Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Đền Mê Linh

tcn 321

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân.
Mấy câu trong bài học thuộc lòng lớp ba, ai đã học qua, khó mà quên, bởi nó nhắc nhở một sự kiện lịch sử đặc biệt của nước nhà: Hai Bà Trưng chống quân Nam Hán.
Chuyến đi năm nay tôi dự trù dành vài ngày để về Vĩnh Phúc tìm Di chỉ Văn Hóa Đồng Đậu, Mê Linh đất Châu Phong: quê hai Bà Trưng, Lãnh tụ VNQDĐ: Nguyễn Thái Học, danh tướng nhà Trần: Trần Nguyên Hãn… những nhân vật lớn của lịch sử, những nơi chốn nổi bật của văn hóa nước nhà.
Vĩnh Phúc ngày trước gồm hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, một trong những tỉnh nổi tiếng “Địa linh nhân kiệt”. Về địa danh, nhất là tên tỉnh, thành phố, qua biến động lịch sử đã bị thay đổi hoặc sát nhập nhiều địa phương vào một, đặc biệt trong thời đại HCM. Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần thay tên đổi họ các địa danh, tên đường. Nhiều tỉnh nhập vào một thời gian lại tách ra. Đây là một cố gắng đổi mới nhưng thấy bất lợi, lại trở về như cũ. Sự thay đổi địa danh gây khó khăn không ít cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà. Với lớp trẻ sinh sau 75 lại càng nhiều rối rắm nhầm lẫn khi phải tra cứu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Riêng Vĩnh Phúc giữ nguyên tên từ năm 1954, sau khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ.
Hôm nay không hiểu sao xe máy không được phép qua cầu Thăng Long, phải chạy vòng dưới cầu. Tuy đường nối nhưng cũng rộng, xe cộ nhiều, nhà cửa đông đúc, lúc qua ngã ba một phố chợ, có đàn bò nằm ngay giữa đường nhai lại y như nằm trong chuồng, mặc xe cộ ngược xuôi. Năm trước trên đường đi Tha Đa Khoang Xanh, tôi cũng “chộp” được tấm ảnh hai mẹ con nhà trâu “tè” ngay giữa ngã ba đường. “Việt Nam là xứ tự do gấp triệu lần các nước khác”, lời nói của ai đó quả không sai. Chẳng riêng gì trâu bò mà con người cũng thoải mái rất nhiều trong đời sống. Có xứ sở nào được tự do vứt rác ra đường, đổ bất cứ gì xuống sông hồ, ăn uống ca hát bất luận giờ giấc và nơi chốn. Giao thông “đèn đỏ được quẹo trái, phải”. Bằng cấp rao bán trên internet, cờ bạc hàng dài trong công viên, trên hè phố, chỉ có ở Việt Nam. Thậm chí viết lách kiểu gì cũng không ai nói: “Duy tu đường biến thành sông, Một chuyến trở về ấn tượng” v.v…, nhan nhản trên các báo Việt Nam hôm nay. Một em bé bảy tuổi đã biết dùng những chữ của các “ông lớn”.
Trước khi đến Quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, thấy có đường lên Phúc Yên tôi rẽ theo, đi đường mới sẽ có nhiều cái hay hơn. Đường nội tỉnh nhỏ, nhiều đoạn hư hỏng, ít xe cộ, chạy xe máy tha hồ ngắm cảnh hai bên đường. Ruộng vườn miền Bắc được khai thác tối đa, bốn mùa đều có thứ trồng trọt, nên không ngạc nhiên khi thấy ớt cà rau cải, ngô khoai quây quần bên nhau. Gặp mấy luống mướp hoa trổ vàng, tôi lom khom chụp ảnh, bà già đang làm việc quay qua hỏi:
– Ông tìm gì thế?
– Tôi chụp ảnh mấy hoa mướp thôi.
– Hoa mướp đẹp đẽ gì mà chụp.
– Cũng lạ bác ạ.
Dù thời thế đã thay đổi nhiều, dân quê vẫn mộc mạc đơn giản trong cách sống cách suy nghĩ, chân chất không vẻ vời giả tạo… Thôn quê lúc nào cũng êm ả, trong lành hơn thành phố. Thỉnh thoảng cũng có quán hàng nhưng không có cảnh la cà nhậu nhẹt suốt ngày.
Bất chợt thấy đầu một lối rẽ vào làng có cổng xây hơi lạ, cổng trống, không xà ngang, không tên, 4 trụ có câu đối chữ Hán, hai bên xây bít tường, kẽ chữ đỏ.
Tường bên phải:
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Tường bên trái:
Phát huy truyền thống quê hương hai Bà Trưng, Đảng bộ nhân dân huyện Mê Linh quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương anh hùng.(1)
Lúc đi tôi dự tính lên thị xã Vĩnh Phúc rồi tìm đền Hai Bà, hóa ra tôi đã về đến đất Mê Linh, tôi chạy xe vào làng, quả nhiên cuối đường là đền thờ Hai Bà Trưng. Cổng vào khu vực Đền giống như cổng ngoài đầu làng, cũng bốn câu đối chữ Hán. Vào chừng trăm mét là tam quan ngoại, gồm 4 trụ xi măng giả đá, chia thành ba lối đi bỏ trống. Cửa chính rộng, hai cửa phụ hai bên hẹp, tất cả được khắc hoa văn công phu. Tôi ngạc nhiên ngày lễ sao căng toàn biểu ngữ của ngân hàng Vietin Bank. Hỏi ra mới biết nay là “ngày khai chuông”, do ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cúng dường.
Ngay cổng chính, trên căng biểu ngữ “Nhiệt liệt chào mừng quí đại biểu”, dưới mấy bà bán nhang chờ khách… cảnh chẳng ý nghĩa gì. Nhưng với tôi, ngẫu nhiên mà được việc!
Khuôn viên Đền khá rộng, qua một sân lát đá, giữa sân dựng tảng đá xanh cao như bức bình phong khắc “Lời Thề Của Hai Bà Trưng”, chữ màu son, nét sắc sảo chính xác như một bản đánh máy. Hai bên sân từ ngoài vào, mỗi bên có 9 tượng voi phục. Tam quan nội nghiêm chỉnh hơn. Giữa là ngôi nhà ngói kiểu tiền đường, cửa bàn khoa, hai bên có cửa phụ, thiết kế khá cân đối nhịp nhàng. Sau tam quan là khu nội điện rộng, gồm có Tam Tòa Chính Điện thờ Hai Bà, nhà thờ song thân Hai Bà, nhà thờ phụ mẫu ông Thi Sách, nhà thờ các nữ Tướng, nhà thờ các nam Tướng, nhà tả hữu vu… Ngoài ra còn hồ bán nguyệt, hai khu sân vườn, nay đã có gác chuông do Vietin Bank cống hiến.
Vào từng điện thờ, nơi nào cũng bày biện trang nghiêm sáng sủa, sơn son thiếp vàng, không như một vài nơi bị bỏ quên nhang tàn khói lạnh (như nhà thờ Nguyễn Biểu ở Đức Thọ). Tôi đang chụp ảnh thì có bác “thủ từ” ngang qua, tôi hỏi thăm.
– Xin lỗi bác trông coi Đền?
– Vâng, ông cần gì không?
– Bác cho hỏi thăm, khuôn viên Đền Hai Bà rộng bao nhiêu?
– Toàn khu 12,8 ha. 40 mẫu Bắc Bộ. Khu nội thành 4ha.
– Đền Hai Bà có từ năm nào, hầu hết công trình xây dựng có vẻ mới?
– Đền dựng từ đời nhà Đinh, nhưng đã được sửa sang tôn tạo nhiều lần. Đợt mới nhất vào năm 2004.
– Tôi thấy ngói lợp Đền không phải ngói vảy cá như các nơi?
– Toàn bộ mái ngói đều mới, ngói mũi hài do lò Thạch Bàn Cầu Đuống cung cấp. Riêng bộ khung chính điện bằng gỗ lim từ đời Lý vẫn còn nguyên. Những nhà khác tuy mới nhưng khung cũng gỗ lim.
– Thợ nơi nào về xây cất hả bác?
– Thợ nhiều nơi, nhưng phần đông thợ Bắc Ninh.
– Trong sách nói “Bà Trưng quê ở Châu Phong”, có phải là nơi này?
– Vâng, nhưng đấy là ngày xa xưa, Châu Phong là một vùng rộng lớn hơn quận huyện bây giờ. Đây đúng là nơi sinh ra Hai Bà, nay là thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội.
Cảm ơn bác thủ từ, tôi qua thăm các điện thờ chung quanh, tuy hương án thờ rất nghiêm trang nhưng khách thập phương vẫn có thói quen dắt bạc giấy lên tay tượng. Không hiểu sao người có trách nhiệm không thấy chuyện lố bịch này. Khách nước ngoài họ sẽ nghĩ sao? Thánh thần Việt Nam cũng tham nhũng hối lộ? Thật buồn cho 4000 năm văn hiến! (2)
Trong lúc tôi đi thăm các điện thờ thì trước sân nhà hữu vu nơi có tháp chuông, các vị tăng đang hành lễ. Thiện nam tín nữ hầu như toàn nhân viên ngân hàng, không thấy dân chúng quanh vùng đến dự. Tiếng các thầy tụng kinh nghe rất lạ, nghi thức tụng niệm ba miền khác nhau và theo tôi thì Tăng Ni miền Trung (Huế) có lối tụng lôi cuốn hơn cả. Tôi hài lòng đã tự mình “minh họa” bài học lúc còn thơ, và thấy rõ, người làm nên lịch sử thì tên tuổi uy danh ngày càng chói lọi, ngược lại những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, nhiên hậu cũng bị người đời mỉa mai.
Lễ khai chuông và khánh thành tháp chuông hoàn mãn, tiếng đại hồng chung ngân vang cả một vùng, như hướng tâm tư mọi người lui về thời kỳ Hai Bà chống giặc ngoại xâm, cách nay hơn hai nghìn năm.
Một điều tôi không hiểu, bên cạnh Tam Tòa Chánh Điện, có một nhà bia rất trang trọng: “Bia lưu niệm hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh”. Cổ kim hòa điệu như vậy có nên chăng! Tôi thấy điều gì đó rất khập khiểng, chẳng khác gì một bức tranh nhiều chất liệu chỏi nhau làm giá trị bị giảm đi… Không riêng gì văn hóa nghệ thuật, trong đời thường mọi thứ cũng nên giữ sự hài hòa không nên gượng ép. Nên tôn trọng và phân biệt sở hữu cá nhân và lịch sử của đất nước.
Trần Công Nhung
Bài và ảnh Trần Công Nhung

(1) Sự “kết hợp nhuần nhuyễn” của thông tin văn hóa không bỏ sót nơi nào, nhất là nơi có “cây cao bóng cả” là có khẩu hiệu. Theo tôi chẳng ích lợi gì trái lại còn mang tiếng kém văn minh”.
(2) Hầu hết Đền Chùa miền Bắc đều có hình ảnh này. Có người cho rằng đó là cò mồi để khách cho tiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét