Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

12 tuổi đi buôn đồng nát nuôi 3 con người

Đắng lòng chuyện cô bé lớp 6 nhặt đồng nát nuôi bố và hai em


Câu chuyện về cô bé nhỏ thó 12 tuổi hằng ngày đạp xe rong ruổi khắp các đường làng ngõ xóm huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) để nhặt, thu gom đồng nát kiếm tiền về nuôi bố và hai em nhỏ, khiến nhiều người biết đến đều thương cảm...
Bố đau ốm quanh năm, chị gái đầu bị mù, hai em sau thơ dại, trong khi người đàn bà của gia đình là mẹ em lại bỏ nhà theo người đàn ông khác, hơn hai năm nay, cô bé lớp 6 ấy bất đắc dĩ trở thành trụ cột chính trong nhà.
Tuy nhiên, khi có thời gian chuyện trò với những người trong cuộc, tôi lại thấy ở họ có một nỗi đau sâu kín lớn hơn những khó khăn vật chất.
12 tuổi đi buôn đồng nát nuôi 3 con người
Cũng rất vô tình, người viết gặp cô bé gầy gò, nhưng có đôi mắt biết cười ấy tại một điểm thu mua phế liệu gần cầu Nầm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Vất vả bê hai bao tải hàng cồng kềnh đặt xuống đất, cô lau những giọt mồ hôi chảy trong tiết trời tháng 1.
Sau khi bán cho chủ thu mua ở đây xong, em lại leo lên chiếc xe cà tàng đạp về. Hình ảnh cô bé nhỏ dần trong trời chiều miền núi, khiến tôi tò mò, thương cảm.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hòa, chủ thu mua phế liệu, cho biết, cô bé đó có gia cảnh rất đặc biệt.
Bố bị đau ốm quanh năm, nay không làm được việc nặng, chị gái đầu bị mù lòa, hai em sau đang nhỏ, mẹ thì bỏ đi theo người đàn ông khác, thế nên cô bé này phải đi thu gom phế liệu để kiếm tiền nuôi cả nhà.
Hỏi ra được biết đó là em Nguyễn Thị Hải Yến (SN 2002), con của anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1970) và chị Lê Thị Thủy (SN 1972), trú tại xóm 2, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn.
Năm nay, Yến đang là học sinh lớp 6, trường THCS Hồ Tùng Mậu. Ngoài buổi đến lớp, em tranh thủ thời gian quán xuyến gia đình, chăm các em và đi gom nhặt ve chai, đồng nát để kiếm tiền mua thức ăn, trả các phí chi tiêu sinh hoạt của gia đình.
Anh Nguyễn Việt Dũng và cháu Nguyễn Thị Hải Yến sống dựa vào nhau.
Anh Nguyễn Việt Dũng và cháu Nguyễn Thị Hải Yến sống dựa vào nhau.
Gia đình thuộc diện nghèo khó nhất nhì xã Sơn Bình, nên sau khi sinh cô con gái út vào năm 2010, chị Lê Thị Thủy bỏ đi, để lại cho anh Dũng 4 đứa con nheo nhóc, tật nguyền. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Cũng từ hai năm lại nay, sức khỏe anh Dũng yếu hẳn, sản xuất ngoài đồng thiếu người chăm sóc, cấy hái nên thu về chẳng được là bao. Thương bố và các chị em, Yến đi nhặt và thu mua đồng nát, kiếm tiền đỡ đần gia đình.
“Hồi đó cháu thấy có mấy dì (cô) đi thu mua phế liệu bán, kiếm được tiền nên cũng quyết định đạp xe đi nhặt rồi về bán lại cho dì Hòa, chủ cơ sở thu mua phế liệu ở gần cầu Nầm. Sau đó, cháu mạnh dạn đi thu mua như mấy dì.
Ban đầu, cháu cũng ngại với các bạn cùng lớp lắm! Nhưng nghĩ đến việc có tiền để giúp đỡ bố, cháu chẳng thấy nề hà gì nữa. Mỗi ngày như thế cháu cũng kiếm được xấp xỉ 50 nghìn.
Có hôm gặp được các dì, các bác thương cho gói mì chính, mì tôm, có khi thì cho luôn đồ ve chai, phế liệu không lấy tiền”, Yến cho biết.
Hai năm qua, hình ảnh cô bé có dáng người gầy gò, nhỏ thó gồng mình lên đạp những vòng xe cọc cạch, đi qua hết đường làng, ngõ xóm huyện Hương Sơn hỏi thu mua phế liệu, hoặc lầm lũi bên những đống rác khều khều, nhặt nhặt đã không còn lạ với người dân nơi đây.
Nhiều người khi thấy cô bé, đã lẳng lặng đi nhặt những thứ ve chai, giấy loại bán được đưa cho đứa nhỏ. Có người thương quá cho gói mì tôm, gói bánh hay ít tiền lẻ. Nhờ thế, Yến cũng kiếm được ít tiền, đồ ăn về cho gia đình.
Yến lại chuẩn bị lên đường đi thu gom đồng nát, phế liệu để kiếm tiền về nuôi bố và các em.
Yến lại chuẩn bị lên đường đi thu gom đồng nát, phế liệu để kiếm tiền về nuôi bố và các em.
Thời tiết miền Trung khắc nghiệt, vậy mà chỉ cần không phải đến trường là em lại tranh thủ lên đường đi thu mua phế liệu. “Có mấy bữa nắng nóng như thiêu như đốt, đạp được lúc là thấy mệt, khát nước phải mẹp vào bên đường nghỉ rồi mới đi được.
Nhiều hôm cháu đạp bở hơi tai mà gom bán được có 30 nghìn. Nhưng có bữa trời mưa lại thu mua được nhiều, phấn khởi chất thành hai bao tải to buộc yên sau.
Đạp được lúc, gặp đường trơn ngã nhào cả người lẫn xe, bẩn hết quần áo”, cô học sinh lớp 6 này chia sẻ những “tai nạn nghề nghiệp” của mình.
Nhìn Hải Yến, trong tôi trào lên những thương cảm khó nói. Ở tuổi em, nhiều cô cậu học sinh vẫn đang được nâng niu trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, hoặc giả cũng chỉ phải lo ăn và học.
Vậy mà em đã có hai năm bươn bả với “nghề” thu gom đồng nát, ve chai, sau lưng là nỗi lo toan bữa cơm cho bố và các chị em.
Nỗi đau sâu kín nơi lòng người ở lại
Gia đình anh Dũng vốn có thâm niên hộ nghèo của xã Sơn Bình bao năm nay. Hai vợ chồng anh Dũng, chị Thủy lấy nhau về cũng phải chật vật bươn bả để kiếm sống qua ngày.
Hồi vợ ở nhà chăm các con, quán xuyến ruộng đồng, anh Dũng tranh thủ ra phố xin làm nghề phụ hồ.
Năm 2011, chị này bàn với chồng để mình vào Nam hái cà phê kiếm tiền gửi về nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, một thời gian sau, mấy bố con anh Dũng nhận được hung tin, chị này đã bỏ đi cùng người đàn ông khác.
Ở quê nhà, anh Dũng choáng váng, bức xúc sinh ra chán nản. Buồn phiền chuyện vợ bỏ đi, anh sinh ra đau ốm thường xuyên, sức khỏe vì thế mà giảm hẳn, không còn làm được việc nặng. Lúc chúng tôi ghé nhà, anh đang kéo cày ngoài đồng.
Người đàn ông ho lụ khụ, đi những bước liêu xiêu trên đồng ruộng, khi nghe nhắc đến vợ, bỗng dưng buông lời trách móc người phụ bạc rồi bật khóc nức nở. Con trâu – thứ đầu cơ nghiệp, tài sản có giá trị nhất của gia đình cũng đang bị què.
Nhìn bóng dáng của cả hai đổ một cách khó nhọc trên đồng chiều, sao trắc ẩn lòng người. Có một nỗi đau nào đó thường trực trong lòng người đàn ông ấy.
Gia đình anh Dũng có 4 người con, cô con gái đầu Nguyễn Thị Ngân (SN 1997) không may sinh ra đã bị mù bẩm sinh.
Do hoàn cảnh khó khăn, em cũng phải ra đời bươn bả sớm. Nhờ gặp người tốt, Ngân được giới thiệu cho công việc ở một trung tâm mát - xa người mù tại thành phố Hà Tĩnh.
Giờ ở nhà, ngoài bố và Yến còn có hai em nhỏ, đứa út mới 4 tuổi, bắt đầu đi học lớp mầm. Mẹ bỏ đi, bố đau ốm, cô bé lớp 6 này còn phải đảm đương cả công việc của một người mẹ trong nhà, chăm sóc, tắm rửa, vỗ về em.
“Nhiều hôm, út khóc đòi mẹ, em sợ bố mắng, phải bồng út ra đầu ngõ dỗ dành. Những lúc như thế, em giận mẹ lắm. Nếu mẹ ở nhà với bố con em, chắc em cũng không phải đi buôn đồng nát đâu chị nhỉ?”, câu hỏi của cô bé khiến sống mũi tôi cay.
Nếu người mẹ ấy đọc được những lời này từ đứa con sớm phải ra đời mưu sinh vì suy nghĩ bồng bột của mình, liệu chị ấy có biết đường tìm về?
Một góc bếp của gia đình anh Dũng.
Cách đây mấy năm, gia đình anh Dũng được Dự án xóa nhà tranh tre dột nát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ và cho vay một số tiền để dựng lên căn nhà thay cho “túp lều chị Dậu” cũ.
Tuy nhiên, hơn chục năm qua, kể từ khi hoàn thiện xong nhà, trong đó cũng chẳng có đồ vật gì đáng giá, ngay chiếc ti vi cũng là của một người bác cho mượn.
Trong căn bếp tuềnh toàng, lộng gió, ngổn ngang cành cây khô để làm củi và quần áo cũ bà con cho, vật dụng để nấu ăn của mấy bố con chẳng có gì. Ngày mưa thì giột từ trong giột ra.
Khi chúng tôi chuẩn bị ra xe để về thì cũng là lúc Yến buộc bao tải, ít đồ dùng nhặt rác sau chiếc xe đạp cà tàng để lên đường mưu sinh.
Nhìn bóng em liêu xiêu, lặng lẽ bên những âm thanh lọc cọc phát ra từ chiếc xe đạp trên đường làng, đi ngược với nhóm học sinh mặc đồng phục cười nói rôm rả. Nét buồn phảng phất trên gương mặt cô bé, không hiểu có người mẹ nào đã từng nghĩ tới.
Về trường hợp em Nguyễn Thị Hải Yến (học sinh lớp 6), thầy Nguyễn Trọng Kỳ, Hiệu trưởng trường THCS Hồ Tùng Mậu cho biết:
“Yến là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. Tuy em mới vào học tại đây được một năm, nhưng nhà trường cũng rất quan tâm đến học sinh này.
Thỉnh thoảng chúng tôi cũng hay gom góp nội bộ cho em quần áo, sách vở. Gia đình em thuộc hộ nghèo của xã, nên em được miễn giảm các khoản đóng góp theo quy định Nhà nước.
Tết đến, nhà trường cũng dự kiến có hỗ trợ cho em cũng như các học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét