi xúc phạm những người tham gia tố tụng nhưng tôi không hề xúc phạm ai.
Trong tranh luận ở tòa sơ thẩm, tôi có đề nghị ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên lúc đó, phải từ chức vì tôi cho rằng ông này phải chịu một phần trách nhiệm trước sai phạm của cấp dưới. Đó là đề xuất chứ tôi không hề xúc phạm ai. Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh và điều này đúng pháp luật. Thực tế, ở cấp sơ thẩm, ông Chánh không truy tố ông Hoàn nên phải đến khi điều tra lại mới khởi tố.
Từ trước đến nay tôi chưa hề có bài viết nào, tôi cũng không chơi Facebook, chưa bao giờ tham gia một diễn đàn nào ở trong và ngoài nước…
– Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết: Hiện chúng tôi cũng đã biết sự việc này và lãnh đạo Liên đoàn đã yêu cầu Ủy ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật rà soát lại. Hiện nay việc hành nghề luật sư còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Liên đoàn LS Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên của mình và đồng thời tôn trọng ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Liên quan đến sự việc của luật sư Võ An Đôn, chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra xem luật sư Đôn có phát ngôn xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và các lãnh đạo khác hay không. Sau đó chúng tôi sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, điều lệ của Luật Sư Đoàn để xem hành vi của luật sư Đôn có sai phạm như kiến nghị của các cơ quan tố tụng Tuy Hòa hay không. Trên cơ sở đó Liên đoàn sẽ có biện pháp xử lý thích hợp.
- Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Tổng Biên tập tạp chí Luật Sư: Quan trọng là có “xử” được không!
Tôi nghĩ việc kiến nghị trên cũng là bình thường. Vấn đề là có chứng cứ để xử lý được không mới là quan trọng.
Trước đây trong vụ án “vườn điều”, liên ngành tố tụng tỉnh Bình Thuận cũng từng có văn bản kiến nghị khởi tố một luật sư thuộc Luật Sư Đoàn TP Hà Nội. Nhưng kiến nghị ấy không có kết quả vì luật sư đó không vi phạm gì. Đến vụ Epco-Minh Phụng, liên ngành tố tụng cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm một luật sư thuộc Luật Sư Đoàn TP Sài Gòn, nhưng cũng không có cơ sở. Trong vụ này, người kiến nghị phải có nghĩa vụ chứng minh những sai phạm của luật sư Đôn (nếu có). Quy chế hoạt động nghề luật sư cũng quy định rõ luật sư có quyền khiếu nại quyết định xử lý (nếu bị xử lý) và vẫn có cấp cao hơn để xem xét lại.
– Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Luật Sư Đoàn tỉnh Khánh Hòa: Có thể nói, với vụ án “năm công an Phú Yên đánh chết người”, luật sư Đôn đã thể hiện đầy đủ lương tâm, trách nhiệm của luật sư. Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình bị hại, luật sư Đôn đã hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần và không sợ bất kỳ áp lực nào để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, với kết quả cơ bản đạt được, dư luận xã hội và giới luật sư đánh giá rất cao vai trò của luật sư Đôn.
Nếu có giải thưởng tôn vinh Luật sư bản lĩnh của năm 2014, chẳng hạn “luật sư có cống hiến cho cộng đồng, vì công lý, công bằng”, tôi sẽ đề cử luật sư Võ An Đôn.
Người dân nói gì?
Vụ năm công an ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đánh chết anh Ngô Thanh Kiều bản thân nó đã là một “điểm nóng” vì dư luận rất sôi nổi, người đứng đầu nhà nước cũng yêu cầu phải xử lý đúng người, đúng tội vì các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa làm không đúng, gây phẫn nộ cho người dân.
Nay các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa lại đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ cho gia đình bị hại thì có khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”?
Cho đến giờ, người ta cũng không hiểu vì sao hành vi tra tấn anh Ngô Thanh Kiều đến chết lại chỉ bị xét xử về tội “dùng nhục hình” mà không bị xét xử về tội giết người? Phải chăng vẫn còn có sự bao che, cả nể. Trong khi đó, đã từ lâu Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn dùng nhục hình mà dẫn đến chết người thì phải xử về tội giết người. Tòa án cả nước đều xử như vậy, chỉ có ở Tuy Hòa (Phú Yên) là một mình một kiểu.
Cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa cho rằng luật sư Đôn có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác. Vậy lời lẽ đó là gì, xúc phạm như thế nào? Những “đồng chí lãnh đạo” đương nhiệm ở Tuy Hòa là ai? Và việc chứng minh này thuộc nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng Tuy Hòa chứ không phải nghĩa vụ của Sở Tư pháp, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hay của Luật Sư Đoàn tỉnh Phú Yên.
Nếu chỉ một vài câu nói của luật sư tại phiên tòa đề nghị khởi tố ông này, ông kia, thì đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của luật sư bảo vệ người bị hại. Trừ khi luật sư Đôn chỉ vào mặt HĐXX hay kiểm sát viên mà chửi thề, thóa mạ… chứ quy chụp khơi khơi rất khó thuyết phục.
Với bản đề nghị thiếu căn cứ của các cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa, dư luận có dịp nêu băn khoăn: Phải chăng đây là sự “trả đũa” luật sư? Hiếm có một luật sư nào “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như ông Đôn. Ông là vị cứu tinh của người dân nghèo thấp cổ bé miệng Việt Nam thường bị bọn lạm quyền hà hiếp trắng trợn mà không biết kêu ai. Đòn trả thù này đang làm người dân càng thêm lo sợ vào luật pháp rơi vào tay những người dùng quyền hành ngồi xổm trên luật pháp. Chưa biết vụ trả thù này mang lại kết quả như thế nào, nhưng kết quả đầu tiên chính là niềm tin vào luật pháp càng thêm bị xói mòn.
Văn Quang
15/12/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét